Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009
MẢNH ĐÂT TẨM TƯỚI
Từ ngày lập quốc, những tháng năm dài của dân tộc, luôn bị ngoại thuộc, rèn luyện cha ông ta một tinh thần chiến đấu tự tồn, đồng thời cũng đã làm chai lì tâm hồn như những sỏi đá làm khô khốc mãnh đất; Vùng phù sa sông Hồng sông Cửu của hai miền đất nước không đủ tẩm tưới dân tộc thấm đượm tình người, vì chiến tranh, đạn bom, ý thức hệ và tôn giáo đã khuôn đúc một mẫu người xơ cứng, một tâm hồn e dè nghi kỵ, một xã hội thiếu niềm tin lẫn nhau, cứ thế, dân tộc ta dần dà nghèo đói tình người…
Trong chiều hướng đổi mới hiện nay, sau bao năm chinh chiến, phải làm lại từ đầu bằng gia tài đói rách, chúng ta hãnh diện tự mình lớn khôn thoát khỏi nô dịch ngoại bang, hẳn nhiên thiếu kinh nghiệm để đốt giai đoạn bắt kịp các nước tiên tiến. Kinh nghiệm chuyên môn về quản lý, tổ chức, mậu dịch, ngoại giao…chưa đủ để xây dựng một đất nước, vì một quốc gia tiến bộ không chỉ được đánh giá qua khoa học kỷ thuật, GDP, hay phồn thịnh vật chất, nếu tinh thần dân tộc và tâm linh con người vắng mặt, đó là nét văn hoá tất yếu và cơ bản cho một dân tộc trường cửu, xác định sự hiện hữu của dân tộc giữa cộng đồng các dân tộc. 30 năm xây dựng một đất nước từ số không để có tiếng nói uy tín trên trường quốc tế, vực dậy một nền kinh tế bị chiến tranh phá sản, quả là thời gian cần và đủ, ngoại trừ dân tộc Phù Tang đã thấm đượm Tam giáo, nhất là đạo Phật, và nghĩa khí Võ sĩ đạo, sớm tạo một phong độ tiến bộ khoa học kỷ thuật lẫn tâm linh trong thời gian thật ngắn mà chưa có quốc gia nào bị chiến tranh huỷ diệt tiềm năng dân tộc như Nhật Bản, 30 năm như thế đủ để nhà cầm quyền VIỆT NAM nhìn lại cái thành công giải phóng của mình khỏi ách nô dịch, xây dựng kinh tế, ổn định xã hội, nhưng sau bề mặt nổi, vẫn là cái gì hụt hẩng ngấm ngầm chờ đợi một suy sụp tinh thần, do nền văn hoá VIỆT NAM ngày nay để một khoản trống quá lớn cho văn hoá nô dịch ngoại lai xâm thực; bởi thế, súng đạn, luật pháp, nhà tù không giải quyết dứt điểm bao tệ nạn ngày một gia tăng; tử hình bao kẻ đầu nậu ma tuý, buôn lậu vẫn phát triển, giam cầm nhiều cán bộ tham ô, hằng ngày báo chí vẫn phát hiện thêm những quan chức tha hoá; vô số tệ nạn phát triển song hành với bệnh dịch Sida, vì thế phải tự xét, đất nước phồn thịnh để làm gì trong khi cơ thể mang nhiều thương tật mà chưa có thuốc chữa hữu hiệu. Cha mẹ lo kiếm tiền làm giàu mà quên trách nhiệm giáo dục, con cái từ đó thêm hư hỏng! Nhà nước và PGVN mời Thiền sư Thich Nhất Hạnh và đoàn Tăng Thân Làng Mai về VIỆT NAM trong ba tháng, phải chăng làm công việc của một y sĩ thay đổi giòng máu đang bị nhiểm trùng trầm trọng hay chỉ thuần thể hiện tính Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo?
Chuyến đi của Thiền sư và đoàn Tăng Thân Làng Mai đã gây một cơn sóng Thần không thua sóng Thần ven bờ Thái Bình Dương vừa rồi! Dư luận ủng hộ cũng nhiều, tiếng thị phi chống báng cũng không ít. Có những luồng dư luận: bên ngoài và bên trong nước.
1/ Từ hải ngoại, do một số vị không nắm rõ tình hình trong nước, không nắm rõ nội bộ PGVN, bị những người hoạt đầu chính trị mớm ý xuyên tạc chuyến đi của Thiền sư Thich Nhât Hạnh, rửa mặt cho CSVN trước tai tiếng Nhân Quyền và Tự Do Tôn giáo.
2/ Ảo thuật gia chính trị xem chuyến về thăm quê của Thiền sư là món quà đầu xuân dành cho nhà cầm quyền VN.
3/ Giới hoạt đầu lấy chính trị làm phương tiện sống, bảo rằng việc mời Thiền sư về Việt nam, thả một vài tù nhân trong dịp tết cũng chỉ một mục đích thể hiện thiện chí trước sự đe doạ của Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu về vấn đề Tự Do Nhân Quyền trước kỳ hạn 15/3/2005
4/ Giới Kinh tế chính trị nghĩ rằng VIỆT NAM nôn nóng việc gia nhập WTO, mượn uy danh của Thiền sư bằng những nhượng bộ mà trước đây họ không chấp nhận, để tranh thủ cảm tình với thế giới,
5/ Nội bộ PGVN đơn giản nghĩ rằng, sự có mặt của Thiền sư trong lúc nầy gây thêm khó khăn cả đôi bên: một là PGVNTN, một là GHPGVN thuộc Mặt Trận; GHPGVNTN không chấp nhận gặp gỡ Thiền sư bởi không có trong chương trình thăm viếng, không được nhà nước chính thức cho phép, và nhất là ngại cuộc gặp gỡ xem như tự phủ nhận cuộc đấu tranh suốt 30 năm qua về tính pháp nhân của tổ chức; về phía GHPGVN cũng không muốn sự hiện diện của Thiền Sư và đoàn Tăng Thân Làng Mai, vì hào quang chân tu và uy danh quốc tế đó sẽ làm lu mờ quyền lực và lợi dưỡng của họ…
Chưa nói tới một số xuyên tạc trẻ con như Thiền sư về lập giòng Tiếp Hiện để cho tu sĩ được lập gia đình, nếu thế thì cần gì phải ở VN! Đem những lời tuyên bố của Thiền sư ở thời gian mấy năm trước ghép cho hiện tại nhằm vu khống méo mó, và những diễn tiến của đoàn trong dịp thăm viếng, dưới cái nhìn của họ, hoàn toàn xấu xa…
Giới ủng hộ ngày đêm theo dỏi từng bước chân của đoàn, nôn nóng trước những khó khăn mà đoàn gặp phải, lo âu trước những chống đối, xuyên tạc. Những thiện tâm đó thầm mong trong ba tháng có mặt trên quê hương, đoàn sẽ đem lại một lợi ích to lớn cho dân tộc, cho đạo Pháp, xoá tan mọi tị hiềm, xây dựng PG thành một khối, vực dậy nền văn hoá dân tộc, tươi trẻ hoá Đạo Phật trong cuộc sống khô khốc hiện nay…
Cái nhìn chung của trí thức tiến bộ, sự hiện diện của Thiền sư lúc nầy tối ư cần thiết để thiết lập một tinh thần dân tộc, một tâm linh song hành với sự phát triển vật chất hầu cân bằng sự sống mà Tây Phương từng là nạn nhân của cán cân chênh lệch giữa Khoa học và Tâm linh, phải chăng các nhà lãnh đạo VIỆT NAM đã thấy tầm chiến lược đó?
Qua những buổi giảng tại chùa Xá Lợi, Thiền Viện Vạn Hạnh, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh…Thiền sư không thuyết những ngôn ngữ Phật học, không truyền bá giáo lý PG của một giảng sư, mà Thiền sư đem tinh thần PG hoá giải những mắc mứu trong đời sống thường nhật, giúp cho mọi người tự thân giải quyết những khó khăn của chính mình, của gia đình mình và của sự sống chung quanh; Thiền sư khéo léo áp dụng tinh thần Hoa Nghiêm – Nhất đa tương Dung, Một là tất cả, tất cả là một để mọi người thấy được trách nhiệm và mối liên đới lẫn nhau. Một câu hỏi tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh: Thưa thầy, quy y rồi có được yêu đảng, yêu nước không ? Thầy đáp: - Nếu quy y mà không yêu đảng, yêu nước thì quy y làm gì! Thật vậy, thâm nhập PG là thẩm thấu tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương; Từ lâu vì tranh chấp nên tình thương bị xói mòn, sự hiện diện của Thiền sư là xác lập lại cơ sở tâm linh cho dân tộc, đem lại sự cảm thông cho nhau, mọi người gần nhau hơn, với tâm nguyện đó, Thiền sư vượt qua được nhiều chướng duyên; như đã biết, H.T. Quảng Độ không thể tiếp Thiền sư, những kẻ manh tâm phá hoại sự hoà hợp PG đã khấp khởi mừng rỡ, thế nhưng, ai hiểu rằng lòng đau quặn thắt sau đó dằn vật H.T, tình đồng đạo trong những tháng năm thăng trầm chợt hiện trong con người cương trực đó, để rồi, hơn hai giờ tiếp xúc thầy P.A, đệ tử Thiền sư, thay mặt Thiền sư mang thư và sách biếu H.T. như thế đủ thấy tấm lòng của các bậc tuệ giác vẫn khác hơn những đố kỵ tầm thường, vượt qua những khó khăn về nguyên tắc, để tình đồng đào vẫn tràn ngập thương yêu; có ai tin rằng, mẫu người cương trực của H.T.T.Q.Độ có thể cay xốn khoé mắt đầy xúc động, những quyển sách cầm trên tay trở thành những gởi gấm tình người, tình huynh đệ, tình đồng đạo; chẳng những cung cách xử sự đầy tình nghĩa như thế đã làm mềm nhủn tính nguyên tắc khô khan nơi bậc chân tu, từ đó, người Phật tử tin rằng, có thể những cản trở của pháp lý về cuộc gặp gỡ, nhưng về tình nghĩa, biết đâu những cuộc điện đàm chúc tết thăm hỏi nhau lại không thể có! phong cách và lời pháp thoại của Thiền sư trong những khoá tu tại Thành Phố cũng biến những xơ cứng lòng người thành sự buông thỏng mềm mại mà từ lâu cuộc sống đã làm chai lì tình cảm và nhận thức. Từ tín đồ PG đến cán bộ đảng như được thay da đổi thịt vì nhận thức đã thay đổi khi tham dự những buổi pháp đàm; Loại bỏ những đánh giá mang tính chính trị, Thiền sư đã thành công suốt cuộc hành trình Nẻo về tâm Thức, giúp cho nhân dân thành phố và các tỉnh lân cận tiếp xúc được đoàn thiện Tăng thật sự Hạnh Phúc, thật sự thanh thản giải thoát trên những gương mặt sáng ngời lý tưởng; Qua những thành công đó đủ trả lời những xuyên tạc nghi kỵ về Thiền sư, và xác lập một niềm tin vững chắc của tín đồ PGVN đối với pháp môn của Thiền sư, một pháp môn Hiện đại hoá PG hay có thể gọi PG đi vào cuộc đời, không mang ngôn ngữ, hình thức tín ngưỡng mà vẫn giúp cho xã hội nhiều lợi ích tâm linh, quân bình xã hội.
VIỆT NAM thay đổi từng ngày trong cuộc sống vật chất, đòi hỏi văn hoá, nghệ thuật và cảm thọ tâm linh phải tương ứng, Phải chăng Thiền sư đã làm thay đổi bộ mặt PGVN bị tôn giáo hoá qua những thủ tục cứng ngắc với thời gian; thay đổi cái nhìn của người dân và nhà nước đối với PG; Thay đổi tâm cảm của mọi người qua giao tiếp, ứng xử trong xã hội, xác lập tinh thần trách niệm lẫn nhau từ gia đình đến xã hội, những thay đổi từ cơ bản đó hiệu quả hơn cả quyền lực luật pháp, súng đạn và tù giam. Giúp VIỆT NAM có cuộc sống văn minh nhân bản hơn. Tất cả sống trong tình huynh đệ;VIỆT NAM đang được tẩm tưới những dòng pháp nhũ, tươi trẻ hoá tâm thức, nhà nước cảm nhận được những ích lợi to lớn đó, thế mà vẫn có những chùa trục xuất Tăng chúng khi tham dự những lớp giảng của Thiền sư, phải chăng mãnh đất tẩm tưới trong thời gian quá ngắn chưa được thấm nhuần!
MINH M ẪN
Đầu Xuân At Dậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét