Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2009
HỒN NƯỚC
Việt Nam chuẩn bị đón chào kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, kể từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, lấy tên là Thăng Long vào năm 1010!
Năm nay, giổ Quốc tổ Hùng Vương từ Nam ra Bắc, từ trong nước đến hải ngọai, đồng bào ta đã thể hiện lòng tri ân nguồn cội một cách trang trọng!
Qua những trang sử hào khí của tổ tiên, để lại cho chúng ta một ngôi nhà chư “S”, con cháu các ngài lắm phen khốn khổ vì ngoại xâm để vẹn tòan bờ cỏi; cũng có giai đoạn đất nước điêu linh trầm thống cũng bởi những người con vô ý thức “buông lỏng cơ đồ”!
Đã bao phen nước nhà ly tán, nhân dân đồ thán, cũng lắm phen đất nước sum vầy, cháu con đòan tụ; nhưng niềm vui thì ít mà đau thương tràn đầy! Trải qua một cuộc “ bể dâu”, tổ quốc được thống nhất thì lòng người lại rối bời. Ruột thịt phân ly bởi không dung nạp được nhau; Hòa nhập giòng sống với thế giới bên ngòai thì kéo theo những tác động giao hưởng của nhiều trào lưu văn hóa sa đọa. Hạt gạo mình sản xuất vẫn còn phụ thuộc vào phân bón, xăng dầu từ ngoại nhập; con tôm con cá dân nuôi cũng bị chi phối bởi sự thẩm định khắc khe của kẻ khác. Tòan cầu hóa thì mọi sự đều chịu ảnh hưởng chung bởi tòan cầu. Khủng hoảng tài chánh các nước lớn thì người dân của một quốc gia nhỏ bé cũng lao đao về kinh tế. Một nước lớn dân đông sát cạnh thì nhân dân ta cũng phải chuẩn bị thu vén cơ đồ; không phải do ta thế yếu mà do không đồng lòng thống nhất với nhau. Biên giới phía Bắc, hải đảo phía Đông và rừng núi Tây Nguyên như ba gọng kềm trói tay siêt cổ chúng ta bất cứ lúc nào. Tây nguyên chỉ cần thêm vài vạn người ngọai tộc dưới vỏ bọc “ công nhân” thì tổ quốc sẽ nghe tiếng “Quốc” gọi hồn thương khóc cho bầy con khiếp nhược!
Đất nước đã thế, lòng dân nào yên! Ruộng vườn đất đai nhà cửa bị chiếm đọat; bất công tham nhũng tràn lan. Nhà nước có nhiều chính sách hổ trợ cho dân nghèo, nhưng đồng tiền đã đến chỗ không đáng đến. Cán bộ không nghĩ đến quyền lợi đất nước mà chỉ thấy cái lợi riêng tư nên có thừa nhiều cách để làm cho dân bất mãn!
Công ty xí nghiệp đóng cửa, công nhân thất nghiệp; nhiều người mẹ “giật gấu vá vai” để nuôi những đứa con còm cỏi, đàn ông thanh niên không vốn, bán sức lao động trên các bãi khuân vác để đem lọn rau về cho gia đình nấu cháo. Các hố rác, trẻ lượm lặt đông hơn ruồi nhặng!
Chương trình nhà “tình nghĩa”, nhà “tình thương”, căn nhà “mơ ước”… là một nghĩa cử đẹp, nhưng chưa thể lấp hết những cơ cực dân thường. Dân ta nghèo, trẻ con ta thất học rất nhiều, nhưng ai bảo rằng đất nước ta khốn khó khi mà hàng tỷ đồng để bày trò “hoa hậu” rửa mắt cho kẻ dư tiền. Bao chi phí mướn huấn luyện viên, cầu thủ bóng đá nước ngòai, để giải trí khi bụng dân đang đói.
Các nhà hàng sang trọng đầy thực khách mà lảng vảng ngòai phố không thiếu kẻ ăn xin. Xã hội giàu có như các nước tiên tiến, vẫn có những người dân không nhà, nhưng dân họ không đói, trẻ con không thất học, do chương trình an sinh xã hội của họ chu tất. Đất nước ta lộ rõ nét tương phản và thiếu khả năng!
Quán nhậu, bia ôm, phòng nhảy… cấp phép dễ hơn một ngôi chùa xin tạo dựng, tu bổ; Nhiều trại giam phải thả tội phạm trước thời hạn vì không đủ gạo nuôi, vì thế trộm cướp, xì ke, chích chót đông hơn cảnh sát hình sự.
Từ ngày đổi mới, người dân tự do chọn lựa tín ngưỡng, cũng là lúc mê tín tràn vào các ngõ ngách, kể cả công sở và cán bộ. (Đồng cô bóng cậu, bùa ngải…) Đó không phải là tôn trọng tự do Tín ngưỡng mà là loại “mì ăn liền” có chỗ cho dân xả súbắp những phiền muộn, bất lực đang vây quanh. Hiệu quả trước mắt nhưng hậu quả lâu dài sản sanh nhiều thế hệ trì trệ bởi tinh thần nô lệ, cầu khấn, van xin, ỷ lại.
Đền chùa do cán bộ và đại gia xây cất khá quy mô; Một số tu sĩ vận động ngòai nước để biến ngôi Tam bảo thành thắng cảnh du lịch thay vì là tu viện đào tạo chân tăng. Chùa chiền phát triển chỉ mục đích phô trương hơn là nội hàm tu dưỡng. Xét về mặt hình thức, PGVN phát triển rầm rộ, nhưng thực chất cho việc tu tập rất hạn chế.
Về trật tự xã hội và an ninh chính trị là một mặt phẳng lì của khối đại dương hàm tàng những cơn sóng ngầm đầy phiền muộn. Mặc dù nhà nước cố tìm một lối thóat cho tinh thần người dân ổn định qua những cuộc trợ cấp, nhưng cán bộ các cấp xử dụng nguồn trợ cấp một cách sai lệch càng tạo thêm những bất mãn vốn bất mãn.
Phương diện tôn giáo, là điểm nhạy cảm, những mắc mứu giữa nhà nước và Thái Hà cũng như giữa nhà nước và Làng Mai, ai đúng ai sai, chỉ có hai bên biết rõ, nhưng qua lối hành xử, cán bộ phạm quá nhiều sai sót tạo thành tai tiếng không đáng có. Cái bịt miệng Nguyễn văn Lý giữa tòa, chắc chắn không phải chủ trương của nhà nước, nhưng cán bộ đã không được hướng dẫn kỷ trước những phản ứng bất lợi đã đi vào lịch sử như thế; thì tu viện Bát Nhã, chưa phải là một vụ án quan trọng, thế nhưng công an xã Đamb’ri và Ban Tôn giáo chính phủ đã có những động thái quá sai lầm. Nếu có lỗi về phía làng Mai, thì chỉ riêng Thiền sư Nhất Hạnh và nhà nước chứ bốn trăm tu sĩ không có lỗi, tại sao họ không có quyền an tâm tu học. Và gần đây, trên mạng truyền thông quốc tế vừa phổ biến tin công an vào trục xuất trên 300 tín đồ nam nữ thanh niên TP lên tham dự khóa tu đầu tháng mà đã diễn ra hơn ba năm nay. Điều lạ, hình ảnh phổ biến trên mạng cho thấy Công an khóa cổng chùa để tín đồ phải leo rào vào, tại sao công an làm chuyện trái khóay như thế? Thời đại thông tin tòan cầu thì không thể dấu bất cứ điều gì, vì thế hành động phải cân nhắc kỷ chứ không như thời bao cấp được phủ bức màn sắt. Trụ trì khóa cổng không cho tín đồ vào đã là chuyện không thể chấp nhận huống nữa là công an, vì cửa chùa không phải là cơ quan nhà nước! Khóa cổng chùa và bịt miệng can phạm tuy hai hình thức khác nhau nhưng mang chung một tính chất: độc quyền- độc đóan và độc tài của bộ phận cán bộ quen thói cửa quyền, thiếu tôn trọng dân! Nhà nước trục xuất tu sĩ và tín đồ với lý do TT Đức Nghi không bảo lãnh và không chấp nhận sự hiện diện của họ? Nếu có tranh chấp giữa hai bên thì phải được tòa xử thấu tình đạt lý đôi bên, chứ công an không thể vì khiếu kiện của nguyên đơn mà buộc bị đơn phải chấp nhận cái vô lý như thế ; trong thời gian chờ đợi tòa án giải quyết, mọi hiện trạng vẫn được sinh họat bình thường, nghĩa là không làm đình trệ và tổn thương tinh thần lẫn tình cảm của cả đôi bên, nhất là tín ngưỡng và tâm linh mà những người trên đây đều không sai phạm luật pháp.
Năm 1980 về trước, việc xét hộ khẩu về đêm hay gõ cửa nửa khuya là chuyện quá quen đối với người dân, nhưng từ ngày nhà nước kêu gọi nhân dân Sống và làm việc theo luật pháp, người dân không còn bị đánh thức hay mời ra khỏi nhà giữa khuya thì hà cớ cửa chùa phải mở cửa cho công an vào xét tra mà biết chắc chắn hàng trăm người đó là những công dân từ bỏ hư hỏng sa đọa hướng về con đường thánh thiện, ngược lại công an lại khóa cổng ban ngày không cho quần chúng vào chùa tu tập lại thả cửa cho bia ôm, cà phê bán dâm trá hình tự do họat động về đêm? Một số tỉnh thành cũng không tránh khỏi những thái độ vượt pháp luật của các cán bộ. Hai năm trước, BTS PG Đồng Tháp chưa mãn nhiệm, cũng bị chính quyền thành lập BTS mới với những thành phần bất hảo của PG. Thế là Đồng Tháp là tỉnh thành duy nhất có 2 BTS, hai con dấu. Gần đây, công an tỉnh tên Vinh ra lịnh ni trưởng Như Ngọc giao trả con dấu mà chư tôn túc đã gửi đơn niêm phong con dấu lên Trung ương GH và An ninh, Ban Tôn giáo khi nhà nước tự động dựng lên BTS mới. TẠI SAO PHẢI HÀNH ĐỘNG VỤNG VỀ NHƯ THẾ?
Chuyện nhà nước giải quyết những tổ chức tôn giáo không thích hợp với đường lối, chính sách là việc của nhà nước, nhưng đừng vì thế mà làm những việc thiếu tế nhị và xem thường người dân; phải biết tôn trọng dân thì dân mới tôn trọng lại cán bộ, nếu cán bộ nào làm sai, nên có cách chỉnh sửa và can đảm xin lỗi, chứ không nên bao che.
Nhân dân đang khốn khổ vì kinh tế, đang bị môi sinh đe dọa hàng giờ, đang bất mãn trước một số cán bộ tha hóa, chịu áp lực vật giá leo thang, đang âu lo trước vụ xâm lược; đang đau khổ con cháu ngày một mất đạo đức và thất học…Trước những giao động đó, chỉ có tôn giáo, nhất là đạo Phật, mới giúp cho tín đồ an trú với hiện tại, tạo cân bằng cho cuộc sống; Tâm linh không những là sinh khí cho tự thân mà còn là linh hồn cho một đất nước, Lý Trần đã cho ta thấy điều đó.
Không nên đổ dầu vào lửa khi mà lồng ngực người dân đã căn đầy thán khí. Tai tiếng với thế giới, nộ khí trong nhân dân đủ để người cầm quyền xét lại việc làm của mình, lối ứng xử sao cho tinh tế. Một bộ phần quần chúng bỏ nước ra đi, vốn ấn tượng không đẹp về một quá khứ, làm sao họ có thể hòa nhập với hiện tại qua việc kêu gọi từ trong nước nếu họ không nhìn thấy cái đẹp hơn, cung cách cư xử văn minh lịch sự hơn;
Tuy trong nước , người dân không vừa lòng với hiện tại, tuy ngoài nước, quần chúng không thiện cảm với quá khứ, nhưng không vì thế mà tinh thần yêu nước bị suy giảm; trước sự tồn vong của dân tộc, trước tình trạng lãnh thổ bị đe dọa, muôn người đều có chung tiếng nói Yêu Nước như nhau; Đó là linh hồn của dân tộc, đừng làm linh hồn đó bị biến dạng bởi những phiền tóai không đáng có trong cuộc sống, nhất là tôn giáo là vấn đề nhạy cảm hiện nay. Nếu những việc không được xem là ưu tiên một trong việc bảo tòan đất nước, hãy tạm lắng đọng để cùng nhân dân hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà cha ông ta đã dầy công xây dựng, vua Lê Thánh Tôn đã cảnh báo rằng: Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông do tổ tiên để lại. Tiền nhân đã ý thức vẹn tòan lãnh thổ khi mà lòng người đã được thống nhất một khối; thời đại dân trí được nâng cao như hiện nay, chả lẽ ý thức bảo vệ đất nước và thu phục nhân tâm kém hơn!
Phần lớn cán bộ hành sự theo thói quen cửa quyền, chưa quen tôn trọng luật pháp khi quyền lực vô giới hạn. Muốn người dân sống và làm việc theo pháp luật thì cán bộ cũng cần tôn trọng luật pháp, kính trọng nhân dân. Trên dưới một lòng và nghiêm minh theo pháp luật thì Hồn nước luôn được vững bền trước sóng gió ngọai xâm!
MINH MẪN
16/4/09
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét