Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009
CHUNG MỘT NIỀM ĐAU
Đất nước ta trải qua nhiều thời kỳ thống thuộc, nhưng với tính bất khuất và lòng yêu nước, ông cha ta giành lại độc lập, thống nhất tổ quốc một cách kiên cường; Trong giai đoạn một mất một còn với ngoại xâm, quá nhiều người ngã xuống, hoặc âm thầm, vô danh, hoặc hiển hách ,lẫy lừng, hẳn nhiên trong giai đoạn đó, không ai nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Với lòng yêu nước thương nòi của những anh hùng đó, phủ trùm khắp quê hương, không ngoài mục đích để đất nước được độc lập. tự do, người dân được ấm no, hạnh phúc.
Ước vọng của bao thế hệ nằm xuống, ngày nay quốc gia dần dần hình thành một dân tộc vang danh trên thế giới,nhưng cũng nổi danh những tệ nạn mà một số cán bộ, chưa có công gì quá khứ, chưa được trui rèn trong khổ đau, sớm thừa hưởng quyền cao chức trọng, quên công trạng cha anh để ngày nay có điều kiện hưởng thụ, không những vì lợi dưỡng cá nhân, vì gia đình quyến thuộc, còn vì tập đoàn, cấu kết làm khổ nhân dân, làm khốn đốn đất nước, làm đau đầu chính phủ; Đến nay, Trung Ương vẫn còn lúng túng chưa biết xử lý thế nào nạn dịch sách nhiễu nhân dân của các cấp cán bộ tham ô đó.
Hơn nửa tháng nay, người dân các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, miền Trung, và Đông Nam Bộ như Bình Dương – Bình Thậun – An Giang - Bến Tre – Long An… tụ tập biểu tình tại TP Hồ Chí Minh, qua một số đường, rồi đến Võ Thị Sáu, nhà tiếp dân của chính phủ, tay ôm hình Hồ chủ tịch, tay cầm biểu ngữ và chân dung người bị giết bởi chính quyền địa phương trong vụ tranh chấp ruộng đất.
Trong thời Pháp thuộc, đất đai của người dân bị trưng thu chiếm đoạt, một số các quan chức bồi Tây sở hữu, một số nhà chung, giáo xứ thu gom làm tài sản Giáo Hội, nhân dân ta thán, lòng căm phẩn ngút trời; trước tình cảnh đó, bao người nghĩa hiệp nổi lên cướp kẻ giàu chia cho người nghèo, nhiều anh hùng cách mạng từ nhân dân và tôn giáo, tạo thành phong trào chống Pháp cho dù nhiều tấm gương Nguyễn Thái Học hiên ngang trên máy chém. Dân tộc kiên cường nhuộm máu non sông chỉ vì mục đích đem lại công bình, no ấm và hạnh phúc cho dân tộc, hơn 2/3 thế kỷ mới đuổi được ngoại xâm. Rút kinh nghiệm hành động thất nhân tâm đó, chế độ Thiệu-Kỳ đã ban hành luậtNgười cày có ruộng, lấy lại một số đất của tư sản , hoặc mua lại của điền chủ để phân phát cho nông dân canh tác; nhưng cuộc chiến dai dẳng, ruộng vườn chưa tận dụng đúng mức, một số nơi vẫn còn hoang phế. Sau khi hòa bình vãng hồi, người dân hồ hởi trở lại mãnh đất của cha ông để tạo dựng lại cuộc sống mà chiến tranh đã tàn phá, nhà nước vừa cố gắng tạo kinh tế quốc dân, vừa nâng uy tín ngọai giao trên trường quốc tế, kích thích đầu tư ,hợp tác để nâng đất nước lên nền công nghiệp hiện đại, lôi cuốn các nhà khoa học về phục vụ cho quốc gia và gia cố nền văn hoá tổ tiên, hòa giải thù trong, ngăn chận giặc ngoài… nổ lực tạo một nền an ninh trong nước cho người dân an cư lạc nghiệp. Tuy 30 năm qua, mức độ tiến bộ thay đổi chậm, nhiều vấn đề cần cởi trói và canh tân, hẳn nhiên tiêu cực phát sanh phải có, nhưng phát sanh loại tiêu cực theo kiểu thực dân đối với dân tộc bị nô lệ, không thể chấp nhận.
Những năm gần đây, khi mà đất đai biến thành cơn sốt, anh em ruột thịt, bà con quyến thuộc biến thành kẻ thù của nhau, máu dổ thịt rơi, trở thành thảm trạng đau lòng vì tranh chấp quyền lợi. Nhưng chính sách gần đây đã giảm sốt đất đai, đóng băng nhiều vụ đầu tư địa ốc, giá cả chựng lại, nên sự cố nhà đất tạm lắng. Lợi dụng tình hình nầy, một số cán bộ địa phương, hầu như tỉnh thành nào cũng có trường hợp cậy thế chức quyền, lập dự án treo, quy hoạch khu dân cư, nếu thấy vị trí đất đó có lợi thế về kinh tế, buộc dân di dời, đền bù tượng trưng chỉ dủ tiền ăn sáng suốt thời gian nạn nhân thưa kiện, không những người dân, ngay cả nhiều cán bộ, bộ đội cũng bị tước đoạt dưới nhiều hình thức, để rồi, từ người có nhà, biến thành kẻ mướn nhà, trắng tay, cụt vốn, phải ra vỉa hè hoặc ăn nhờ ở đậu người thân, thậm chí có người phải tự vẫn.
Ông Nguyễn Phú Khai ở Đồng Tháp, trước đây là cán bộ Thông Tin Văn Hóa, có tuổi đảng, đã ra khỏi ngành, khu đất vườn cây hơn ngàn mét vuông, bị quy hoạch, giá bồi thường 40.000 đồng VN một mét, trong khi thực tế phải là bạc triệu, chưa có lệnh cưỡng chế, địa phương cho người đến cưa phá hàng trăm gốc cây ăn trái, cho xáng thổi đất sang lấp mặt bằng, bất chấp ý kiến của người dân, bao năm kiện thưa vẫn chưa ngã ngũ; vô số người dân thấp cổ bé miệng, không biết luật pháp, không có điều kiện thưa gửi, đành chịu trắng tay; Thường thì những người dân vất vả một đời. gom góp ít vốn, mua đất cất nhà, đến khi có lệnh giải tỏa, lãnh một số tiền chưa đủ mua vài mét đất; Tình trạng như thế, người dân bị bần cùng hóa thì những cán bộ đó ngày một giàu to. Ngày xưa chưa thống nhất đất nước, nhân dân miền Bắc có câu: Nhân dân làm việc gấp hai, để cho cán bộ có tiền xài chơi; nhân dân làm việc gấp ba, để cho cán bộ có nhà lầu ô tô… Trong thời chinh chiến, miền Bắc kỷ luật nghiêm minh còn có những loại cán bộ như vậy thì kinh tế cởi mở như ngày nay, làm sao tránh khỏi những thành phần phá hoại đất nước, làm nghèo nhân dân.
Đành rằng không quốc gia nào tránh khỏi cán bộ tiêu cực, nhưng ở mức độ vừa phải. Loại tiêu cực tạo nghèo đói đất nước, đem lại phẩn uất cho người dân đối với chế dộ, đồng nghĩa với sự phá hoại dân tộc, là kẻ phản quốc tiếp tay cho ngoại thù.
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa nhậm chức, đã ra tay xử đẹp vài vụ bê tha của cán bộ, tuy vừa lòng nhân dân, nhưng chưa đủ mạnh và liệu có đủ dẻo dai triệt hạ tiếp những tồn đọng bê tha trong cơ cấu nhà nước về lâu về dài? Người dân quá ngao ngán và mất niềm tin đối với cán bộ, bởi vì cán bộ nghiêm minh trong sạch quá ít, không đủ cho người dân nhìn thấy, vì thế, đây là dịp để những thành phần chống đối bên ngoài lợi dụng bêu rếu chế độ, vì họ đồng hóa nạn cường hào ác bá của những cán bộ như vậy với chính quyền là một. Nhà nước phải xem những hành vi nhũng lạm, ức hiếp nhân dân là một tội phạm ngang tầm bán nước, cần xử lý triệt để, không thể sa thải, chuyển ngành, vì nhà giam thời bình dành cho cán bộ cần nhiều hơn thời chiến dành cho tù binh.
Tham nhũng hối lộ, lạm dụng chức quyền thâm lạm công quỹ, cướp đoạt của dân dưới nhiều hình thức, một khi lòng căm phẩn biến thành hành động đã là lúc đáng báo động cho sự tồn vong của một chế độ.
Sự nhức nhối của nhà nước trước sự tha hóa của cán bộ, cũng là niềm đau chung của một dân tộc trước bạn bè năm châu; vì thế cần phải mạnh tay với bất cứ kẻ sai phạm nào mang danh cán bộ, thấp nhất phường xã, cao nhất là trung ương, không có biệt đãi ngoại lệ cho bất cứ ai, người dân vẫn mong mỏi một sự công minh tồn tại trên đất nước mình, có thế, dân mới giàu, nước mới mạnh!
MINH MẪN
23/9/06
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét