Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011
PHẬT ĐẢN 2555 TRONG NƯỚC.
Mùa Phật Đản 2555 đã diễn ra trên quê hương tương đối đồng bộ tốt đẹp. Tuy nhiên, một vài địa phương không tránh khỏi những chướng ngại hoặc do chưa nắm vũng tinh thần chung hoặc do một vài chức sắc Phật giáo cấp quận huyện muốn thể hiện quyền lực của mình, gây khó cho nhau.
Thống nhất ngày kỷ niệm Khánh Đản cấp Thành phố và trung ương, đúng vào sáng rằm đều được tổ chức cho các đơn vị quận huyện quy tụ về điểm trung tâm, ngoài nghi thức hành chánh, tiến hành lễ nghi tôn giáo. Một vài địa phương cấp huyện nặng về hành chánh và hình thức nên làm loãng ý nghĩa tâm linh đáng có của Đại lễ.
Hình thức.- Hầu hêt 80% đều thể hiện được sự hưng phấn qua hình thức tổ chức. Từ xe hoa đến lễ đài, nói lên quyết tâm của Tăng tín đồ dành cho ngày vui của đấng cha lành; hẳn nhiên với cuộc sống còn hạn chế khi vật giá leo thang, điều kiện vật chất thể hiện sự nghèo nàn không tránh khỏi. Có những xe hoa của các quận huyện không che dấu được những vật liệu cũ của những năm trước đã hoen màu. Thậm chí một số đoàn sinh GĐPT chưa có bộ đồng phục tươm tất để vui mừng mùa sen. Các ông bà cụ xúng xính trong chiếc áo tràng màu khói hương đã bạc màu năm tháng của miền Trung nước Việt. Những Phật tử miền cao chưa gọt sạch vết đỏ đất bùn cao nguyên, vẫn hí hửng chen nhau khấn vái. Phần lớn các chùa đều tổ chức cơm chay và văn nghệ cho quần chúng tham dự. Một vài lá cờ ngũ sắc phần phật trước gió và mưa lâm thâm trên những căn nhà lẻ loi trong các nương rẫy cà phê nơi vùng sâu để cùng chia xẻ niềm vui với đông đảo quần chúng đang dự lễ tại Khải Đoan, Daklak. Miền Trung và cao nguyên Trung phần đều chào đón mùa Khánh đản tương đối đồng bộ, do hệ thống tổ chức của Phật giáo được duy trì khá lâu, thời chấn hưng Phật giáo từ thập niên 1930. Riêng Thừa Thiên đủ uy lực thể hiện sức sống của một Phật giáo từng có mặt với dân tộc, có thể đại diện cho tầm vóc Phật Giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại.
Các tỉnh phia Bắc cũng bắt đầu khởi sắc, tuy chưa như các tỉnh phia Nam, nhưng thể hiện sự trổi dậy của quần chúng Phật tử với đức tin truyền thống từ lâu bị lãng quên hoặc chưa có điều kiện phát triển. Từ Quảng Bình trở ra các tỉnh giáp biên Hà Nội, phần lớn quần chúng chưa quen với những sinh hoạt thuần túy của Đạo Phật, nên việc thể hiện những ngày đại lễ như thế vần còn giới hạn, hoặc phô trương quá tầm mức của tôn giáo.
Các tỉnh phía Nam từ Sài gòn đến miền Tây và miền Đông Nam bộ cũng trăm hoa đua nở. Rất tiếc hai quận ven TP HCM như quận 7 và quận 8 chưa được phát huy tinh thần đón mừng đản sanh, do Ban Đại Diện thụ động và hạn chế việc treo cờ, lồng đèn và biểu ngữ. Ngoài ra, tất cả đều rộ nở mùa Đản sanh. Ngay cả công viên Quách Thị Trang tại chợ Bến Thành cũng phất phới năm màu Đạo kỳ. Một số thanh niên hồ hởi tháp tùng theo các xe hoa tại các quận huyện ngoại ô TP, tỏ ra phấn kích la lối, rú ga làm giảm sự trang nghiêm của đoàn xe diễu hành.
Tại Hà Nội, lễ được tổ chức tại cung văn hóa Hữu Nghị Việt Sô. Một số đoạn đường trong TP có chùa cổ cũng được giăng đèn cờ và biểu ngữ tạo cho Thủ đô có một sắc diện mới.
Nội dung.- Hình thức được như thế để quần chúng biết ngày Khánh Đản đã về trên quê hương. Còn vấn đề ý nghĩa của ngày lễ đối với tinh thần Phật tử thì sao? Sau ngày Phật Đản là mùa An cư của chư Tăng Ni. Tại sao trước tuần Đản sinh, Phật giáo không tổ chức các khóa tu cho Phật tử để dọn mình có một tâm hồn thanh thoát chào đón đấng Thiên Nhân chi Đạo sư? Hiện nay, cái bệnh chung của Phật giáo là nặng về hình thức. Có cần phải xây dựng thêm chùa trong khi vô số cơ sở không có tu sĩ chăm sóc? Các ngôi danh lam có tầm cở như Bái Đính phía Bắc hay Đại Nam Bình Dương đã đành, còn vô số ngôi chùa đang tạo mới mà tầm vóc lẫn nghệ thuật kiến trúc không cần thiết cho xã hội ta hiện nay. Nhất là cuộc sống người dân còn khó khăn,việc phô trương như thế là một lãng phí. Đành rằng một số chùa đóng góp từ thiện như xây nhà tình thương, ngôi nhà an lạc, cứu trợ…Đó chỉ là mặt nổi trong một giai đoạn tạm thời, thay vì tạo công ăn việc làm cho quần chúng, dạy nghề và những việc mang tính căn bản lâu dài.
Trong việc hoằng pháp là quan trọng, thế mà Phật giáo vẫn chưa có kế hoạch thích hợp với hiện trạng xã hội. Cứ theo lối mòn truyền thống, thầy giảng mặc thầy, người nghe hiều hay không mặc người nghe. Mùa Phật Đản, một số nơi có diễn giảng, nhưng chung chung thì quần chúng chẳng tiếp thu được là bao. Ngoài lối giảng công cộng như thế, đáng ra các chùa nên mở lớp giáo lý phổ thông để tín đồ nắm được yếu lý của đạo Phật, họ sẽ tham dự lễ với một tâm thái an hòa và ý nghĩa hơn. Các tỉnh miền trung phía Bắc ít chùa, nên tổ chức mỗi tháng hai lần có các buổi giảng pháp hơn là tái thiết các cơ sở bị tàn phá trước đây. Khi quần chúng hiều đạo thì các cơ sở tự nhiên sẽ được xây dựng và được bảo vệ vững vàng, mê tín dồng bóng vàng mã cũng tiêu diệt, đỡ tiêu tốn một khoản phí vô ích như thế. Lúc bấy giờ thực sự Phật giáo sống và tồn tại cùng dân tộc.
Ý nghĩa mùa Đản sanh vẫn chưa tác động sâu sắc đến với người con Phật. Họ chỉ đi chùa như truyền thống mà tự thân chưa có một chuyển biến tâm linh, vì chưa nắm được mấu chốt pháp môn tu. Đáng ra mùa sen nở là dịp nhắc nhở người con Phật trở về với nội tâm, tự tánh để hoàn thiện chính mình và đóng góp hữu ích cho cuộc sống chung quanh. Một số tín đồ vẫn chưa duy trì được chay tịnh cho mùa lễ mà đáng ra nên trường trai của người ngoan đạo. Quý thầy vẫn chưa khích lệ Phật tử tinh nghiêm trong mùa Khánh Đản, chưa tinh tấn đúng mức để mình là ngôi chùa tự thân đúng nghĩa đón mừng Đức Như Lai.
Tóm lại, qua sự phấn khởi của mùa Khánh Đản 2555 về hình thức, cần bổ sung thêm những cần thiết để những mùa nầy năm sau được nhiều ý nghĩa hơn:
- Chuẩn bị tâm linh cho quần chúng qua những khóa tu tập và học hỏi giáo lý hàng tuần.
- Thường xuyên tổ chức các buổi giảng công cộng , phổ thông cho quần chúng thuộc cảm tình viên với đạo Phật.
- Hãy chú hướng vào tâm linh nhiều hơn thì hình thức tổ chức mới toát hiện nét trầm lắng sâu sắc, ngày lễ mới có sức thu hút và giá trị.
- Chú trọng đến những thành phần bất hạnh trong xã hội, đem lại an ủi cho họ trong mùa Phật Đản.
- Hình thức tổ chức nên đơn giản nhưng đầy nghệ thuật. Không rườm rà tốn kém vô ích. Thậm chí màu mè lòe loẹt thể hiện trình độ không tương xứng với ngày lễ.
- Để quần chúng hưởng ứng một cách nhẹ nhàng, không tạo sự khó chịu cho những người khác bằng những âm thanh ồn ào của buổi lễ cũng như nhạc lễ suốt tuần.
- Giáo hội cần phổ biến thống nhất về việc giăng cờ đèn và những hình thức nghinh đón đại lễ đến các cấp GH tránh tình trạng như BĐD PG Q.8 TP HCM tự động hạn chế.
- Xe hoa là một trong những sinh hoạt tất yếu của Phật Đản, Giáo hội không thể để trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vừa rồi xầy ra ở Hốc Môn và ngay cả tại TP phải tất tả trong vòng 24g mới được tiến hành.
- Phật Đản là một trong những lễ thường niên, chỉ thông báo kế hoạch và lộ trình, địa điểm cho chính quyền trong vòng 30 ngày mà không cần phải xin phép.
- Hai khu vực chính như Hà nội và Sài gòn, cần có địa điểm cố định, rộng thoáng để hành lễ mà không phải vay mượn địa điểm như hiện nay. Giáo hội và nhà nước nêm tìm một lối thoát qua 36 năm vẫn tồn tại cho Phật Giáo.
Tôn giáo không chỉ là tổ chức mang tính quần chúng, còn là một nền tảng giáo dục tâm linh, xây dựng văn hoá cho xã hội , một xã hội nhân bản, vì thế Phật giáo còn có trọng trách như một linh hồn dân tộc để đất nước lấy làm căn bản hòa nhập với cộng đồng thế giới mà không bị loãng phai đặc tính của tổ tiên. Có lẽ 2555 là mùa sen nở khởi sự cho nhiều tốt đẹp những năm tiếp theo đối với Phật giáo và dân tộc.
MINH MẪN
18/5/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét