Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014
RỒI CÓ 1 CHIỀU
... Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới Đức Phật tuyên bố sự giải thoát con người có thể đạt được do chính bản thân mình, trong đời sống của mình mà không cầnđến sự giúp đỡ của Thượng Đế hay thánh thần nào. Ngài nhấn mạnh về giáo lý như lòng tự tín, thanh tịnh, giác ngộ, nhã nhặn, an lạc và lòng thương yêu nhân loại, chúng sinh. Ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết của Trí Tuệ, vì không có Trí Tuệ
thì ánh sáng nội tâm đã không bừng lên trong đời sống của Ngài.
Giáo sư Eliot.
( Trích PG & Hindu)
Biết Sống Tùy Duyên
Tùy duyên là hoan hỷ chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại, tạm ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi nhân duyên thích hợp hội tụ. Nhiều khi chính thái độ ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi ấy lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác. Ta đừng quên khi một việc được thành tựu thì phải hội tụ hàng
triệu nhân duyên, nếu chỉ thiếu một duyên thì nó cũng có thể không tựu thành.
Nếu ta có hiểu biết sâu sắc hay từng trải nghiệm thì trong vài trường hợp ta có thể đoán biết được mình nên làm gì và không nên làm gì để cho nhân duyên tốt hội tụ đầy đủ trở lại và nhân duyên xấu sớm tan biến đi.
Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên, và nhân duyên xấu là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi và bất lợi cho ta. Có những duyên thuận với ta, nhưngnghịch với kẻ khác và ngược lại. Đó chỉ là nói trong phạm vi con người, trong khi nhân duyên luôn xảy ra với vạn vật trong khắp vũ trụ. Bản chất của nhân duyên thìkhông có thuận nghịch, tốt xấu. Nó chỉ hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể mà thôi. Ấy vậy mà thói quen của hầu hếtchúng ta khi đón nhận thuận duyên thì luôn cảm thấy sung sướng và rất muốn duy trì mãi nhân duyên ấy, còn khi gặp phải nghịch duyên thì luôn cảm thấy khó chịuvà tìm cách tránh né hay loại trừ.
Nhưng chưa hẳn thuận duyên sẽ đem lại giá trị hạnh phúc hay nghịch duyên sẽ mang tới khổ đau, bởi có khi nghịch duyên đưa tới sự trưởng thành, còn thuận duyên dễ khiến ta yếu đuối. Và nhiều khi thuận duyên ban đầu nhưng lại biến thành nghịch duyên sau này, có khi nghịch duyên bây giờ nhưng lại biến thành thuận duyên trong tương lai.
Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta.
Do đó, ta không cần phải khẩn trương thay đổi những nhân duyên mà mình không hài lòng, hay cố gắng tìm kiếm những nhân duyên mà mình mong đợi. Khi tâm ta đã vững chãi đủ để tạo ra những nhân duyên an lành thì những nhân duyên tương ứng sẽ tự động kết nối. Mà sự thật khi tìm được sức sống từ nơi chính mình rồi thì ta sẽ không còn coi là quan trọng những giá trị bên ngoài nữa. Nhân duyên nào cũng được cả, thong dong tự tại. Đức DaLaiLaMa có dạy: ''Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời.''
Bodhgaya Monk
Rồi Có Một Chiều
Rồi có một chiều khi nắng phai,
Vui, buồn, thương, ghét... những bi ai...
Ta cười thả gió nghìn tâm sự,
Luẩn quẩn niềm riêng chỉ mệt nhoài!
Rồi bỗng một ngày ta liễu tri,
Niềm chân hạnh phúc, biết cho đi.
Ngày mai nhỡ tiếng vô thường gọi,
Ta có mang theo được những gì?
Rồi chợt một lần ta nhận ra,
Trên đời mọi thứ sẽ phôi pha.
Không chi chắc thật và miên viễn,
Và dĩ nhiên ta... cũng đã già!
- Ta trả mây trời bao viễn mơ,
Của ngày tuổi trẻ đã xa mờ.
Của đêm quen sống trong hoài niệm,
Bỏ hiện tại gầy hao, xác xơ...
Ta đã cưu mang một kiếp người,
Một đời gom nhặt chẳng hề ngơi.
Trót quên, chớp mắt trần gian mộng!
Mà sống mê man cuộc khóc, cười.
Rồi bỗng một ngày ta hiểu ra,
Thân này đâu phải của riêng ta.
Mảnh Tâm cuồng vọng làm đau khổ,
Có nghĩa gì đâu để mặn mà.
... Rồi buổi sớm nào trên bến sông,
Tâm hồn ta chợt thấy mênh mông...
Lặng nghe trong cõi đời sâu thẳm,
Chẳng có chi ngoài lẽ Sắc, Không.
Thích Tánh Tuệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét