Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010
KHÓA TU MÙA HÈ CHÙA HOẰNG PHÁP – HỐC MÔN
Khóa tu mùa Hè dành cho Thanh thiếu niên tuổi từ 13 đến 25, lần thứ 6 tại chùa Hoằng Pháp, Hốc môn, chưa đến ngày chính thức nhận đăng ký mà đã phải khóa sổ, vì quá tải!
Trước một tuần đã có lắm em đến không phải để đăng ký nữa, vì số đăng ký khóa một đã chấm dứt từ lâu, khóa hai cách khóa một một tuần, sau tết cũng đã hết chỗ; Thời gian quy định đăng ký là 20/5/2010, nhưng mới vào đầu năm đã vượt con số 3.000 em. Bốn gia đình thuê xe 16 chỗ, đưa con từ phía Bắc vào xin được đăng ký, văn phòng đưa ra danh sách dư thừa sau hai khóa trên 1700 em. Số nầy sẽ được ưu tiên cho khóa tu lần thứ bảy vào năm 2011. Dự định hai khóa thu nhận 6.000 em, mỗi khóa 3.000; nhưng một số em ở các tỉnh xa xôi cố năn nỉ chùa, không muốn ôm thất vọng trở về, ban tổ chức một lần nữa lại bị động trước số lượng và lòng nhiệt thành của các em quá mức dự liệu, vì thế có thể tăng mỗi khóa thêm 500 em nữa.
Thầy Trụ trì tâm sự: muốn khóa tu thu đạt kết quả tốt, chùa không dám nhận nhiều, sợ lo không xuể. Năm đầu tiên 2005 có 300 em, qua năm thứ hai tăng 700, năm thứ ba 1.600, khóa thứ tư 3.000; năm vừa rồi 6.000 hơn, và năm nay trên 7.000. Nếu chùa nhận thoải mái có thể trên 10.000 em sẳn sàng tham dự. Như vậy cứ mỗi năm số lượng khóa sinh đều tăng gấp đôi. Điều nầy nói lên sự uy tín của chùa Hoằng Pháp và kết quả đạt được qua một tuần tu tập của tuổi trẻ; Anh Thành, phụ huynh của em Luân bộc lộ:Tuy chúng tôi ở mãi miền Trung, phải mang cháu vào xin chùa giáo dục, vì cháu có nhiều tật xấu như ích kỷ, tham lam, trây lười; năm vừa rồi sau khi tham dự khóa tu, cháu về thay đổi rất nhiều; Roi vọt không thay đổi được cháu mà quý thầy đã giúp cháu nên người, chúng tôi cũng như những gia đình có con em tham dự khóa tu đều biết ơn nhà chùa rất nhiều.
Hỏi đến chi phí cho mỗi khóa tu như thế, không ai đủ khả năng trả lời chính xác. Tính trung bình mỗi cháu ăn một ngày 20.000đ ( giá tối thiểu) x 3.500 em sẽ = 70.000.000đ và số lượng Phật tử công quả cho riêng khóa tu cũng trên dưới 100 vị. Nếu mỗi ngày trên dưới 100 triệu thì một tuần hết 700 triệu. hai khóa gần một tỷ rưỡi. Tính toán theo kinh tế, sau hai tuần lễ tốn một tỷ rưỡi để được 7.000 em nên người, vẫn rẻ hơn nuôi lớn một người con ngoài 20 tuổi chưa chắc đã hiền thiện!
Các trại hè khắp nơi tổ chức thiên về giải trí, giao lưu, thi vấn đáp giáo lý, kết quả sau khi về lại, cũng chỉ tồn đọng một ít kỷ niệm và tình cảm với nhà chùa mà không chuyển hóa được nhiều về nội tâm như một khóa tu, mà chi phí cũng tốn kém không ít.
Tuổi trẻ sống theo tập quán xã hội, ăn nói đi đứng tự do nghinh ngang, thế mà chịu tự nguyện ghép vào khuôn khổ tu tập suốt một tuần trong chùa kể cũng lạ! Một trong những quy định của khóa tu, khóa sinh không được xử dụng Điện thoại di động, không hút thuốc, áo quần nghiêm túc kín đáo, không nhuộm tóc, đi đứng ăn nói nhỏ nhẹ, không ra khỏi chùa…
Có những em háo hức được tham gia thì cũng không ít em, tới giờ phút chót lại bị giao động, nhớ nhà, xin trở về. Quý thầy phải tiếp xúc từng em, lắng nghe và giải bày khuyên nhủ; Quý thầy tại chùa Hoằng Pháp đã qua những lớp tâm lý giáo dục chăng, khi mà ánh mắt, nụ cười và cách tiếp chuyện với thanh thiếu niên cứ như bạn bè trang lứa, tạo cho các em không có cảm giác cách biệt. Ngay cả những vị công quả, tập sự, đẩy xe thức ăn ra mời khách có mặt trong sân chùa, hoặc thức ăn dư, đem ra cho quần chúng trong xóm, cũng nói năng rất ư từ tốn dịu dàng. Phải nói hiện nay, chùa Hoằng Pháp đã tạo được niềm tin và duy trì niềm tin cho quần chúng khá thành công, trong khi đó, một số nơi cũng từng nổi tiếng vài năm rồi lại tai tiếng không ít bởi việc hành xử không chân chính.
Hy vọng mỗi tỉnh thành sẽ có những khóa tu như vậy để quần chúng khỏi phải đi lại quá tốn kém, mất thời gian, đồng thời, chùa Hoằng Pháp giảm bớt áp lực vì luôn bị động trước lòng nhiệt thành của các em và các phụ huynh.
Những khóa hè hữu ích như thế đã biểu hiện sự thích nghi với xã hội mà Phật giáo Việt Nam đang chuyển hướng đóng góp trên nhiều mặt: Từ Thiện, văn hóa, giáo dục, xã hội… đó là khả năng và tiềm lực của các tu sĩ trẻ đã và đang thể hiện ngày một linh hoạt hơn.Một lối thoát mới cho các tu sĩ trẻ tài năng và sự chuyển mình cho một tổ chức Phật giáo trong thời đại hội nhập.
MINH MẪN
20/6/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét