Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009
VƯỢT QUA
4 giờ sáng mọi người đánh thức nhau dậy, mặc dù đêm qua thức khuya. Anh em Tiếp hiện nối chân kéo nhau đi trong màn đêm, băng qua đọan đất gập gềnh để lên láng bếp; mọi người đã tụ tập đông, tuần tự lấy thức ăn!
Trên chùa Non, kèn trống bắt đầu inh ỏi, người lao nhao leo dốc thở hổn hển, trên các bậc thang cấp, thế mà các cụ vẫn bảo có Phật độ nên leo núi rất khỏe. Trong chánh điện và vỉa hè đều chật ních người. Các phật tử ở xa về trước một đêm, nằm bờ ngủ bụi trong cái lạnh thấu xương của núi rừng miền Bắc. Trời sáng đủ nhìn rõ lằn chỉ tay, các kiệu trang trí hoa đèn, tua reng thờ tượng Địa Tạng để sẳn ngoài sân bên hông chùa Non Nước. Những phật tử có mặt đều được phát tấm phướng giấy gắn trên que tre nhỏ thay thế lá cờ, sắp dọc hai hàng, chờ lễ thỉnh sư, xuống đầu dốc, ngay cổng Học Viện để tiếp linh. Nghi lễ ngoài nầy không thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, không thượng phang mà đàn chẩn miền Nam, miền Trung đã có. Những chuyên gia nghi lễ đã thẩm định nghi thức tán tụng tại Sóc Sơn còn quá nhiều sơ sài, nhưng cũng lấp được khoảng trống to lớn mà nhiều người e ngại sẽ vấp phải.
Loa phóng thanh được nối dài dọc xuống lối đi. Nguời dẫn chương trình đọc chương trình hành lễ, ý nghĩa Đại Đàn Chẩn Tế, và thông báo, nhắc nhở các nhân sự thừa hành! Bên hông chùa, ban nhạc lễ Tứ Phủ bày biện nhạc cụ, chiếc đàn cò một giây được thử âm thanh, bốn người đàn ông còn lại kẻ trống người kèn, tất cả khăn đóng đen, áo dài lụa mỏng, lót vải bông đỏ bên trong; hai cô Đào son phấn loè loẹt như bà bóng, mặc áo tứ thân màu hồng, chít khăn trắng, cầm nhịp phách; xa hơn một tí, 22 người trung niên, trang phục đồ tây trắng, đội két trắng, tay cầm bộ kèn đồng đủ cở, trống, chập chả.. sẳn sàng ứng chiến; Cặp lân và con gà trống cồ nằm sau chiếc trống hai người khiên, dẫn đầu đàn. Bên trong, chư Tăng cũng đã đắp y, HT Thanh Nhiễu đội mão Địa Tạng, TT Pháp Ấn thay mặt sư ông và Làng Mai cùng vài Phật tử Tiếp Hiện quỳ đội sớ. Chủ sám và sư ông niêm hương bạch Phật, tán tụng có nhạc kèn đệm thật inh ỏi.
Trống nổi lên, cặp Lân bắt đầu nhún nhảy, xoay mặt hứơng về đoàn thỉnh lễ, bước thụt lùi xuống dốc, chú gà trống phe phẩy cặp cánh dài đỏ chói tới chân, thay thế vị trí ông Địa trong các đoàn Lân phía Nam. Chỉ có miền Bắc mới có chú gà trống cồ trong trang phục lễ hội; có lẽ tập tục cúng gà trong các đền chùa miền Bắc nên họ đã làm chú gà mà không là cô vịt! Đội Lân của tỉnh Thái Bình, phần lớn là anh em lớn tuổi, tình nguyện góp vui miễn phí cho buổi lễ. Người trong đội Lân-Gà, đều đội nón cối và đồ xanh cứt ngựa, có người từng là bộ đội phục viên, có người là dân thuần túy, nhưng trang phục hàng ngày của họ cứ như bộ đội, mà thời chiến, toàn dân được phủ lên người một màu thống nhất như thế, có lẽ những bộ đồ đó thích hợp với đời sống lao động, bền và rẽ, nên các cánh đàn ông thường xử dụng. Có điều, vành mũ cối và vai áo có nhiều dấu sờn, mòn, màu bạc thếch, chứng tỏ mức nghèo khó vẫn còn dai dẳng đeo theo cuộc đời họ sau hơn 30 năm thống nhất tổ quốc. Ngay cả cái trống gỗ hai người khênh, quai xỏ và mặt trống cũng mòn lẳng mà đáng ra đủ tuổi về an dưỡng trong viện bảo tàng
Quần chúng ồn ào lao nhao như hội hè. Hơn 7 giờ, đoàn bắt đầu xuống núi. Đội kèn mở đầu bằng nhạc bản Phật Giáo VN, đó là bản giáo ca của Lê Cao Phan được chọn sau thời 1963 cho GHPGVNTN. Hôm nay, bài đó mới phản ánh đúng ý nghĩa thống nhất PG Nam Bắc. Điệu nhạc trầm hùng bởi nhạc khí làm phấn khởi và xúc động những ai đã từng là nhân chứng trong giai đoạn PG vượt qua pháp nạn thời Ngô. Có lẽ, đội kèn biết rất ít nhạc PG, nên chỉ có thêm bài Kính Mến Thầy…nếu có bài Trầm Hương Đốt thì buổi lễ sẽ thâm trầm ý nghĩa hơn.
Kèn và đờn Cò ò e của nhạc lễ Bát Âm, nhịp phách hoà âm, hai cô ả Đào trông như hai chị em sinh đôi,vóc dáng thanh tú, ỏng ẹo lả lơi, môi đỏ, lúc nào cũng tươi cười nhìn mọi người, nhịp bước. Tiếng niệm Phật của Phật tử miền Bắc, tiếng đọc kinh trên loa phóng thanh tạo thành một tạp âm của lễ hội.
Ban dẫn lễ hai hàng cầm bê tích, phang lọng. thầy Pháp Ấn thay mặt sư ông đi giữa lọng tàng, tiếp đến là HT chủ sám và tăng thân làng Mai cùng chư vị khách tăng đắp y nghiêm cẩn. Phật tử tháp tùng với lá phướng giấy trên tay, có những tấm phuớng chưa kịp viết chữ.
Đoàn chậm rải xuống địa điểm tiếp Linh độ hơn 600m, trên bãi đất trống, mượn tạm ngôi nhà cổng của Học Viện PG làm điểm kết tập thỉnh linh. Hơn nửa giờ làm lễ, đoàn trở lên chùa Non, hàng trăm Tăng ni sinh Học Viện đã tháp tùng đoàn lên chùa tiếp tục dự tiến lễ.
Xe ca 50 chỗ, xe du lịch 4 chỗ, 7 chỗ tiếp tục tràn vào sân. Bãi đất trên một ngàn m2 đã không đủ chứa, một số xe phải cho khách xuống ngoài lộ cách đó gần một km. Có 2 chiếc của Đạo tràng Pháp Hoa thuộc Ban Hoằng Pháp Trung Ương , những xe còn lại từ Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hoá, Nam Định,Nghệ An, Hà Tỉnh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình…có đến 143 chiếc xe lớn, 51 xe trung và 33 xe du lịch 4 chỗ có mặt tại bãi. Ngoài ra, ba chiếc xe máy cày kéo thùng chở các cụ từ vùng lân cận đến muộn. Xe hai bánh mấy trăm chiếc nằm thứ lớp trong khu vực riêng giống các kho bãi tạm giữ bị cảnh sát giao thông phạt vạ.
Khí hậu râm mát mà đêm trước rét thấm tủy, mưa bụi lâm thâm lất phất nhưng không lạnh đã làm tăng phần phấn khởi cho người tham dự. Tiếng kinh tụng rền vang, ngoài vách núi sạt lỡ một mãng lớn, đất và tảng đá chùi xuống nhưng không gây tai nạn. Rừng người tiếp tục khấn vái nguyện cầu. Một tập quán đặc biệt của người dân xứ Bắc, các bà đổi một trăm tiền lẻ giấy bạc tờ 200 đồng, đặt ngay vế đùi của tượng Phật một tờ, trên tay ngài một tờ, cứ thế mỗi vị trí thích hợp mà không chịu bỏ vào thùng công đức, và giấy tiền vàng mã là món sở thích của các cụ nhà ta. Đặc biệt, nơi đây chưa thấy các tay trộm vặt thèm thuồng những tờ giấy bạc vô chủ như thế. Với cái nhìn kinh tế, đốt vàng mã và thuốc lá là đốt tiền để giải khuây!
Đêm trước, 19/4/07, BBC có hỏi tôi về đức tin của quần chúng và cán bộ về hưu hiện nay, nhất là miền Bắc, tôi đã phân tích: Ngoài vật chất, tâm linh vẫn là nhu cầu không thể thiếu, từ khi nhà nước mở cửa, người dân miền Bắc như nắng hạn gặp mưa rào, họ ào ạt đến với tín ngưỡng bằng niềm tin không phân biệt, vì thế có tệ nạn mê tín, các đền chùa đều đốt vàng mã , cúng gà heo, xin xăm bói quẻ.Khấn vái van xin không phải là tinh thần đạo Phật, Chẩn Tế, niệm Phật không phải là van xin để đựợc bố thí mà là khấn nguyện hồi hướng công đức cho đối tượng mình nghĩ đến. Tinh thần Xin và Cho không có trong đạo Phật. Cốt tủy PG là sự công bình của Nhân và Quả trong mỗi hành nghiệp nơi chúng ta, tác động lên Cọng nghiệp của tập thể và Biệt nghiệp của cá nhân. Đạo lý Nhân Quả hướng dẫn mọi hành trạng của người Phật tử vào quỷ đạo thiện nghiệp. Đạo Phật không ràng buộc mọi người phải tuân thủ tất cả, mỗi người tự nguyện giữ những giới điều mìnnh cảm thấy có thể, để trở thành một Phật tử, không tạo cho tín đồ có tinh thần ỷ lại; bước đầu là quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới. Không khó lắm để trở hành một Phật tử chánh tín, tuy không dễ từ bỏ tập quán mê tín. Mê tín là khởi đầu để đến với tín ngưỡng dân gian, và là đức tin nền tảng để trở lại với đạo Phật…PG không chống mê tín, nhưng chuyển hoá mê tín thành chánh tín bởi chánh niệm…
Nhìn các cụ lưng gấp song song mặt đất, tay chống gậy vẫn hí hửng leo dốc. Nam thanh nữ tú hướng mắt lên đấng Từ Tôn khấn nguyện, các hàng quán bày biện vịt lộn mực khô ít người ghé mắt, ngoại trừ vài ba thanh niên có bộ dạng và trang phục không bình thường ngồi nhậu mà mắt không rời xa đám đông, toàn cảnh đó gợi lên sự xót xa nơi tâm hồn người tin Phật chân chánh.
Có nhiều đoàn thể Phật tử, mặc áo dài màu xám tro, choàng lên cổ dải tua màu vàng của đạo tràng Pháp Hoa, áo tràng nâu của đạo tràng Mai nội, và nhiều đạo tràng ở Hànội và các tỉnh. Đặc biệt, các đạo tràng tự điều hành và sinh hoạt rất nghiêm túc dù không có thầy hướng dẫn, nhưng phần lớn, giáo lý chưa đạt đến mức thâm dịu.
9 giờ, sư ông mở đầu pháp thoại bằng giọng xướng : Cành Dương Liễu Quán Thế Âm, giọng lảnh lót đến rợn người của thầy Pháp Niệm, đại chúng tiếp theo bài xưng tán Quán Thế Âm để thanh tẩy từ trường, tạo hưng phấn cho buổi pháp thoại. Quần chúng đổ lên chùa, người bên trên phải giạt xuống ngồi dọc lối đi. Không còn chỗ chen chân; bên dưới chân núi, quần chúng tự tìm chỗ ngồi nghe pháp thoại qua bốn loa sắt đặt trên cây thông. Vốn giọng Huế, tại Hà Nội, sư ông pha thêm gịọng Bắc dễ nghe, Xe thồ hoạt động liên tục chuyển người từ ngoài đuờng vào, và những ai muốn ra thị trấn. Quán nước bên đường cũng không còn ghế trống, Các bếp nấu ăn phải tăng cường mướn thêm người địa phương ngoài số Phật tử và sinh viên tình nguyện. Ngày đầu, riêng nhà bếp cư sĩ đã cung ứng trên 7 ngàn phần ăn mỗi buổi. chưa kể chư Tăng và Tăng đoàn làng Mai trên tám trăm vị. Số người tham dự vượt khỏi dự đoán của ban tổ chức và chính quyền gấp 7 lần.
Có người nói rằng, chính vì địa thế nầy mới thấy tấm lòng và niềm tin của quần chúng đối với đạo Phật thông qua lễ hội; nếu tổ chức tại Hà Nội, sẽ không có chỗ cho xe đậu và không chùa nào có đủ cho lượng người như thế. đồng thời nơi vùng núi rừng như thế, nơi địa linh của cổ nhân như thế cũng là chỗ dễ kiểm soát sinh hoạt cho số lượng người mà tại TP khó có thể. Ví dụ tại Huế, tăng đoàn đã bị kẻ trộm viếng nhiều lần.
Tối về, màn đêm quét lên cảnh vật thành khối đen mập ờ, những ngọn núi vòng quanh ôm trọn chùa Non và quần thể đền miếu Thánh Gióng; cũng con Lân dẫn đầu và kèn đồng mở màn giáo ca, các ngọn bạch lạp lập loè trong các cánh sen giấy sắp dọc hai bên lề đuờng. Ban nghi lễ vẫn bê tích và lọng, sám chủ và sư ông từ tốn đổ xuống mép hồ cách hơn 700m. theo sau là rừng người hai tay nâng đèn hoa. Các xe ở xa đã về một số vào buổi chiều, thế mà dòng người phóng đăng chen chúc nhau lô nhô trong đêm như đạo binh hành quân trong thầm lặng, từ dưới nhìn lên cao thật thiêng liêng, hồ hởi. Dân địa phương cũng như quần chúng miền Bắc được dịp ngàn năm hiếm có.
Hồ không rộng, đáy không sâu, Ban kinh sư, sư ông và đoàn nguời vây quanh, một thời kinh tán tụng, từng chiếc đèn xuống nước, gió đẩy từng cánh đèn hoa ra khơi, dòng người còn trên dốc cao vẫn chưa xuống hết, ánh sáng trên cao, ánh sáng dưới nước bập bùng trong đêm như những vì sao nhảy múa mừng hội. Các lồng chim mở cửa ngục, các con chim vổ cánh lạc hướng, có con rơi xuống nước, có con mất sức ngã trên đường bị bóng đêm nhận chìm duới chân rừng người tham dự dẫm bẹp.
Sáng hôm sau, ngày thứ hai của Đàn Chẩn, dòng xe các nơi lại lũ lượt kéo đến, rừng người tiếp tục vây kín chùa Non. Mưa bụi hay sương muối vẫn rơi, thời tiết vẫn mát và không ánh nắng. Sư ông qua buổi pháp thoại là lễ quy linh. Hàng ngàn người lao nhao bổng im bặt một cách linh thiêng, người có mặt đọc theo sự hướng dẫn của sư ông như chính tự mình được quy y, vì trong ta đã có hạt giống thiêng liêng của ông bà cha mẹ tổ tiên, trong ta có gen của người quá cố, quy linh hay quy y cho ta cũng thế, tất cả đều quay về với Phật pháp.
Trong nước, thời gian qua sống nhờ đồng tiền của thân nhân vượt biên;
Đất nước, thời gian qua xây dựng một phần có đồng tiền của con dân bỏ nước ra đi;
Chùa miếu, nhà thờ khang trang cũng nhờ tín đồ bôn tẩu nhọc nhằn nơi đất khách tha phương. Tất cả là sự xây dựng từ vật chất, nhưng tâm linh, sư ông là người đầu tiên khởi xướng sự đoàn kết và tha thứ cho nhau, tại sao không thể? nếu thế thì tại sao chúng ta ngoảnh mặt chối từ hoặc không tiếp tay xây dựng?
Những dấu hiệu đầu tiên từ địa điểm hành lễ tại phía Bắc, tạo một phiền muộn lo âu cho những người luôn theo dỏi cuộc hành trình của làng Mai, mà qua vài địa phương đã có lắm bất cập. Một điểm then chốt cuối cùng, quyết định việc thành bại hoằng hoá tại quê nhà của thiền sư Nhất Hạnh, đã xoay ngược thế cờ mà những áp lực muốn đẩy ngài vào thế bế tắt. Tất cả đã vượt qua. Thiền sư Nhất Hạnh đã vượt qua lắm khó khăn vào giờ chót, tiền hung hậu kiết, biểu hiện PGVN cũng sẽ vượt qua sự đen tối trước áp lực vô minh, và dân tộc ta cũng sẽ vượt qua những chướng ngại từ mọi phía. Đó là sự vượt qua nhiều ý nghĩa hơn lễ Vượt qua của các quốc gia Âu Mỹ hiện tại.
Tuy hình thức Chẩn đàn tại Sóc Sơn theo tập quán lễ hội, nhưng nội dung đã chuyển tải được mục đích của thiền sư, sự thành công về lượng số đã hơn hẳn Vĩnh Nghiêm, Thủ đô Hà Nội đại biểu bộ mặt một đất nước đã thành công một Đại Trai Đàn Chẩn Tế ngoài mọi dự tính và lo âu.
Tất cả đều Vượt Qua thật tốt đẹp!!!
MINH MẪN
21/4/07
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét