Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009
Oi Bức và Hiu Quạnh
Khí hậu dạo nầy thay đổi nhiều quá, mới nửa tháng hai mà trời như vào hạ; Rừng cây rậm bóng của núi đồi Từ Hiếu vẫn không xua tan cái nóng bất thường!
Đạo tràng Từ Hiếu vẫn tiến triển theo chương trình, sau ngày Kỵ Tổ, chư Tăng ni các nơi tiếp tục đổ về đăng ký tham dự khoá tu, nhưng thưa thớt lác đác như lá mùa Thu, so với Bát Nhã. Tại Lâm Đồng, lượng số Tăng ni và tín đồ hoành tráng bao nhiêu thì nơi đây lẻ loi bấy nhiêu. Hết ngày đầu đăng ký, qua ngày thứ hai, số khách Tăng chỉ tròm trèm 200 vị, nhưng phần lớn là các tỉnh thành khác đến, Tăng ni ở Huế chỉ đếm trên đầu ngón tay, cả số Tăng thân làng Mai, tu viện Bát Nhã và chúng thường trụ Từ Hiếu chỉ độ 700 vị; riêng Phật tử địa phương hình như không có; một số ít từ TP HCM và các tỉnh đến. Đặc biệt, có mấy vị ngồi xe lăn từ SG ra và một Pháp kiều chống nạn theo sư ông từ nước ngoài về. Đã thế, Từ Hiếu quá rộng, càng thấy không gian lỏng bỏng, chỉ thấy toàn bộ Phật tủ Âu châu. Riêng hôm kỵ Tổ khá đông, vì tập quán ở Huế, giỗ chạp là điều quan trọng, cho dù anh em bất hoà, ngày ấy cũng phải có mặt, vì thế Phật tử và một số thầy đến thắp nhang lễ Phật xong rồi về, trả lại cảnh hiu quạnh cho khung trời Từ Hiếu. Trên Bát Nhã, khách tham dự ngủ ‘lây lất khắp nơi” thì Từ Hiếu, phòng ốc dành cho cư sĩ tha hồ muỗi mòng tung hoành. Ngày thứ 5 tại Từ Hiếu thì như thế, những ngày kế tiếp có khá hơn chăng!
Sư ông vẫn pháp thoại, thiền đường không lớn lắm, nhưng vừa đủ cho thính tăng. Vài anh em tiếp hiện đi lại nhìn mây trời bên ngoài sân; hôm nay không thấy một phật tử vãng lai. Tại Pháp Vân, nghe có sư ông ở đó, hằng ngày số người đến còn đông hơn khóa tu của Từ Hiếu hiện thời.
Có người bảo: do hậu quả của cuốn “Hiện Tượng Nhất Hạnh” tung ra mấy tháng trước. Có người nói tại Huế, PG chia năm xẻ bảy, có ba phe, một của Thống Nhất, một của GH hiện tại, một của Thiền sư N.H. Trong Tông môn cũng bất đồng với nhau. Có người nói Ban Trị Sự tỉnh không thông báo rộng rãi cho các chùa, khuông, một số Phật tử lệ thuộc vào thầy mình nên không được phép đi…Phần lớn chùa Ni tại Huế đều bất mãn. So với chuyến về 2005 của sư ông thì chuyến nầy xứ Huế quá ư lạc lõng.Một gia đình nằm ngay cổng chính ngoài đường, thấy cặp vợ chồng trẻ người Pháp chở con tóc để ba giá, họ hằn học nói – tu gì mà tu, kể cũng lạ, xứ Huế là cái nôi PG, một người dân gần một Tổ đình như thế mà không hiểu gì về Đạo, không có tâm Đạo lại cộc cằn thô lỗ thì biết rằng PG đã xa rời quần chúng. Ngày còn bé, tại làng tôi ở Quảng Điền, người bán đậu hũ, buôn hàng rong cũng mặc áo dài, gặp nhau chắp tay vái chào miệng niệm A Di Đà…nhà nhà đều thờ Phật và tâm đạo rất cao, chỉ mấy mươi năm thay đổi nhanh thế! Trong buổi pháp thoại chủ nhật 25/3, một chị Phật tử ngồi ngay bậc tam cấp , mắt rớm lệ, tôi nghĩ, có lẽ lời giảng sư ông tác động vào lòng người, tôi lân la bắt chuyện, được biết trong gia đình chị có 5 người đi tu, người đầu là thầy Thiện Châu ở Trúc Lâm, Pháp, thầy mất, người em kế thừa năm nay đã 77 tuổi. Gia đình chị là Phật tử thuần thành trong một ngôi chùa ở Huế, nhưng khi mẹ mất, thỉnh thầy rất khó, mãi đến nửa đêm thầy mới tới tẩn liệm, sau ba ngày ma chay, gia quyến công đức ba triệu và mâm ngũ quả, thế mà thầy tỏ ra không vừa lòng; chị nói, gia đình mình dư giả gì đâu, bên Kito giáo, nếu biết, họ sẳn sàng lo từ A tới Z mà mình không tốn một xu, khỏi cần mời thỉnh! Tuy bất mãn, chị nói, hầu hết quý thầy trọng tiền hơn trọng Phật tử, nhưng nhìn phong cách Tăng thân Làng Mai, chị nghĩ rằng trong PG vẫn còn có người chân tu.
Hơn một năm trước, bố tôi mất, tại Phú Lâm, chùa cạnh nhà tự động qua lo hậu sự, vì hàng ngày, bố mẹ tôi vẫn là Phật tử ngoan của thầy, lúc 49 ngày, gia đình tổ chức cúng dường trai Tăng, thầy không cho mời Tăng ngoài quận, để thầy mời những vị mà thường xuyên có đám mời nhau; gia đình nấu đãi, thầy bảo không tinh khiết, hãy đưa chùa 5 triệu để thầy lo tất. Gia đình bất mãn, thu hồi tro cốt ông bà, cha mẹ, con cái đem ra đổ biển đổ sông! Vâng, không chỉ có Huế mà chạy dài vào Nam, đa phần là vậy, (ngoại trừ Hoằng Pháp, Trúc Lâm Thường Chiếu, Bát Nhã, phái thầy Duy Lực và một số vị chân tu) không ít Phật tử bỏ Phật theo Chúa cũng vì thế!
Chuyện Tăng phong Đạo cách của tu sĩ đã thế, nội tình GHPG cũng chẳng khá hơn; Ai chứng kiến Đại trai Đàn thủy lục Giải Oan Chẩn Tế tại Vĩnh Nghiêm sẽ thấy tầm vóc đại lễ không chê vào đâu. Ban Kinh sư của TT Lệ Trang tập dượt hàng mấy tháng, chưa nói một chi phí hàng trăm triệu do Ban nghi lễ cúng dường. Lần đầu tiên mang tầm vóc quốc gia, tất cả dồn vào lễ, thầy rất trọng lễ nghi, vì thầy đang dạy luật cho Tăng ni.Tất cả ban kinh sư đều thanh tịnh nhất tâm hướng về siêu độ cho ông bà tổ tiên thân bằng quyến thuộc ngàn năm chưa có một lần. Tất cả cốt tượng thỉnh từ Trung Quốc về đều được thiết lễ. Bộ đại y cúng dường sư ông cũng theo kiểu cách thời đại Mật pháp hưng thịnh của VN.Thế nhưng, ngoại trừ ban kinh sư, những chức sắc tu sĩ có mặt trong đại đàn không mặc y ( quỷ thần trọng nể uy lực pháp y của Phật) chẳng những thế, khi xướng ngôn viên giới thiệu từng thành phần có mặt niêm hương, thầy Trí Quảng lệnh cho người dẫn chương trình đưa micro cho Thiện Tánh, thế là chỉ có Sư ông và HT Trí Chơn, trưởng Ban Nghi Lễ trung ương đại diện niêm hương chú nguyện mà đáng ra cần có cộng lực chư tăng hiện tiền, đây là động thái tâm linh chứ không phải nghi tắc hành chánh tượng trưng! Về tâm linh đã thiếu lễ với tổ tiên thân tộc thì tiếp xử tình người sao trọn đạo luân thường. Một điều lạ lùng của Thành Hội, khi khai đàn cũng như bế đàn, Thầy Trí Quảng không một lời giới thiệu và cảm tạ sư ông, người đã khởi xướng đai lễ nầy.Nội tình PGVN làm sao ấy, chả ai hiểu được, ủng hộ thì không hết mình, chống đối thì không ra mặt, thật đáng buồn cho vận mệnh PGVN và dân tộc VN. Những tu sĩ và tín đồ nước ngoài không đồng ngôn ngữ, nên không hiểu được sự bạc bẽo của đồng đạo đối với vị thầy tâm linh của họ mà thế giới đang quy ngưỡng!
Suốt bao thập kỷ, tại VN chưa có một đại trai đàn mang tầm vóc quốc gia như thế, âm dương lưỡng lợi, từ người dân thường đến chính quyền vô thần CS đều nhất tâm ủng hộ thì ngược lại chức sắc GH xem nhẹ như chuyện giải sầu trên chung trà buổi sáng.
Với tuổi ngoài 80, với cơ ngơi quốc tế, với uy tín lẫy lừng, tại sao TS không an hưởng tuổi già giữa hàng ngàn đệ tử xuất gia và hàng triệu đệ tử tại gia, phải chăng cũng chỉ vì giữ thơm quê mẹ, an bình cho quê hương, đoàn kết cho dân tộc, chấn hưng cho PG?
Tay bắt mặt mừng, chào hỏi xã giao, tiếp đón theo nghi tắc phải chăng cũng chỉ để qua mắt thiên hạ, đánh lừa cảm quan quần chúng. Những tiếp đón mấy hôm trước đây tại phi trường và Từ Đàm, giờ đây đã chìm ngập trong bình lặng, người dân vẫn bình thản trôi theo cuộc sống, các sư vẫn đắm sâu trong đố kỵ hẹp hòi, một xứ Huế trầm lắng đau thương trong một từ truờng nhiều uẩn khúc, liệu đại đàn chẩn tế sắp tới có đủ khả năng thanh tẩy những lợn cợn của mãnh đất Thần kinh hay vẫn phủ trùm một không khí ngột ngạt như sự ngột ngạt oi bức của khí trời, quạnh hiu của của rừng núi mà không là sự im lặng trầm hùng của Phật Pháp.
MINH MẪN
28/3/07
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét