Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009
HOẰNG PHÁP MIỀN TỈNH
Ngày 20/10/ Giáp Thân, tức 01/12/2004, tỉnh hội Long An tổ chức Hội Thảo Hoằng Pháp; mười sáu bản Tham luận trình bày những điểm cơ bản và kỷ thuật trong công tác thuyết giảng không ngoài: Khế – Cơ – Thời – Xứ mà Phật đã dạy. Cộng thêm Thân giáo, khẩu giáo.
Tuy nội dung không có điểm nổi bậc, nhưng nổi bậc nhất là khung cảnh tổ chức, nhân sự tổ chức và tâm nguyện tổ chức! Buổi hội thảo được chọn ở một địa điểm cách xa tỉnh Long An 22 km, huyện Châu Thành, xã Long Trì, một vùng quê nghèo nàn như bao vùng quê các tỉnh miền Nam nước Việt, hẳn nhiên phải có dụng ý khi ban tổ chức chọn nơi xa xôi heo hút như vậy; Hai bên đường đất đỏ, nhà tole vách lá xen lẫn tường xây, thế mà thỉnh thoảng vẫn xuất hiện quán cơm chay, điều nầy xác định mức ảnh hưởng của PG đối với nhân dân trong tỉnh, thêm nữa, Phật Đản 2004, đài Truyền Hình tỉnh liên tục trình chiếu những thước film cải lương về sự tích của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni suốt cả tuần, hẳn nhiên PG tại đây có một uy tín nhất định; ông trưởng ban Tôn giáo xác định – PG là thành viên tin cậy nhất trong Mặt Trận, có thể đó là ngôn từ xã giao, nhưng không xa sự thật quá 50%, nghĩa là chư tăng ni trong tỉnh phải có một phong cách đáng kính! Thật vậy, không như thành phố, tu sĩ nơi đây toát hiện một gương mặt hồn hậu, một phong cách chân thành, một đời sống giản dị, khiêm tốn, trang phục bình dị đến độ không xa với dân quê là bao, nhưng trình độ không kém tu sĩ thành phố HCM là mấy; nhiều vị tốt nghiệp trường Cao Cấp Phật Học, về lại hoà nhập với địa phương trong công tác Phật sự lẫn sinh hoạt thường nhật,không có ranh giới giữa các trụ trì, chức sắc giáo hội với tăng ni sinh và quần chúng Phật tử. Hưng Long là ngôi chùa cổ chưa được tu bổ, nhà giảng bằng tranh, vách chưa tô, có nghĩa chùa nghèo giữa dân cư nghèo, nhưng bao thầu cho một buổi lể gần hai trăm người, ngoài hai bửa ăn, còn quà cáp mang về, các thết bị cho nhà giảng như bàn ghế cũng là một cố gắng vượt trội, được chùa Châu Long của Ni sư Thường Liên hổ trợ vật thực. Qua 24 năm có mặt của ban trị sự tỉnh, đây là sinh hoạt đầu tiên nổi bật do TT trưởng ban HP chủ xướng, hình như hơn 52 tỉnh thành toàn quốc, ban HP chưa có một buổi hội thảo nào đúng nghĩa, kể cả TP HCM, vì hầu hết do trên tổ chức, dưới tham dự mà thiếu sự hưởng ứng,nhiệt tình năng nổ của cơ sở hạ tầng. Tu sĩ và các am tự viện trong tỉnh rất đoàn kết, hẳn nhiên lần đầu tổ chức không tránh khỏi nhiều sơ suất, bởi lẻ, nhân sự quá ít,dù TT trưởng ban HP có tháo vác, khéo tổ chức, vững hành chánh vẫn không thể quán xuyến mọi mặt; Hình thức sinh hoạt là vậy, nhưng tâm nguyện qua các bản tham luận như là cụ thể, hợp lý và nguyên tắc, nhưng bất cứ một tổ chức hành hoạt nào, về lâu về dài, liên tục và phát triển, không thể tồn tại trên lý thuyết và thực hiện bằng mộng mơ. Có hai vấn đề cơ bản để chương trình hội thảo biến thành hành động hữu hiệu mà đại hội bỏ sót, không bản tham luận nào đào sâu:
A/ Nói đến Hoằng Pháp, thường nghĩ đến người giảng pháp và đối tượng thính pháp, nhưng qua lịch sử truyền thừa của PG trên thế giới, có những lúc việc truyền bá không có người thuyết và kẻ nghe mà chỉ có người viết và kẻ đọc như PG truyền vào Âu Mỹ, một số vùng Au và Á. Thiền sư DT Suzuki qua bộ Thiền luận, Nietzsche và một số học giả đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới trí thức Tây phương, những học giả người Anh sau khi Anh quốc thôn tính An Độ đã nêu PG như một hiện tượng, một báu vật từ lâu Tây phương không hề biết tới, đã thay đổi thái độ ngạo mạng của giới trí thức phương Tây, họ phải nghiêng mình nghiêm túc học hỏi một triết lý siêu việt của một dân tộc chậm tiến, thế kỷ XIX, có thể sớm hơn, Nga cũng biết PG qua các sách báo của những học giả, các nhà thần bí như bà Blavatsky... từ giới trí thức, PG đã lan tỏa dần xuống quần chúng như nước Mỹ ngày nay, ngoài các triết gia, bác học nổi tiếng, vô số học giả trí thức nghiên cứu, thâm nhập PG sâu rộng, để rồi, ngày nay,Phật học là một trong những bộ môn không thể thiếu trong chương trình các đại học ở phương Tây,( như vậy hoằng pháp trong giới trí thức không qua giảng sư tu sĩ, không có thính chúng tín tâm mà vẫn đạt hiệu quả cao). Từ sự kiện nầy, để áp dụng cho xã hội VN, nhất là các vùng thôn quê nông nghiệp, tổ chức một buổi diển giảng là vấn đề khó thường xuyên, nếu mỗi tháng một lần, sự thẩm thấu giáo lý không tương xứng với sự đầu tư quy mô như vậy; và không phải ai cũng có thể đến chùa nghe pháp, sau thời pháp, không phải ai cũng hiểu và nhớ nội dung thời pháp; những loại sách báo chỉ giúp cho những ai biết chữ, thay vào đó, sách báo bằng tranh chuyển tải hình ảnh PG vào mọi tầng lớp, chuyện cổ tích, lý nhân quả...PG có vô số đề tài có thể hóa thân qua tranh truyện đi vào lòng dân một cách dể dàng và hiệu quả mà không cần một giảng sư với đủ nghi thức cho một buổi pháp, vị trụ trì hay một tín đồ có thể truyền tay những loại sách hình để những lúc rãnh rổi, người lớn, trẻ con cũng có thể xem như môn giải trí bổ ích, từ đó, giáo lý ngày một thấm sâu trong ký ức quần chúng; Ban HP tỉnh có thể kết hợp với một họa sĩ bình thường để sáng tạo những hình ảnh trong kinh Hiền Ngu hay bất cứ câu chuyện nhân gian mang lý nhân quả, đạo đức mà phí tổn không quá lớn. kết quả không phải nhỏ!
Những đồ chơi trẻ con, thay vì vũ khí như các nhà sản xuất thường làm, thế vào đó là những loại hình mang tính giáo dục đạo đức, phát triển tình thương đối với thú vật và con người nơi trẻ con và giúp người lớn ý thức bảo vệ sinh môi; Đầu tư vào các trò giải trí và đồ chơi như vậy không tốn kém hơn những chuyến hoằng pháp xa mà ít đạt hiệu quả, vả lại, những đồ chơi như vậy, nếu không tính lời thì cũng lấy lại vốn, cái lời là việc giáo dục đạo đức cho trẻ con và quần chúng; Ban giáo dục và HP kết hợp trong công tác nầy, chắc chắn thành công không nhỏ, biết đâu tỉnh hội Long An sẽ khởi đầu mô hình đầy sáng tạo nầy làm thí điểm cho các vùng khác noi theo!
Nói pháp trong một khung cảnh trang nghiêm là việc đúng, nhưng không thể bảo hoằng pháp bằng những tốp nhỏ hòa nhập vào mọi sinh hoạt nông thôn theo Tứ Nhiếp Pháp là sai, công tác nầy không đòi hỏi hình thức một tu sĩ đạo mạo, một cư sĩ có thể hòa nhập vào mọi tầng lớp, trong mọi ngành nghề, rất có tác dụng; Ban Hoằng pháp nên vạch kế hoạch thực hiện xu hướng nầy song song với các giảng sư hoằng pháp.Đào tạo giảng sư làm công tác truyền bá là lực lượng chính quy đầy tốn kém, thực hiện lối hội nhập như vậy ít chi phí và có hiệu quả nhất định, đây là lực lượng HP du kích!
Thăm viếng kẻ neo đơn, gặp khó khăn, an ủi người bệnh tật, giúp đở lúc nạn tai để giáo dục họ hiểu luật vô thường hầu đưa vào đạo cũng không phải là việc khó, đội ngủ phật tử tại gia có thể lảnh trách nhiệm nầy!
Ban HP có thể kết hợp với các am tự viện địa phương chia dân cư trong vùng thành nhiều tổ nhỏ, mỗi tổ độ mười hộ, luân phiên tụng kinh cầu an cho từng hộ để tạo tín tâm hầu đưa họ về chùa quy y nghe pháp.
Tóm lại, công tác HP không chỉ khu trú trong lảnh vực giảng sư và thính chúng nơi pháp đường theo lối cổ điển mà phải linh động theo từng địa phương, từng hoàng cảnh để PG đi sâu vào xã hội. PG có mặt tại VN trên XX thế kỷ, thế mà tín đồ PG hiện nay thực sự hiểu đạo đúng nghĩa chưa bằng phân nửa Kitô giáo; Toàn quốc hiện nay có khoảng 20.000 am tự viện, 40.000 tu sĩ trong tám mươi triệu dân số, chưa phải là nhiều so với thời Trần phân nửa người dân là tu sĩ, nhà nhà xây chùa, người người cất chùa, nói thế không có nghĩa cần số lượng đông, nhưng thật tế hiện nay 80% đa số là đạo thờ ông bà và những tín ngưỡng nhân gian. Cụ thể rõ nét nhất, tại Long An, dân số một triệu ba trăm ngàn người (1.300.000), chỉ có 300 ngàn có tín ngưỡng, PG chiếm 200.000. tuy có 70 đạo tràng Nếu xét 24 năm qua khi Ban Trị Sự tỉnh hội Long An có mặt mà vẫn còn hoang hóa một triệu người, phải xét lại công tác HP của PG địa phương, nếu xét rộng từ đầu thế kỷ XX, cuộc canh tân PG đến nay, PG hiện diện qua nhiều thời kỳ chấn hưng như thời của cố HT Khánh Hòa, Khánh Anh, Phật học viện Lưỡng Xuyên, đến sau 1964 1975 và rồi i982 – 2004 mà số lượng người dân không tôn giáo nhiều gấp 50 lần như vậy, trong khi PG miền Nam nói chung và Long An nói riêng có nhiều thuận lợi hơn các tôn giáo bạn, phải xét lại phương án hoằng pháp của PG, nhất là tính thụ động cố hữu, hy vọng nhiệm kỳ của ban HP tỉnh hội hiện nay sẽ năng động hơn!
Và để công tác HP đạt kết quả, không thể thiếu phân ban chuyên nghiên cứu kế hoạch HP và đôn đốc phật sự HP, theo dỏi các buổi thuyết giảng để rút ưu khuyết bổ sung cho giảng sư, nghiên cứu địa hình, tâm lý, trình độ của mỗi địa phương. Một giảng sư không thể học thuộc bài để áp dụng chung chung cho mọi địa bàn. Phân loại giảng sư cho thích hợp mọi lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên cần chọn giảng sư trẻ, linh hoạt, tâm lý để đáp ứng kịp thời tâm linh hiện đại, mới tránh được tình trạng chỉ có người già và đàn bà mới đến chùa.
B/ Truyền thống tồn tại của các già lam nhờ vào sự cúng dường của bá tánh, điều nầy đúng với khung cảnh của bậc chuyên tu, nhưng HP là một tổ chức mũi nhọn năng động, sáng tạo, phương án hành hoạt lâu dài, liên tục phát triển không thể nương vào việc hỷ cúng như chuột sống trên miệng bao, phong trào chấn hưng PG ba miền vào đầu thế kỷ XX đã vấp phải nhiều khó khăn về tài chánh, riêng trong Nam, - Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Hội Phật Học Lưỡng Xuyên đều bị đình trệ vì thiếu ngân khoản tài trợ. Một công tác Phật sự lâu dài, nhất là công tác giáo dục chỉ tồn tại bằng sự cúng dường quả là phiêu phổng; Biết rằng làm kinh tế không thích hợp với giáo luật, nhưng HP là một công tác giáo dục xã hội chứ không thuần túy chuyên tu, phải chủ động kinh tế tài chánh để tổ chức được trường tồn; Phật tử phát tâm hỷ cúng không phải luôn luôn đều đặn, còn tùy thuộc mức thu nhập của gia đình, nông nghiệp không phải luôn được mùa, doanh thương có lúc ế ẩm, vì thế việc cúng dường sẽ không bảo đảm cho công tác HP đều đặn và sống thọ, muốn thế . ban HP thành lập tổ kinh tế song hành với ban kinh tế của tỉnh hội. Kinh tế phật sự không đòi hỏi quy mô lớn, chỉ đủ thu nhập trang trải cho công việc và bồi dưỡng giảng sư, ví dụ chế biến thực phẩm chay, làm tiểu thủ công nghiệp... rất nhiều điều kiện làm nên kinh tế mà không đòi hỏi vốn liếng nhiều. Hiện nay trên thế giới, các cơ sở PG đều có mức thu nhập chính đáng, tự mình tạo tác như HT T,NH phát hành băng đĩa giảng pháp. Các chùa người Hoa sản xuất nhiều mặt hàng thủ công, một vài Thiền sư có cơ sở computer, trước đây chùa An Quang chùa Quán Thế Âm có cơ sở ấn loát, chùa Giác Sanh có hãng nước tương, Từ Nghiêm có cơ sở may mặc, vài chùa có tiệm cơm chay... đó là nguồn lợi ổn định cung ứng cho công tác HP, nhất là các tỉnh thị.
Tóm lại, HP là công tác mũi nhọn để phát triển PG, từ thời Đức Phật còn tại thế đã coi trọng vấn đề nầy, Asoka phái các đoàn hoằng pháp sang các vùng lân cận như Srilanka, Miến,Thailand, bangladed, Lasha...để từ đó lan truyền khắp thế giới; (các quốc gia thắm đượm PG đã có cuộc sống an bình, đoàn kết và đạo đức.)chư tổ đã có công quảng bá, ngày nay, với phương tiện truyền thông, tin học, ấn loát, mọi phương diện đầy đủ tiện nghi, chúng ta chỉ cần có nhiệt tâm,kế hoạch sáng tạo chắc hắn sẽ đạt một tầm mức rộng lớn, vì chỉ có tâm thì không đủ phá vở tính thụ động và lối mòn của hàng ngàn năm trước, óc sáng tạo sẽ mở lối cho hàng ngàn năm sau, và trước nhất xây dựng một xã hội có văn hóa, đạo đức nhân bản; một chính quyền dù tốt đẹp cũng khó đưa xã hội đến sự đoàn kết và đạo đức nếu không có PG, bằng cớ, tại tỉnh nhà, sau 1975, nhiều năm tại Long An có những khu vực bất ổn, trộm cắp xì ke, gây mất trật tự thôn xóm, thế nhưng, chùa Châu Long, một cổ tự tại Bình Quới, huyện Châu Thành, sau khi được ni sư Thường Liên,Khất sĩ về trụ, một thời gian không lâu, cả khu vực trở nên yên ổn, thanh thiếu niên được cảm hóa thành công dân tốt, những thành phần bất hảo trở nên lương thiện, chứng tỏ thân giáo của một vị chân tu góp phần không nhỏ trong việc xây dựng xã hội, một tổ chức HP đa diện chắc chắn là phương tiện tốt giáo dục quần chúng trong xã hội có truyền thống tín ngưỡng hàng ngàn năm như VN ta.
Hoằng pháp không chỉ kẻ nói, người nghe, mà phải hóa thân nhiều ngỏ ngách vì cuộc sống hiện nay đa diện, bởi tâm lý và trình độ dân trí hiện tại không đơn thuần như thời Phật hiện tiền; Hy vọng một tỉnh kế cận TP HCM sẽ là tiên phong một mô hình HP thành đạt trên nền tảng có nhiều ưu điểm, thuận lợi hiện nay, biến tâm huyết, lý thuyết thành hiện thực!
MINH MẪN
12/2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét