Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009
PHẬT TỬ XÃ BOMBO
- Tại sao Phật tử chúng tôi thực hiện đúng bảy bước do Tỉnh Hội Bình Phước nêu ra, đã được chính quyền xã Bombo chấp thuận được thành lập Ban Hộ tự và xây chùa, mà Hoà Thượng Trưởng BTS vẫn không giải quyết?
- Chúng tôi là những công dân tứ xứ, kể cả người sắc tộc tại địa phương , sống bằng nương rẫy, muốn có một ngôi chùa để lễ bái mà Giáo Hội tỉnh không chấp thuận?
- Mỗi tháng chúng tôi phải đi chùa cách xã chúng tôi phải vài mươi cây số, đã có người bị tử nạn giao thông, chúng tôi thiết tha đươc có ngôi chùa tại xã để không mất thời gian đi lại, đó là nguyện vọng hợp lý mà Hoà Thượng Trưởng BTS không duyệt xét? Đã hơn hai năm rồi. Tại sao chúng tôi không có quyền phục vụ tín ngưỡng tại địa phương mình???
………………………………..
Những tiếng than vãn đầy bức xúc của người Phật tử xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, mỗi khi có ai đó trong Phật giáo từ Thành Phố về, nghe thật não nề, đáng thương .
Có đến chứng kiến tận mắt cuộc sống của người dân tha phương, mới thấy tấm lòng của họ, những người vì cuộc sống phải bỏ xứ ra đi, Bắc có, Huế có, Quảng có, miền Tây Nam bộ cũng có, về đây, không những bám vào mãnh đất đỏ nắng bụi mưa lầy của miền cao, mà còn cố bám niềm tin mà ông bà cha mẹ họ đã lưu truyền, để nơi hiu quạnh, họ vẫn ước mong có một ngôi chùa, hoặc một Niệm Phật đường, sau những ngày giờ lao động vất vả.
Đã bao năm qua, những ai muốn đi chùa, phải vượt vài mươi cây số trên quốc lộ 14 để về Bù Na, hoặc trên 60 km để đến Đồng Phú. Một tháng bốn lần đều như thế. Người sắc tộc họ đi trước một ngày để phụ thầy công quả quét dọn lau chùi; những ai không có xe gắn máy thì họ đi xe đạp. Vào vụ mùa, họ thu hoạch càphê, thế mà vẫn nghỉ công để đến chùa. Hai năm nay, Phật tử xã Bom Bo phấn khởi khi gom góp đủ tiền mua khoảnh đất để mong cất được ngôi chùa cấp bốn đơn sơ thờ Phật và quần chúng khỏi phải đi quá xa; sau khi chính quyền xã hướng dẫn thủ tục và Ban Trị Sự Tỉnh đưa ra 7 bước để hợp thức hoá Ban Hộ tự tiến đến xây chùa, Phật tử phải vất vả dẹp bỏ công ăn việc làm để làm đơn, mỗi lần đi lại gần trăm cây số, xuống tỉnh hội.Quý Phật tử trong Ban Hộ tự cho biết:
Chúng tôi đến chùa Tỉnh Hội ở Đồng Phú, mặc áo Tràng, quỳ trước mặt thầy, đưa đơn xin lập chùa, thầy không nhận, ngoảnh mặt làm ngơ; quỳ như thế cả hai giờ đồng hồ, khi thầy bảo đứng lên lấy gói thuốc cho thầy, chúng tôi choáng váng ngã nhào; Thầy lại xua đuổi chúng tôi như đuổi tà; để phong bì cúng dường thì thầy bảo chúng tôi hối lộ. Sau khi thất vọng, chúng tôi ra về, gặp một tu sĩ ở trong chùa, họ bảo: quý vị phải cúng từ ba triệu trở lên thầy mới nhận. Chúng tôi là những nông dân tay lấm chân bùn, gom góp mỗi người một tí, lấy đâu ra số tiền như vậy!
Ban Hộ tự dự kiến lập chùa tại xã Bom Bo đã hai năm, gửi đơn hơn hai tháng, mọi sinh hoạt của Phật tử xã nhà đều được Hoà Thượng BTS nắm rõ, nhưng trách nhiệm của một vị lãnh đạo Giáo Hội, đáng ra phải khuyến khich, nâng đỡ quần chúng, ngược lại gây khó quần chúng.
Trực tiếp đến tham vấn Hoà Thượng về tình hình hình sinh hoạt Phật giáo tỉnh nhà, thầy không nắm vững số lượng chùa và tu sĩ, nhưng điều mà thầy nắm vững nhất là bất cứ chùa nào đã có, muốn công nhận, phải đổi tên chùa có chữ đầu là Thanh, ví dụ Thanh Long, Thanh Quang…vì tên thầy là Nhuận Thanh; Chùa Thanh Quang đã có quyết định thành lập chùa mà không cho thành lập Ban Hộ Tự. Chùa Di Đà có mặt trong danh sách tự viện của Tỉnh hội mà thầy vẫn không cho dựng bảng. Ai muốn về lãnh ngôi chùa nào là phải biết điều ở một mức độ mà thầy cảm thấy hài lòng. Thầy không chấp nhận bất cứ ban bệ nào phát triển.Lễ Phật Đản, thay vì Ban Văn hoá chủ đạo được các ban khác hợp tác, đảm trách, thầy lại giao cho người không chuyên ngành.Từ Thiện xã hội, tăng sự…cũng đều án binh bất động vì thầy không muốn hoạt động nổi trội hơn thầy.
Đức Liễu, Thống Nhất, Bom Bo đều gặp những khó khăn tương tự, Phật tử muốn cất chùa, phải hiến cúng cơ sở đó cho Giáo Hội, sau đó Giáo Hội sẽ bổ cử lại cho quý vị sinh hoạt.
Trong ba năm trở lại, Phật tử địa phương cho biết Thiên chúa giáo đã có 7 nhà thờ; Tin Lành 60 nhà nguyện, trong khi đó Phật giáo chỉ có ba chùa tại huyện Bù Đăng, xã Mỹ Trung. Thậm chí, khi thấy Phật giáo bị chậm chạp phát triển như thế, ông phó bí thư thường trực Nguyễn Kim Tiên, huyện Bù Đăng bực mình, điện cho HT Trưởng TBS trách: Tại sao ông phủ sóng quyền hạn mà không để Phật giáo vùng sâu vùng xa phát triển?
Cung cách làm việc của thầy Tưởng BTS Bình Phước quá tuỳ tiện, muốn đưa ai về đâu, muốn huỷ bỏ Ban Đai Diện, muốn quyết định một Phật sự là tự ý làm, không cần hội ý thông qua ban bệ. Vì thế, một thầy trong Tỉnh nói: ổng ăn một mình thì ổng sẽ chết một mình thôi!
Do tính quan liêu, không đích thân đến vùng sâu vùng xa để nắm tình hình, ngồi một chỗ, ai báo cáo, xin xỏ kèm theo một phong bì dầy là ký quyết định; Phật tử xã Bom Bo đã hai năm không được duyệt xét thỉnh nguyện chính đáng như thế, ngược lại, chỉ trong vòng 24 giờ, một Ni được ký nhận về trú tại nhà Từ đường của một thợ tụng cùng xã, chính những việc làm độc đoán, mang tính phong kiến, gia trưởng, đã làm cho Phật sự tỉnh Bình Phước đình trệ, thoái hoá, quần chúng bất mãn. Tín đồ kể, một hôm đến giảng và chứng minh lễ Tu Bát quan Trai, tại chùa Trúc Lâm, Bù Na, thầy Trưởng BTS bảo một Phật tử đi mua rượu, nhưng Phật tử đó không chấp thuận.
Qua ba nhiệm kỳ làm trưởng BTS tỉnh Bình Phước, Thầy Nhuận Thanh đã làm được gì cho Phật giáo tỉnh nhà phát triển? Các tôn giáo bạn phải bỏ tiền, bỏ công đi truyền bá mới có người theo, thì Phật giáo, quý thầy khỏi tốn công sức, khỏi mất tiền mua chuộc, có người tự động đến chùa, tình nguyện làm Phật tử, tự họp nhau tu tập, tự bầu bán nhau làm Ban Hộ tư, lập đạo tràng…thế mà không dang tay đón nhận, lại phủ phàng trước tấm chân tình của người dân ngoan đạo. Xưa kia, tổ Huệ Khả quỳ suốt trong sương tuyết, phải chặt cánh tay để cầu đạo, ngày nay, Phật tử bỏ việc đồng áng, vượt trên 60 cây số, quỳ suốt hai giờ để xin được chấp thuận lập Ban Hộ tự và cất chùa, thế mà thầy vẫn không chấp thuận, lẽ nào một tu sĩ lãnh đạo Phật giáo mà không nghĩ đến tiền đồ Phật Pháp và thiếu Từ Bi đối với quần chúng tín đồ? Vâng, có lẽ thầy đã an lòng với ngôi vị Trưởng BTS, có địa vị, có quyền lợi, có vây cánh, có kẻ hầu người hạ, cơm có rượu thịt, đi có xe đời mới, ngũ có phòng lạnh nệm Kimdan; chỉ ho khẻ là có phong bì, cần gì biết nổi thiết tha, đau khổ của quần chúng mỗi lần đi chùa phải vượt bao khó khăn nguy hiểm. Đâu cần biết tương lai mãnh đất Bình Phước sẽ nhuộm trắng bởi Tin Lành ngoại đạo; Thái độ tu sĩ như thế mà Phật giáo Nam triều Tiên ngày này phải lãnh hậu quả bị nhà nứơc và quần chúng xem thường ra mặt,họ coi Phật giáo chỉ là kẻ sống bám, đứng ngoài lề xã hội; bằng cớ, chính quyền Nam triều Tiên đã xét xe một vị Tăng Thống như tỏ thái độ khinh thường Phật Giáo.
Tại TP Hồ Chí Minh, tuy chậm chạp, nhưng thái độ của các cấp lãnh đạo Phật giáo có thay đổi; Trong chiều hướng như thế, Giáo Hội Trung ương không thể để các vị lãnh đạo Phật giáo các địa phương trì trệ, cản trở việc phát triển Phật giáo song hành với sự phát triển của đất nước;
Những tệ nạn tồn tại hiện nay trong các Giáo Hội địa phương, một phần do chư tôn túc Trung ương không đôn đốc, kiểm soát, không theo dỏi thay đổi những nhân sự ù lì, một phần do Ban Tôn giáo địa phương xem mầm móng tiêu cực của các tu sĩ là một lợi thế để sai khiến họ dễ hơn. Tiếng ta thán của quần chúng Phật tử khắp nơi, không được ai lắng nghe, mà chỉ lắng nghe những quyền lợi cá nhân và địa vị bổng lộc.
HT Trưởng BTS Bình Phước là một trong những điển hình làm cản trở sự phát triển Phật giáo tại vùng sâu vùng xa; Không tận dụng lợi thế về lòng mộ đạo của quần chúng sẳn có để phát triển Phật giáo tỉnh nhà; Thụ động là cách nhường sân chơi cho tôn giáo bạn; Phật giáo không sợ mất vị thế trong lòng quần chúng mà chỉ sợ những đe doạ sinh tồn cho dân tộc trước khí thế bành trướng vũ bảo của Tin Lành hiện nay; Sự bành trướng đó song hành với sự đe doạ mà ta đã thấy tại Daklak năm nào.
Phật giáo cần những cán bộ năng động, hy sinh; Giáo hội trung ương phải thành lập đoàn kiểm tra để đôn dốc Phật sự và kích hoạt cán bộ hạ tầng để bánh xe ù li phải chuyển biến. Giáo hội phải mạnh dạn thay đổi những cán bộ như thầy Nhuận Thanh để Phật giáo sáng sủa hơn; Có những nơi khó mà xây chùa, tạo dựng cơ sở mới, nhưng Bình Phước, chính quyền đích thân khuyến khích xây dựng thì thầy Nhuận Thanh lại ngâm tôm nhiều dự án.
Đến bao giờ quần chúng xã Bom bo mới có một cơ sở tín ngưỡng như các tôn giáo bạn? Nhà nước đã sẳn sàng, chỉ đợi quyết định của BTS tỉnh như chờ đợi ơn mưa mốc vào thời chuyên chế phong kiến.
Quần chúng Phật tử xã Bom bo trên 200 hộ dân, đang mòn mỏi trông đợi; đất đã có sẳn để xây chùa; Chính quyền đã chấp thuận và yểm trợ; sự hy sinh to lớn của quần chúng, kể cả nhẫn nhục quỳ gối thế mà vẫn chưa xứng đáng cho một con dấu và chữ ký của BTS sao ??? Các ngài lãnh đạo cho ai, Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ là độ thế nào???
MINH MẪN
23/019/08
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét