Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009
Phật Giáo và Tín Ngưỡng...
Cũng như hầu hết các nước nước Châu Á, Việt Nam có nhiếu loại tín ngưỡng truyền thống, tuy không có một tổ chức quy củ, nhưng vẫn tồn tại như một tục lệ, một thói quen; Chinh vì thế, khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, ít nhiều phải hội nhập một phần những loại tín ngưỡng đó vào đời sống sinh hoạt thờ cúng của tôn giáo mình. Với tinh thần hoà nhi bất đồng còn gọi là Tùy duyên bất biến của Đạo Phật, Phật giáo không bị biến chất hay đánh mất tinh túy cơ bản, lý thuyết chủ đạo, để tồn tại và phát triển trên 2.000 năm nay tại mảnh đất ảnh hưởng nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau từng du nhập bởi Trung hoa và Ấn Độ, năm thế kỷ sau nầy, khi văn hoá tôn giáo Tây phương du nhập đến, Phật giáo cũng hài hoà cộng sinh như một phần máu huyết của tâm linh dân tộc. Tuy nhiên, trước nhũng sai biệt từ cơ bản giữa tín ngưỡng dân gian với giáo lý giải thoát của đạo Phật, một số tu sĩ trẻ xuất thân các trường Đại học Phật giáo, các trường giảng sư, tỏ ra lúng túng khi truyền đạt Phật giáo giữa vùng đất đầy dẫy mê tín dị đoan mà Phật giáo vốn xa lạ. Thật ra, tinh thần bao dung và cái nhìn vô chấp của Đạo Phật, những sai biệt đó chỉ là hiện tướng của Nhất thiết duy tâm tạo –tam thế duy tâm, vạn pháp duy thức, nắm được mấu chốt đó, đường chông gai chướng ngại là cơ duyên tạo thêm việc làm thử thách cho tâm chất người tu để hoàn thành tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự.
Trong các loại tín ngưỡng truyền thống như Bình vôi ông Táo, Thần Đa quỷ miếu…hiện nay chỉ còn tồn tại một cách mờ nhạt trong đời sống các thị dân; Những vùng nông thôn, bên cạnh các Chùa Phật còn có Đình Thần Miếu mạo, gọi là Tam giáo đồng lưu, đến độ lễ nguơn, quần chúng đều cúng cả ba nơi, không còn thấy sự sai khác cơ bản.
Hãy sơ lược qua một vài tín ngưỡng dân gian đang tồn tại ở Việt nam:
1/ thuở cổ sơ, trình độ quần chúng còn thấp, mọi hiện tượng hữu hình vô hình trong cuộc sống đều là linh thiêng, nên cổ nhân đã bái vật như Long-Lân-Qui-Phụng- trâu- cóc..mà một số đền chùa miền Bắc và Trung vẫn còn; từ đó nẩy sinh ý tưởng Rồng Tiên là thuỷ tổ của Việt Tộc. Ngoài động vật, còn tôn kính thực vật như Thần lúa, Hồn lúa, mẹ lúa…
2/ Khi trình độ tiến bộ, nẩy sinh bái Thần: Tổ tiên ông bà, Thần thổ công (Thổ Địa), Thần Làng ( Thành hoàng) Vương tổ (vua Hùng); Hà Bá; Ngọc Hoàng;
3/ Ngoài ra, trong dân gian còn truyền tụng một loại Tứ Thánh bất tử, đó là: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh.
4/ Đến khi xã hội có sự nhận thức về giá trị của tự thân mỗi người, nền triết học nhân gian bắt đầu sản sanh ra một quan niệm Ba Hồn bảy vía trong mỗi con người, do ảnh hưởng của Đạo gia mà biết đến Tinh- KHí - Thần; do tam bửu nầy mà kết thành Hồn và vía, vía là sợi giây liên kết giữa thể xác và linh hồn. Quan niệm người chết, hồn đầu thai, vía còn phưởng phất nên tục thờ cúng người quá vãng đã phát sanh; tục lệ nầy đã thâm nhập vào nhà chùa rất lâu đời, khi mà Thiền Tông suy thóai, nhường lại cho Tịnh Độ phát triển. Cũng từ quan niệm Tinh- Khí - Thần trong mỗi người mà Đạo gia đã phát triển thuật luyện đơn theo Tiên đạo, vì họ quan niệm vũ trụ là Đại Châu Thiên, con người là Tiểu Châu Thiên, luyện Tinh hoá Khí, luyện Khí hoá Thần, luyện Thần hoàn Hư là thể nhập với vũ trụ, học thuyết nầy gần giống với Ătman và Brahman của Ấn giáo khi tiểu Ngã hoà cùng đại Ngã. Với pháp tu Tiên, chỉ xuất hiện trong các Đạo gia và thiền Môn, ít phổ biến trong quần chúng.
5/ Một loại tín ngưỡng khác được du nhập từ Ấn Độ, mà người Chămpa còn thờ phượng, đó là thờ ngẫu tượng Linga và Yoni, đây là biểu tượng của thần Hindu Shiva. Linga biểu trưng sinh thực khí của Nam, và Yoni biểu trưng âm, Linga cắm giữa Yoni là sự hoà hợp Âm Dương biểu thị sự hình thành, tạo dựng, tái sinh, phát triển. Nó không phổ biến trong tín ngưỡng người Việt kinh. Một Linga lớn nhất thể giới hiện nay tại Cát Lâm, Trung Quốc, cao 10m trên đồi cao 400m so với mặt biển. Ngoài các tỉnh miền Trung, phía Nam cũng phát hiện tại Đaknông do người dân khai hoang tìm thấy.
6/ Tam Toà - Tứ phủ: Tam toà là chỉ ba vị Trời cai quản : Mẫu Thượng Thiên, còn gọi là Mẫu Đệ nhất ( Thiên phủ).Tiên Thiên Thánh Mẫu, Tam thế sinh hoá, được sắc phong Chế Thắng Hoà Diệu Đại Vương mẫu Hoàng Công Chúa.
Liễu Hạnh Quỳnh Hoa công chúa( Mẫu đệ nhị) -Mẫu Thượng Ngàn (Bà chúa Thượng) –Sơn Lâm chúa Tiên. Quế Hoa Công Chúa,Lê triều công thần. Diệu Tín, Diệu Nghĩa thiền sư sắc phong là Lê Mại Đại Vương
Mẫu Thoải ( Bà chúa Nước).hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam( Thoải phủ). Liễu Nghi truyền Thư. Thủy Cung công chúa. Bát Hải Động Đình Thần nữ Bạch Ngọc Thủy Tinh Xích Lân Long nữ Công Chúa.
7/ Tứ Phủ gồm có: Thiên phủ( miền trời) có Mẫu Đệ Nhất là Mẫu Thượng Thiên, cai quản bầu Trời.
Nhạc phủ ( rừng núi) Mẫu đệ Nhị ( Mẫu Thượng Ngàn) trông nom núi rừng
Thủy phủ ( sông nước ) Mẫu Đệ Tam ( Mẫu Thoải) giúp trồng lúa nước và nông nghiệp.
Địa phủ (đất đai) Mẫu Đệ Tứ (Mẫu Địa phủ ) quản lý đất đai. Còn gọi là Địa Mẫu.
8/ Từ lọai Tứ phủ trên, biến thành Tứ Pháp, thâm nhập vào Phật Giáo đổi tên là Man Nương Phật Mẫu: Thần Sấm ( pháp Lôi, thờ chùa bà Tướng ), thần Mây ( pháp Vân, thờ chùa Dâu), Thần mưa ( pháp Vũ, thờ chùa Đậu ), Thần chớp ( pháp Điện, thờ chùa Dàn ). Qua Tứ Pháp trên, ảnh hưởng vào Phật giáo miền Bắc khá sâu đậm.
Miền Bắc và một số nơi miền Nam, nhất là tại TP HCM, các chùa vẫn tổ chức hầu Đồng mà lại là các sư nam nhập cốt, gọi là Đồng cô, thường là các chùa người Bắc. Các miếu phủ tư gia cũng thường tổ chức chầu; Đây là loại giải trí của giới thượng lưu, vì mỗi lần tổ chức như thế rất tốn kém cho việc ban phát bổng lộc qua những mâm lộc tiền quả. Các đồng cô bóng cậu chuyên nghiệp, xem đây là một nghề sống do các con nhang chu cấp và những ai đam mê nhảy nhót theo điệu hát chầu văn. Họ tin vào các phần mượn xác để nhập có thể ban phát tài lộc, giải nạn, hộ trì…Hiện nay, các tư gia miền Bắc, kể cả một ít cán bộ có chức quyền đã lập đền, tạo miếu phủ.
Ngoài Tứ Phủ ra, có một loại nhập đồng mà không cần đền miếu, đó là xác đồng, dùng kêu gọi các hồn ma thân nhân quá cố. Hầu hết các xác đồng đều được gọi xác hội, vì rất nhiều phần nhập vào khi phần khác xuất ra..
Cầu cơ không được coi là đồng cô, nhưng người cầu cơ cũng có một linh điển nhẹ để vong hồn khác nhập cơ; Đây chỉ là trò giải trí lúc nhãn rỗi. Còn một loại cầu cơ cao cấp khác, đó là cầu cơ của Cao Đài mà xác cốt phải được huấn luyện theo một đời sống thuần khiết, khắc khe, vì phần nhập là Tiên Thánh chứ không phải ma quỷ: Cầu cơ thỉnh Tiên
Cầu cơ là một phương tiện Thông Công để giao tiếp với cõi siêu-linh sẵn có tại phương đông từ lâu đời. Vào năm 1902, Ngô Văn Chiêu đang làm việc tại Sài Gòn, có đến đàn cầu cơ tại Thủ Dầu Một để thỉnh Tiên cầu thọ cho thân mẫu và hỏi về tương lai, thì Tiên ông giáng cho ông một bài kệ khuyên ông lo tu hành ngày sau sẽ đắc đạo. Đến năm 1917 ông thi đỗ ngạch Tri huyện, nhằm lúc thân mẫu ông lâm trọng bệnh, nên ông đến đàn cơ Hiệp Minh ở Cái Khế, Cần Thơ đặng cầu xin thuốc, mẫu thân ông mạnh giỏi được vài năm, sau đó đau trở lại, ông có tới lại đàn cơ Hiệp Minh, lần nào ông cũng được Tiên ông giáng cho thi phú dạy đạo và khuyên Ngài lo tu hành. Cuối năm 1919 thân-mẫu ông qua đời, vào ngày 1-3-1920 ông được lịnh bổ đến Hà Tiên, khi đến nơi này ông thường lên núi Thạch Động cầu Tiên, thì có vị Tiên cô Ngô Kim Liên giáng cho mấy bài thơ, khuyên ông ráng lo tu-hành. ( Viki)
Từ những sinh hoạt tín ngưỡng siêu hình như thế, người dân phát sinh thêm một số tập tục lâu đời như đốt vàng mã. Theo Phật giáo và những nhà ngoại cảm, vàng mã không xử dụng được cho người quá cố, thế mà tập quán đó vẫn duy trì và các sư miền Bắc, một số miền Nam vẫn tiếp tay cho quần chúng tiêu phí một cách vô lý mỗi khi cúng kiến.
Sau khi miền Bắc được tiếp thu và chìm trong chinh chiến, Phật giáo không có cơ hội phát triển, chùa am không có các sư thừa kế, các vị giữ chùa thường là tuổi già hoặc các thương binh về chăm sóc; họ không có trình độ Phật học, cộng thêm đời sống tín ngưỡng Đồng Bóng sâu đậm đã len lỏi vào chùa, vàng mã là phương tiện để họ thể hiện lòng thành thương tưởng đến người quá cố; Nhất là trong cuộc chiến tương tàn, không nhà nào không có con em hy sinh, trước niền đau cửa nát nhà tan, máu mủ chia lìa, niềm trống trải cô đơn đau xót đó, họ phải tựa vào thần linh mà họ tin vào thế giới siêu hình, vẫn tồn tại, cho dù đang sống dưới mái nhà XHCN vô thần lúc bấy giờ. Thế mà làn sống tâm linh vẫn tồn tại bàn bạc trong quần chúng. Thậm chí, trong thời chiến, vẫn có những cuộc cầu cơ, hầu Đồng lén lút trong các gia đình cán bộ. Sau khi đất nước thống nhất, 1990, chính sách cởi mở hơn, quần chúng bắt đầu rộ nở tin ngưỡng công khai; Tam Toà Tứ phủ xưa kia bị kết án là mê tín dị đoan, giờ đây được xác nhận là loại tín ngưỡng truyền thống của dân tộc; do vậy, đã phát triển nhiều ở phía Bắc, trong Nam tuy không trăm hoa đua nở như vậy, nhưng vẫn nhiều hơn các tỉnh miền Trung; Có nơi, trong chùa cũng có đền Tứ Phủ, có sư tuy thọ Đại giới, vẫn làm Đồng cô, bởi họ lý giải là có căn duyên với các Thánh.
Thuở xưa, các bộ tộc theo mẫu hệ, tín ngưỡng của họ cũng biến các Thánh là Mẫu Nương. Bồ Tát Quan Âm là hiện thân nữ, vì thế Tứ phủ Tam toà đều được cai quản bởi chư Mẫu. Các Mẫu đó, khi vào Nam, đơn giản hoá thành Địa Mẫu. Đạo thờ Mẫu trong Nam sinh hoạt không rầm rộ, huyên náo bởi trống nhạc kèn như Tứ Phủ, mỗi tháng có ba ngày: mồng 8,18,28 quần chúng tụ tập tại chùa thờ Mẫu cúng kiến, có người được mượn xác nhập đồng về nói thơ, chữa bệnh; Tượng Địa Mẫu họ khoác áo thêu thùa, rồi tượng Phật Quan Âm cũng được họ trùm thêm áo cánh dơi, biến một vài chùa Phật giáo Nam bộ thành một sắc thái Địa Mẫu.
Những tập quán tín ngưỡng quần chúng tự phát như thế biểu hiện một trình độ nhất định qua từng thời đại; Từ đa thần, đến nhất thần rồi lại vô thần; Phật giáo trong xã hội như thế, tu sĩ ứng xử thế nào trước những đa sắc tín ngưỡng cho thích hợp mà vẫn không đánh mất bản sắc đặc thù của Đạo Phật?
Như đã xác định, những loại tín ngưỡng, tôn giáo hay học thuyết đều phản ánh sự nhận thức và đức tin của từng giai đoạn, nó có một giá trị nhất định của giai đoạn đó. Đến một giai đoạn phát triển, tự thân nó sẽ cải biến hoặc bị thải hồi. Phật giáo không bận tâm thay đổi hay phủ bác. Theo tinh thần nhà Phật, nếu một thực thể bất toàn, Phật giáo chuyển hoá cho thích nghi chứ không từ chối phủ nhận; Người xấu cần giáo dục sửa sai chứ không thể tiêu diệt, cũng thế, học thuyết, tín ngưỡng, tôn giáo nếu mang mầm móng hủy hoại sự sống, tha hoá tâm linh, phi đạo đức…thì chuyển hoá bằng nhận thức. Trước nhất, tu sĩ Phật Giáo phải nhận thức một hiện tượng trên cơ sở nhân văn để xác định hướng cải hoá theo nhân bản mà không có phán xét, kết án; Ví dụ, một tội phạm, không nên xét đoán, kết án theo cặp mắt của luật pháp mà có cái nhìn cảm thông, hiểu biết của lòng Từ, nguyên nhân phạm tội, bản thân phạm nhân, hoàn cảnh gia đình và xã hội…là những yếu tố tác động đưa đến hành động sai trái, thế thì giải quyết tận căn những nguyên nhân mới giúp cho tội phạm chuyển hoá; nhà tù càng làm gia tăng tội phạm.
Cũng thế, một giảng sư hoằng pháp, đem Tam quy ngũ giới vào quần chúng, không nên kết án hoặc phủ nhận tín ngưỡng quần chúng, cho dù tín ngưỡng đó có hại cho kinh tế và dân trí, mà phải chuyển hoá tín ngưỡng đó theo tuệ giác của nhà Phật.
Ngày xưa, một ngoại đạo hỏi Đức Phật: Tôn giáo tôi dạy lễ lạy lục phương để báo đáp ơn đất trời, thủy thổ. Đạo của ngài có dạy như thế không?. Đức Phật đáp: Có chứ, ta cũng có lễ lục phương, đó là tri ân tổ tiên ông bà cha mẹ,tri ân quốc gia thủy thổ, tri ân đàn na tín thí, tri ân thầy bạn, tri ân chồng vợ, tri ân Thánh hiền.
Một Phạm chí hỏi ngài:Giết cái gì để được ngủ ngon,giết cái gì để được vô ưu,Ngài giết cái gì mà mọi người xưng tán Ngài như vậy. Phật trả lời: Sát giận thì ngủ ngon, sát hận thì vô ưu, sân uế là gốc độc, diệt hết mọi ngọt ngào, các bậc hiền Thánh tán đồng việc sát ấy.
Những cổ tục của Ấn độ, được Ngài chuyển hoá một cách hợp lý và khoa học để cảm hoá họ. Cũng thế, việc đốt vàng mã là thể hiện tình thương đối với người quá cố theo trình độ nhận thức cạn cợt của quần chúng, một giảng sư không thể phủ nhận tình thương đó, nhưng hướng dẫn quần chúng chuyển hoá việc thể hiện đó theo phương cách nhẹ nhàng đơn giản hơn, thay vì đốt vàng mã, hãy giúp đỡ thân bằng quyến thuộc đang sống và đồng bào thiếu ăn để hồi hướng phước đó cho thân nhân quá vãng.Việc thờ các Mẫu theo Tam toà Tứ Phủ là thể hiện sự quy phục mẫu hệ, cầu đảo trước quyền năng thiên nhiên mà dân trí xa xưa chưa đủ lý giải; một giảng sư hay một trụ trì không phủ nhận đức tin đó, nhưng chuyển hoá đức tin đó theo lý giải Tam Bảo và Tứ Nhiếp pháp của Phật giáo. Địa Mẫu cũng thế, đất là bà mẹ cưu mang tất cả xấu tốt của con ngài là nhân loại; Thờ Địa Mẫu là tôn trọng hành tinh xanh, giữ gìn môi sinh sạch sẽ, tức bảo vệ môi trường.
Nghĩa là, cho dù tín ngưỡng, cổ tục lỗi thời, nhưng tính nhân văn của nó vẫn là tính nhân văn của mọi thời đại, có khác nhau là cách thể hiện mà thôi. Một số chùa không dám đi ngược lại truyền thống cũ, sợ tín đồ không đến chùa, nên tiếp tục dung dưỡng điều sai quấy trong chốn thiền môn. Vì quan niệm không đúng nên thể hiện việc làm không đúng, tính cơ bản về tình người vẫn không sai. Giáo lý đạo Phật cung cấp cho ta cái nhìn trí tuệ qua mọi hình thức trong xã hội. Phật giáo không cố chấp, bảo thủ cứng ngắc để xa cách quần chúng; cũng không mù quán bám theo đức tin lệch lạc của quần chúng để mình tồn tại. Đạo Phật phải hoà nhập để chuyển hoá xã hội, chuyển hoá tín ngưỡng quần chúng theo một tuệ giác chính đáng. Nắm được tuệ giác đó,Phật giáo đã từng hoà nhập, tồn tại và phát triển khắp nơi. Chính vì thế có nhiều đình miếu, đền phủ biến thành nơi thờ Phật, và các Thánh Mẫu, thánh cô lần lượt phong lên quả vị Phật, theo tinh thần Nhất Thiết chúng sanh giai hữu Phật tính.
Có như thế, nắm vững như thế, một tu sĩ không thấy có chướng ngại khi hoằng pháp, không bị chống đối bởi ngoại pháp, tín ngưỡng xa lạ với đạo Phật, mà còn hoà nhập, hoá giải đồng hành như từng đồng hành với Khổng và Lão giáo mà còn gọi là Tam Giáo Đồng Nguyên, không những đồng nguyên mà kết cuộc là Đồng Quy. Thế thì, Tam toà, tứ phủ, mọi hiện tướng tín ngưỡng của thế gian cũng chỉ là: Thế gian Pháp tức Phật Pháp nếu ta biết chuyển hoá. Hy vọng các giảng sư, các trụ trì nắm vững chiêu thức chuyển hoá nầy mà không bị chướng ngại trên bước đường vân du hành Đạo.
MINH MẪN
10/12/08
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét