Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009
TUẦN LỄ VĂN HÓA PHẬT GIÁO
Một sự kiện lớn của PGVN trong năm 2009, tại xứ Trầm Hương, tuần lễ văn hóa Phật Giáo đã được Ban Văn Hóa Phật Giáo Trung Ương kết hợp với Ban Trị Sự Phật Giáo Khánh Hòa tổ chức vào ngày 29/11 đến ngày 5/12/2009.
Du khách trở lại Khánh Hòa, nếu năm năm gần đây không có dịp thăm viếng sẽ ngạc nhiên sự thay đổi kỳ diệu của một thành phố biển. Con đường mới mở từ Cam Ranh về Nha Trang chạy qua eo biển và đồi núi, cảnh trí mang vẻ thơ mộng không thua gì một hình ảnh của nước Pháp hay xứ hoa tuyết vào thập niên 1950.
Vào đến ngoại biên Nha Trang, một số áp phích và cờ chạy dọc những đại lộ làm cho du khách phải quan tâm. Tuần lễ văn hóa được khai diễn tại số 7 Trần Phú. Tuy là ngày cuối để ra mắt buổi lễ trọng đại, nhưng hình như trong nội thất và hội trường vẫn còn trống trải. Có chứng kiến mới thấy được sự năng động của chư tăng trẻ, học tăng học ni Khánh Hòa và Chư Tôn Đức Huế nhiệt tình đóng góp. Một số phật tử chuyên nghiệp thiết kế pano và quần chúng địa phương quên cả những bữa ăn thường lệ để sớm hoàn thành công tác giao phó. Những tấm áo dài nâu bạc, các Tăng sinh trẻ khuân vác các vật liệu cho công việc, họ vui vẻ một cách lạ thường mà từ lâu, tại thành phố Hồ Chí Minh chưa hề được thấy sự lao động cật lực của các tu sĩ trẻ như thế.
Bên trong sân, một dãy cột cờ phất phới tung bay ngũ sắc như là bảo vệ một màu đỏ sao vàng nằm giữa cột chính. Ở hội trường, một thiết kế đặc biệt trưng bày như vô tình nhưng có lưu tâm mới thấy được sự tinh tế của Ban Tổ Chức trong phòng triển lãm. Gian chính diện đã trình bày hình ảnh Phật Giáo và thành phố Nha Trang xưa và nay mà một thời Phật Giáo đã đóng góp không nhỏ cho đất nước cũng như Phật Giáo miền Trung.
Phía bên tay mặt của gian triển lãm là những tấm ảnh do TT. Minh Hiền phơi bày nét đẹp của tuyết và hoa theo triết lý Tây Đông. Những nụ cười phúc hậu mang vẻ hoang sơ của cô gái miền núi cũng như pháp khí của chư Tăng Bhutan hòa quyện với cây rừng và hoa dại, làm cho người xem chìm vào thế giới nguyên thủy, đành rằng ngày nay cuộc sống Bhutan ít nhiều đã hòa quyện với kỷ nguyên tin học.
Phía bên tay trái của văn phòng đưa người xem vào thời đại thập niên 30 khi Phật Giáo bắt đầu trỗi dậy cuộc sống. Năm 1959, khi ĐĐ. Narada đến viếng Việt Nam đã vinh hạnh chụp chung tấm hình lưu niệm với Ôn Hải Đức, Cố HT. Thiện Minh và học tăng. Hải Đức luôn là cơ sở đào tạo tăng tài mà từ đó, những học tăng biến thành những nhà lãnh đạo Phật giáo vượt qua nhiều gian nan thử thách vào năm 1963 mà thời kỳ Đệ nhất Cộng Hòa do Ngô triều lãnh đạo. Tuy thời gian đã trôi qua trên 50 năm thế mà những tấm hình đó không thể bị thời gian xóa nhòa để hậu lai vẫn còn nhiều ấn tượng. Cảm động nhất là gian phòng phía sau trưng bày di bút của cố Bồ tát Thích Quảng Đức nói lên tâm nguyện của Ngài để cảnh tỉnh các nhà lãnh đạo lúc bấy giờ. Thế nhưng anh em Ngô Đình Diệm vẫn không cảm nhận được tâm từ đó nên Cố Bồ tát đã biến thân mình làm ngọn đuốc soi sáng lòng người, đã đánh động được toàn thế giới và cũng từ đó nhân loại đã nhìn được tâm vô úy và từ ái từ các tu sĩ Phật Giáo.
Tiếp những tấm hình của Bồ tát Quảng Đức là hình ảnh của Ôn Giác Nhiên, Ôn Trí Thủ và Ôn Thiện Siêu là những thạch trụ, lương đống Phật Giáo trong thế kỷ XX.
Trước ngày khai mạc chính thức, chiều 28/11, du khách được thăm viếng trường TCPHKH tại chùa Long Sơn. Tuy trời vào hoàng hôn, thế mà ngôi chùa cổ kính nằm ẩn chân núi vẫn chưa chìm vào bóng đêm bức tượng Bổn Sư trên đỉnh núi, làm cho ta liên tưởng đến Hải Đức như một nội viện ẩn tàng mà Long Sơn là một ngoại viện hiển thị. Có lẽ không phải là vô tình mà Chư Tôn Đức đã thể hiện nơi hai già lam đáng tôn kính này một sự sắp xếp hài hòa.
Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung vẫn có cái gì đó về phong cách kiến trúc, sinh khí và tâm linh mà trong ba miền đã có một đặc thù cố định. Nếu gọi Huế là cái nôi văn hóa Phật Giáo Việt Nam thì Nha Trang hẳn phải là một tiềm năng hiện thực của Phật Giáo Trung bộ đủ khả năng làm phát ngôn viên chính thức của Phật giáo Việt Nam.
Qua khung cảnh tổ chức buổi lễ tuần văn hóa, ta mới thấy được sự đoàn kết chặt chẽ của Chư Tôn Đức và Tăng chúng, cho phép chúng ta tin rằng gần 40 năm ngủ quên, Phật Giáo có thể tự mình vực dậy để minh chứng sự tồn tại và phát triển trong lòng dân tộc vào kỷ nguyên XXI.
Chúng ta chờ đợi xem buổi lễ chính thức sẽ bắt đầu.
MINH MẪN
29/11/2009
KHAI MẠC TUẦN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
Hơn 17 giờ ngày 29/11/2009, tuần Văn Hóa Phật Giáo được khai mạc qua chương trình triển lãm nghệ thuật tranh ảnh PG tại số 7 Trần Phú Nha Trang.
Sự hiện diện trên 500 thành viên dưới sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm Trung ương và địa phương, các cấp chính quyền sở tại, chư tăng ni trong và ngoài tỉnh, cơ quan báo chí
Khuôn viên rộng thoáng, nằm cạnh bờ biển. Không khí mát mẽ, đem lại sự dễ chịu cho khách tham quan. Không lạ khi Ban Văn Hóa Phật Giáo kết hợp với Ban Trị Sự Phật Giáo Khánh Hòa chọn Nha Trang làm điểm kết tập.
Nha trang đã được công nhận là Đô thị đẹp của Việt Nam, hội tụ nhiều ưu thế do thiên nhiên ưu đãi. Một chi của dãy Trường Sơn chìa cánh tay bao bọc eo biển cho Khánh Hòa tăng thêm kiều diễm. Nha Trang đã biết làm dáng với vẽ mỹ miều của thiếu nữ dậy thì.
Các nhà kiến trúc đô thị đã nâng tầm vóc Nha trang thành một phố biển cho các cuộc biểu diễn thời trang;hoa hậu hoàn vũ, các festival toàn quốc. Không ngoa khi bảo Nha trang là viên ngọc của Việt Nam. Ban ngày, Nha Trang có nếp sinh hoạt từ tốn, không xô bồ như các Thành phố công nghiệp, cũng không trầm lắng như quê hương cung đình Thừa Thiên, về đêm, ánh sáng muôn màu hòa quyện với sóng biển, làm đẹp thêm thành phố mộng, hòa với những đêm trăng sáng, được luồng gió ngoài khơi thổi vào xua tan những uế trược đời thường. Trên cao ốc nhìn ra bốn phía, như những ánh sao lung linh trong màn đêm hạ giới.
Từng tốp thanh niên nam nữ dạo phố đêm, từng cặp ngồi dọc bãi biển thể hiện được nếp sống văn hóa cao mà một vài nơi không được như thế. Người dân rất hiếu khách và thân thiện. Phu xe ôm, xích lô cũng không xô bồ giành giựt khách hàng. Nhân viên nhà hàng khách sạn cũng niềm nỡ chân tình. Cấu trúc thành phố, tuy nhà cao tầng chen lẫn khu dân cư lao động, nhưng vẫn không đánh mất nét đẹp tự nhiên của phố thị.
Xưa kia, Nha trang là một trong những căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, có cả sân bay. Đồng Đế từng là căn cứ đào tạo quân sự của VNCH; Tuy thời chiến, chưa được xây dựng quy mô, nhung Nha Trang vẫn là nơi nổi tiếng trong nước, Nói chung, Khánh Hòa luôn là điểm hẹn lý tưởng cho những cuộc hội diễn hiện đại trong khi Huế là vũng sen nở những cánh hoa cổ kính truyền thống kinh thành.
Sau ngày thống nhất đất nước, Nha Trang từng bước chỉnh trang. Con đường nằm dọc eo biển bãi dài, nối kết Cam Ranh- Nha Trang gần gũi và thơ mộng. Sân bay Cam Ranh cách Nha Trang 32 km đã giải tỏa mặt bằng một thời làm cứ điểm cho những chuyến không hành từ lòng phố Nha Trang. Một số đường nhu Trần Phú, chạy dài nhiều cây số nối rộng vành đai đô thị làm cho Khánh Hòa xứng với tam vóc hòn ngọc Việt Nam.
Chạy dọc đoạn đường Trần Phú, các panorama phô diễn các tự viện có độ tuổi thế kỷ, sinh cảnh phố phường Nha Trang xưa và nay, các pano, banderol, tuyên truyền tuần văn hóa nằm xen kẻ các biển quảng cáo làm cho phố thị thêm màu sặc sỡ. Chùa Long Sơn cũng là điểm của những logo cho khách thập phương biết về ngày hội lớn của Phật giáo Khánh Hòa.
Ngày khai mạc văn hóa Phật giáo, tuy gọi là toàn quốc, nhưng phần chính là Khánh Hòa, phần sau vào ngày 2/12/09 mới thực sự có mặt đông đủ của những Giáo sư Tiến sỹ, Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu chuyên môn về các thể tài thộc văn hóa Phật giáo và dân tộc.
Sau những thủ tục hành chánh giới thiệu thành phần quan khách, các vị chức năng trong Ban tổ chức đọc diễn văn, ông phó Sở nội vụ tỉnh đã đề cao sự đóng góp và đồng hành của Phật giáo cho đất nước.
Phần nổi bật trong buổi ra mắt phòng trưng bày các di chỉ, di cảo của các bậc tiền hiền, là phần tặng Hoa cho các nghệ sĩ từng làm nổi bậc qua các tấm panorama, của Nguyễn Thịnh và Ngô Thúy Hồng, các tranh Tây Đông, Tuyết và Hoa của TT. Minh Hiền. Thượng tọa cũng đã tận tình giải thích ý nghĩa nội dung từng tấm hình muốn phô diễn cho quan khách tham dự.
Trời Nha Trang mát dịu, gió từ biển lùa vào màn đêm đã tạo cho cuộc khai mạc đêm triển lãm thêm phần thoải mái hoan lạc.
Ngày 02/12/09 sẽ là ngày đi sâu vào chuyên đề văn hóa mà Phật giáo đã góp mặt cùng văn hóa dân tộc trên 20 thế kỷ.
Trên vùng trời đêm Khánh Hòa, Cờ ngũ sắc vẫn tung bay với biển như muốn nâng cao tầm kiến thức song hành giữa Phật giáo với nhân sinh giữa hòn ngọc Việt ngày nay.
Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009
Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009
PHẨM ĐOẠN TRIỀN CÁI
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
________________________________________
1
CHƯƠNG MỘT
MỘT PHÁP
________________________________________
II. PHẨM ĐOẠN TRIỀN CÁI
Những pháp đoạn trừ và nuôi dưỡng năm triền cái.
1-10. TỊNH TƯỚNG v.v...
1.- Ta không thấy một phép nào khác, này các Tỷ-kheo, dẫn đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tịnh tướng. Tịnh tướng, này các Tỷ-kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, và dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như đối ngại tướng. Đối ngại tướng, này các Tỷ-kheo, nếu theo như lý tác ý, đưa đến sân, chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
3. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như không hân hoan, biếng nhác, chán nản, ăn quá no, tâm thụ động. Với người có tâm thụ động, này các Tỷ-kheo, hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, và hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
4. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tâm không được chỉ tịnh. Với người tâm không chỉ tịnh, này các Tỷ-kheo, trạo hối chưa sanh được sanh khởi, và trạo hối đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
5. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi và nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, và nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
6. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến dục tham chưa sanh không sanh khởi, và dục tham đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tướng bất tịnh. Tướng bất tịnh, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời dục tham chưa sanh không sanh khởi, và dục tham đã sanh được đoạn tận.
7. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như từ tâm giải thoát... Từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận.
8. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận.
9. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đua đến trạo hối chưa sanh không sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tâm tịnh chỉ. Người có tâm tịnh chỉ, này các Tỷ-kheo, trạo hối chưa sanh không sanh khởi, và trạo hối đã sanh được đoạn tận.
10. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi, và nghi hoặc đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như lý tác ý. Nếu như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi, và nghi hoặc đã sanh được đoạn tận.
*************************
Trộm bàn: 1.- Ta không thấy một phép nào khác, này các Tỷ-kheo, dẫn đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tịnh tướng. Tịnh tướng, này các Tỷ-kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, và dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại….
- Tịnh tướng là bản thể vắng lặng, thanh khiết. Một hành giả không chuyên cần khởi tâm thanh tịnh, bản chất thanh tịnh đó để tham dục không có điều kiện sanh khởi và phát triển, chắc chắn chúng dễ dàng phát triển, khởi sanh rộng rãi! tướng bất tịnh cũng là điều kiện để hành giả nhàm chán những loại tham dục uế trược. Tịnh tướng hay bất tịnh tướng là hai mặt của một vấn đề, có khả năng đoạn trừ tham dục.
- Sân cũng thế, tự nó không có điều kiện sanh khởi và phát triển, nếu đối diện với những tình trạng đưa đến tâm sân, hành giả tác ý thanh tịnh liễu triệt thì sân sẽ không có điều kiện khởi sanh hoặc phát triển!
- Hôn trầm thụy miên là một trạng thái tâm thức và thể chất. Tác động bởi ngoại cảnh thì ít mà do chính bản thân là chủ thể quyết định. Nguyên nhân đưa đến hôn trầm là do tâm lý thiếu phấn chấn, thụ động, lười biếng, trầm mịch, thậm chí ăn quá độ cũng dễ đưa đến hôn trầm thụy miên. Chính vì thế, Phật chế Tỳ kheo ăn ngọ để tránh cung ứng cho cơ thể quá dồi dào và khỏi mất thời gian tu tập vì chuyện ăn uống.
- Trạo cử là hai chi mạt thuộc cỏi sắc giới và vô sắc giới làm chướng ngại. Hối là ố tác từ nghi sanh kết hợp với trạo cử gọi là trạo hối. Trạo hối chỉ được triệt tiêu khi tu Tứ Thánh Đế và tâm an định.Hành giả tu tập tâm không chỉ tịnh thì đó là điều kiện cho trạo hối dễ phát sanh.
- Nghi là một trong năm hạ phần kiết sử. Nghi có 11 loại nằm trong ba cỏi, chỉ được đoạn trừ khi thấu hiểu được Tứ Thánh đế, mà Đức Thế tôn gọi là Như lý tác ý. Hiểu được lý duyên sinh thì thấu được pháp xuất thế, dứt được nghi.
Hãy lưu ý hai đoạn văn mà chúng ta lướt qua dễ nhầm lẫn như sự trùng lặp: 1.- Ta không thấy một phép nào khác, này các Tỷ-kheo, dẫn đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tịnh tướng. Tịnh tướng, này các Tỷ-kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, và dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại
Và: 6. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến dục tham chưa sanh không sanh khởi, và dục tham đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tướng bất tịnh. Tướng bất tịnh, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời dục tham chưa sanh không sanh khởi, và dục tham đã sanh được đoạn tận.
Như lý tác ý về bản thể thanh tịnh thì dục tham chưa sanh không thể phát sanh, dục tham đã sanh không thể phát triển. Và nếu dục tham đã sanh thì quán bất tịnh tướng, dục tham đã sanh sẽ đoạn diệt và nếu dục tham chưa sanh thì sẽ không có cơ hội sanh trưởng.
2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như đối ngại tướng. Đối ngại tướng, này các Tỷ-kheo, nếu theo như lý tác ý, đưa đến sân, chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
Và: 7. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như từ tâm giải thoát... Từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận. Đối trước ngoại cảnh phát khởi tâm sân và phát triển tâm sân, nhưng hành giả hành dụng từ tâm giải thoát mọi phiền trược sân hận không thể phát sanh, tâm sân đã có sẽ được đoạn tận.
Các chi phần kiết sử còn lại cũng thế. mỗi kiết sử đều có phương án đối trị. Tham dục lấy bất tịnh chuyển hoá.Sân hận lấy tâm từ giải độc. Hôn trầm lấy quán quang tỉnh thức. Trạo hối lấy chỉ tịnh làm thuốc hay. Nghi hoặc dùng Tứ đế hành quán. Chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh sẽ không phát triển và dần dà bị đoạn diệt. Đó là cách đoạn ngũ triền cái của mọi hành giả.
Với pháp thế gian, giáo dục là phương cách ngăn ngừa khi tội ác chưa phát sanh, luật pháp là phương cách cảnh giác răn đe và xử trị tội ác sẽ và đã phát sanh; đó chỉ là giải quyết hiện tượng, phẩm Đoạn Triền Cái trên đây là cách giải quyết tận căn theo từng chi phần kiết sử, Lời Phật dạy không chỉ là hoá giải tâm lý, còn là nguồn căn đoạn trừ bệnh lý của con người.
MINH MẪN
17/11/09
PHÁP MÔN CĂN BẢN
Kinh Trung bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
________________________________________
KINH PHÁP MÔN CĂN BỔN
(Mulapariyaya sutta)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú tại (tụ lạc) Ukkattha, trong rừng Subhaga (rừng Hạnh phúc), dưới gốc cây Sa la vương. Tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". - "Bạch Thế Tôn", những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói: "Này các Tỷ-kheo. Ta sẽ giảng cho các Người "Pháp môn căn bản tất cả pháp". Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói". - "Thưa vâng, bạch Thế Tôn", những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Này các Tỷ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, tưởng tri địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, người ấy nghĩ: "Địa đại là của ta" - dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại.
Người ấy tưởng tri thủy đại là thủy đại. Vì tưởng tri thủy đại là thủy đại, người ấy nghĩ đến thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) như là thủy đại, người ấy nghĩ: "Thủy đại là của ta" - dục hỷ thủy đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri thủy đại. Người ấy tưởng tri hỏa đại là hỏa đại. Vì tưởng tri hỏa đại là hỏa đại, người ấy nghĩ đến hỏa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với hỏa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là hỏa đại, người ấy nghĩ: "Hỏa đại là của ta"- dục hỷ hỏa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri hỏa đại. Người ấy tưởng tri phong đại là phong đại. Vì tưởng tri phong đại là phong đại, người ấy nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với phong đại, nghĩ đến (tự ngã) như là phong đại, người ấy nghĩ: "Phong đại là của ta"- dục hỷ phong đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri phong đại. Người ấy tưởng tri Sanh vật là Sanh vật... Người ấy tưởng tri chư Thiên là chư Thiên... Người ấy tưởng tri Sanh chủ là Sanh chủ... Người ấy tưởng tri Phạm Thiên là Phạm Thiên... Người ấy tưởng tri Quang âm thiên là Quang âm thiên... Người ấy tưởng tri Biến tịnh thiên là Biến tịnh thiên... Người ấy tưởng tri Quảng quả thiên là Quảng quả thiên... Người ấy tưởng tri Abhibhù (Thắng Giả) là Abhibhù. Người ấy tưởng tri Không vô biên xứ là Không vô biên xứ... Người ấy tưởng tri Thức vô biên xứ là Thức vô biên xứ... Người ấy tưởng tri Vô sở hữu xứ là Vô sở hữu xứ... Người ấy tưởng tri Phi tưởng phi phi tưởng xứ là Phi tưởng phi phi tưởng xứ... Người ấy tưởng tri sở kiến là sở kiến... Người ấy tưởng tri sở văn là sở văn... Người ấy tưởng tri sở tư niệm là sở tư niệm... Người ấy tưởng tri sở tri là sở tri... Người ấy tưởng tri đồng nhất là đồng nhất... Người ấy tưởng tri sai biệt là sai biệt... Người ấy tưởng tri tất cả là tất cả... Người ấy tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn... Vì tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn, người ấy nghĩ đến Niết-bàn, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn. Nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, người ấy nghĩ: "Niết-bàn là của ta" - dục hỷ Niết-bàn, Vì sao vậy? Ta nói: Người ấy không liễu tri Niết-bàn.
Này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo, hữu học tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn, khỏi khổ ách. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy đã không nghĩ đến địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) như là địa đại, đã không nghĩ: "Địa đại là của ta", - không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri địa đại... Thủy đại... hỏa đại... phong đại... Sanh vật... chư Thiên Sanh chủ... Phạm thiên... Quang âm thiên... Biến tịnh thiên... Quảng quả thiên... Abhibhù (Thắng Giả)... Không vô biên xứ... Thức vô biên xứ... Vô sở hữu xứ... Phi tưởng phi phi tưởng xứ... sở kiến... sở văn... sở tư niệm... sở tri... đồng nhất... sai biệt... tất cả... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn; vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy đã không nghĩ đến Niết-bàn, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, đã không nghĩ (tự ngã) như là Niết-bàn, đã không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri Niết-bàn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy đã liễu tri địa đại... thủy đại... hỏa đại... phong đại... sanh vật... chư Thiên... Sanh chủ... Phạm thiên... Quang âm thiên... Biến tịnh thiên... Quảng quả thiên... Abhibhù (Thắng Giả)... Không vô biên xứ... Thức vô biên xứ... Vô sở hữu xứ... Phi tưởng phi phi tưởng xứ... sở kiến... sở văn... sở tư niệm... sở tri... đồng nhất... sai biệt... tất cả... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy đã liễu tri Niết-bàn".
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng trí địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ... thủy đại... hỏa đại... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ... thủy đại... hỏa đại... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng trí địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có si mê, nhờ si mê đã được đoạn trừ.
Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, Ngài không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vì Như Lai đã liễu tri địa đại... thủy đại... hỏa đại... Như Lai thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vì Như Lai đã liễu tri Niết-bàn.
Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, Như Lai không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Địa đại là của ta" – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: "Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già và chết đến với loài sinh vật". Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự từ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác"... thủy đại... hỏa đại... Như Lai thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của Ta" – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: "Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già chết đến với loài sinh vật". Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự trừ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Như vậy, Thế Tôn thuyết giảng. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
*****************
Trộm nghĩ; – Này các Tỷ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, tưởng tri địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, người ấy nghĩ: "Địa đại là của ta" - dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại.Đức Như Lai đã xác định một trong những nguyên nhân đưa đến nhận thức sai lầm là do: … “Ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp của các bậc Thánh, không tu tập pháp của các bậc Thánh. Không được thấy các bậc chân nhân, không thuần thục pháp của các bậc chân nhân, không tu tập pháp các bậc chân nhân…” Các bậc Thánh, các bậc chân nhân là những vị minh triết, là những minh sư, cái thấy và biết của các Ngài không bị vô minh che khuất, vì thế thấy và biết của các Ngài đúng như thật, gọi là liễu tri.
Phàm nhân chúng ta thấy và biết pháp thế gian theo sở tri chướng, bị biên kiến phủ mờ, kiết sử trói chặt nên thấy cái gì vướng mắc cái đó: ... Người ấy tưởng tri sở kiến là sở kiến... Người ấy tưởng tri sở văn là sở văn... Người ấy tưởng tri sở tư niệm là sở tư niệm... Người ấy tưởng tri sở tri là sở tri... Người ấy tưởng tri đồng nhất là đồng nhất... Người ấy tưởng tri sai biệt là sai biệt... Người ấy tưởng tri tất cả là tất cả... Người ấy tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn... Vì tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn, người ấy nghĩ đến Niết-bàn, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn. Nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, người ấy nghĩ: "Niết-bàn là của ta" - dục hỷ Niết-bàn, Vì sao vậy? Ta nói: Người ấy không liễu tri Niết-bàn.
Như thế, phàm Thánh khác nhau Liễu tri và bất Liễu tri;Phàm không gần Thánh, không học hạnh và thực hành pháp Thánh nên bất liễu tri. Thánh từ phàm mà có, vượt khỏi tri kiến phàm mà có Liễu tri.
Em ơi, yêu ghét là gì? phải chăng yêu ghét chỉ vì ghét yêu!hợp tan sương phủ nắng chiều; ghét yêu thấp thoáng cánh diều tầng không!!!
Phàm phu nặng gánh ghét yêu, đời người lận đận trăm chiều vấn vương. Thánh nhân trút bỏ ưu phiền; tứ đại là một dấu huyền cỏi không!
Còn dùng phân biệt trí để thấy có đối tượng, đối vật, thấy có chủ thể đã rơi vào chấp có, cái thấy cái biết đó bị giới hạn, chưa thấu triệt nên bất liễu tri; Nhìn biết sự vật tính vốn như thật, không xen trí phân biệt vọng chấp thì thoát khỏi vòng vướng mắc. Trăng rằm vốn tròn, nhưng do nước giao động nên trăng trên nước bị méo mó, trăng đó, bất liễu thể, bất liễu tướng so với tướng thực của trăng trên tầng không!
Để biết được như vậy, học được như vậy, thoát khỏi vướng mắc như vậy, cần phải thân cận,học hỏi, thực tập từ các bậc Thánh, các bậc chân nhân minh triết.
Thế gian pháp cũng thế, muốn mở mang kiến thức, cần phải thân cận người trí, kẻ có tài, bậc học giả để tự thân nâng cao hiểu biết và nhân cách, phân biệt tốt xấu đúng sai để không sai lầm trong mọi hành xử.
MINH MẪN
17/11/09