Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010
HỘI THẢO KHOA HỌC:VĂN HỌC, PHẬT GIÁO VỚI 1.000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI
Sáng 28/8/2010, tại Phương Nam resort đã diễn ra Hội Thảo Khoa Học về chủ đề Văn học , Phật giáo nhân kỷ niệm chào mừng 1.000 năm Thăng Long Hà Nội vào tháng 10 sắp tới.
Đây là cuộc hội thảo được hai cơ quan chức năng phối hợp: HỘI NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY VĂN HỌC TP.HỒ CHÍ MINH và HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI TP HỒ CHÍ MINH, đồng tổ chức; chính vì thế mà trưởng Ban tổ chức danh dự gồm có:
- HT.TS.Thích Trí Quảng, phó chủ tịch Hội Đồng trị Sự GHPGVN
- GS, Hoàng Như Mai, chủ Tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM.
Gần 500 đại biểu, khách mời và các quan chức Thành phố cũng như địa phương đều có mặt; nhiều GS từ phía Bắc và miền Trung cũng như GS Nguyễn Huệ Chi, Lê Cung và nhiều Tiến sĩ, GS, học giả, nhà Nghiên cứu cùng báo đài. Đặc biệt, có mặt của ông Bùi Hữu Dược, vụ trưởng Vụ Phật Giáo thuộc BTG chính phủ bay từ Hà Nội vào từ chiều hôm trước.
Phương Nam resort tọa lạc trên vuông đất 3.000m2, cách ngã tư Bình Phước hơn 1km, thuộc địa phận Bình Dương. Năm ngoái, cũng tại nơi đây đã diễn ra cuộc hội thảo về Phật giáo và doanh nghiệp; Một địa thế yên tĩnh, mang nét thiên nhiên và phảng phất hồn dân dã. Vào đây như lọt hẳn vào cảnh giới xa lạ mà không quá 50m, bên ngoài luôn nhộn nhịp bon chen của một xã hội đang tràn đầy sức sống!
Bình Dương, cách Sài gòn hơn 20km, không những là một vùng đất trù phú của doanh nghiệp, sung mãn về kinh tế, đất chiêu hiền đãi sĩ, chính vì thế mà Bình Dương phát triển nhanh so với các tỉnh thành trong cả nước.Tuy nhiên, văn hóa và tôn giáo của Bình Dương cũng đơm hoa khởi sắc, nhất là Bình Dương thủ đắc một Đại Nam Lạc cảnh, vừa có sắc thái tôn giáo, vừa lưu dấu nét hào khí của Lạc Hồng, lại dung chứa một sắc màu giải trí lành mạnh; Nơi đây, cũng từng diễn ra nhiều lễ hội Phật giáo được sự yểm trợ tối đa của chủ nhân;
Chính vì thế, cuộc Hội Thảo Khoa Học về Văn Hóa, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, đã được chọn Bình Dương làm điểm tập kết các GS Tiến sĩ, nhà nghiên cứu, học giả, báo chí, văn nhân trí thức làm một cuộc tiền hội nghị về chủ đề liên quan đến Phật giáo và Văn học để đón mừng 1.000 năm Thăng Long sắp tới. Ngàn Năm Thăng Long là một lễ hội tri ân Tiền hiền liệt tổ có công xây dựng đất nước, được chuẩn bị và đầu tư gần 100 tỷ đồng VN. Ngày 27/7/2010 GHPGVN cũng đã tổ chức tuần lễ văn hóa Phật Giáo hướng đến đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long; Trước đây cũng từng có những hội trại, những tuần văn hóa, và 26/8 vừa qua, gần 50 gian hàng ẩm thực chay diễn ra tại công viên 23/9 TP HCM, mang chủ đề “vì Sức Khỏe và môi Trường” nhân mùa Vu Lan và đón mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long do các doanh nghiệp tổ chức; Trong số gian hàng chay, có shop của Đồng đạo PGHH chuyên cung cấp bánh xèo miễn phí cho tất cả các thực khách suốt 3 ngày liền.
Càng đến gần lễ Hội, các sinh hoạt càng nhộn nhịp. và nếu mọi người dân có quyền tự tổ chức, có lẽ còn nhiều hình thức sinh hoạt hướng về Thăng Long mà Tiền nhân đã để lại một trang sử hào hùng sáng chói cho sử Việt, con cháu chúng ta có quyền tự hào và đang được thừa hưởng!
*
* *
Hơn 70 bản tham luận được đưa vào kỷ yếu 840 trang, bìa cứng, màu sắc làm nổi bậc chủ đề tăng thêm giá trị của cuốn sách. Trong buổi Báo cáo được chia làm 2 tiểu Ban: Tiểu ban 1: Phật giáo và 1.000 năm Thăng Long. Tiểu Ban 2: văn học và 1.000 năm Thăng Long. Mỗi tiểu ban đều có ba báo cáo tiêu biểu. Sau mỗi báo cáo, cử tọa đặt vấn đề khá khúc chiết và sôi nổi. Trong 8 tiếng sinh hoạt nghiêm túc, tuy chưa thỏa mãn nội dung Hội Thảo, nhưng các thuyết trình viên và những chất vấn đưa ra nhiều vấn đề làm sáng tỏ thêm sử liệu. Ví dụ phó GS TS Nguyễn Công Lý nêu nghi vấn về những biểu tượng Phật giáo một số vùng phía Bắc những chứng tích có thể Phật giáo du nhập vào VN vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên mà các nhà khảo cổ cần làm rõ, cũng như một diễn giả giải thích Đồ Thành Thăng Long được xây dựng theo hướng Dịch Lý…Cứ thế mà còn nhiều sáng kiến làm phong phú thêm chủ đề cuộc hội thảo. Rất tiếc thời gian có hạn.
Có tham dự mới thấy năng lực làm việc của Ban Tổ chức thật năng động, ví dụ tập kỷ yếu ấn hành trong vòng hai tuần. Tuy nhân sự trong BTC phối hợp từ hai cơ quan, nhưng thực tế quý Tăng ni trẻ đảm đương hầu hết phần lớn công việc, chính vì thế không tránh khỏi những sơ suất nhỏ về mặt biên tập. Một diễn văn của một chức sắc Phật giáo đã nêu:…”Đến đời vua Tự Đức thì Việt Nam bị thực dân Pháp đặt ách đô hộ, chính quyền Pháp đã du nhập đạo Công giáo vào Việt Nam, dùng đạo nầy như một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc cai trị nước ta. Kể từ đó, với nhiều biến động của thời cuộc đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của Phật giáo…”Đáng ra trong cuộc hội thảo khoa học như thế, cần tìm ra hướng đi cho Phật giáo và văn học đất nước trong thời kỳ hội nhập, quá khứ nên xếp lại, nếu là bài học cho cháu con thì chỉ là bài học của lịch sử. Bảo rằng vì những lý do đó mà ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của Phật giáo thì ta nên xét lại khả năng quyền biến, uyển chuyển và thích nghi của Phật giáo hơn là đổ lỗi cho ngoại cảnh. Vấn đề nêu ra đi chệch nội dung hội thảo mà còn nói lên tính bất khả của chính Phật giáo trong thời đại đó; chưa nói đến thời đại Hội nhập ngày nay, những từ như thực dân, đế quốc, kẻ thù…không còn giá trị trong cạnh tranh kinh tế, thương trường và khoa học kỷ thuật khi mà đất nước đang làm bạn với năm châu. Ngôn ngữ của thời chiến chỉ có giá trị trong thời chiến, chúng ta không thể vừa bắt tay, vừa mắng mỏ theo kiểu văn hóa chợ trời. Và ngôn ngữ tôn giáo, nhất là đạo Phật càng phải mang tính ái ngữ. Cho dù bài diễn văn do thuộc cấp soạn, ít ra cũng phải xem lại trước khi đọc giữa những nhà trí thức hiện diện, và đó lại là diễn văn khai mạc!!!
Tuy là một sai sót nhỏ, nhưng cũng tạo sự khó chịu giữa hàng trăm con người có trái tim và khối óc đang dành cho lễ hội Thăng Long Ngàn năm mà Phật giáo là một biểu tượng đẹp, một ân nhân của một dân tộc suốt 400 năm thanh bình độc lập.
Trên khuôn mặt của hàng trăm đại biểu như còn tiếc nuối một cuộc thảo luận về “văn học và Phật giáo” chưa được thấu triệt, cũng có nghĩa tiềm ẩn một hứa hẹn cho nhiều cuộc hội thảo về sau mà giữa Phật giáo và dân tộc luôn được kết nối với giòng văn hóa muôn màu.
Trời chiều nặng hạt, mưa rơi nhiều, làm mát dịu những giờ phút căng thẳng của những chủ đề mà chưa được lột tả hết; các đại biểu che chung một cái dù, đi chung một chuyến xe như từng che chung một mái nhà tổ tiên, đi chung một chuyến xe vận mạng của dân tộc, để rồi, trong cơn mưa gió lạnh, các đại biểu thấm thía nỗi lòng của những người con yêu nước thương nòi giữa giông tố luôn rình rập quê hương, khi chia tay nhau mà lòng vẫn gắn kết với sứ mạng của nhà truyền thụ kiến thức, nhà nghiên cứu Việt sử, nhà mô phạm Tâm linh, luôn dành cho hậu thế một mãnh đất nguyên vẹn mà cha ông đã gìn giữ.
Một ngàn năm Thăng Long vẫn là một ngàn năm lịch sử, thế hệ con em có được tiếp thu những thông tin mà cha ông để lại? Kết thúc buổi Hội Thảo, HT T. Giác Toàn thay mặt BTC đạo đạt những nguyện vọng tha thiết lên chính phủ, để tri ân các đấng tiên vương và nhà thiết kế Vương triều vĩ đại mà dân tộc ta đã hãnh diện 1.000 năm Thăng Long!!!
MINH MẪN
28/8/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét