Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011
ƯU VÀ KHUYẾT
Vốn là phàm phu, không ai là không có những ưu và khuyết điểm. Có nhũng khuyết điểm tự mình thấy, có những khiếm khuyết phải nhờ người khác góp ý xây dựng mới tỏ tường.
Người cầu tiến luôn đón nhận mọi xây dựng của kẻ khác; người bảo thủ luôn che dấu, bảo vệ mọi tật xấu, thói hư của chính mình.
Người cầu tiến chấp nhận mọi xây dựng cho dù đó là bạn hay thù; Người bảo thủ phủ nhận lòng tốt của bất cứ ai, cho dù đó là thân tộc.
Người có sĩ diện là người biết tự trọng, người không biết sĩ diện là người thường tự ái vặt.
Người có sĩ diện không bao giờ để kẻ khác nhắc nhở; người không sĩ diện bất chấp kẻ khác than phiền.
Người nịnh bợ làm vừa lòng ta, nói theo ý ta là hại ta; người nói nghịch ý ta là giúp ta nhìn lại chính mình. Người ta nói đúng, là thầy mình, người nói sai là bạn mình, nếu họ có lòng tốt đối với ta.
Cho dù người châm chọc ta, cũng giúp ta biết dè chừng mọi hành động; người bộc trực với tâm tốt, ta cần mở lòng đón nhận , cho dù lòng đau.
Che dấu sự thật là người không có tàm quý. Người vạch cái xấu, cái khuyết của ta, có nghĩa là ta đã có cái tốt đang tiềm ẩn, chưa được phát hiện. Nếu người không thấy cái tốt của ta, có nghĩa cái tốt của ta ít hơn cái xấu đang có.
Người góp ý nhẹ nhàng đôi lúc chưa đủ sức làm cho ta cải thiện. Kẻ phê phán bộc trực, như nhát dao mổ đau, nhưng vết thương mau phục hồi. Vết thương che đậy, ngày càng ung mủ khó lành.
Đời luôn có hai mặt, có nhẹ nhàng phải có nặng nề; tính phản biện giúp ta thấy rõ bộ phận méo mó của chính ta. Phản ứng trước mọi phê phán có nghĩa “lạy ông con ở bụi nầy”. Nếu mình tốt thì không càn phải phản ứng. Nếu đã khiếm khuyết mà còn phản ứng có nghĩa ngoan cố bảo thủ.
Không muốn ai phanh phui khiếm khuyêt, chỉ muốn họ tán dương che đậy, đó là cách trốn chạy sự thật, tự mình dối mình; người nịnh bợ để được lòng kẻ khác là tự đánh mất nhân cách , tự trọng của mình, ngoại trừ khen thật lòng.
Không nên đòi hỏi mọi người làm vừa lòng mình vì mình không thích họ thẳng thắn phê phán . Chua cay ngọt đắng đều là hương vị cần phải có của cuộc sống, hãy mở lòng chấp nhận trong im lặng là thái độ khôn ngoan.
Tệ nạn, khiếm khuyết trong cuộc sống, ở đâu cũng có, cần cải sửa tệ nạn hơn là cần ngọt ngào để dung dưỡng tệ nạn. Phật giáo vốn vô ngã làm gì tồn tại tự ái để phản công. Im lặng trong phiền não cũng còn vi tế bản ngã.
Bậc chân tu mặc cho nắng mưa, bão táp, thuận gió xuôi buồm cứ việc tinh tấn hành sự theo đúng lương tri. Ưu và khuyết đời thường không là điều bận tâm của họ. Trong xôn xao đời thường,vẫn không ít những chân sư chìm sâu trong tĩnh lặng, làm nền tảng cho sự nhập cuộc của những ai mượn hoạt náo làm hành trang.
MINH MẪN
29/7/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét