Thầy Viên Minh có một bài thơ rất đơn sơ và nhẹ nhàng như một bức tranh của Sengai,
Kìa mây giăng trên núi!
A! xuống cho thầy hay,
Ơ! mà thầy đang ngủ,
Thôi cứ để mây bay
Thầy Viên Minh giải thích ý nghĩa của bài thơ ấy,
“Lúc đó thầy đang ở chùa Huyền Không Lăng Cô. Một hôm có người Phật tử ra thăm chùa khi thầy đang nghỉ trưa. Người Phật tử đó đi dạo quanh cảnh già lam rồi vào trà thất ngồi ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Có lẽ hôm ấy trời chuyển lạnh nên mây mù bắt đầu giăng trên núi. Hiện tượng trông rất huyền ảo này thu hút những khách tham quan từ thành phố lên, lúc thầy mới đến đây cũng vậy.
Người Phật tử thấy cảnh tượng quá tuyệt vời muốn xuống báo cho thầy lên xem, nhưng khi xuống thì thầy vẫn còn ngủ, lúc nhìn lại thì mây đã bay mất…
Khi thầy thức dậy người ấy kể lại giây phút kỳ diệu vừa qua. Thầy hiểu, và chợt đọc bốn câu thơ tặng người Phật tử ấy – một người đang có nhiều tâm sự đau buồn. Ý thầy muốn nhắn nhủ rằng dù đẹp hay xấu, khổ hay vui… cứ để mọi chuyện đến đi trong cuộc đời như mây bay trên đầu núi… rồi con sẽ thấy vạn pháp vẫn thật là mầu nhiệm.”
Bạn biết không, thật ra buông xả không có nghĩa là ta phải cố gắng làm một cái gì đó, mà buông xả là biết quay về trọn vẹn trong sáng với những buồn, vui nào đang có mặt. Và cứ để chúng đến đi tự nhiên như mây bay trên đầu núi. Rồi có thể một ngày nào đó mình sẽ thấy được rằng, tất cả bao giờ cũng đang thật là hoàn hảo, phải không bạn…
Nguyễn Duy Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét