Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009
KỶ NIỆM ẤU THỜI
Trời sáng mát dịu, không có sương mù như hôm qua; Cảnh vật còn ngái ngủ trong màn đêm; tiếng đại Hồng chung nhẹ ngân như từng ngân nhẹ suốt hàng thế kỷ, ngày Từ Hiếu có mặt..
Thời chiến, Pháp đi càn, dân chạy giặc bỏ vườn hoang nhà trống, cư dân thưa thớt, lúc bấy giờ Từ Hiếu cheo leo hiu quạnh một góc núi , cây cỏ rậm rạp, trong chùa chỉ vài thầy trò và dì Tư nấu ăn, khuya chiều vẫn vang vọng chuông mõ, thầy trò cố bám trụ giữ chùa. Sư ông kể: Ngày ấy, ba người lính Pháp, có một sĩ quan, họ lái xe jeep vào rừng thông cưa đốn tự nhiên, chú điệu chạy vào báo, thầy Chánh Kiến không biết tiếng Tây, nhờ thầy ra nói chuyện –“ các ông có biết rằng các ông cưa cây của chùa không?” Người Pháp nhìn thầy từ đầu đến chân để thẩm định chú điệu nầy gan lớn bằng người chú chăng,hai lính Pháp vẫn tiếp tục cưa cây, do tính cương quyết của thầy, chiếc cây thứ ba vừa bị hạ, cũng là cây cuối cùng, họ mang đi làm cầu cống cho xe qua. Sư ông vừa chỉ rừng thông đối diện cổng chùa vừa nói. Thầy trò ngồi xúm quanh dưới tán thông, sư ông kể tếp: Có hôm một người lính Tây ốm đói như vừa sốt rét, tuổi không hơn thầy bao nhiêu, bắt chùa đưa vào lục soát nhà bếp, thấy nửa bao gạo, anh ta bắt thầy vác ra xe thế là thầy lo chiều nay cả chùa nhịn đói; nhưng không, sư ông của thầy đào lên một lu lúa khác đã chôn dấu. Sư ông thầy vừa đào vừa than: Sống sao mà khổ quá, còn sống còn khổ, chết mới hết khổ, rôi sư ông thầy lại nói - chết rồi ai hết khổ?nó biến thành một công án!
Từ trong chùa, thầy trò thong dong ra cổng, đến hồ bán ngyệt, sư ông ngồi lại nhìn từng thân cây, từng ngọn sao, sư ông kể, đây là chỗ thầy ngồi gọt mít, phải gọt dưới nước mít không đen, chả hiểu tại sao thầy luôn ngồi bên nầy, sư ông chỉ ngay đường xuống hồ. Ngôi tháp cổ, tầng trên có cửa vòm đủ người chui vào, nằm xéo cổng chùa cách độ hơn trăm thước:Các con biết không, lúc nhỏ, thầy bắt thang leo lên tháp, chui vào trong xem các cốt tượng, tượng nào còn đẹp, thầy đem về tu bổ lại. Vì cốt tượng hư và kinh sách cũ rách sợ chôn đốt mang tội, nên xây tháp để vào gọi là Bảo tháp. Bên tay trái chạy về dốc trên là chùa Diệu Nghiêm, thuộc nhánh nằm trên đất của chùa Từ Hiếu.
Khi vòng xuống lại cổng Tam Quan, sư ông nhìn nó một cách thân thương, vì chính cổng nầy đã tạo cho sư ông một ấn tượng khi được mẹ dắt vào cửa Phật, nơi đây, sư ông phải xuống suối tắm rửa sạch sẽ trước khi vào bái bạch thầy mình;vào cổng mỗi bước đi là một câu niệm Phật. con suối gần Tam quan vẫn róc rách ca suốt hàng thế kỷ.
Quẹo tay trái, vào khỏi cổng, đến một giếng cạn, nơi đây là chổ tắm giặt của chùa, chiếc cối đá dùng làm thau giặt áo, vẫn còn nằm một góc bờ cỏ, phủ rêu xanh, giếng cũng xây cao hơn, không còn tự nhiên của những vò đá quanh miệng. Nước giếng chỉ cách một sãi tay, mát trong và lạnh.Sư ông nhắc lại từng cây khế, cây Bùi, cây Dầu sở, cứ đến mùa Người phải hái Bùi đem cúng các chùa ở Huế, mà sao các chùa không trồng cứ bắt Từ Hiếu đem cúng! ngày xưa đi bộ, không dép, không xe, vì thế chân bị phong thấp nứt nẻ đau nhức, lên dốc rất mệt, thầy nghĩ, chả lẽ tuổi trẻ mà yếu vậy sao! thầy đâu biết mình đau thấp khớp; trái dầu sở lấy nhân, dã lấy chất dầu nấu với canh mít. Đặc biệt là khế, chính tay sư cố hái cho thì ăn ngọt, trộm mà ăn thì chua, thật ra sư cố biết trái chín ngọt sẽ ngã màu nào đó. Nơi chỗ lên chùa, khỏi hồ bán nguyệt một tầm tay là chổ trồng khóm, thầy ăn trộm khi quá khát nước, giờ thầy phát lồ trước hội chúng, trước đây cũng có phát lồ rồi. mọi người đều cười ồ! Thầy chỉ về cánh trái của chùa: Nơi kia là chuồng bò, các điệu vào là phải giữ bò, sáng mở cổng lùa bò ra núi, gói theo cơm trưa, khi cắt đầy mấy bao cỏ, thầy lấy kinh ra học, khi nghe tiếng kẻng công phu chiều vọng vào núi, thầy lùa bò về, tắm rửa, nuôi bò để lấy phân làm ruộng; có hôm chú bò nghe theo tiếng gọi của tình yêu, bỏ thầy chạy mất, thật khốn khổ thầy đuổi theo và nhờ dân giúp phụ. Cũng có cái giếng cho bò uống và tắm. Trong khi giếng bên trên để nấu ăn, và những vại nước lọc kia để nấu trà cho sư cố! Thầy nhớ có lần buồn ngủ, thầy mang nước cho sư ông khách mà cái khay lật ngược, sư cố nhắc khéo thầy. Một hôm, sư ông khách Tăng không còn đủ răng, thầy đứng hầu, sư ông kêu lại bảo thầy ngửa tay ra, sư ông khách gắp bỏ vào tay thầy cái chả giò chiên rồi nói, chú thấy tôi còn cái răng nào không? Có hôm, thầy dọn cơm cho sư cố , ăn xong, ngài hỏi, chùa mình còn tre không, dạ còn nhiều, chú hạ một cây, thưa thầy làm gì ạ?, làm vài đôi đũa, thầy sực nhớ dọn ăn thiếu đũa.
Vào hậu liêu, Đông lang, ngài chỉ bộ sạp, chỗ của sư cố ngồi, vá chiếc áo cũ tặng cho thầy lúc đi thọ giới lớn, giờ đây vẫn còn nguyên vẹn, tuy không còn người, khi đi qua cũng nghiêng mình kính cẩn; phòng thờ sư cố, hình sư cố do chính tay sư ông thuê người làm từ SG mang về một cách trang trọng; vì bận phật sự, pháp sự, xã hội sự...không nhớ nghĩ để mua cho sư cố cái túi nước nóng sưởi ấm vào mùa đông. Lâu lâu thầy về thăm, sư cố nhìn thầy thật lâu để biết rằng người đứng trước mặt mình là đệ tử về thăm mình thật. Một hậu liêu khác là chỗ lúc bé sư ông bị sốt rét nằm co quắp đơn điệu, khi hết bệnh, dì Tư cho ăn hai chén cháo trắng thấy ngon hơn lúc bình thường. Cái cột tiền đình, xưa kia màu trắng, thầy dùng mực đen viết: Nguyện độ nhất thiết chúng sanh, nếu sư cố bắt gặp chắc sẽ bị phạt! khẩu khí tự phát như thế khi còn nhỏ, giống Lý Công Uẩn phạt di lý tượng Hộ Pháp vậy.
Mãi đến khi thầy được gửi đi học, ở lại chú Dương phải gánh nhiều việc, ngoài việc thỉnh chuông hằng bữa, vì chú làm việc có một tay, hái củi rất giỏi. Chú nói với thầy – khi nào huynh thành Phật nhớ độ cho sư em! Lúc ở nước ngoài, thầy mộng thấy chú Dương lành lặn 6 căn, đẹp như một vị Bồ Tát. Ta không thể căn cứ vào thông minh chữ nghĩa mà đánh giá sự tu học; chú Dương có hạnh của một Bồ Tát!
Chùa Từ Hiếu là nơi in ấn kinh bằng bản mộc phổ biến cho các chùa ở Huế, sư ông hướng dẫn chúng xuống phòng để xem thực tập in kinh, không còn trên giấy bổi mà giấy trắng láng ngày nay.
Trên chùa, quý thầy đang cúng ngọ, giọng Huế tán rơi thâm trầm thiền vị, các du khách nước ngoài ngẩn ngơ đứng nghe; Chúng đệ tử còn ngậm ngùi những kỷ niệm ấu thời của vị thầy suốt đời hy sinh cho đạo pháp và dân tộc và suốt đời vẫn hứng chịu lắm đàm tiếu vô lý. Thiền sư luôn chánh niệm từng bước chân và hơi thở, nhưng quá khứ, đạo hạnh và tình tự dân tộc vẫn theo hơi thở của Thiền sư đi suốt cuộc đời, giờ đây, pháp tử pháp tôn, ngoài việc truyền thừa pháp môn, còn được trao lại bao kỷ niệm một thời làm điệu của thiền sư! Vì hôm nay là ngày nghỉ ngơi sau chuyến từ Nam về Trung, sư ông tận dụng thời giờ để tâm sự với núi đồi Dương Xuân một thời.
MINH MẪN
24/3/07
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét