Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009
HÀ NỘI VÀO ĐÔNG
Chiều chủ nhật ngày 9/12/07, chuyến bay về Hà Nội, đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 6 giờ kém 10, bầu trời đã phủ bóng đêm!
Trể mất nửa giờ khởi hành thay vì 3giờ 35 theo thông báo; không khí sân bay Tân Sơn Nhất oi bức ngột ngạt, ga trong nước cũng thưa thớt hành khách, tàu khách quốc nội , Việt Nam Airline mang huy hiệu Hoa Sen rời khỏi đường băng hơn cây số, ngưng lại trong giây lát rồi lấy trớn chạy một đoạn, máy gia tốc gầm rú nâng khối sắt nặng nề bốc khỏi mặt đất; nhà cửa, ruộng vườn, đường sá xa dần và nhỏ lại dưới đôi cánh sãi rộng như con Đại Bàng; trong phút chốc, máy bay lơ lửng trên tầng mây. Không còn thấy mặt đất, ra hướng biển, mây và biển cùng hoà chung màu bạc thếch, con tàu mang hàng trăm hành khách như đứng yên trong cỏi mênh mông vô tận nếu không nhờ sự chuyển động gập ghềnh của thân tàu vượt qua vùng khí hậu xấu. Tiếng xé gió ngoài thân tàu và ánh sáng êm dịu bên trong khoang, dể ru khách vào giấc mộng.
Chuyến không hành, thanh niên và đàn ông nhiều hơn phụ nữ, khách ngoại quốc cũng thưa thớt vài ba người. Chung quanh tôi là những thanh niên trạc ngoài 30, làm tôi liên tưởng đến Thiền Quán, một cậu con chưa hề biết mặt nhận làm con tinh thần qua mạng, biết đâu cu cậu xuất hiện trong chuyến viễn du, vì cu cậu cũng từng đột ngột xuất hiện các nơi một cách bất ngờ; Không hiểu cu cậu làm ăn thế nào mà đi đứng quá tự do, mới vừa nghe xuất hiện tại Sài Gòn, lại dự đám Tang Ôn Từ Mãn trên Đà Lạt, rồi bay về Daklak nghe thuyết giảng. Chính vì xuất quỷ nhập thần như bóng ma biên giới mà lúc nào trong tôi cũng ám ảnh cậu con kết nghĩa có tài thiên biến vạn hoá.
Tia nắng chiều le lói chui qua cửa sổ lớn hơn bàn tay, quét vội vào khoang tàu làm ánh lên một luồng sáng bất chợt, tôi liên tưởng đến một gia đình mà khi ra đi, người vợ vẫn đang mãi mê dán mắt vào TV, thằng con say sưa trò chơi game trên mạng. Tôi lủi thủi ra đi như khách trọ. Điều quan tâm duy nhất của người thân trước khi tôi ra khỏi nhà: “Để tiền lại đi chợ và ăn sáng cho hai mẹ con, ba nhớ mở mạng để ở nhà con chơi”
Rồi chợt nghĩ từng gói thuốc, cái lược, ly muỗng, khăn xà phòng…do vợ chồng Tài Trâm chuẩn bị trước một tuần cho tôi; cậu con tinh thần từ phương xa cũng mail nhắc nhở bố bao chuyện lặt vặt,..và trước một giờ chuẩn bị đi, anh Thiện Tâm , trên 60 tuổi, từ Bà Rịa Vũng Tàu đích thân mang thực phẩm chay cho tôi để dùng suốt thời gian ở Hà Nội. Anh Hiệp anh Hà từ Mỹ cũng gửi cho 200 USD để mua vé khứ hồi, và bao đứa em, bạn bè cũng nhiệt tình chúc tụng chia tay! Thầy Lệ Thọ mang đến thuốc viêm xoang và bổ…Đến Hà Nội, sáng hôm sau lại có người từ Khánh Hoà gửi thức ăn đến!
Chìm trong âm thanh hú gió đều đều của máy bay, mỗi người một không gian riêng biệt. Tôi chợt nhớ đến con chó già nua bị mù mắt, con gà mái trên 5 năm tuổi còn sung sức, con mèo luôn nũng nịu khi thấy tôi, bầy bồ câu từ đâu kéo về chung sống với gia đình, chúng tự động tìm chỗ ẩn trú bất cứ nơi đâu, chúng đứng cạnh mâm cơm tôi đang ăn để húp nước tương, chợt nghĩ ra, tất cả dù thú hay người đều có một tình cảm và cần một tình cảm. Trong tôi dâng trào một tình thương vô bờ. Bay giữa tầng mây mà nghĩ đến bao cuộc sống lạ và quen trên mặt đất, xuất hiện từ tận đáy thâm sâu của ký ức, một linh ảnh xa xôi hiện về như đã từng cảm nghiệm, thể nghiệm của quá khứ, như một trung ấm thân, một tâm thức cô đơn trôi đi giữa không gian và bóng đêm vô tận, bị gió nghiệp vù vù cuốn hút bơ vơ; cứ như mình đang bị cắt đứt mối liên hệ với bao sinh vật trên trái đất; Rồi chợt thèm được luôn luôn gắn liền với cuộc sống, dù kẻ thân người thù, dù loài rắn độc hay gia súc ngoan hiền, đều cần thiết cho ta một liên hệ tình cảm. Ôi, bao cái đẹp cái tốt của cuộc đời, tôi chưa từng lớn tiếng ca ngợi, vì cứ nghĩ đấy là cái tất nhiên phải có, cần phê phán những bất cập để cuộc sóng hoàn thiện hơn. Vẫn cô đơn thu mình trong ốc đảo, vẫn đi về hàng ngày trên con lộ thân quen, giờ đây mới thấy tất cả cần thiết như hơi thở và mạch sống!
Sân bay Nội Bài về đêm trống trải, ánh sáng trong sân đẩy lùi bóng đêm ra khỏi vòng rào. Lọt giữa bóng đêm mịt mùng kia, vài ngon đèn nhà dân le lói như những ngôi sao lẻ loi trên bầu trời thâm u. Chiếc xe trung chuyển đưa khách từ cầu thang vào nhà kính. Kẻ đi người về cũng không lấp được chu vi rộng lớn của một sân ga. Chiếc xe đón chờ trên một tiếng đậu ngoài cổng. Con đường dẫn về Hà Nội thoáng rộng, sáng loáng đèn vàng. Xe cộ dập dìu xuôi ngược. Khí hậu bên ngoài được báo 25 độ. Tôi lấy làm lạ, bao nhiêu chuyến ra Hà Nội đều gặp mùa rét, trước khi đi, tại Hà Nội 15 độ, thế mà ra đến, khí hậu mát dịu , tôi tiếc chưa bao giờ thưởng thức cái rét.mùa Đông của Hà Nội.
Giá sinh hoạt không chênh lệch với Sài Gòn bao nhiêu, có cái lại rẽ hơn, bánh mì một nghìn rưởi lớn gấp đôi ổ bánh một nghìn bằng cổ tay tại SG. Nải chuối cũng chỉ 8 nghìn, người bán nơi đây không cân ký như trong Nam, họ nhắm chừng và đếm quả.
Bên kia đường, quán cơm bình dân, quán phở đẻ phục vụ cho cán bộ những cơ quan quanh đấy. Hàng quán ven đường chỉ độ 6m2 cũng đủ sống qua ngày. Chủ quán lạ lẩm nhìn món cá cơm chay như vật quý hiếm tôi mang theo.Ra hồ Ha Le, còn gọi là hồ Thiền Quang, ngồi xề xuống một chỗ bán nước chè đêm. Bà cụ với một rỗ ổi, dưa leo ( dưa chuột) bánh trái, vốn liếng không quá mươi nghìn, một ấm nước chè Bắc, một chai Nhân Trần, đủ phục vụ cho khách lãng mạn tha phương. Ngồi nhấm nháp ly Nhân Trần đen đúa, gió từ hồ thoang thoảng, bên kia vọng lại nhạc trẻ, và lắm người bách bộ quanh bờ.Một tốp phụ nữ tập thể dục theo nhịp nhạc. Các ghế đá ven bờ đã được các cặp tình nhân xử dụng để trao đổi thông địp tình yêu. Sao bọn trẻ bạo dạn và trơ trẻn giữa bàng dân thiên hạ đến thế, có lẽ dân Hà Thành cũng quá quen thuộc cảnh nầy, không ai bận tâm!
Đường phố rộng, về đêm cũng nhộn nhịp, tuy không bằng Sài gòn nhưng cũng toát hiện một sức sống đang lên. Mùa nầy, Sông Hồng cũng không có nứơc, xưa kia ông cha ta đã đắp đê ngăn lũ tràn bờ, đê cao, chứng tỏ lượng nước vào mùa lũ khá đe dọa, nhưng giờ đây, các thác đập thủy điện của Trung Quốc đã làm cạn kiệt nguồn nước vùng hạ lưu, vì thế sinh môi, khí hậu, nông nghiệp của ta bị tác động khômg nhỏ.
Ai có đến Sapa, Hạ Long, Yên Tử, chùa Hương… mới thấy quê hương ta đẹp, có chứng kiến cuộc sống người dân các vùng nông thôn, mới thấy sức chịu đựng dẻo dai của ông cha mình, đổ bao máu xương và trí tuệ cho chúng ta có một giang sơn ngày nay. Dưới tay một kẻ thô bạo hung tàn như Trung Quốc, từng đánh chiếm và thống trị dân ta, thế mà cha ông ta vẫn kiên cường giữ vững quê hương. Thời man rợ thuộc về quá khứ, một quá khứ đau thương đã cho ta nhiều bài học tự cường, điều lạ là hiện nay, các đế quốc ôm mộng xâm lược thuộc địa đã chuyển sang cạnh tranh kinh tế và thao túng thị trường, tranh đua kỷ thuật, thì Tàu vẫn không từ bỏ mộng xâm lăng. Những tai tiếng về địa giới cực Bắc, chưa đủ chứng cớ xác minh, nhưng hải phận Việt Nam, phát ngôn viên của Việt Nam, LÊ DŨNG, đã chính thức xác nhận chủ quyền VN trên hai quần đảo Hoàng và Trường Sa. VN kêu gọi các quốc gia đầu tư thăm dò giếng dầu trên vùng đất của mình là hợp pháp, thế nhưng Tàu Cộng đã dùng quyền lực đe dọạ, các công ty phải rút lui, ngược lại họ ngang nhiên tiến hành khai thác, và thành lập huyện Tam Đảo để thống lĩnh hai quần đảo trên. Và thường xuyên bắn giết ngư dân ta, bắt cóc tống tiền ngư phủ và láp lực thường xuyên với chính phủ VN. Một sự ngang ngược như thế mà Liên Hiệp Quốc vẫn im lặng.
Tại sao đất nước ta luôn bị đe dọa phải chăng vì tài nguyên dồi dào, địa thế thuận lợi? Tại sao nhân dân ta thông minh. đảm lược, cần cù mà vẫn bị bên ngoài thiếu nể trọng, phải chăng do ta không đoàn kết?
Chúng ta ai cũng có tinh thần ái quốc trước những thế lực xâm lăng. Cho dù nhà nước Việt Nam đứng trong tư thế khó ăn khó nói, nhạy cảm, nhưng người dân ta có quyền gióng lên tiếng nói bảo vệ giống nòi và giang sơn gấm vóc của cha ông để lại. Với tư cách một người dân mang giòng máu Việt tộc, mỗi người hãy vận dụng mọi khả năng, mọi phương tiện để thể hiện tinh thần yêu nứơc , cho những những ai mưu đồ xâm lược thấy được tinh thần phản kháng một mất một còn của ta để bảo vệ đất nước cho thế hệ con cháu chúng ta tồn tại. Rất mừng, tinh thần đó đã được người dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thể hiện qua cuộc biểu dương phản kháng tại toà Đại Sứ Trung Quốc, đó là cuộc tự phát của người dân trước thái độ ngang ngược của Bắc Kinh. Đại Hội PGVN sắp tới tại Thủ Đô sẽ nói gì trước mối tiềm ẩn xâm lược nầy.Không những một Giáo Hội PGVN, mà người Phật Tử VN trong và ngoài nước phải có tiếng nói phản kháng như thế, đây là dịp để PGVN chứng tỏ có trách nhiệm trước sự tồn vong của đất nước
Cho dù chúng ta đứng ở vị thế nào, chiến tuyến nào, lòng ái quốc và bảo vệ giống nòi phải là một. VN ta không thể là một Tây Tạng. Chúng ta đã thấy sự đau thương của Tộc Tạng khi đất nước bị sáp nhập vào kẻ thù, văn hoá, sắc tộc, tín ngưỡng đều bị xoá nhoà trước kế hoạch và bạo lực xâm lăng. Cho dù với tinh thần ôn hoà của Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng, chỉ yêu cầu Tàu Cộng cho Tây Tạng được tự trị, ngài không đòi độc lập, thế mà vẫn bị Bắc Kinh thẳng tay đàn áp các nhà sư Tây Tạng và nhân dân Tây Tạng trong nước. Việt Nam ta không thể như thế và thà mất tất cả chứ không để kẻ mạnh ngang ngược xâm lăng. Các đảng phái chính trị nước ngoài và một số Việt Kiều hải ngoại đều bức xúc trước sự ngang ngược bạo tàn của Tàu Cộng đối với đất nước ta, ngư dân ta, chắc chắn Bắc Kinh không thể thoả mộng tranh bá đồ vương đối với VN. VN ta từng cho Bắc Kinh nhiều bài học xương máu, các thế hệ lãnh đạo đất nước ta đã rất biết điều với các nước láng giềng, thế mà họ vẫn xem thường tinh thần hữu hảo đó.
Rồi đây, kinh tế, khí hậu, thương trường, địa giới, sinh môi sẽ tiếp tục bất ổn vì óc xâm lăng, phá hoại của ông bạn mạ Vàng Bắc Kinh.
Vào Đông, thủ đô Hà Nội se lạnh, sinh hoạt người dân vẫn tất bật như Sài Gòn, mức sống tuy có khó khăn nhưng mỗi ngày một vươn lên. Nhà cao tầng cũng tiếp tục mọc, tập quán sinh hoạt cổ vẫn được duy trì. Các gánh hoa, gánh rau quả mỗi sáng vẫn dạo khắp phố phường, Hà Nội chưa có những cửa hàng rau quả, cá thịt lưu động trên xe đạp, xe 2 bánh,3 bánh vào các thôn xóm như SG, nhưng đôi quang gánh với bộ đồ giản dị vẫn có., một góc phố có cô thôn nữ mặc áo tứ thân màu cẩm nhung với gánh hoa nhiều màu sắc đứng chờ khách ghé mắt trả giá. Các em đánh giày và các du khách ngồi xổm bên các bàn nước chè xanh sát vỉa hè; Các món ăn bình dân cạnh những nhà hàng sang trọng. nhiều nhà cũ vẫn chen cạnh các cao ốc.
Các hồ nước trong thành phố gợn sóng lăn tăn, tuy nước vẫn bị ô nhiễm nhưng sạch sẽ hơn những năm trước, chỉnh trang đô thị có thay đổi, tuy chậm. Khu Đô thị mới ven đô Hà Nội chưa phát triển đúng tầm vóc. Một Hà Nội nhiều hứa hẹn xứng với một Thủ Đô vẫn chưa được như Sài Gòn, nhưng sức sống người dân còn nhiều tiềm năng.. Hà Nội chưa xuất hiện cái xô bồ như Sài Gòn, nhưng cũng không có nét trầm lặng như cố đô Huế. Mỗi địa phương có một sắc thái đáng yêu, và nếu cả nước ta, mỗi người dân là một tiếp viên du lịch bặt thiệp thì lo gì đất nước không phồn vinh. Công dân được giáo dục lòng ái quốc và tính tương trợ, lòng vị tha thì chắc chắn không thế lực nào dám dòm ngó, mức sống người dân không quá chênh lệch, và lòng hận thù sẽ phai nhạt. Đức Đạt Lai Lạt Ma rất đúng khi vẫn giúp đỡ tộc Tạng về vật chất mà không hạn hẹp xem đó là việc làm lợi cho Tàu Cộng như một số Việt kiều chống lại những người gửi tiền về giúp thân nhân tại quê nhà!
Nhạc Noel và những biểu tượng Noel cũng bắt đầu xuất hiện các nơi. Tại phi trường Tân Sơn Nhất cũng trang trí cây thông và 2 ông già tuyết với bộ cánh đỏ trông thật hấp dẫn. Việt Nam đang hoà nhập vào cộng đồng quốc tế, giao thoa với nét đẹp văn hoá thế giới, nhưng giới trẻ cũng tiêm nhiễm không ít văn hoá đồi trụy; trách nhiệm nầy không chỉ bộ phận giáo dục của nhà nước mà Phật giáo phải chung tay.
Vào Đông, Hà Nội không lạnh, báo hiệu những bất cập trong xã hội cũng như tương quan Quốc Tế không đến độ giá rét. Bầu trời vẫn có ánh sáng, cây vẫn xanh, và tình người vẫn tốt. Đại Hội Đại Biểu PGVN còn vài hôm nữa diễn ra tại Thủ Đô, liệu có luồng sinh khí mới nào báo hiệu thay da đổi thịt để cùng đồng hành với dân tộc? hay cũng chỉ những điệp khúc buồn của thời kỳ quan liêu bao cấp? Chả lẽ PG vẫn dậm chân, tuột hậu khi đất nứơc đi lên! Người dân Thủ Đô chẳng hay biết gì cuộc Đại Hội PG, có nghĩa PGVN vẫn còn đang đứng bên lề xã hội. Hà Nội vào Đông hay PG vẫn còn ngủ Đông???
MINH MẪN
09/12/07
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét