Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009
LIÊM SĨ và DŨNG KHÍ
Khi học thuyết Khổng Mạnh đề cao đức tính Chính Nhân Quân tử, nhiều thế kỷ từ Trung Quốc đến Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam, xã hội ảnh hưởng sâu đậm một nề nếp Nho gia, từ giới bình dân đến cung đình, từ doanh nhân đến chính trị, từ gia đình đến cộng đồng đều thể hiện một phong thái đáng trân quý và xã hội sinh hoạt theo một nề nếp tôn ti.
Với văn hoá ngày nay của nhân loại, một số tiêu chuẩn của xã hội Nho gia không thích hợp, nhưng lúc bấy giờ nó là thước đo nhân cách văn hoá của con người; Khổng Tử là người san định Ngũ kinh: Kinh Thi – Kinh Thư – Kinh Lễ - Kinh Dịch – Kinh Xuân Thu và Kinh Nhạc.
Nho giáo xuất hiện từ Tây Chu, vào thời Xuân Thu, xã hội loạn lạc, Khổng Tử đã mạnh dạn triển khai tư tưởng của Chu Công, hệ thống hoá thành một học thuyết Nho gia, về sau được các đệ tử tập thành sách Đại học, Luận Ngữ, Trung Dung, cho đến thời Mạnh Tử, đã hình thành một Nho gia và Nho giáo Khổng Mạnh, vừa mang tính học thuyết, vừa mang bản sắc tôn giáo. Nho giáo nguyên thủy là vậy, đến thời Hán, biến Nho giáo thành một hệ thống bảo vệ quyền lực giai cấp lãnh đạo Phong kiến với quan niệm người đứng đầu đất nước gọi là Thiên Tử, thay mặt trời để cai quản thần dân, buộc xã hội phải tuân hành cúi phục! vì thế Nho giáo nghiễm nhiên là quốc giáo và chi phối tư tưởng xã hội suốt hàng ngàn năm.
Sang đến đời Tống, Nho giáo bổ sung thêm triết lý siêu hình của Lão và yếu tố tâm linh của Phật để có thêm màu sắc và chiều sâu giáo dục nhân quần, chỉnh chu quan lại, cán bộ. Riêng vua chúa, Khổng tử dẫn dụ tiền thư để giáo dục, răn đe về tư cách đạo đức lãnh đạo, tránh xa vô đạo như Kiệt Trụ mà lấy gương Nghiêu Thuấn làm một minh quân.
Trong Tứ Thư: Luận ngữ - Đại Học – Trung Dung - Mạnh Tử, thì Đại Học là sách gối đầu giường cho những ai có tâm hồn muốn trở thành chính nhân quân tử! Như vậy Nho gia trở thành học thuyết chính trị đương thời đã đưa xã hội vào nề nếp ổn định. Lúc bấy giờ quan niệm cho rằng Chính nhân quân tử là giai cấp chuyên trị và kẻ có học thức, ngược lại bần dân thứ chi là thành phần tiểu nhân, nhưng khi Nho giáo phát triển sâu rộng thì quan niệm Quân tử và Tiểu nhân là hai trạng thái, hai phong cách trong mỗi con người; cho dù là giai cấp cao trong xã hội mà không có phẩm chất cao thượng, vẫn xem là tiểu nhơn, ngược lại, dân đen mà cao thượng, vẫn được xem là quân tử.
Khổng tử đặt ra Tam cương ngũ thường cho nam giới, Tam tùng tứ đức cho nữ giới để làm giềng mối tôn ti trật tự xã hội, đó là căn bản đạo đức cho một nhân thân. Ngoài ra, Thi ,Thư, Lễ ,Nhạc trang bị cho con người một kiến thức, một tâm hồn nâng cao giá trị hiểu biết trong cung cách sống.
Về tự thân và xã hội, một chính nhân quân tử cũng phải tự rèn luyện nhân thân (tu thân), biết xây dựng gia phong (tề gia) đó là nền tảng cơ bản rồi mới nói đến lãnh đạo đất nước (trị quốc) và an bang tế thế (bình thiên hạ). Trung Dung có dạy: Đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo bạn bè, đạo anh em. để ràng buộc trách nhiệm và đạo đức trong mối tương quan cộng đồng. Luận ngữ cũng đề cập đến cái Dũng, một trong ba cái Nhân-Trí-Dũng, tương thích với Bi-Trí-Dũng của Phật giáo. Cái Dũng không thể thiếu hai yếu tố kia, bởi Dũng mà không có Nhân và Trí dễ trở thành thảo khấu; ngày nay đã bộc lộ rõ ở những cá nhân cũng như tập thể mà hằng ngày báo chí, truyền thông loan tải. Ôm bom tự sát và sát hại hàng trăm mạng người là cái Dũng đơn độc. Bi và Trí không cho phép cái Dũng hành xử như vậy. Một cơ chế dùng quyền hành để áp đảo nhân viên mà không theo đúng luật pháp và thiếu tình người, không thể gọi đó là Dũng. Một cá nhân lạm dụng quyền lực để hành xử theo bản năng tham dục cá nhân, làm khổ kẻ khác thì cái Dũng của kẻ Trí không thể có mặt, và khi hành xử theo lòng Tham cọng thêm quyền lực hoặc bạo lực thì không thể xem đó là chính đạo của người quân tử. Cái quan trọng trong học Thuyết Khổng Tử là: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, đó là nền tảng cho một chính nhân quân tử khi ra tay hành xử cần phải xét nét, người thiếu lòng Nhân và thiếu Trí tuệ thường hành xử thô bạo, đem đến khổ đau cho kẻ khác. Một khi Trí và Nhân vắng mặt thì quyền lực trở thành vũ khí tàn phá đạo đức cá nhân cũng như an bình xã hội.
Khoa học kỷ thuật tiến quá nhanh, nền tảng đạo đức tôn giáo không kịp song hành, đưa xã hội đến khủng hoảng tâm lý. Cá nhân thành đạt địa vị, danh vọng quá dễ và quá sớm, thiếu trang bị đạo đức tâm linh và không có Nhân chi sơ tánh bản thiện, cá nhân đó có nguy cơ thành người độc ác, làm tổn thương cộng đồng và suy thoái nhân phẩm.
Cái chính nhân quân tử sẽ :Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Một chính nhân quân tử của Nho gia thể hiện chí trượng phu của bậc xuất gia giả nhà Phật. Ngọn lửa Thích Quảng Đức đại biểu cho bao nhiêu ngọn lửa vào năm 1963, thể hiện tính Uy Vũ bất năng khuất. Phật giáo có rất nhiều trang sử Tăng lữ xem thường sinh mạng vì đại nghĩa. Những giáo đoàn vào chốn hiểm nguy, đã xác định tính kiên cường, xem nhẹ cái chết như lông hồng khi Đức Phật cật vấn trước lúc ra đi hoằng pháp, nhưng, trong hàng Tăng lữ ngày nay, cũng không thiếu những bậc “Thiên nhân chi đạo sư” lại vì chút danh vọng đành khuất phục trước thế quyền, sẳn lòng bán đứng đồng đạo để bảo vệ hư danh và quyền lợi. Con trâu chọi hay con gà đá được o bế trước khi lâm trận, không bỏ mạng trên chiến địa, cũng bị phanh thây trên bàn nhậu sau đó. Tự mình thiêu hủy uy tín của một tu sĩ, tiếp tay cho ma quân phá hoà hợp tăng, tức làm thân Phật chảy máu phải chăng tự tay mở cửa địa ngục, tự đào hố chôn mình, để sống không an, chết không dễ, làm sao ngẩng mặt nhìn đời. Ngồi trên cơ sở, tài sản kết sù như ngồi trên chông gai gươm giáo, ích lợi gì!. Thế gian mông muội không hiểu luật nhân quả, hành xử thô bạo do lòng tham xúi dục đã đành, một xuất thế tục gia, dám bỏ máu mủ huyết thống tộc họ, bỏ sự nghiệp gia thế để đi tu mà vẫn còn bị lòng tham vô minh đẩy vào hành động phản loạn. Một Xuất phiền não gia phát nguyện ra khỏi ngôi nhà phiền não khi thế phát quy y, lại tự mình tạo chiếc kén não phiền cột trói mình và làm não loạn đồng đạo vì chút lợi dưỡng hư danh. Một Xuất Tam giới gia nguyện ra khỏi ba cỏi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới mà vẫn còn tạo ác nghiệp để cột trói trong sáu nẻo luân hồi, rồi tự thán : do bị áp lực! Thế quyền áp lực hay vô minh áp lực? Cho dù áp lực từ đâu, nội tâm hay ngoại cảnh đều nói lên cái thiếu Dũng khí của bậc đại trượng phu.Ai cũng một lần chết, chết cho đạo nghĩa, cho lý tưởng lại sợ, chết cho hư danh lợi dưỡng và thế quyền thì tình nguyện như con thiêu thân. Một khi thân bại danh liệt, đạo không có chỗ dung thân, đời không được nhìn bằng mắt, suốt ngày ru rú trong phòng, không dám gặp ai, thử hỏi sống để làm gì??? Chí trượng phu quân tử vậy sao hởi bậc phát túc siêu phương! Tuy nhiên, vẫn không thiếu những bậc cao thượng, đứng giữa áp lực thế quyền và đạo lữ đồng môn, can đảm từ chức như HT TBTS Lâm Đồng, T. Pháp Chiếu. TT chánh ĐD PG Thị xã Bảo Lộc, toạ chủ chùa Phước Huệ tuy bị áp lực phải trục xuất 400 Tăng sinh ra đi giữa bão tố, ngài can đảm bất tuân chỉ thị, vì đã nặng tình đồng đạo và nghiêng về lẽ phải mà không hề ân nghĩa gì với Làng Mai. ĐĐ trụ trì Linh Phước Đà Lạt, ĐĐ Linh Toàn và nhiều vị trong BTS cũng sẳn sàng bao bọc các con em trước uy vũ của nhà nước. Thế mà vẫn không có một lời cám ơn hoặc gửi gấm con em mình cho GH trong nước, từ phía Làng Mai. Có như thế mới thấy chí trượng phu, đức uy dũng của bậc thầy mà không phải ai cũng bán rẽ lương tri như thầy trò họ Đồng.Thế mà TW GH không hề chứng tỏ quyền hạn độc lập để bênh vực lẽ phải hoặc xử lý hợp tình.
Phật giáo thường tự hào chưa hề làm đổ giọt máu trên bước đường truyền bá, chả lẽ tự hào đã đấu đá nội bộ như một Bát Nhã và Nam Triều Tiên trên 5 năm về trước? Lật lọng phản phúc không những là chuyện thường ngày trong xã hội mà chốn Thiền môn cũng từng bị lợi danh, quyền thế tác động. Các tôn giáo đều không tránh khỏi tình trạng nầy, chứng tỏ Satan và Thiên thần đều do Thượng đế sáng tạo cùng một lúc, nói theo tinh thần PG, tính giác và vô minh luôn song hành trên bước đường của hành giả.
Qua biến động của Bát Nhã hơn một năm, thể hiện tính chân tu của 400 Tăng ni trẻ, càng bộc lộ nét ương hèn của một sư phụ họ vì đánh mất Liêm sĩ và Dũng khí của người tu. Dĩ nhiên hành động lật lọng và thô bạo được tiếp sức bởi thế quyền. Về hình thức là tranh chấp nội bộ, Thầy trò họ Đồng chỉ là con chốt thí, ngày hôm nay, trăm dâu đổ đầu tằm, đành ngậm đắng nuốt cay, sống không yên, chết không đặng.
Với mạng truyền thông nhanh nhạy hôm nay, không thể che dấu bất cứ chuyện gì; những biến cố tại Bát Nhã, ngay cả 400 tu sĩ trẻ và một số quần chúng hiện là nạn nhân và là nhân chứng, làm sao phủ định được, toàn thế giới đều nắm bắt, không những tin tức bài vở mà cả phim ảnh, thế mà báo chí Việt Nam, sau thời gian im hơi lặng tiếng, giờ lại rộ nở hàng loạt luận điệu giống nhau, là phủ nhận mọi biến cố có thật do sự can thiệp sâu của chính quyền, theo thầy Thanh Thắng, từ cấp bộ trở xuống. Một đứa trẻ, con nhà gia giáo, khi phạm lỗi đã cảm thấy xấu hổ và thành thật nhận lỗi với cha mẹ. Học sinh nhận lỗi trước thầy cô chứng tỏ em đó có tiến bộ và có ý thức trung thực. Ngày xưa thầy trò đức Khổng Tử, lưu lạc sang xứ người để tránh nạn đói, khi thấy đệ tử nấu cơm chín, bốc bỏ vào miệng trước khi đem lên dâng thầy và cúng tổ tiên, Khổng tử than buồn, nhưng khi đệ tử bộc bạch do bụi bẩn rơi vào cơm, không đành vứt bỏ, nên bỏ vào miệng, lúc ấy Khổng Tử lấy làm áy náy vì hiểu không thấu đáo về người học trò của mình. Người quân tử thường tự xử, vì thế có những quan chức thế giới từ chức khi nhân viên mình vi phạm. Tai nạn giao thông ngoài ý muốn thế mà bộ trưởng giao thông Nhật, những năm về trước, cũng từ chức. Hồ chủ tịch can đảm đứng trước nhân dân xin lỗi về vụ Cải cách ruộng đất. Giáo hoàng JP 2 cũng can đảm xưng thú 7 núi tội đối với nhân loại trước thế giới, và những lính viễn chinh Mỹ cũng xin lỗi nhân dân Việt Nam vì họ đã nhúng tay làm đổ máu người dân vô tội. Xin lỗi hay nhận tội đều thể hiện tính ý thức tự trọng và có giáo dục. Lưu manh hình sư ít khi nào nhận lỗi hay ăn năn khi phạm tội, vì họ không được giáo dục về nhân cách. Làm người ai cũng qua một lần sai phạm, như vậy sai phạm không phải là đìều xấu mà xấu là không biết và không nhận thức mình đã sai phạm, không chấp nhận mình đã sai phạm, đó là cảm tính u trệ nhất khó làm cho ta tiến bộ, chưa nói đến những thái độ biện bạch sai phạm để đổ lỗi cho kẻ khác, thể hiện một nhân cách thiếu văn hoá. Những luận điệu báo chí nêu ra, biến những nạn nhân của Bát Nhã thành những phạm nhân vô cớ, biến những kẻ có tội thành người lương thiện, biến những kẻ chủ động thành người vô can, phủi tay một cách trắng trợn như chưa hề nhúng chàm. Một đất nước mà “xã hội đen” hoành hành như thế, một xã hội mà người chân chánh luôn gặp hoạn nạn, một cộng đồng mà mọi loại tội phạm sống hiên ngang, một tập thể mà nhân tài không có đất dụng võ, một luật pháp dùng hành động côn đồ làm phương tiện thì tất yếu lòng dân bất an; Bộ áo đại cán, comple đắc giá, mà những ý nghĩ đen tối ẩn sau cặp kính trí thức, không che dấu được bản chất của phi liêm sĩ. Chả lẽ 84 triệu dân không đủ trí tuệ để tìm một phương án hợp lý giải quyết những vấn nạn tôn gíao? Những hành động thô bạo rập khuôn từ Bắc chí Nam nói lên điều gì về nhân cách của chính nghĩa???Thay vì một lời nhận lãnh những sai sót từ thuộc cấp, cho dù lời hứa sửa sai suông đuột cũng làm nhẹ lòng người nghe hơn là cố tình bóp méo sự thật, một sự thật mà ai cũng biết, càng làm cho thế giới khinh bỉ.
Đất nước ta còn lâu lắm mới là con rồng châu Á khi mà ý thức văn hoá và nhân cách chưa có, xử sự thiếu tự trọng và thiếu tôn trọng. Không trung thực, đó là những tiêu chuẩn để đánh giá về con người và đất nước, về một đối tác để hợp tác phát triển kinh tế. Một đất nước phát triển kinh tế song hành với văn hoá, một bộ phận trong xã hội bất hảo thì chỉ là hiện tượng đơn lẻ. Một đất nước phát triển kinh tế mà thiếu chân đứng văn hoá dễ trở thành một xã hội mafia thời đại, làm sao tồn tại và cọng sinh trên hành tinh nầy.Dân tộc ta vốn có trên 4.000 năm văn hoá, lẽ nào xã hội dung dưỡng những nhân cách thiếu văn minh.
Chuyện Bát Nhã, phần lớn trí thức không lên tiếng vì họ nghĩ chuyện của Làng Mai, Làng Mai không lên tiếng thì họ xen vào làm gì!
Khi mà lòng tham biến thành chính sách và bạo động thì chẳng ai muốn rước hoạ vào thân, hoặc do áp lực nhiều phía nên họ đành câm lặng.
Đức Nghi có cái sai của Đức Nghi, Làng Mai có cái hở của Làng Mai, nhà nước có cái hố của nhà nước, Ban Tôn giáo có cái dở của BTG, GHPGVN có cái nhát của PGVN thì Kitô giáo đòi bảo lãnh số tu sĩ Bát Nhã là mũi tên bắn vào mọi phía, nỗi đau và nhục nào hơn. Biết rằng đó chỉ là trò chơi rung cây nhát khỉ để bỉ mặt PG khi cả một Giáo Hội không đủ can đảm bênh vực con em mình. Là lời cảnh báo với nhà nước Việt Nam khi đẩy Kitô và PG vào thế liên tôn, tuy là lối nhát ma nhưng thể hiện tính đối kháng của nhân dân đối với chính sách nhà nước, đồng thời cho thấy chính sách quá vụng của một bộ phận lãnh đạo gây khó cho trung ương và tầm vóc chung của đất nước mà không nên có trong lúc nầy, một tai tiếng vô lý bởi tính chủ quan của bộ phận an ninh thiếu cập nhật kiến thức chính trị quốc tế. Một bộ phận đó đã thăm dò trong giới chức sắc PG Lâm Đồng cũng như TW, và một vài nhân sĩ PG hải ngoại, tuy làm việc cẩn trọng và bài bản trước khi ra tay dẹp tiệm Bát Nhã, nhưng bài bản máy móc đó không hiệu quả, vì PG không phải một tổ chức nhất quán như Vatican, chức sắc PG không bao giờ nói thật lòng mình trước quyền lực thăm dò. Các nhân sĩ hải ngoại không nắm bắt hết tình hình PG, Tinh thần quần chúng bàng bạc khó đo lường. Khi sự cố đưa đến đường cùng buộc nạn nhân sẳn sàng hy sinh thì sự quan tâm quốc tế đã làm thức tỉnh giới lãnh đạo.Nếu vẫn phủ nhận những sai sót của thuộc cấp và đổ lỗi cho nạn nhân một cách ngoan cố, biết đâu quốc tế sẽ mở cuộc điều tra? Nhưng dẫu sao, TS Nhất Hạnh vẫn đặt quyền lợi tổ quốc lên trên, biết rằng về Việt Nam sẽ gặp lắm khó khăn, ngài chấp nhận để cứu vãn sự sa đoạ của tuổi trẻ và đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình đang đổ vỡ, xây lại nền móng đạo đức xã hội bị băng hoại. Làng Mai cũng không bao giờ tranh chấp tài sản nên không có vụ trưng dẫn chứng từ tạo mãi do Thầy Đức Nghi nhận lãnh. Tranh giành làm gì khi tình người đen bạc như thế, tranh chấp làm gì khi pháp môn làng Mai không được tồn tại và phát triển tại quê hương. Không phải TS Nhất Hạnh quá tin hay sai lầm mà ngài cố tận nhơn lực để tri thiên mạng, hầu chuyển đổi giúp đất nước tốt hơn! Vì thề, ngài sẽ không để cuộc điều tra xẩy ra.
Như vậy có quyền lực không có nghĩa con roi điện trong tay muốn xử dụng thế nào cũng được khi mà không tạo được niềm tin trong quần chúng,danh bất chánh, ngôn bất thuận. Xử dụng vụng về con roi điện có nghĩa tự mình giết mình trước khi giết kẻ khác. Một Lê Long Đỉnh róc mía trên đầu sư, cuối cùng Phật giáo vẫn tha thứ. Đề Bà Đạt Đa hại Phật mà tương lai vẫn là Phật sẽ thành, bởi chúng sanh nào cũng có Phật tánh, biết đâu, những ai làm đổ máu và gây khốn đốn cho 400 tâm hồn trong trắng vô tội kia, có lúc về đêm cũng phải suy nghĩ về việc làm thất đức của mình. Khi nằm xuống cũng cần chư Tăng làng Mai đến chú nguyện. Oan gia nghi giải bất nghi kiết đó là tinh thần nhà Phật. Tinh thần nhà Nho là liêm sĩ và dũng khí.
Người tu có Liêm sĩ và Dũng khí của nhà tu. Cán bộ có dũng khí và Liêm sĩ của cán bộ. Người cầm bút có Dũng khí và Liêm sĩ của người cầm bút thì đất nước lo gì không cường thịnh và được thế giới ngưỡng mộ. Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội phạm nào cũng có tương lai, đó là câu nói của bậc minh triết, nên xoá bỏ quá khứ, chấp nhận những sai lầm, bắt tay vào hiện tại với lòng trung thực của một con người xuất thân từ nền văn hoá trên 4.000 năm đã có, đó là tính Dũng khí và liêm sĩ của chính nhân quân tử!
MINH MẪN
21/10/09
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét