Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009
Ngày Cầu Nguyện Hòa Bình Thế giới
Sáng ngày 01/01/2009, tại Bồ Đề Đạo Tràng, đã diễn ra buổi lễ cầu nguyện hoà bình thế giới, có sự tham dự của đại biểu các tôn giáo tại India như: Islam, Hindu, Tibet, Kito giáo…Đặc biệt có mặt của Ngài Pháp Vương thứ 17, Karmapa Chenno, Phật giáo Tây Tạng.
Trước đó mấy hôm, tộc Tạng đã mở hội chợ bày bán các sản phẩm và pháp khí của Tôn giáo; Phật giáo xuất thân từ Ấn Độ, nhưng Phật giáo Ấn dưới 0,0% dân số, ngược lại tu sĩ và quần chúng Tây Tạng chiếm 70% lượng số Phật giáo các quốc gia có mặt. Phật giáo thấm sâu vào máu thịt của tộc Tạng, vì thế, quần chúng Phật tử Tạng chỉ khác tu sĩ chiếc áo và cái đầu, ngoài ra, cuộc sống của họ luôn thể hiện và gắn bó một cách thành kính với tín ngưỡng tôn giáo. Mọi sinh hoạt hằng ngày luôn sống trong tu tập, tay lần chuỗi, miệng lẩm nhẩm niệm kinh; Tây Tạng là dân tộc duy nhất kết hợp đời sống thế tuc và tâm linh làm một, họ thể hiện đúng tinh thần Phật giáo Đại thừa: Thế gian pháp tức Phật Pháp, Phật pháp bất ly thế gian pháp. Vì thé, từ sắc phục, trang sức, sản phẩm phục vụ xã hội đều mang tính tín ngưỡng tôn giáo. Thế giói Hồi giáo cũng có sự gắn bó giũa xã hội và tôn giáo, nhưng sụ gắn bó đó mang tính luật lệ hơn là tâm linh tự phát; Tại Việt Nam, miền Tây Nam Bộ, một chi phái Phật giáo được biết với cái tên : Phật giáo Hoà Hảo, tinh thần tín ngưỡng qua sấm giảng thi văn cũng thấm sâu vào đời sống của tín đồ để từ đó Học Phật tu nhân là chỉ tiêu sinh hoạt biến cỏi Tịnh độ lý tưởng thành một cỏi Tịnh độ hiện thực. Ngoài hình thức trang phục và búi tóc củ tỏi để xác định đó là tín đồ PGHH, họ không có những cái mà sinh hoạt tâm linh của tộc Tạng luôn thể hiện; ngay cả thời đại Phật giáo Việt Nam được xem là quốc đạo, cộng đồng xã hội cũng không có nét đặc thù như thế.
• Một điều đặc biệt nhất mà không một Phật giáo ở trong bất cứ quốc gia nào có được, đó là hạnh nguyện tái sanh của các vị chức sắc và giáo phẩm. Kể từ Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên tên là Gendun Drub ( 1391 -1474 ) đến nay đã trải qua 14 đời tái sanh, Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay là Tenzin Gyatso ( 1935 ).
• Phụ chính cho Đức Đạt Lai Lạt Ma là Ban Thiền Lạt Ma cũng tái sanh và Pháp Vương thứ XVII tái sanh năm 1985 sau khi Pháp Vương thứ XVI thoát hoá năm 1981.
Như thế, Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị lãnh đạo tinh thần cả thé quyền lẫn tâm linh cho nhân dân Tây Tạng, không những thế, ngài còn là gương mặt sáng giá nhất của Phật giáo thế giới, ngài có công lớn đối với Phật giao Tây Phương và cũng là một tu sĩ biểu tượng cho lòng Từ bi, hoà bình của nhân loại. Người Tây Tạng tuy bị mất nước, nhưng bù lại, họ có quyền hãnh diện được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo tâm linh uyên thâm như Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma, Pháp vương, Nhiếp chính vương và nhiều Guru khác. Tuy Tộc Tạng có 6 triệu dân, tiểu Lasha tại Dharamasala chưa tới 150.000 người, nhưng họ vẫn giữ được đời sống tâm linh thâm hậu, có một tổ chức giáo dục rất tốt, duy trì một nền văn hoá đặc thù, và tạo được uy tín cũng như thiện cảm trong cộng đồng quốc tế.
Định cư trên biên giới Ấn Tạng, dưới chân rặng Hy Mã, họ vẫn có một thể chế chính trị hoà quyện tôn giáo một cách hài hoà, họ cũng như Vatican, là một quốc gia nhỏ nhưng mang tầm vóc rất lớn; khác với Vatican, uy tín của họ được biết đến bởi nền văn hoá tâm linh uyên thâm và tinh thần yêu nước bất bạo động.
India là quê hương thứ hai, vì thế, tu sĩ Tây Tạng đông hơn tu sĩ Phật giáo của bất cứ quốc gia nào. Gần Bồ Đề Đạo Tràng, chùa Tây Tạng cũng nhiều nhất. Những ngày lễ như Tripika, Phật Đản sanh, Tết Ấn, tết dương lịch hoặc ngày Tôn giáo hoàn cầu, hoà quyện với quần chúng Ấn là nhân dân và tu sĩ Tây Tạng có mặt khắp nơi trong và ngoài khu vực Bồ Đề Đạo Tràng. Trong cuộc lễ cầu nguyện hoà bình cho thế giới hôm đầu tháng giêng 2009, các sư Tây Tạng chiếm gần phân nửa số người hiện diện; đồng thời, vào lúc nầy, Ngài Pháp Vương đời thứ 17 cũng có mặt, ngài cũng có những thời pháp tại chùa Tây Tạng cách Bồ Đề Đạo Tràng một km cho tín đồ mọi quốc tịch.Người dân Tây Tạng rất chất phác, mua bán thật thà, tính tình hồn hậu dễ mến.
Vùng Bihar không có những khu giải trí lớn như các quốc gia khu vực, quần chúng phần lớn đến các Thánh tích tại Bodhgaya. Ấn độ là quốc gia kỳ lạ, một cái nôi tâm linh của các tôn giáo, một quốc gia phát triển về công nghệ tin học, vũ khí hạt nhân, tiềm năng về khoa học không gian, thế mà, có những đại gia giàu nhất thế giới, cũng có những tầng lớp nghèo nhất toàn cầu; hạ tầng cơ sở tệ hơn cả Việt Nam; tham những cũng khá phổ biến. Vệ sinh môi trường so với Việt Nam cũng dưới một bậc. Ngay cả cước phí thông tin cũng mắc mỏ một cách lạ lùng. Không lấy các nước phát triển để so sánh, So với Campuchea và Việt Nam, thì Ấn độ cũng làm cho du khách nhiều ngạc nhiên trong mọi mặt cuộc sống.
Sông Ni Liên Thuyền ( Nairanjana ), cách Bồ Đề Đạo tràng chưa tới một km đường chim bay, nơi mà Đức Thế Tôn, xuống tắm rửa và thả bình bát để phát nguyện truớc khi về cội Bồ Đề toạ thiền đến khi chứng đắc, ngày nay nước khô cạn, đáy sông trơ trọi cát trắng, chỉ có mùa mưa nước xấp xỉ hơn một mét; Ngày ấy, Đức Phật cũng lội qua lại giòng sông nầy, chứng tỏ hàng ngàn năm trước, Ni Liên Thuyền không sâu lắm. Bế ngang hai bờ chưa đến 300m, nó đã đi vào lịch sử, chính vì thế, một resort mọc ngay cạnh sông lấy tên Sambodhi, trang trí nhiều bức tượng Đức Phật và Thập Đại đệ tử. Mùa Đông mà đất khô cằn thì mùa hè chắc chắc cây cối không thể sống nổi. Điều đặc biệt không ai giải thích được, cứ mỗi năm, vào ngày rằm tháng bảy, giữa lòng sông Ni Liên thuyền nổi lên các chòm bông tuyết, trước và sau đó một ngày chúng hoàn toàn biến mất. Riêng làng Sujatagarh, cách Ni Liên Thuyền vài trăm met, tên của một nàng chăn cừu từng cúng dường đức Thế Tôn bát sữa khi phát hiện Người bị suy kiệt, chính bát sữa lịch sử đó đã giúp Đức Thế tôn phục hồi sức khoẻ để tiến đén đại ngộ, cây cối xanh tươi, hoa màu sung túc. Ngày nay, khu tưởng niệm vẫn còn ngọn đồi xây gạch vào niên đại Asoka, tuy bị Hồi giáo triệt phá nhưng ngọn đồi gạch nung quá lớn nên dấu tích vẫn còn tồn tại. Khu di tích rộng nửa mẫu, được rào chắn đơn sơ. Người dân tại khu lịch sử nầy tôn kính, xem Sujatagarh như một vị thần hộ mạng Một số thanh niên trang bị máy móc âm thanh ca hát ngoài trời giữa trưa nằng. Hình như người Ấn không sợ nấng khi mà da họ đã sạm đen, vì thế kẻ thì nằm ngủ, người thì ăn uống, bán buôn trên khu đất dọc đường đầy bụi bặm giữa ánh nắng chói chang. Thỉnh thoảng người đàn bà giặt đồ không có xà bông, trong vũng nước ao tù xanh đục, phơi trên bãi cỏ kế cận, ngồi chờ áo quần khô rồi mặc lại, tiếp tục đến những nơi có du khách để ngữa tay nói được hai tiếng money.
Những ngày này, quần chúng tấp nập như trẩy hội, xe cộ đông đúc. Người quen chạy xe phía tay mặt, nên thấy Ấn độ theo luật giao thông của Anh Quốc, xe chạy phía trái cứ như sắp đâm vào nhau. Xe lôi đạp, xe lambretta, xe gắn máy, xe hơi, loạn cào cào chen lẫn kẻ bộ hành thế mà chưa xẩy ra tai nạn đáng tiếc.
Xã hội Ấn hoà quyện giữa đời sống tâm linh và thực dụng tạo cho du khách một cảm giác mơ hồ của hàng ngàn năm trước và cái hiện thực bất toàn của một xã hội văn minh hiện tại, khó định giá được Ấn Độ đang ở vào thời đại nào khi mà giai cấp cùng đinh trong xã hội vẫn tồn tại lây lất với bò, dê, chó, chim muông trong căn chòi rách nát, bên vệ đường, trong xó xỉnh của khu ổ chuột chắp vá bằng những mảnh nilon, tre, carton hay bất cứ cái gì có thể! Cũng có kẻ cả đời không hề biết đến một mái nhà, một căn chòi, họ nằm lây lất bất cứ nơi đâu bên cạnh những con chó hoang ngủ một cách vô tư giữa con lộ mà không hề bị ai quấy nhiễu. Cách Bodhgaya không quá hai km, không có đường truyền Internet, không có ADSL. Điện thoại cũng chập chờn. Điện thắp sáng cúp bất cứ lúc nào; Người dân xài điện miễn phí, người nước ngoài thì phải chịu giá điện đắt đỏ. cước phí viễn thông rất cao và khó liên lạc.
Ở Việt Nam, từ Sài Gòn ra Hà Nội chỉ một chuyến xe hay tàu hỏa, tại New delhi hay Lâm Tỳ ni về Bodhgaya phải qua nhiều chặng xe, di mất hai ngày cùng chiều dài đoạn đường tương đuơng. Người dân quen cuộc sống an phận và chấp nhận nên xã hội trì trệ và mọi sự diễn tiến đều đặn chậm chạp như giòng chảy sông Hằng.
Xã hội Ấn mọi sự như hài hòa, dung nhiếp lẫn nhau, các tôn giáo cũng thế. Bồ Đề Đạo tràng là thánh tích Phật giáo, nhưng hàng ngày vẫn có các tín đồ tôn giáo khác đến ngồi thiền, cầu nguyện, lễ bái.Họ xem Đức Phật là hiện thân của một vị thần trong tín ngưỡng của họ. Các tôn giáo xuất thân từ đức Brahma, có cùng nguồn cội, nên họ không có óc đố kỵ. Ngày lễ tôn giáo hoàn cầu cũng là dịp các tu sĩ của nhiều tôn giáo gặp gỡ nhau giữa phố thị, họ xuất hiện nhiều ngày như thế để nhận sự cúng dường của quần chúng. Ấn độ là cái nôi của tâm linh hơn là xứ sở văn minh vật chất, đa số người dân Ấn không mặn mà với với tiện nghi khoa học; Họ có thể sống kham khổ nhưng đền chùa luôn được bồi đắp thật tráng lệ.
Nếu so với những nước như Campuchea, Myanmar, India, Lào thì Việt Nam vẫn có nhiều ưu điểm trong những tiện nghi sinh hoạt thường nhật. Nếu tại India mắc về cước phí và mua simcard khó thì tại Miến, người dân phải bỏ ra 1.000 USD mới sở hữu được một thẻ cellphone. Mọi người có mặt trên đất Ấn, dù là ngoại quốc, cất chùa, xây nhà và ở bất cứ nơi đâu, chính quyền không hề can thiệp xét hỏi. Các chùa Việt Nam đem tiền qua giúp đở nhân dân nghèo, xây nhà khoan giếng cũng không hề xin phép chính quyền.
Ngoài đời sống tâm linh cho các tôn giáo và thánh địa cho người Phật tử, Ấn Dộ không phải là xã hội thích hợp cho những ai muốn hưởng thụ, vì thế nhiều ngàn năm, Ấn độ luôn là chiếc nôi sản sinh nhiều bậc Thánh hiền; có lẽ vì thế mà Tây Tạng đã chọn India làm nơi dung thân cho những người con lưu vong; Tây Tạng cũng chọn Bodhgaya làm nơi cầu nguyện hoà bình thế giới trong đầu năm dương lịch; Mọi người dân đều tỏ ra hoan lạc trong cuộc sống còn nhiều khắc khổ.
Những người sống theo tâm linh, họ cảm thấy mãn nguyện khi đặt chân đến các Thánh tích.Từ trường đạo lực luôn được tồn tại và phủ trùm trên đất nước Ấn khi mà Hy Mã Lạp Sơn , một ngôi nhà thế giới luôn là điểm tựa chở che cho xử sở Thánh hiền. Ấn độ vẫn là xứ sở nhiều huyền bí khó hiểu. Du khách luôn bắt gặp từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác cho đến khi tâm linh được khai ngộ, lúc bấy giờ mới hiểu tại sao Đức Phật và các Thánh hiền đã chọn nơi nầy làm chỗ đản sinh.
MINH MẪN
02/01/09
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét