Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009
PGVN VỚI NHỮNG CƠ HỘI VÀNG
Hãy bắt đầu từ thời điểm hậu Ngô, sau 1963, PGVN thật sự có những dấu ấn lịch sử chưa minh định được công hay tội, nhưng tự thân PGVN đã có những động thái sai lầm nhất định, dẫn đến hậu quả tai hại gần nửa thế kỷ, vẫn chưa được khắc phục tiềm năng to lớn của một giáo thuyết, bỏ lỡ những cơ hội quý báu mà đáng ra, bất cứ tôn giáo nào cũng cần chớp lấy thời cơ để củng cố và phát triển!
Thật vậy, sau nhiều thế kỷ trầm mịch bởi dân tộc bị Bắc thuộc và Pháp thuộc, thập niên 40 của thế kỷ XX, cùng với sự chuyển mình quật khởi của dân tộc khỏi ách thống trị, PGVN cũng được các bậc thiện tri thức tiến bộ xây dựng nền móng phục hồi sinh lực, đi vào nề nếp tổ chức canh tân, tu sĩ được trang bị kiến thức nội điển và ngoại điển, lột xác một PGVN đánh mất mạng mạch sở đắc từ lâu mà hình thức duy trì chỉ còn thuần túy tín ngưỡng nhân gian, tu sĩ trở thành điểm trung chuyển giữa hai thế giới Âm - Dương, tống bạt kẻ quá cố về miền viễn tưởng; Nhưng không bao lâu, PGVN chưa hoàn phục như ý, đất nước một lần nữa bị phân qua, PGVN một lần nữa phải chậm lại bước tiến, đóng khung ở khuôn hội, chùa làng, nhưng tu sĩ tự mình biết trang bị một kiến thức khả dĩ, một nội lực đúng đắn, ý thức vận mệnh tồn vong trước cao trào canh tân của thế giới, lúc bấy giờ, PGVN là thành viên của Hội PG Liên Hữu thế giới tổ chức tại Ceylon do HT Thích Tố Liên hướng dẫn dự đại hội vào ngày 25/5 đến 08/6 năm1950, mang lá cờ ngũ sắc biểu tượng cho PG thế giới về VN, đồng thời được xem là lá cờ của PGVN. PG miền Nam đi vào nề nếp của từng hệ phái, cũng là lúc gặp phải sự kỳ thị ngông cuồng của gia đình trị nhà Ngô, thời cơ giúp các hệ phái đoàn kết, đấu tranh một mất một còn với thế lực chính trị liên kết tôn giáo phi dân tộc, một cuộc đấu tranh đầy bất trắc, nhưng chân lý đã thắng, cuộc đấu tranh có chính nghĩa được thế giới quan tâm ủng hộ; Sau năm 1963, Ngô Triều hoàn toàn sụp đổ, PGVN chuyển mình sang một tổng thể gồm nhiều hệ phái kết hợp, lần đầu tiên Nam tông và Bắc tông có chung một giáo hội, hiến chương GHPGVNTN ra đời, xác định tôn chỉ, cương lĩnh của một PGVN sau nhiều thập kỷ im hơi lặng tiếng, một tổ chức PGVN mang vẻ mới lạ, có tầm cở, hàng lãnh đạo có năng lực và trình độ, một khung sườn hoàn chỉnh đầy hứa hẹn… Nhưng, đất nước vẫn còn đao binh khói lửa, PGVN không thể an nhiên tọa vị vì quyền lợi riêng mình, xác định trách nhiệm đó, cấp giáo phẩm lảnh đạo PG tiếp tục lăn sả vào đời, trong một xã hội rối bời chính trị, người dân bị dồn vào đường cùng cho bom đạn… A. Một ý thức đúng - nhưng - Một hành động sai !
Vận mệnh PG gắn liền sự tồn vong của dân tộc là một ý thức đúng đắn mang tính biện chứng; Thế tại sao suốt thời Bắc thuộc và Tây phương khai hóa VN, PG không đứng lên cổ súy đuổi giặc?
Sau những năm tháng huy hoàng của PG và dân tộc dưới minh triều Lý Trần , PG theo luật thịnh suy, dần dà nhường sân cho Nho gia theo đuổi Khoa bảng, đạo đức xã hội của PG cũng bị thay thế bởi trật tự tôn ti của Khổng gia, một trật tự khuôn phép mang tính nô lệ giáo điều du nhập và ăn sâu từ Tàu, do vậy, tinh thần tự cường và nhuệ khí ái quốc bị Tam cương ràng buộc, PGVN tự lùi dần vào thế yểm ly, ẩn dật, tuy nhiên, những bậc anh minh đứng lên chống ngoại xâm cũng được ươm mầm ái quốc tự tồn của PG, đó là truyền thống mà từ thế kỷ thứ X trở về trước, PG đã có công xây dựng một VN cường thịnh, tụ chủ, từng có một Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh…, cống hiến trí tuệ cho tổ quốc. Suốt thời gian nô lệ văn hóa Tây - Tàu, không thiếu những nhân sĩ PG và Tăng lữ tham gia cải cách, giáo dục ý thức quần chúng, kể cả trong binh ngủ với tư cách cá nhân, vì lúc bấy giờ PGVN chưa có một tổ chức giáo hội đúng nghĩa, không có ảnh hửơng mạnh với quần chúng và triều chính, do thiếu tổ chức và kiến thức cập nhật thời đại mà các cuộc nổi dậy bị thất bại, công thêm thù trong hợp tác giặc ngoài của một số cá nhân và tôn giáo nên các đảng phái yêu nước bị đập tan tác; đành rằng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh có tầm nhìn liên kết và cầu viện, nhưng đó không phải là thế dựa quốc tế, từ những thất bại đó, bài học kinh nghiệm cho Nguyễn Ái Quốc xuất dương, nương vào thế lực CS quốc tế để hướng dẫn tổ chức kiên trì chiến đấu đi đến thành công .
Trở lại tình hình Việt Nam sau khi ký thỏa ước chia đôi đất nước, miền Bắc lo ổn định xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng lúc chuẩn bị cuộc chiến gtải phóng miền Nam, toàn dân dồn mọi nổ lực chi viện cho chiến trường phía Nam, vấn đề tôn giáo trong đó có PG cũng bị đình trệ; Trong Nam, từ vĩ tuyến 17, sau khi phù phép cho Bảo Đại mất quyền, Ngô Đình Diệm được Mỹ, Pháp, Vatican đưa về lãnh đạo xây dựng thành trì chống cộng, một tiền đồn đầy hứa hẹn được hậu thuẩn bởi số tín đồ cuồng nhiệt tuy không đông, nhưng có hiệu quả hơn so với 80% quần chúng còn lại thiếu tổ chức , nghèo kinh tế, và rời rạc, không được lảnh đạo tinh thần quốc tế như Kitô giáo, với sự chủ quan của chế độ Nhu Diệm, tin rằng Ngô Đình Thục đủ khả năng cải đạo toàn miền Nam không bao lâu khi có hậu thuẩn của chế độ đương nhiệm, được chi viện từ Mỹ và Vatican, (Ngô Đình Thục có tham vọng sẽ là Hồng Y) cán bộ tôn giáo có trình độ, và nhất là guồng máy của bộ truyền giáo rút kinh nghiệm thất bại từ thời các giáo sĩ theo chân Pháp đến VN; Do tinh thần chủ quan đó, Ngô triều bất chấp nguyện vọng của nhân dân miền Nam, áp đặt tín ngưỡng bằng biện pháp chính trị, quyền lợi bổng lộc, hàm tước trong quân đội, phẩm cấp trong hành chánh, ràng buộc trong hôn nhân, kể cả đồ viện trợ của Mỹ cũng được xem là điều kiện để cải đạo… Đến thời cực điểm cần đánh nước rút để ổn định chính trị sau khi dẹp xong các giáo phái võ trang tại miền Nam, PG trở thành một chướng ngại to lớn phải loại trừ, hàng loạt cuộc ruồng bố, bắt bớ, thủ tiêu tín đồ PG, đạo dụ số 10 từ thời Pháp thuộc tiếp tục áp đặt cho PG, hạn chế mọi sinh hoạt công cộng của PG, họ nghĩ rằng chỉ có Kitô giáo mới đủ khả năng chống cộng tuyệt đối, do tinh thần chủ quan và sự kỳ thị được nhồi sọ từ các cha cố, xem PG là tà ma ngoại đạo tiếp tay cho giặc; Đỉnh điểm cuộc đàn áp, cờ PG không được treo, chương trình phát thanh thường kỳ của PG không được truyền tải, Tăng, Ni, Phật tử biểu tình bị đàn áp bằng lựu đạn, xe tăng tại đài phát thanh Huế, suốt từ Trung vào Nam dấy loạn chống đối từ các tầng lớp sinh viên, học sinh, báo chí trí thức, tiểu thương, công chức, một nữ sinh Phật tử Quách thị Trang gục ngã tại chợ Bến Thành, một ngọn đuốc Bồ Tát Thích Quảng Đức bùng cháy tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê văn Duyệt SG. Trước tình hình bất ổn và nguy hiểm, nhà Ngô cố tìm cách bịt miệng trong nước, che mắt thế giới bằng chuyến đi giải độc của Trần Lệ Xuân, nhưng miệng thúng không úp được voi, Liên Hiệp Quốc bắt đầu can thiệp với sự ủng hộ khách quan của thế giới và tình cảm đạc biệt của các quốc gia PG, thay vì gia đình nhà Ngô tỵ nạn nước ngoài, nhưng nhân ác quá lớn nên quả báo phải đổi bằng sinh mạng do chính tay chân của nhà Ngô thực hiện!
Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ra đời do Dương văn Minh lãnh đạo, PGVN tập hợp mọi hệ phái trở thành một Giáo Hội PGVNTN từ 1964, một giáo hội non trẻ đầy tiềm năng được thế giới quan tâm theo dỏi, đồng thời cũng là mãnh đất mầu mỡ trong tầm ngắm của các phe phái chính trị trong nước và ngoài nước; Tuy nhiên không vì thế mà GHPGVNTN xuôi chèo mát mái, bởi lẽ, bên trong chính quyền quân nhân đó, vẫn còn tồn tại một số tay chân nhà Ngô, những tín đồ Kitô quá khích căm phẩn vì một thể chế gia đình trị sụp đổ kéo theo sự sụp đổ nhiều đặc quyền đặc lợi cho thiểu số đó, vì vậy, một số chùa quê bị dội bom nhầm, một số tín đồ bị trả thù, ngay cả quân nhân cán bộ PT cũng bị thuyên chuyển công tác, sa thải và gây khó khăn!
Sau khi hoàn chỉnh một giáo hội, các nhân tài được bổ cử đúng người, đúng việc, nếu là một tôn giáo khác, họ sẽ tận dụng ưu thế sẳn có để củng cố nội bộ, bành trướng thế lực, thu vén quyền lợi, thế nhưng, hàng lảnh đạo PGVN, với truyền thống gắn liền DÂN TỘC và ĐẠO PHÁP, nên bắt đầu những yêu sách đối với thể chế quân nhân còn nhiều bất toàn và bất lợi cho dân tộc; Chính quyền quân nhân bị đảo chánh liên tục từ trong nội bộ do phe nhóm thân Mỹ, thân Pháp dành quyền lực, tay chân đảng Cần Lao thừa cơ chui sâu, leo cao để phục hồi quyền lực, vì vậy chính sách bất nhất, đem lại bất lợi cho miền Nam, nhưng có lợi cho phe cánh. Trước sự bát nháo của chính trường, do vậy PG cứ phải đấu tranh đòi hỏi một chính thể hoàn chỉnh, một chính sách hoàn hảo cho đất nước mà không bị lệ thuộc quá nhiều từ bên ngoài, nói cách khác, PG không muốn đất nước bị chi phối bởi bất cứ thế lực nào, một hình thức nô dịch kiểu mới do bên ngoài áp đặt; trong khi đó, chính quyền kế tục muốn được PG hậu thuẩn, ít nữa im lặng làm ngơ để họ thao túng, họ sẳn sàng cung ứng mọi yêu cầu về quyền lợi cho PG, Mỹ cũng không bỏ lỡ cơ hội lấy lòng PG, tận dụng PG như một lực lượng cân bằng trong xã hội đương thời, một thực lực chính trị có thể chi phối miền Nam VN, Pháp cũng ve vãn đi đêm với một vài nhân sự lảnh đạo cao cấp GH, những cám dổ thường xuyên cho hàng tu sĩ lẫn GHPGVNTN, nhưng PG vẫn kiên cường đấu tranh và dấn thân cao điểm thời Thiệu – Kỳ độc diễn! Phía bên ngoài, những kẽ bàng quan không hiểu tại sao PG cứ phải triền miên đấu tranh gây xáo trộn xã hội, đấu tranh thời Nhu - Diệm là đúng và chính nghĩa, nhưng liên tục chín năm xuống dường, tự thiêu, gây tiếng vang, không được bên ngoài ủng hộ như thời kỳ trước, dưới cái nhìn của kẻ bàng quan – PGVN có xu hướng nhảy vào vòng chính trị, nhất là PG đã có một Trần Quang Thuận làm Bộ trưởng bộ xã hội, và một vài nhân sự được cá nhân vài vị lảnh đạo PG giới thiệu tham chính, về sau có liên danh PG Vũ Văn Mẫu tung hoành trong quốc hội, những gương mặt như Trần ngọc Liểng…, đều mang danh Phật tử coi như PG có mặt trong chế độ; như vậy việc chống đối chế độ đó trở thành tranh giành ảnh hưởng, chia ghế chứ không phải vì mục đích cải thiện chế độ. Nếu những nhân vật nầy với cá nhân là phật tử tham gia hoạt động thì vấn đề đã khác, nhưng là người do GH đưa ra hay các chức sắc PG đưa ra lại là vấn đề cần xét lại, bởi vì truyền thống PG từ xưa, các cao tăng chỉ là cố vấn (quốc sư ) cho triều đình, xong việc, các ngài trở về am tranh ẩn tu, không hề đưa người nhiếp chính để duy trì ảnh hưởng của mình; Trường hợp Vạn Hạnh đưa Lý Công Uẩn lên ngôi là sự cần thiết để thay đổi một thể chế thối nát, sa đọa, mất lòng dân mà kế bên mình luôn luôn bị Tàu dòm ngó, đe dọa, vì vậy trong quá khứ PG chưa hề tiếp tay cho bất cứ chế độ bất toàn nào; Thật đáng tiếc sự hy sinh quá đáng sinh mệnh Phật tử trong cuộc đấu tranh thời hậu Ngô, đi chệch hướng nên không còn là chính nghĩa.
Tuy cuộc đấu tranh của PGVN liên tục từ thời nhà Ngô đến chín năm sau, nhưng là hai giai đoạn mang hai ý nghĩa khác biệt: cuộc đấu tranh với Ngô triều là cuộc đấu tranh tự tồn, đòi hỏi bình đẳng tôn giáo nhưng cuộc đấu tranh sau 1963 mang ý nghĩa vì sự sống còn của dân tộc. Đầu não phong trào tranh đấu khởi từ Huế, lần này do HT Thích Trí Quang lảnh đạo, yêu sách của PG là đúng, tầm nhìn chiến lược đối với đất nước là đúng, nhưng PG thực hiện để đạt yêu sách đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng, đáng ra, với uy tín sẳn có, PG có thể đạt được nguyện vọng theo phương cách đề bạt, phân giải và ngoại giao hơn là cứ coi mình như kẻ có quyền đòi hỏi cho bằng được theo chiến thuật bọ hung, nhắm mắt lủi tới cho bức tường sụp đổ. Không phải mọi yêu sách đạt được đều bằng phương cách xuống đường, biểu tình, mỗi giai đoạn, một phương án, quần chúng thích hiếu động, sau chiến thắng nhà Ngô, thanh thiếu niên Phật tử còn đang hăng tiết, được quý thầy xách động, họ sẳn sàng hy sinh, bất cứ lý do nào; Trong lúc tình hình chiến sự leo thang, PGVN càng khuấy động, chính quyền Thiệu – Kỳ càng áp dụng quân lực, xét thấy không thể thành công, TT Trí Quang đổi chiến thuật mang Phật xuống đường, một hành động hết sức lạm dụng, vì nghĩ rằng chính quyền không dám đụng đến bàn thờ, sau khi Nguyễn Cao Kỳ thuyên chuyển hàng loạt binh sĩ Phật tử vào Nam, phân tán mỏng các đơn vị có khuynh hướng PG, tuyệt thực là hành động cuối cùng mà TT T Q phải chọn, vì hành động bị thất bại, chiếc quân cơ đưa ngài vào SG, giao cho bác sĩ Nguyễn Duy Tài chăm lo sức khỏe và cô lập linh hồn của cuộc đấu tranh PGVN thời bấy giờ. Sau 100 ngày tuyệt thực, bên ngoài thường xuyên trưng bày tình hình sức khỏe của ngài để kích động tín đồ và sự quan tâm của thế giới, nhưng vẫn không đạt kết quả, vì thế giới nhận định, đây không phải là một cuộc đàn áp tôn giáo như Nhu Diệm mà là trấn áp yêu sách của PG, chuyện nội bộ của chính quyền miền Nam VN, dĩ nhiên đài phát thanh miền Bắc và thông tấn quốc tế phản ảnh thường xuyên những cuộc đấu tranh nầy, tuy PG đấu tranh vì lý tưởng dân tộc, mang tính độc lập, nhưng làm sao tránh khỏi bàn tay lông lá của cá phe phái chính trị xách động bên trong, hội đồng Viện Hóa Đạo trình thỉnh giáo chỉ Viện Tăng Thống chấm dứt cuộc tuyệt thực của TT T TQ, tiếp theo là cuộc ngồi lỳ tuyệt thực trước dinh Tổng Thống của cấp lảnh đạo Viện Hoá Đạo. Để làm suy yếu thực lực PGVN, nhà cầm quyền miền Nam cho ra đời một giáo hội Phật giáo cổ truyền Lục Hòa Tăng tức Cổ Sơn Môn văn phòng đặt tại Tam Tông Miếu, một số hệ phái cũng rút lui vì không thích đấu tranh, một thỏa thuận ngầm nhưng biến thành sự thực, TT Thích Tâm Châu tách riêng giáo hội, số còn lại kéo về chùa Ấn Quang lập cứ điểm GHPGVNTN, theo chiến thuật liên kết tôn giáo, GHTN phái Ấn Quang giao hảo với LM Hoàng Quỳnh, hai bên có những bửa cơm thân mật, tín đồ qua lại nhau để tạo một lực lượng mới, nhưng quý thầy quá thật thà để tin rằng quý cha cũng một lòng một dạ với PG mà không nghĩ rằng quý thầy lót đường cho quý cha đi! PG đã đi quá xa với mục đích ban đầu, một phần do chính trường và chiến trường diễn biến hàng ngày, một phần cuộc đấu tranh kéo dài quá lâu nên nội bộ nẩy sinh nhiêu bất đồng, và quan trọng nhất, cuộc tranh đấu đã bị các thế lực chính trị lồng người vào tổ chức lái chệch hướng, biến mục đích ban đầu của PGVN thành mục tiêu hoạt đầu chính trị; dĩ nhiên không tránh khỏi những kẻ lợi dụng cuộc đấu tranh đó để thủ lợi. Sau những yêu sách chỉnh lý chính sách thất bại, GHPGVNTN đưa ra tinh thần hóa giải, đây là giai đoạn chỉnh đốn lại mục tiêu bị chệch hướng, mang tính trung lập hơn, trong thời điểm nầy chiến trường sôi bỏng, cao trào sinh viên học sinh biểu tình chống chiến tranh, trên thế giới cũng phản chiến, nhà cầm quyền cứng rắn mạnh tay hơn, Nguyễn Cao Kỳ đã ám sát hụt TT Thích Thiện Minh tại Tổng vụ Thanh Niên, đường Công Lý, đối diện chùa Vĩnh Nghiêm, TT bị thương ở mông và đùi, nhưng tinh thần tranh đấu của PGTN vẫn không suy giảm, một số khách quan bên ngoài bắt đầu lo ngại áp lực cuộc chiến ngày càng nhiêu binh sĩ thương vong, trong đó có thân nhân của họ, xã hội xáo trộn, kinh tế khó khăn, viện trợ của Mỹ chảy vào túi riêng của kẻ có thẩm quyền, vật giá leo thang, vì vậy dù PG có thiện ý với quê hương nhưng dưới cái nhìn của họ, PG vẫn là kẻ gây rối, tiếp tay cho địch và cuộc đấu tranh không còn chính nghĩa, mất dần sự ủng hộ của quần chúng.
Một sai lầm quan trọng của GHPGVNTN lúc bấy giờ là đưa ra sách lược hóa giải, tinh thần đúng, nhưng thực thể sai, phương án hành động không phù hợp tình thế, do đó tiếng nói của PG càng ngày càng kém hiệu quả. Chính trường miền Nam đang hổ trợ cho chiến trường nghiêng sức mạnh về phía miền Bắc, chế độ miền Nam ngày càng mất kiên nhẫn, tinh thần rối bời, nội bộ tham nhũng thối nát, quần chúng mất niềm tin, miền Bắc đang được mùa, thừa thắng xông lên, Mỹ thật sự thất vọng về chế độ đương quyền miền Nam, 1968 Mỹ thả lỏng chiến trường để thử nghiệm tinh thần chiến đấu của binh sĩ hai miền , đồng thời cảnh báo cho chế độ Thiệu Kỳ nguy cơ Mỹ sẽ rút lui nếu tham nhũng vẫn hoành hành, chính trường không ổn định, và áp lực các phong trào đấu tranh trong nước cũng như trên thế giới buộc Mỹ xét lại ngân sách chi viện cho cuộc chiến phi nghĩa tại VN, một cuộc chiến quá tốn kém về nhân mạng và tài lực mà không có điểm kết thúc, không có lối ra, vì vậy, để buông bỏ VN một cách nhục nhã, Mỹ đàm phán với Trung Quốc, xoay một thế cờ mới để giữ cân bằng trong chiến lược toàn cầu khi khối CS còn là đối trọng đáng gờm của Mỹ, một góc độ nào đó, Mỹ đã kéo Trung Quốc xa tầm ảnh hưởng liên kết với Liên Xô, dù toàn bộ VN hai miền trở thành nước CS cũng không đáng ngại. Thế cờ quốc tế và tình hình quốc nội đã an bài, cấp lảnh đạo PGVN vẫn nhắm mắt kêu gào hóa giải mà tự thân giáo hội không đủ uy tín và thực lực để tác động các phe lâm chiến, nói cách khác tiếng nói PGVN không có chất lượng, đấu tranh của PG trở thành con rối trên chính trường, lẽ dĩ nhiên cũng đem lại một lợi ích nào đó cho bên nầy hoặc bên kia nhưng không bao giờ đạt hiệu quả như mong muốn bởi lẽ thế thắng đang nghiêng về miền Bắc, họ không chấp nhận hóa giải như thái độ đầu hàng, đem dâng thành tích cho địch, miền Nam đang bảo vệ quyền lực, không thấy rõ thực lực của mình, vẫn ngông cuồng chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, xem PG là CS làm sao chấp nhận tinh thần hóa giải đó. Một lý thuyết mang sách lược chính trị không thể phát họa, ngồi đó kêu gọi các bên thực hiện trong khi mình không là lực lượng chủ chốt, không là bậc thầy có tầm ảnh hưởng nhất định đối với họ, hoặc ít nữa, hai bên bất phân thắng bại và đang bế tắt như Ixraen và Palestine hiện tại. Cái tinh thần vì đạo pháp, vì dân tộc luôn là đúng nhưng tùy tình hình mỗi lúc có một phương án khác nhau, một kế hoạch khác nhau thì sự đóng góp mới có hiệu quả, đấu tranh hoặc xuống đường không phải là phương cách thần diệu đem lại kết quả cho mọi lúc, mọi nơi, vì vậy PG có tâm huyết với đất nước suốt thời nội chiến trở nên vô nghĩa, chưa nói đến bị vu vạ, tai tiếng vô ích. Ngọn đuốc Thích Quảng Đức thiêu hủy một chế độ, đó là ngọn đuốc đầy chính nghĩa, nhưng những ngọn đuốc tiếp diễn từ năm 1966 về sau trở thảnh ánh sáng lập lòa đom đóm giữa lúc đất nước mịt mù khói lửa đao binh, chính những hy sinh bừa bãi đó mà PG trở thành cái cần phải quan tâm đối với chế độ CS vừa thu hồi độc lập. Rất tiếc, một thiện chí, một nhiệt tâm đối với đất nước trong thời chíến không đúng cách, trở thành công cốc chứ không phải là điểm son trong lịch sử của VN hiện đại, giá mà, quý ngài lảnh đạo PG biết tận dụng thời gian 11 năm quý báu từ 1966 đến 1975 để chỉnh đốn tăng phong đạo cách của tu sĩ, biết xây dựng và phát triển giáo hội, đào tạo tăng tài, phiên dịch tam tạng, hoằng pháp lợi sinh, hô hào xây dựng một nền văn hóa VN và PGVN cập nhật thời đại bảo vệ nền văn hóa cổ truyền đang bị trào lưu phi dân tộc thâm nhập, ai bảo rằng những việc làm đó thiếu tinh thần trách nhiệm với dân tộc? Biết đâu PGVN trở thành một giáo hội tầm cở đối với quốc tế, mà có những kỷ nguyên VN đã từng là trung tâm văn hóa chuyển giao và đối lưu một thời với Trung Hoa tại Trung tâm văn hóa Bành Thành và Lạc Dương !!!
Đó là một cơ hội vàng đã bỏ lở cho việc phục hồi tầm vóc PGVN bởi các nhà lảnh đạo PG thời bấy giờ chú hướng vào chương trình hành động sai lệch.
B. Chính Nghĩa trở thành Phi Nghĩa
Sau 1975, khi CS thống nhất lảnh thổ, việc trước tiên là ổn định xã hội, tùy mỗi thế chế, áp dụng một cách ổn định khác nhau, hoặc mềm mỏng, hoặc cứng rắng. CSVN đã rút nhiều kinh nghiệm trên thế giới cũng như tại quốc nội, những thành phần chống đối còn ẩn tàng, nên, bằng mọi giá, dù bất cứ tổ chức nào, tôn giáo nào, thành phần giai cấp nào, không thuộc quyền kiểm soát của CS, trong giao thời, đều phải tập trung và ngưng hoạt động, để thanh lọc, sau đó, xét thấy vô hại, họ cho phục hoạt như Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành chẳng hạn. Trong buổi giao thời đó, khi mà VN bị Khơme đỏ quấy nhiểu, sát hại Việt kiều, xâm phạm biên giới VN, đe dọa an ninh VN, các tỉnh phía Bắc bị Trung Quốc lấn chiếm, bên trong nước còn nhiều thành phần phản cách mạng rập rình, vùng cao nguyên Fulro hoạt động mạnh, buộc lòng nhà nước CSVN phải mạnh tay. Riêng PG, ban Tôn giáo và mặt trận Tổ quốc tiến hành thống nhất các giáo hội từ Nam chí Bắc, khởi đầu là HT Minh Nguyệt và Thiện Hào thành lập ban liên lạc PG yêu nước để làm bàn đạp tiến tới thống nhất PG hai miền, sau đó HT Trí Hải, HT Đức Nhuận từ Bắc vào, gặp gở các vị lảnh đạo PG miền Nam nêu vấn đề thống nhất, thực chất mà nói, các hệ phái không đáng quan trọng. Mục tiêu chính là GHPGVNTN, sau nhiều lần mời họp, VHĐ và VTT vẫn chưa nhất trí với việc thống nhất mà các ngài HT miền Bắc đưa ra, nói đúng hơn, lộ đồ thống nhất do ban Tôn giáo vạch ra không phải là sơ đồ tổ chức mà là mệnh lệnh thống nhất, phía GHPGVNTN xét thấy không thỏa mãn vì không được giải đáp và không có những thông tin khả dĩ chấp nhận được, do sự kèn cựa đó mà lần lượt các cấp lảnh đạo GHPGVNTN bị bắt giam, những vị chấp nhận tham gia giáo hội mới sẽ được tận dụng, HT T Trí Thủ Viện Trưởng VHĐ, HT T Minh Châu Tổng vụ trưởng Tổng vụ giáo dục và những HT Trí Tịnh, Thiện Siêu… đều ngã sang giáo hội mới, các ngài nghĩ rằng – đâu cũng phật sự, đâu cũng tu, làm gì có lợi cho đạo và đời là làm, không tham gia chính trị là được, thế là toàn bộ nhân sự giáo hội cũ rẽ lối, chỉ còn hai HT Huyền Quang, xử lý VTT và HT Thích Quảng Độ, quyền VT VHĐ tiếp tục đứng mũi chịu sào và bị quản chế hai mươi mấy năm qua. Tuy lưỡng viện không còn hoạt động tại VN, nhưng các cơ sở, am tự viện của GHPGVNTN ở hải ngoại tiếp tục duy trì sinh hoạt theo sự điều hành của văn phòng 2 VHĐ, thêm một phòng vụ mà trước đây chưa có, do HT T Quảng Độ chỉ đạo thành lập với sự yểm trợ của văn phòng 2 VHĐ – là Phòng Thông Tin PG Quốc Tế, trụ sở đặt tại Paris, do Võ văn Ái điều hành, đó là tiếng nói chính thức và duy nhất của PGVNTN. Trở lại vấn đề GHTN bị cô lập sau khi 1982 GHPGVN bắt đầu thành hình, đi vào hoạt động, nhà nước nghĩ rằng đã giải quyết xong vụ PG, bên Kitô cũng có Công giáo Dân Tộc, nhưng thực chất sinh hoạt điều hành đều bị chi phối bởi Vatican, nhà nước cũng dứt điểm các cơ sở nhà thờ có nhiều hoạt động tàng trử văn hóa và khí cụ bất hợp pháp như Vinh Sơn, Đắc Lộ, Đồng Công… Về mặt đại thể xem như ổn định, riêng GHPGVNTN im bặt hơn 20 năm, thỉnh thoảng bên ngoài gióng lên tiếng cầu cứu, bênh vực nhị vị còn lại, mãi đến khi, VN cải tổ cơ chế quản lý, chuyển bao cấp sang kinh tế thị trường sau khi Liên Xô sụp đổ, các nước CS còn lại tự cung tự cấp, không còn liên kết, dựa vào nhau, VN gia nhập Liên Hiệp Quốc, gia nhập Afta, gia nhập Asian, nhất là Hiệp định thương mại với Mỹ, tương lai la WTO và nhiều bang giao quốc tế khác mà những điều kiện bị ràng buộc, trong đó vấn đề Nhân Quyền luôn được đưa ra, không riêng VN mà các nước khác cũng bị đặt vấn đề, đây là việc bản thân Mỹ và các cường quốc không muốn, nhưng do áp lực thường xuyên của người tỵ nạn và Ủy Hội Nhân Quyền, nên họ đã dùng đó như một điều kiện o ép tạo thêm sức mạnh cho những hoạt lợi kinh tế khi bang giao, (bằng cớ Trung quốc đã vượt qua nhiều lần tố cáo nhân quyền khi cuộc bang giao kinh tế phần lợi nghiêng về tư bản) cũng dựa vào đó, phòng Thông Tin PG QT thông qua Liên Hiệp Quốc, thường xuyên yêu cầu các nước khi quan hệ với VN, vấn đề Nhân Quyền được nêu ra, và gần đây, sau khi thành lập Liên Hiệp Âu Châu, để đối chọi giá trị đồng tiền chung Âu Châu với đồng dolla qua sự phát triển kinh thế và thương mãi với các nước thứ ba, Liên Hiệp Âu Châu cũng năng nổ trong lãnh vực nhân quyền được xem là lợi thế để mặc cả và phát triển kinh tế, đầu tư, để bắt kịp và cân bằng kinh tế với Hoa Kỳ. Tất cả không ngoài quyền lợi kinh tế của mỗi nước, không nước nào muốn bị cản trở khi nhân quyền không liên hệ đến bang giao kinh tế, thương mãi, nhất là nhân quyền của nước A không ảnh hưởng gì đến nước B, nhưng nó đã trở thành vũ khí lợi hại cho kẻ mạnh lợi dụng, là điều kiện tối cần cho kẻ mất mát, vấn đề lý tửơng mang tính khách quan cho cộng đồng nhân loại, nhưng lại là cái khó nuốt cho những nước đang phát triển cần mạnh tay để ổn định xã hội và những thể chế độc tài bảo vệ quyền lợi thống trị của mình.
Riêng VN, một số người tỵ nạn thật lòng muốn đất nước được hưởng những thành quả tốt đẹp từ vấn đề nhân quyền và tự do, muốn bà con ruột thịt mình hưởng những điều tự do như các nước tiên tiến, nên kêu gào đòi hỏi một cách vô tư mà không cần xét đến điều kiện xã hội đương thời, một số khác vì ác cảm với chế độ, muốn gây khó khăn và mượn tay kẻ mạnh để triệt phá nhà nước, chúng ta đã từng kinh nghiệm những năm tháng của chế độ cũ, tự do nhân quyền quá trớn trong khi guồng máy điều hành đất nước kém hiệu năng sẽ đưa đất nước đến xáo trộn, đành rằng tự do là những tố chất tối cần cho mọi sinh vật chứ không riêng loài người, nhưng áp dụng không hợp thời sẽ bị lạm dụng, tất nhiên hậu quả mặt trái không thể không có, thuốc bổ cho cơ thể khi con bệnh vừa khỏi chứ không thể cơ thể đang còn trọng bệnh, mọi xã hội cũng thế, tùy tình hình xã hội mỗi nước mà giới lảnh đạo áp dụng nhân quyền, tự do ở một mức độ nhất định, ngoại trừ những chế độ phong kiến ngày xưa và một vài giới cầm quyền độc tài trên thế giới, nhưng dù muốn dù không, một quốc gia hòa nhập vào cộng đồng thế giới, toàn cầu hóa mọi sinh hoạt, ít nhiều, vấn đề tự do và nhân quyền phải được cải thiện dần dần, không nên đòi hỏi đứa trẻ cơ thể suy nhược phải chạy nhảy như người khỏe mạnh, vì mai kia nó cũng là người khỏe mạnh; tự do là vũ khi có lợi cho kẻ hiểu biết, nhưng có hại cho kẻ lạm dụng
Cộng đồng PGVN trong nước cũng như hải ngoại, vì vấn đề ruột thịt, vì tinh thần đồng đạo trước vấn đề nhị vị tôn túc bị quản chế quá lâu, đã gần 30 năm, họ không cần biết yếu tố nào đưa đến hiện trạng đó, họ mong các ngài được thong thả như mọi người dân trong nước, vì vậy phải vận động phía ngoài để tiếng nói có chất lượng hơn, chứ không có âm mưu cấu kết rước voi dầy mã tổ, phần lớn những người PG không có ý thức chính trị hoặc mưu đồ chính trị, những vận động đòi hỏi của họ chỉ là phản ứng tự nhiên của một bản năng đồng đạo, họ chỉ có bản chất duy nhất là tình thương của người con Phật đối với tất cả mọi sinh động vật, tình thương to lớn hơn khi đối tượng đó ở vào vị thế bất lợi, đó cũng là tình cảm đặc biệt của dân tộc ta đối với kẻ bị sa cơ, nhưng có vài vị nhiệt tình quá trớn trong cuộc vận động cho yêu sách trên đã quá lời của một Phật tử được phép, trở thành ngôn ngữ và thái cách của kẻ hoạt đầu chính trị bị thất sủng, chúng ta có thể hiểu và cảm thông.
Gần đây, nhà nước VN xét thấy tình hình xã hội đã ổn về chính trị, mọi sinh hoạt tôn giáo đã trong tầm kiểm soát, đời sống kinh tế người dân khá hơn, nhu cầu giải trí đủ đáp ứng cho mọi người sau những tháng ngày mệt mõi vì cuộc sống, an ninh tốt hơn so với các nước đã phát triển, việc đi lại, cư trú và nhiều nhu cầu được đáp ứng thoải mái hơn so với thời điểm 1980 về trước, việc bình thường hóa với các nước trên thế giới, và nhất là VN được nâng lên một tầng cấp đáng trân trọng trên nhiều lảnh vực của các quốc gia đang phát triển và có triển vọng của một quốc gia phát triển, VN đã đăng cai và đang tổ chức Seagames, nhà nước đã chứng tỏ khả năng lảnh đạo tốt để vực dậy một đất nước sau chiến tranh bị kiệt quệ và nợ nần về kinh tế, lúa gạo từ nhập khẩu đã trở thành xuất khẩu, phấn đấu và đạt hiệu quả trên nhiều lảnh vực, chứng tỏ đã đi đúng hướng phát triển và đã phát triển uy tín, tạo sự nể phục trên toàn cầu kể cả các nước cựu thù, một thay đổi lớn khi THỦ TƯỚNG Phan văn Khải tiếp kiến HT T Huyền Quang, XL TV VTT thuộc GHPGVNTN sau đó HT tự do từ Bắc xuôi Nam thăm viếng các am tự viện và cơ quan nhà nước, chứng kiến nhiều đổi thay mà suốt 22 năm bị quản thúc ngài không được thấy, nhất là sau khi đọc tập Thực Trạng PGVN Hiện Nay, ngài đã có cái nhìn khác hơn, có chiều hướng uyển chuyển linh động hơn, nên ngài đáp lời Thủ Tướng là sẽ Hỷ Xã hơn khi Thủ Tướng hứa Từ Bi hơn, suốt cuộc hành trình , nói chuyện với các Tăng, Ni sinh tại Hà nội và SG, tâm sự với các tu sĩ PG, ngài tế nhị không bao giờ đề cập đến chủ đề nhạy cảm: GHPGVNTN, ngài chỉ nói lên ước vọng một sự hòa hợp PG để phát triển và đóng góp cho đất nước, một tín hiệu tốt đẹp cho cả đôi bên, xét thấy rằng qua gần 30 năm kiên cường đấu tranh, đối kháng chả được gì, mọi việc bị trì trệ, nên cần thay đổi chiến thuật cho hợp với tình hình đất nước hiện nay; tiếp theo nhà nước xét thấy để tạo bầu không khí thoải mái chung cho toàn dân nhân ngày hội lớn của khu vực, giảm bớt áp lực của quốc tế về vấn đề tôn giáo, và thấy không cần thiết quản chế HT TQĐ nữa khi mà HT THQ đã có tầm nhìn thay đổi, nhà nước đã trả tự do cho HT T Quảng Độ quyền VT VHĐ, trên thế giới đều phấn khởi trước những tín hiệu tốt đẹp đó, tuy diễn tiến công khai , nhưng là vấn đề tế nhị mà đôi bên cần phải ngầm hiểu và tránh tạo khó chịu cho nhau, thế nhưng, phía bên ngoài, ông Võ Văn Ái trả lời cuộc phỏng vấn đài BBC một cách tự hào rằng những thành quả đó do áp lực từ các nước trên thế giới, một số trang nhà PG ở hải ngoại cũng lớn tiếng huênh hoang quá khích, do đó, vì thể diện của một quốc gia, bà Phan Thúy Thanh, phát ngôn viên VN trả lời với quý đài: VN vẫn không thay đổi lập trường với GHPGVNTN. Đáng ra, tất cả chúng ta nên im lặng và trân trọng cầu nguyện cho những diễn tiến tốt đẹp hơn, ngược lại tự hào quá mức thiếu tế nhị. Thêm một lần thử nghiệm, nhà nước thả mặc để quý ngài biết tự điều chỉnh đường lối hoạt động cho thích hợp với tình hình hiện nay mà Thủ Tướng Phan Văn Khải khích tướng HT T HQ :- các đoàn thể phụ nữ, thanh niên họ tự điều chỉnh tổ chức cho thích hợp, nội bộ quý thầy tự giải quyết cho ổn thỏa, vì vậy quý ngài đã tự do tổ chức đại hội tại Nguyên Thiều – Bình Định mà không cần xin phép.
Đây là cơ hội vàng thứ 2 cho GHPGVNTN điều chỉnh phương cách sinh hoạt, sau khi đi thăm viếng và trình bày quan điểm của HT THQ qua chuyến đi Bắc với HT TQĐ, ba lần đều bị HT QĐ khước từ thẳng thắn, HT XL Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo không thống nhất chiến thuật, HT HQ trở về Nguyên Thiều như dạng rút lui ẩn cư tu niệm và đóng góp cho PG địa phương, nhưng xét thấy để như vậy sẽ là bất lợi lớn cho uy tín của GHPGVNTN, HT TQĐ nhất mực ra Bình Định lưu trú để thuyết phục HT THQ tiếp tục theo sách lược hoạt động của ngài cuối cùng VHĐ đã chủ động bổ cử nhân sự, củng cố tổ chức, tiếp tục đeo đuổi lập trường kiên định đã bị bế tắt gần 30 năm qua; Riêng HT T QĐ, sau khi được trả tự do, đã đưa ra ba vấn đề:
1/ yêu cầu phục hồi pháp lý GHPGVNTN.
2/ Trả lại Việt Nam Quốc Tự và các cơ sở GH đã bị trưng thu.
3/ Điều tra cái chết của HT T Thiện Minh ở trong tù.
Đòi hỏi nầy tạo sự ngở ngàng cho Viện Tăng Thống, vì đây không phải là lúc để đặt vấn đề đó lên hàng đầu, chẳng khác nào tự mình đặt chướng ngại vật trên lối đi. Một nhà lảnh đạo giỏi là một nghệ sĩ tài ba giữ thăng bằng trên chiếc giây đu; Trong một tình thế quá ư nhạy cảm, nhà nước tự xem GHPGVNTN là một trong những hệ phái được tự do sinh hoạt trong luật pháp hiện nay, có những vấn đề cần giải quyết theo pháp lý, cũng có những cái mặc nhiên đôi bên ngầm hiểu và tự biết điều giải quyết không để khó xử cho nhau, không thể công khai thừa nhận, GHPGVNTN là một trong những vấn đề mặc nhiên ấy, bằng cớ HT T Huyền Quang đã thể hiện suốt thời gian sau khi trị bệnh tại Hà Nội và nhà nước im lặng cho những sinh hoạt đó tiếp diễn.
Tiếc thay, đáng ra thời cơ mở ngỏ, các ngài nên tận dụng để được việc mình, một khi Phật sự xuôi chèo mát mái, mình thể hiện được khả năng và tầm vóc đủ uy tín với quốc nội và quốc tế, những yêu sách đó tự nó được êm đẹp, khác nào một người xin việc làm, chưa chứng tỏ khả năng đảm trách, đã đặt điều kiện bổng lộc! Đây không phải là sự kém nhạy cảm trong lảnh đạo, nhưng điều hành một tổ chức bằng tự ái, mặc cảm cá nhân chỉ đưa tổ chức vào bế tắt , lối xóm sau thời gian bất hòa, ai cũng muốn im lặng cho sự xích mích qua êm, đòi hỏi mỗi bên biết tương nhượng một ít, một bên biết lỗi, bên kia làm tới, đương nhiên không ai thua ai, sự việc càng bế tắt. Ông Võ Văn Ái trả lời cuộc phỏng vấn đài BBC rằng, khi HT T HQ gặp TT Phan Văn Khải, ông ta ngỡ nhà nước VN đã thay đổi lối hành xử với GHPGVNTN, nhưng khi quý ngài lại bị bắt sau đại hội tại Bình Định, ông ta biết mình đã hiểu lầm (như vậy đâu phải thả tự do cho các ngài vì áp lực quốc tế như Võ Văn Ái chủ quan) Ông Võ văn Ái lầm không phải vì chính sách nhà nước mà đã lầm vì tính kiên cường của HT VT VHĐ, và tính chủ quan của mình, tự mình , đưa nhân sự của mình đến chổ bị quản thúc và đưa sự việc đến nơi bế tắt; Ta phải hiểu rằng, nhà nước VN hòa hoản tương nhượng không vì bất cứ áp lực nào mà vì tình hình trong nước tương thích với cộng đồng thế giới, nhà nước biết lỗi đối với PG trong thời kỳ quá độ, biết sai lầm khi áp đặt GHPGVNTN ngoài vòng pháp luật, quá khứ đã qua, nhà nước bỏ ngỏ cho quý thầy tự phục họat miễn là đừng làm tổn thương và đưa nhà nước vào thế khó xử, thế nhưng, vấn đề mong mỏi đó đã không được đáp ứng, nhà nước vẫn không nhát tay đối với sự bất trị nào. HT T QĐ đã chủ quan và đánh giá sai lầm thái độ của nhà cầm quyền VN. HT có chung cảm nghĩ với ông Ái – GH được quốc tế hậu thuẩn, bây giờ VN không dám mạnh tay, chủ quan của một vị lảnh đạo thường đưa tổ chức vào đường thất bại. Chúng ta cảm thông cho HT TQĐ, một bậc chân tu, có đạo đức, có kiến thức, nhiệt tâm với GH và đất nước, nhưng mặc cảm quá khứ đã ăn sâu vào huyết quản của người, cộng thêm tính cố chấp, nóng nảy, kiên cường và bộc trực, thích nghe những lời dua nịnh vừa lòng, nghi ngờ, phủ bác những ý kiến trái nghịch dù là có lợi, gần 30 năm không được giao tiếp với sinh hoạt xã hội bên ngoài, không ai tạo điều kiện cho người nắm bắt kịp thời những đổi thay tiến bộ của đất nước, hình ảnh một VN ngày nay vẫn là hình ảnh một VN năm 1945, chính sách nhà nước ngày nay đối với ngài vẫn là chính sách của Maxit đối với tôn giáo vào thời khởi nguyên CS, ngài thật sự sống trong nổi ám ảnh khủng khiếp của thời đấu tố, ngài không ngần ngại ký tên tham gia Liên Tôn chống cộng như đã thấy những năm trước, ngài dễ sai lầm trước âm mưu thủ đoạn chính trị, tóm lại, phong cách của nhà văn hoá, giáo dục không phải là phong cách của nhà làm chính trị và lảnh đạo một tổ chức dù là tôn giáo, trước tình hình vô cùng nhạy cảm! Ngài là một đạo sư đáng kính hơn là một lảnh đạo đáng nể. Có lẽ nhà nước chả lợi gì khi bắt giam các ngài, và không vui gì phải loại các ngài ra khỏi sinh hoạt xã hội khi mà tư cách đạo đức các ngài vượt trội hơn những cán bộ biến chất, ưu điểm các ngài nhiều hơn những khuyết điểm khó chịu, nhưng biết sao hơn !
Cuộc đấu tranh đòi thả tự do cho nhị vị HT bị quản thúc từ 1982 đến 2003 là yêu cầu đúng, nhưng kể từ khi nhà nước VN phóng thích HT TQĐ, để 2 ngài tự do đi lại trao đổi cũng là lúc GHPGVNTN đứng trước nhiều thử thách to lớn. Khách quan mà nhìn, khi nhà nước phóng thích các ngài là lúc đẩy GHPGVNTN vào con đường khó khăn nhất:
1/ Giữa VHĐ và VTT không nhất trí quan điểm hành sự
2/ Mầm mống chia rẽ trong nội bộ khi bổ cử nhân sự bên trong cũng như bên ngoài nước.
3/ VHĐ không biết phải bắt đầu từ đâu để không đi ngược với truyền thống PG và ơn nghĩa của các nước từng bênh vực giúp đở.
4/ Nhân sự khó tìm cho thích hợp với chức vụ và khả năng một khi họ còn e ngại tính hợp pháp của GH.
5/ Tu sĩ trẻ sau 1975 không hiểu gì về tổ chức GH trước 1975, những tu sĩ của thời kỳ trước phần lớn lão lai tài tận.
6/ Các tu sĩ ở nước ngoài không muốn về VN làm việc.
7/ Không dễ tìm đủ nhân sự lấp đầy các chức vụ trong hệ thống tổ chức để hoạt động hữu hiệu và có tầm vóc xứng với uy tín một thời, chưa nói tới những ràng buộc pháp chế đối với nhà nước VN mà bản thân HT VT VHĐ không muốn.
Còn rất nhiều những trở ngại, trong đó giữ được uy tín như xưa là vấn đề không dễ. Nhà nước VN không còn chịu trách nhiệm lịch sử khi đã trả quyền công dân cho các ngài, nghĩa là nhà nước đã trao trách nhiệm lịch sử PG đối với dân tộc cho quý ngài hành xử, đó là trách nhiệm khá nặng trước tình thế tiến bộ vũ bảo của nhân loại mà tuổi tác ngoài bảy mươi phải gánh vác. HT THQ muốn dung hòa với GH đương nhiệm để xây dựng quê hương và đạo pháp, không đặt nặng danh xưng GHPGVNTN làm cản trở đại sự, nhưng HT TQĐ không thể phủ nhận danh xưng đó khi tính pháp nhân vẫn còn, một bên muốn du di linh động, một bên muốn bảo vệ nguyên tắc pháp lý, cuối cùng VTT phải chìu theo VHĐ cùng đi vào con đường bế tắt hiện nay, sức khỏe của HT TQĐ vốn đã suy kiệt, cơn ho hành hạ ngài, những căn bệnh nan y đang ăn mòn sức khỏe ngài, trách nhiệm PG đối với cương vị VT VHĐ không nhỏ, áp lực Phật sự, uy tín, chế độ và bất đồng từ nội bộ càng làm cho ngài suy kiệt sức khỏe lẫn tinh thần, nhất là tinh thần chủ quan ỷ lại đưa ngài đến hành động sai lệch hiện nay là cú shockquá lớn đối với trách nhiệm lịch sử. HT VT VTT đứng mũi nhưng không chịu sào, đã phải ký nhận sai phạm tổ chức đại hội không xin phép, HT VT VHĐ cầm lái ký nhận tàng trử tài iệu quốc cấm. Đó Là những bằng chứng sai phạm đưa đến quản chế mà trách nhiệm không thuộc về nhà nước như những năm trước.
C. Lối thoát vẫn còn.
Bất cứ nhà cầm quyền nào, theo ý thức hệ nào, đường lối nào, xuất thân từ dân tộc đó, ít nhiều vẫn có tình cảm dân tộc đó. VN ta có truyền thống tình cảm nhân hậu, những triều đại thương dân như con đỏ vào thời Trần, cũng có vị vua độc ác như Lê Long Đỉnh, ít nhiều đều có tình cảm dân tộc, trong quá khứ đã thế, thời hiện tại nền văn minh nhân loại đã phát triển tình thương đến với muông thú như những hội Bảo vệ động vật,bệnh viện và kỷ nghệ sản xuất thực phẩm thú nuôi…, trên các nước mà tình người ít hơn tính thực dụng vật chất đã như vậy thì VN ta có sẳn tính nhân hậu, chắc chắn tình cảm dân tộc càng lớn mạnh hơn có nghĩa càng văn minh, con người càng phát triển tính nhân đạo, gần gủi với lòng từ của nhà Phật; Nếu một chính thể không có tình cảm nhân đạo làm sao có phóng thích, ân xá, khen thưởng làm sao có tinh thần giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm! Tuy nhiên, trừng phạt là ngón đòn chỉnh lý cho thích hợp với nề nếp của luật pháp đó, chúng ta không nói đến những lạm dụng luật pháp vì lý do riêng tư, mọi sai phạm đều có cơ hội hoàn thiện, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại, câu nói tuy vô nghĩa xét về mặt lý, nhưng vẫn nói lên sự độ lượng về mặt tình, không một tổ chức, một thể chế, một cá nhân nào không có sai phạm, nhất là ở vào thời điểm tiến thối lưỡng nan, một ăn một thua với thời vận, hoặc ở ngã ba đường; GHPG có tập thể, lúc quyết định thường bàn bạc với cố vấn, hội đồng chứng minh hoặc đồng sự trong chương trình hành động lớn, như vậy vấn đề ít chủ quan và ít sai phạm hơn; riêng trường hơp HT VT VHĐ, suốt những năm tháng dài bị quản chế, chung quanh không có đồng sự, không có ban cố vấn cập nhật kiến thức tình hình xã hội và kiến thức lảnh đạo, không nắm bắt thực trạng vấn đề và trình độ kiến thức nhân sự, không hiểu rõ ý muốn của nhà nước một cách khách quan, cho dù có đạo đức, có học vị, có nhiệt tâm, khi quyết định hành động Phật sự GH, chắc chắn không tránh khỏi sai lầm, nhất là một quyết định tối quan trọng trong việc phục hưng một GHPGVNTN hay phải hòa nhập cộng dồng PG duy nhất trong xã hội hiện nay, quyết định một mất một còn như vậy không thể là trò chơi thử lửa, vì vậy, hành động chủ quan và thiếu bàn bạc hoặc không chấp nhận ý kiến khác, chắc chắn phải thất bại, nhưng dẫu sao, đây cũng chỉ là nội bộ dân tộc, chúng ta có thể làm lại từ đầu nếu tự mình xác nhận một cách vô tư những sai lầm đó. Kiên định lập trường là tốt nhưng không tốt cho mọi lúc, mọi nơi; các nhà lảnh đạo giải phóng dân tộc trong quá khứ cũng như hiện tại đã phải vận dụng tính xảo thuật linh động để đi đến thắng lợi; ông cha ta, các Quốc Sư phải đối diện trước áp lực nặng nề từ phương Bắc, không khôn ngoan uyển chuyển làm sao tạo được sự kính nể của kẻ thù trong công cuộc dựng nước giữ nước? Khí khái để bảo vệ uy tín cá nhân thì dễ, và hủy diệt tổ chức cũng dễ, nhưng bảo vệ và phát triển tổ chức không thể có một chiến thuật cố định và quá khí khái. Người Phật tử và cộng đồng PGVN trong nước cũng như hải ngoại quan tâm theo dõi sát bước đi của VHĐ điều hành lèo lái con thuyền PG vượt qua bảo tố, nhưng cuối cùng thất vọng và buồn bã khi bước đi đầu tiên của người nghệ sĩ đã sa chân. Là người dân và là Phật tử, chúng tôi mong nhà nước dơ cao đánh sẻ trước sự sai lầm của bậc tôn đức sức yếu tuổi già còn gánh vác trọng trách như vậy, thực lòng, hơn ai hết, chúng tôi, cộng đồng PG hiểu rõ tâm huyết và lòng tốt của quý ngài đối với dân tộc, không hề và chưa bao giờ phản lại quyền lợi dân tộc, đó là điểm son gặp gở chung với những ai có tâm phục vụ đất nước, đồng thời đó là cốt lỏi của vấn đề cảm thông. Xem các ngài là bậc cha anh đáng kính, nhà nước nên chăm sóc sức khỏe tận tình cho quý ngài trong thời gian bị quản thúc, thường cử cán bộ trung ương đến thăm viếng, tâm sự, tìm hiểu và cảm thông nhau vì mục đích chung là dân tộc, chắc chắc chúng ta sẽ tìm ra được lối thoát để lực lượng thù địch bên ngoài không lợi dụng kẽ hở đó phá rối; một khi đả thông tư tưởng nhau, mọi tốt đẹp tự nó sẽ đến, đó cũng là nguồn an ủi cho cộng động PG chúng tôi và dân tộc ta nói chung; nhà nước cần kiên nhẫn thêm, mở ngỏ và gợi ý để các ngài so sánh lợi hại trong những đường lối phải chọn, dẫu sao vẫn chưa muộn; Đừng có ý nghĩ rằng các ngài mất đi là rảnh của nợ, nhưng tình cảm đau buồn của PG chúng tôi trước sự kiện đó thì sao? Trong giới tu sĩ và Phật tử chúng ta, không nên tạo thêm ảo tưởng vinh quang cho các ngài lệch hướng, không nên có động thái và ngôn từ xúc phạm giới lảnh đạo đất nước tạo thành kiến cho họ đối với PG, mọi cách phải tạo điều kiện để các ngài thấy rõ thực trạng khách quan, không cực đoan, không đánh mất những cơ hội tốt cho PGVN như những trường hợp đã qua. Chúng con mong rằng, vì tương lai PG, vì sứ mệnh chưa xong, các ngài nên bình tâm, dẹp mọi uất ức phiền muộn, kiểm lại quá trình hành động để rút tỉa ưu khuyết, làm lại từ đầu cho một chương trình đã thất bại, dẫu sao vẫn chưa muộn khi chúng ta còn có ý thức trách nhiệm và hiểu được sai lầm của chính mình. Các ngài thật sự cô độc và cô đơn vì không có kẻ song hành đồng tâm tương thích để chia xẻ gánh vác với quý ngài, các nhân sự chỉ là người thừa hành chứ không là kẻ tâm giao, vì vậy các ngài cần phải sống và khỏe để vực dậy một PGVN trầm mịch trong hiện tại.
D. Kết
Gần nửa thế kỷ, đất nước trải qua nhiều biến cố, thất bại và thành công cũng nhiều, dân tộc ta hảnh diện vươn tới thời đại hoàng kim, chúng ta có quyền tin, vì hiện nay chúng ta có những cái mà trên thế giới mong ước như an ninh, xuất khẩu gạo lúa, lực lượng trí thức lao động năng động, nắm bắt kịp thời thông tin và chuyển giao công nghệ, mỗi ngày chứng tỏ mỗi ưu tú đặc thù trong cộng đồng nhân loại, hòa nhập và nâng cao mức sống trong cộng đồng các quốc gia, uy tín mỗi ngày một vượt trội. Còn PG thì sao??? Một cuộc đấu tranh sau 1964 dang dở, một GHPGVNTN dang dở sau 1975, một tăng phong đạo cách của tu sĩ trẻ dang dở hiện tại, một tái hòa hợp PGVN hiện thời dang dở, một Việt Nam Quốc Tự kiến trúc dang dở, trách nhiệm ấy thuộc về ai nếu không do sách lược hành động sai lầm của cấp lảnh đạo PG! Muốn đuổi bắt kịp với các quốc gia phát triển hiện nay, nhà nước trợ lực phụ giúp nhân dân vực dậy khắc phục những khuyết điểm, giúp PG đoàn kết, vượt qua mọi trở ngại, cho dù các bậc tôn túc PG có những cố tật khó chịu, nhà nước nên độ lượng khoan dung, tạo điều kiện khắc phục, vì tất cả chúng ta đều con cháu quốc tổ vua Hùng, đều có tâm huyết xây dựng và phát triển bảo vệ đất nước, hãy tha thứ và nâng đở nhau, kẻ cựu thù xâm lăng chúng ta còn xóa bỏ ác cảm, bắt tay giao hảo thì đồng bào ruột thịt không phải kẻ thù, chúng ta không nên nguyền rủa, loại trừ. So với sự bất ổn triền miên trên thế giới, chúng ta cần trân quý nền an ninh hiện có trên quê hương chúng ta, hãy dẹp mọi thành kiến, đến với nhau, hợp tác nhau, để xây dựng lại một PGVN mà suốt nhiều thế kỷ bị tê liệt, bỏ lở những cơ hội vàng nằm trong tầm tay do chính chúng ta đánh mất.
Ngưỡng mong.
MINH MẪN
08/11/2003
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét