Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010
NỖI ĐAU LÒNG CHA
Tôi nhìn đồng hồ, gần 9 giờ tối mà vẫn chưa thấy con về, tuy đói, vẫn đợi con về cùng ăn cho vui; tôi tiếp tục công việc trên máy tính, tuy mệt mỏi vừa chở hàng về, vẫn cố gắng làm thêm vài việc cho các thân hữu nhờ viết.
Như mọi hôm, chuyến hàng từ Sài Gòn về, vẫn là kinh sách do cửa hàng gần cổng chùa Hoằng Pháp thuê chở. Tuy không có hàng thường xuyên, vẫn phải giữ mối để kiếm thêm đồng nào đỡ đồng đó lo cho con ăn học. Ngoài ra, thỉnh thoảng viết bài đăng báo; nhuận văn cho những bài giảng của một danh sư để hàng tháng được nhận sự trợ giúp từ phương xa.Tuy nhiên, sự trợ cấp nầy đã ngưng mấy tháng, do một tà sư hám lợi tuyên bố: hắn ta là thiếu úy công an, tôi là đại úy, gặp nhau tại Hà Nội năm 1985, tôi giải ngũ, nó vẫn tiếp tục làm! Mục đích phán bừa là để lấy lòng anh em đang giúp ông ta hàng tháng. Tuy vậy, tôi vẫn thản nhiên làm tiếp công việc tự nguyện chuyển văn nói thành văn viết, và tranh thủ tìm thêm vài việc thích hợp với khả năng, sức khỏe và tuổi tác.
*
* *
Từ ngày đầu hòa bình, cũng như đa số bị lùa vào tại cải tạo, sĩ quan, viên chức chế độ cũ, tư sản…mỗi người được kết cho một cái tội trong chế độ “ngụy”, từ lúc bị bắt cho đến ngày ra trại, suốt 10 năm, tôi là người tù mà không hề biết tội, vì tôi không liên hệ dính dấp gì đến chế độ cũ, cũng không là tội phạm hình sự hay hoạt động chính trị, nhưng là thành phần của Phật giáo cũ, trợ lý cho một Chức sắc Giáo Hội Phật giáo cũ. 1987 ra tù, không ai dám chứa chấp, kể cả cha mẹ, sợ liên lụy; tôi đành lập gia thất với một phụ nữ mồ côi; ngả rẽ cuộc đời cũng bắt đầu từ đó.
Không vốn liếng, không nghề nghiệp, không bằng cấp, kể cả không giấy tờ tùy thân; mỗi khuya 3giờ, tôi mượn chiếc xe đạp chở 50 ký bánh dầu về tận Nhà Bè bỏ cho nhà chùa làm nước tương,vừa đủ tiền ăn cơm trưa. Có những lúc nhà chùa o ép, không mua, tôi đành vội vả chở về trả lại cho bộng dầu và hoàn xe cho thợ đi làm sớm; dĩ nhiên ngày hôm đó phải nhịn đói; người mà tôi sống chung, cũng làm công nhân cho một bộng ép dầu, lương cô ta cũng vừa đủ nuôi miệng mình.
Một hôm đi ngang qua chỗ bơm quẹt gas, đứng nhìn trộm 15 phút, về nhà mượn tiền mua lon gas và đồ phụ tùng không quá 500 đồng thời 1990, thế là nghề bơm quẹt gas đã giúp tôi sống ổn định suốt 20 năm; không những thế, còn giúp cho một số thanh niên vô công rỗi nghề và các em nghĩa vụ quân sự mãn hạn, có công ăn việc làm; bơm quẹt gas biến thành phong trào dễ hái ra tiền; các em bơm gas dạo có thể kiếm mỗi ngày một vài trăm.
Năm năm sau ngày sống với nhau, đứa con trai duy nhất chào đời, thêm một cuộc sống là thêm một gánh nặng trên vai; Tôi bày đủ nghề để cô ta ở nhà làm kinh tế, không nghề nào cô ta làm được. Nhà ngay trước trường trung học cấp 2, bán bánh mì, bán nước mía, banh bàn…đều phải dẹp tiệm, trong khi đó, những người ở xa đến bán, đắc như tôm tươi. Năm đầu tiên làm gas, mỗi tối đạp xe qua quận tư, cách 30 km, chở bình gas 25 ký về sạc; cửa hàng gas quen, họ cho mượn vỏ bình và cho thiếu gối đầu; dần dần có vốn, năm năm sau mở cửa tiệm bán gas đun bếp; Khi cuộc sống vững, cũng là lúc tôi dành thời gian viết lách về Phật giáo.
- Sao con học về muộn thế?
- Hôm nay thi thử tốt nghiệp cấp ba ạ!
Trên mâm cơm có rau luộc và đậu kho, có lẽ con mệt nên ăn không nhiều, tôi phải mua thuốc bổ và truyền đạm thêm. Sức trai vừa lớn lại ăn chay trường, không ăn đậu hũ, không chịu uống sữa, do tính kén ăn mà gầy hốc hác, thường ngất xỉu trong trường.Mẹ không biết nấu ăn, cứ rau luộc, hoặc bỏ tí bột nêm vào làm canh; Nồi cơm nấu một lần ăn suốt ngày; cơm không bao giờ xới, cứ xén như xén đất. Thằng bé đi học về, bưng chén cơm nguội với lá cải bắp sống chấm nước tương, nhìn mà nhót ruột.Một bà bạn thấy thế, bảo:cơm ăn lúc nào nấu lúc đó cho nóng, sao cứ phải ăn cơm nguội! cô ta đáp: Nó thích ăn vậy.Thằng con cải lại, mẹ cho sao ăn vậy chứ ai muốn ăn cơm nguội đóng cục thế nầy. bởi vậy ba ít khi ăn cơm nhà! Người làm mẹ lớn tiếng: mầy nói tiếng nữa tô mì nầy vô mặt mầy liền. Nghe kể lại mà lòng tôi buồn rũ rượi. Không bao giờ cô ta biết phục thiện nhận lỗi, cứ lấy hung dữ ra đối với với chồng con, chính vì thế mà từ lâu nay tôi không hề nói chuyện. bổn phận lo cơm áo gạo tiền rồi cứ lang thang khắp nơi.
Những ngày tôi có ở nhà, sáng sớm ra chợ mua thức ăn về tự tay nấu cho con, hoặc ra tiệm cơm chay mua ít thức ăn, có khi nhóm Thiện nguyện Khiếm Thị nấu hộ cho.Có lúc tôi đi vắng mấy hôm, con phải lang thang kiếm ăn, mượn tiền ra ăn tiệm. Chẳng hiểu một người làm mẹ vụng về mọi việc, đến độ có thằng con chăm ngoan mà vẫn không lo cho nó một miếng ăn vừa miệng để có sức vào Đại học.
Cửa hàng gas mỗi ngày một ế ẩm, vắng khách, vì cô ta xem TV suốt ngày, khách gọi không nghe, khách lớn tiếng thì bị cô ta mắng mỏ. Thái độ khiếm nhã làm cho khách hàng bất mãn, lại thêm giấy phép kinh doanh bị thu hồi, hàng tháng cứ phải đóng thuế, vì vậy tôi quyết định nghĩ bán gas để cô ta có thời giờ giải trí phim ảnh! Buồn gia cảnh, tôi buông thả tất cả, càng ngày tôi càng say mê lao vào công tác văn hóa, báo chí Phật giáo, và từ thiện xã hội.
- Ba à, sáng nay bạn con nói : áo mày sao không giặt, dính phân chim vậy?
Cứ vài hôm cô ta giặt đồ một lần, nhưng phân chim vẫn còn. Áo ngâm thuốc tẩy và xà bông cho đến ngày xả phơi, nhúng nước phơi lên chứ không vò chà. Quần màu thì khỏi xà phòng, xả nước phơi thôi.có khi ngâm thuốc tẩy nên áo quần màu cứ bị loan lỗ như da beo. Mấy năm nay, chim Bồ câu từ đâu cứ lũ lượt kéo về ở. Mặc dù không có chuồng trại, chúng chui vào bất cứ nơi đâu để trú qua đêm, lại thêm một gánh nặng phần ăn cho lũ chim, không đành cho chúng nhịn, không bán, không cho, phải cung cấp mỗi ngày vài ký gạo; Tuy nhiên, gạo cơm thỉnh thoảng quý thầy bố thí đủ sống qua ngày. Riêng chi phí cho con năm cuối cấp ba là một sự lo âu canh cánh trong lòng.
- Ba à, cục pin điện thoại con bị phù rồi
- Do con sạc quá độ
- Ba thấy con có thì giờ đâu, suốt ngày đi học, tối sạc ngủ quên đến sáng. Tại ba hà tiện không dám mua điện thoại xịn, cứ xài đồ cũ phải vậy thôi. Bạn con ba nó mua cái Iphone mười sáu triệu, đi xe Honda Nhật… có bao giờ hỏng đâu. Xài đồ dỏm tiền sửa cũng vô đó!
- Con thấy ba có tiền không mà đòi hỏi, lo cho con ăn và học đã thấm mệt. Con có biết ba phải làm thuê chở mướn để có tiền cho con xài, tiền cá nhân của con mỗi tuần 150 ngàn; tiền học thêm mỗi môn từ 500 ngàn đến 2 triệu rưỡi, luyện vào Đại học. Con không biết cái khổ của ba, có bao giờ ba nói cho con biết những công việc của ba làm để con có điều kiện ăn học với bạn bè? – vừa giải thích cho con mà trong lòng buồn tê tái. Còn nhỏ dại, con chỉ biết đòi hỏi mà không thấy cái vất vả của người cha từ lúc có mặt con trên cỏi đời!có bao giờ nó yêu sách với mẹ đâu, vì biết mẹ không bao giờ đáp ứng.
*
* *
Tôi bị thất học từ bé, không có điều kiện đến trường. Khi Bồ Đề Cầu muối mở, tôi xin miễn học phí được ba tháng, sau đó không có tiền phải nghỉ.Vào thập niên 1966, mỗi sáng tôi chạy bộ từ Phú Nhuận xuống chợ Ông Lãnh để học. Nhà chùa cho ở mà không lo cơm, phải tự túc. Mỗi ngày mua một ổ bánh mì lớn để ăn trưa và chiều. Sáng nhịn đói đi học. Dạy kèm trẻ em trong xóm Nguyễn Hùynh Đức chỉ đủ ăn bánh mì. Áo quần mặc thừa của quý thầy bỏ ra. Quần dài quá phải lấy giây thun túm ống lại. Xa cha mẹ từ lúc lên tám, do cung cách cư xử khắc nghiệt nên tôi thoát ly vào Nam. Thời chiến, tuy cuộc sống miền Nam dồi dào, nhưng tình hình chính trị và xã hội luôn biến động; Phật giáo cứ tranh đấu xuống đường liên tục; Việc ăn học nhà chùa không lo được. Ai có điều kiện thì tiến thân, không có thân nhân phải chịu thua thiệt. Tôi tự tìm sách học hỏi khi không đến được lớp. Vả lại trong tuổi động viên, một thanh niên không dễ sống yên bình để ăn học. Do những bất hạnh, thiếu thốn từ bé, giờ đây, tôi không thể để cho con thất học và thua kém bè bạn. Ngày con vừa lên ba, cha con đèo nhau trên chiếc xe cà tàng về Thành phố, con thèm ăn mọi thứ mà không dám đòi hỏi, nghe xe cứu thương hú còi, con lém lỉnh nói: Ba, cái còi xe nó kêu dưa hấu, dưa hấu đó ba. Vừa tức cười, vừa xót xa cho sự thèm thuồng của con. Trong túi lúc bấy giờ chỉ đủ tiền vá vỏ xe khi bị thủng. Cuộc đời đói khát, khổ đau đã nhiều, quyết không để con phải khổ như mình, tôi tận lực làm việc, ngày bơm gas quẹt, tối chạy thêm xe ôm.
Nỗi buồn không phải vất vả vì kinh tế mà cô vợ quá vụng về mọi mặt. mỗi lần góp ý xây dựng là một lần cô ta phản ứng dữ tợn. Khách hàng than: tôi đến mua gas chứ có xin không đâu mà chị ăn nói sổ sàng như thế!.
Có những buổi trưa chở gas cho khách, tôi không về nhà, chui xuống gầm cầu với ổ bánh mì nằm suốt đến chiều tối mới về,. tránh cái không khí ngột ngạt mà hai người là hai thái cực.Lúc tôi đầu tắt mặt tối kiếm tiền cho con mỗi ngày một lớn, cũng là lúc cô ta ham mê phim ảnh sau khi bỏ được thú vui tứ sắc và tiểu thuyết, đến độ con bỏ học, chơi game mà cô ta chẳng hề quan tâm, vì thế những năm sau đó việc học sa sút thấy rõ; Bao nhiêu công sức bỏ ra, dãi dầu mưa nắng để cho con hư hỏng sao khỏi đau lòng. Một bên là bà vợ quá tệ hại, một bên là con đang lớn chìm vào trò chơi đầy quyến rũ, mãi lo chật vật kiếm sống, thời giờ đâu theo dỏi việc học của con! tôi phải làm gì cho gia đình như thế? Mất căn bản từ lớp mười,vì thế giữa năm lớp 12 phải cố gắng cho con học thêm với những giáo sư giàu kinh nghiệm. Hàng ngày tôi phải ăn cơm cháy đen, cô ta không canh được lửa, nếu không cháy thì ăn cơm sống, cô ta không ăn cơm cháy, tôi không nỡ để con ăn, cũng không đành đem đổ. Cứ mỗi lần vo gạo xong, cô ta thò ngón tay vào canh mực nước, thế mà vẫn không xong. Tôi bèn xài nồi cơm điện do cô em kết nghĩa tặng; cơm cháy từ đây vĩnh viễn chia tay với tôi; thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ cơm cháy đã ăn trên 10 năm. Những miếng cơm cháy vàng ngậy dòn rụm trong trại tù do anh em nhà bếp nấu sao mà thơm ngon đến thế, một phần có lẽ đói vì chuẩn ăn không đủ no cho lao động nặng, một phần ngoài cơm tù, tôi không được chu cấp như những anh em có thân nhân thăm nuôi hàng tháng; lúc đó tôi là người tù mồ côi.Tổng cộng trong tù và ngoài đời, tôi phải ăn cơm cháy suốt 20 năm.
Tôi che căn phòng ngoài mái hiên làm chỗ trú qua đêm. Ngày ngày gửi thân ngoài phố chợ với lon cơm và chai nước. Tuy căn nhà rộng rãi, nhưng là nhà thờ cha mẹ để lại cho cô ta, tôi xin tạm trú vỉa hè để làm tròn bổn phận người cha bất đắc dĩ! Từ lúc con lọt lòng đến khi được 10 tuổi, đều ngủ chung với ba. Những đêm trái gió trở trời con bệnh, đau khóc, tôi phải thức suốt đêm, dù ban ngày phải ngồi vỉa hè từ sáng tới tối. Con bệnh la khóc, cô ta cũng không biết dỗ, không biết lo tìm thuốc men. Khi con lớn, cái phòng bề ngang bằng sải tay, bề dài hơn 2 tầm như thế, không thể ngủ chung, bèn để con vào nhà trong. Kể cũng lạ, khi còn ở trong tù, người chật như nêm, phải nằm nghiêng trở đầu xen kẻ nhau, thế mà cũng ngủ được! Tôi đi sớm về tối với cái phòng riêng biệt, làm việc thoải mái hơn, cảm thấy tự do hơn, bắt đầu cũng tập cho con tự lo những chuyện lặt vặt cá nhân.
- Ba ơi, con muốn thi vào Đại học Ngân hàng, ba lo nỗi không?
- Miễn sao con học được cứ học, ba lo tới đâu hay tới đó
- Một năm mấy chục triệu ba à!
- Thì con cứ lo học, việc đó là nhiệm vụ của ba. – nói là thế, nhưng trong lòng mãi băn khoăn. Trong nhà không có gì đáng giá để bán. Không thể nhờ vả xin xỏ; tuổi tác không cho phép bươn chải, bon chen như thuở trước. kinh tế xã hội ngày càng khó khăn. Chung quanh ai cũng khổ, đủ ăn là may. Những con đại gia phóng tiền qua cửa sổ vì họ không biết để đâu cho hết, con nhà nghèo tom góp bạc cắc suốt đời không đầy ống heo; xã hội nào cũng thế; những quốc gia thịnh vượng, học sinh được miễn phí, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo.
*
* *
Cô em kết nghĩa thường hỏi: anh làm việc chùa có lương không? –đã là việc chùa là do mình tự nguyện, lương bổng gì! Cô ta vặn vẹo: cuộc sống gia đình không lo, cứ lo việc chùa rồi ai nuôi gia đình?Anh có sự cố, ai gánh vác? Đã 10 năm tù đói khổ vẫn chưa sợ?Làm được việc thì người hưởng, bị tù tội một mình chịu, khổ vợ con, sao anh không nghĩ!!! Làm sao cô em hiểu được tình cảnh gia đình để mình quyết định buông xuôi tất cả. Nỗi buồn ngấm ngầm dễ làm sa sút tinh thần, nhưng tôi đã chọn pháp sự để giải khuây và hướng dẫn nhóm khiếm thị trong việc từ thiện cũng như tu tập để làm niềm vui có ý nghĩa.
- Ba, tới kỳ đóng tiền học thêm môn toán 2 triệu rưỡi cho 8 buổi rồi. Ba cho con xin 50 đi hớt tóc và đổ xăng. Buổi trưa nắng hóc người, thằng nhỏ tóc tai luộm thuộm vào phòng ngồi bệt xuống với vẻ mặt xanh xao. Tôi buồn bã đáp: Sao con xài tiền như nước vậy, một trăm rưỡi một tuần mà xài không đủ sao, mới 5 ngày đã hết rồi?Ba đâu phải máy in tiền.chiều nay phải chạy vay mượn đóng tiền học thêm cho con…
Cơm nhà con không có gì để ăn sau một ngày học hành vất vả, thường đói, đến trường mua những chiếc bánh khoai mì nướng để lót dạ, phải vài chục ngàn đồng mới đủ no. chính vì thế mà tiền cho bao nhiêu cũng chẳng đủ.
Chẳng hiểu vì buồn cho con xài không tiết kiệm hay buồn cho tương lai đen tối của con; hay buồn một người đàn bà quá vụng mọi mặt, nỗi buồn vu vơ, thỉnh thoảng xuất hiện. Mỗi lần thực phẩm chùa cho là một lần thêm buồn trĩu nặng. Hôm cận tết, chở gói quà từ Vĩnh Nghiêm về giữa giòng người tấp nập mà như lạc vào cỏi mông lung. Năm cùng tháng tận, mọi người hối hả tay quà tay bánh về chuẩn bị đón ông bà,mình lang thang phố phường cũng gói quà kèm nỗi cô đơn khôn tả, quà đem về mà không khí gia đình như cơm nguội xáo nước lạnh! Những kẻ không nhà nằm lê lếch hè phố có buồn Xuân khi nhìn xã hội tấp nập bôn ba?
Năm đầu tiên trong đời bị tù, tiếng pháo giao thừa rộn rã kèm nhạc bản “ Xuân Này Con Không Về” vẳng từ thôn xa mà lòng tê tái. Các bạn tù nhìn những phần quà tết, ngậm ngùi xót thương vợ con thiếu thốn, mình không có thân nhân thăm viếng lại xót xa kiếp lạc loài cô độc, bơ vơ. Đêm mơ ngày mộng chờ đợi tự do, những tưởng vài tháng, ai ngờ năm này tháng nọ chôn thân nơi rừng sâu khí độc, thân tàn tạ đen đúa như bộ xương biết đi. Sau 10 năm tù, cầm giấy ra trại như người vô cảm, chẳng buồn cũng không vui, biết về đâu, biết đi đâu! Chạng vạng tối đến Thành phố, bố mẹ cho ăn bữa cơm rồi tự kiếm chỗ trọ qua đêm; không ai dám chứa người vừa ra tù vào năm 1987, sợ liên lụy; Vợ chồng Ánh trong con hẽm nhỏ Bình Thạnh, tuy chật chội nhưng tấm lòng rộng lượng, cho tôi tạm trú qua những ngày chờ đợi đủ khả năng hòa nhập với xã hội mà 10 năm cách ly; có những đêm, trên tầng ba một ngôi chùa Phú Nhuận, đêm nghe tiếng xào xạc chân đi bên dưới con hẽm, rồi ngừng lại, cứ thế mà hồn vía lên mây vì sợ công an đến xét.
Có bố mẹ mà chưa từng là con trẻ có tình thương; có vợ con mà như chưa biết mùi hạnh phúc; sống trong đất nước mà cảm chừng mình là dân lậu vẫn chưa có hộ khẩu, chứng minh; Biết ăn nói mà không một bằng cấp; là một tín đồ mà không thuộc giáo hội nào, làm pháp sự mà không chùa nào để công tác; Cả cuộc đời cứ như lơ lửng giữa tầng không; Người bạn nói đùa: Tâm vô sở trụ vì thân vô trụ sở.
Có lẽ sống để trả nợ hơn là tạo nợ trong cuộc sống; Những món ngon hợp khẩu vị con, đành nhịn cho con ăn; những gì con thích, cố gắng cho con thỏa mãn theo khả năng lo liệu.
- Con ăn cơm chưa? Một trưa hè nóng bỏng, về nhà lúc 12 giờ, nó mãi mê trên màn game, không quay đầu lại, đáp: -dạ chưa, có gì đâu mà ăn! Tôi ngạc nhiên hỏi:–nồi đồ kho còn, rau cà khuya nay ba mua dể sẳn sao không nấu?
Tôi nói, nhưng vẫn liếc nhìn thái độ của mẹ nó đang nằm trên ghế dán mắt vào màn hình TV; bà bệnh tiểu đường mà không hề kiêng cử, thân thể ngày càng gầy còm hốc hác trông thật xót xa, nhưng vẫn tính gàn bướng bất trị, khó hòa hợp trong không khí gia đình. Tôi xuống bếp hâm nồi chuối kho, sốt cà chua thay canh. –Con lớn rồi, phải biết tự lo, ba chạy kiếm tiền thì con phải biết lo bản thân, nếu ba không về thì trưa nay nhịn ăn?con sắp vào đại học chứ đâu nhỏ dại; ba vất vả ngoài đường, nóng nực thế nầy về nhà phải chui đầu vào bếp nữa sao! Con chẳng biết thương người cha già suốt đời chỉ biết hy sinh mà không hề hưởng thụ…
*
* *
Bầy bồ câu tìm bóng mát trú ẩn, mái tole nhà kho mục nát đổ gục như người lính chết trận chúi người về phía trước. Trong nhà bắt đầu thấm nước dột mưa. Hơn ba mươi năm trước ngôi nhà như hoang phế, tôi xây dựng lại tươm tất hơn, nhưng từ ngày đau buồn về người đàn bà không thể định nghĩa về công dung ngôn hạnh, trách nhiệm với gia đình và cung cách giao tế, tôi bỏ mặc để lo cho con ăn học. ba con người như ba bóng ma lầm lũi trong ngôi nhà lớn, không ai nói với ai lời nào; con học ngày ba buổi mãi đến hơn 9 giờ tối mới về, có lúc nó mệt hay ăn vặt ngoài đường, không ăn cơm nhà, tôi cũng nhịn luôn mà làm việc, đến khi mòn mỏi, chìm vào giấc ngủ, chờ một ngày mới để thâu ngắn kiếp người. Thằng con vẫn vô tư ăn học, vui chơi; người mẹ vẫn đam mê phim ảnh; người cha mãi miết ngoài đường, làm xã hội, làm từ thiện, làm văn hóa nếu không giam mình suốt ngày trong bốn bức vách hẹp với bàn vi tính. Nỗi đau ngấm ngầm như hình với bóng kéo dài kiếp người hơn 60 năm qua, liệu sau nầy, con thành nhân, có hiểu được thân phận người cha chưa từng một ngày được hạnh phúc từ lúc chào đời đến khi nhắm mắt, và bây giờ, tất cả chỉ vì con!
MINH MẪN
20/5/2010
Mong là con trai của chú đọc được bài này, và nguyện cầu bồ tát Quan Thế Âm chuyển hóa người vợ bất trị của chú trở thành người có đức hạnh.
Trả lờiXóaThôi, chú nên nghĩ là mình còn hạnh phúc hơn triệu triệu người sống trên đời.