Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

BÓNG MÂY


Tôi đến thăm giáo sư Hưng, trong buổi đàm đạo, gs không ngớt ca ngợi dĩa VCD Bóng Mây của chùa Hoằng Pháp sản xuất, bài giảng nhân mùa Vu Lan, khoá tu mùa Hè cho các em Thanh thiếu niên, do giảng sư trẻ Thích Thiện Thuận, Bà rịa Vũng Tàu thuyết.
Các tỉnh miền Trung và phía Bắc tôi không biết đã có dĩa giảng nầy chưa, nhưng các tỉnh miền Tây và TP HCM hầu như đi đến đâu, tôi đều nghe họ ca ngợi. Nhóm Thiện Nguyện khiếm thị TP đặt cơ sở tại Hốc Môn, vợ chồng Tài-Trâm đã sang giúp hàng ngàn dĩa Bóng Mây nầy cho các nơi yêu cầu, kể cả gửi đi nước ngoài, nghĩa là ngoài nhóm Thiện Nguyện nầy, còn rất nhiều nơi họ tự động sang , copy để chuyền cho nhau nghe.

Rất nhiều năm sau ngày hoà bình về với quê hương, và có lẽ trước 1975 nữa, chưa hề có những khoá tu mùa Hè cho các em Thanh thiếu niên; Nhưng 4 năm trước, chùa Phật Quang núi Dinh đã có sáng kiến tổ chức, chương trình tại đây còn có dạy kỷ năng, sinh ngữ, toán và giải trí…năm đầu chỉ có 60 em, năm thứ hai một trăm hai chục em, năm thứ ba được 220 cháu và năm nay gần ba trăm cháu tham dự, có cả các trẻ từ nước ngoài về và các em sắc tộc miền cao; Tu viện Bát Nhã năm nay cũng có khoá tu đầu tiên cho lớp trẻ trên 700 cháu, cũng có cả người sắc tộc, nhưng Bát Nhã chuyên tu, không có chương trình đào tạo như Phật Quang; phương hướng giáo dục của Bát Nhã là Thiền hành, pháp đàm,sinh hoạt chia nhóm với danh nghĩa là gia đình, giúp nhau trình bày và mổ xẻ những vướng mắc trong cuộc sống để các em thẩm thấu một đời sống thanh thản an lạc trong hiện tại, dĩ nhiên nuôi dưỡng tín tâm kiên cố; tại TP Hồ Chí Minh, chùa Hoằng Pháp lần đầu tiên có lớp dành riêng trẻ em, bé nhất là 7 tuổi, lớn nhất là 17 tuổi, lượng số 1675 em. Cũng như Bát Nhã, Hoằng Pháp không có các bộ môn ngoài đời, chỉ chuyên tu và nghe các thầy luân phiên giảng dạy. Ngoài pháp môn niệm Phật còn trang bị đức hiếu, lòng từ, niềm tin và xả kỷ mà Tín-Hạnh-Nguyện của người tu Tịnh Độ cần phải có; nếu chỉ lo niệm Phật mà bỏ Hạnh-Nguyện, sẽ biến hành giả thành kẻ van xin cầu khẩn nơi tha lực, đánh mất tính tự chủ của Đạo Phật, và PG như thế sẽ thành ngoại đạo Thần giáo! Ba cơ sở trên đây có ba cách tổ chức giáo dục khác nhau, nhưng điểm chung là hướng tuổi trẻ vào con đường đạo đức! Đây là việc làm hữu ích và sáng tạo.

Khi mà xã hội ổn định về an ninh chính trị nhưng thoái hóa về đạo đức cá nhân, cũng đem đến loạn lạc không kém chinh chiến; Đạo đức xã hội VN hiện nay báo động đỏ, từ nhân cách cán bộ, đời sống dân thường đến trẻ em trụy lạc phạm pháp, từ tu sĩ đến giới chức sư phạm..Cán bộ thiếu đạo đức, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân, thâm lạm công quỷ hàng tỷ tỷ đồng, cướp của nhân dân nên đưa đến phản kháng của quần chúng; Cộng đồng dân cư vì quyền lợi riêng tư, ruột thịt xâu xé nhau, lừa đảo, cướp bóc của nhau…Trẻ em thiếu giáo dục đã sớm sa vào trụy lạc, trộm cắp, giết người, giới chức thiếu đạo đức đã bán rẽ lương tri, gạ gái trinh tiết…Tu sĩ không được giáo dục từ trường lớp và thầy tổ, tông môn ( người nầy không gọi là tu sĩ mặc dù hình thức tu sĩ ) không thật sự tu tập nên phạm trai phá giời; Các công trường xây dựng liên tục xẩy ra tai nạn lao động chết người do vô trách nhiệm và rút ruột công trình; VN hiện nay mọi ngành nghề đều luôn được báo động về chất lượng, vệ sinh thực phẩm, môi trường…do thiếu đạo đức nghề nghiệp; ngay cả ngành y được mệnh danh lương y như từ mẫu, thế mà báo chí vẫn phản ảnh những tắc trách của Bác sĩ, y tá, đã làm thương tổn, mất mát bao sinh mạng bà mẹ và trẻ thơ! Ngành công an thỉnh thoảng vẫn xẩy ra những cán bộ đánh chết người, hà hiếp dân do thiếu đạo đức nghiệp vụ, lạm quyền và mang tính hiếu sát! nghĩa là mọi người đánh mất niềm tin lẫn nhau, nguyên nhân chính vẫn là giáo dục và định hướng giáo dục tổng thể, kể cả đơn vị gia đình! Khi mà cán bộ hoạch định giáo dục không chú trọng cái gốc, dĩ nhiên phần ngọn sẽ bị sâu thối.

Suốt thời kỳ chinh chiến, 25 năm xây dựng XHCN miền Bắc, tập chú cho chiến tranh, xem nhẹ vấn đề giáo dục, và ngay cả 30 năm thống nhất đất nước, chính sách giáo dục đã xem nhẹ vai trò đạo dức tôn giáo trong xã hội và trong học đường, nên đã tạo một lỗ hổng to lớn cho dân tộc, trong khi đó, một số nước tiến bộ, họ có những tuyên uý trong lao xá, hoặc tu sĩ vào thuyết giảng trong trại tù, cảm hoá một số không nhỏ trong các phạm nhân ngoài các bộ môn hướng nghiệp. Sai lầm nghiêm trọng của luật pháp đã xem lao tù là nơi trừng phạt hơn là giáo dục; học tập cải tạo chỉ là mỹ từ khi mà các tội phạm hình sự thời gian thụ án cũng là thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ do đàn anh trao truyền kinh nghiệm giựt dọc trộm cướp hoặc kỷ xảo hai ngón. Thay vì cán bộ trại dùng đạo đức huấn trị, ngược lại, phạm nhân khi ra khỏi tù càng mang hận thù vì bị ngược đải, tuy nhiên có vài cán bộ tạo ấn tượng tốt cho tù nhân suốt thời gian họ bị giam hãm qua nhân cách đạo đức và trí thức của số ít cán bộ đó!

Nếu chi phí cho hàng trăm trại tù từ Bắc chí Nam được đầu tư cho giáo dục đạo đức nhân thân và đạo đức xã hội thì tội phạm hình sự sẽ giảm đáng kể. Hiện nay, một vài trại cải tạo cũng dược rao giảng đạo đức, dĩ nhiên ít nhiều phạm nhân cũng ảnh hưởng Đạo Đức tôn giáo, đặc biệt Đạo đức PG mang tính đạo đức xã hội;

Trong những tiêu chuẩn trở thành một người tốt, được chư tăng giảng dạy rời rạc trong các thời giảng, nhưng thầy Chân Quang đã sớm kết tập những tiêu chuẩn Đạo Đức đó qua 30 đề mục để tập thành cuốn Tâm Lý Đạo Đức, tuy nội dung không có gì mới mẻ nhưng cái mới là đã trình bày dưới một nhãn quan tâm lý xã hội cũng như hầu hết các bài thuyết giảng Phật Giáo đều mang thông điệp luân lý đạo đức xã hội và ngôn ngữ của đời sống xã hội bình dị; Thầy Chơn Quang mở đầu những hoạt động Phật giáo đầy sáng tạo, sau đó không lâu, người cùng tuổi với thầy, cũng một tu sĩ trẻ có nhân cách, chuyên tu, đã sáng lập những phương cách Hoằng pháp mới chuyên hướng về tu tập hơn là xã hội, đó là thấy Chơn Tính, chùa Hoằng Pháp, thầy tổ chức thường xuyên về ánh sáng Phật Pháp Nhiệm Mầu để những thành phần đặc biệt trong đời thường nói lên nguyên nhân hướng về Phật Pháp, tạo niềm tin không nhỏ cho quần chúng.Khoa giảng diễn của thầy Chân Quang thuyết phục phần lớn quần chúng bình dân thì lối hoằng pháp của thầy Chân Tính mời các giảng sư trẻ luân phiên thuyết giảng và Phật tử trình bày tâm nguyện, sở đắc, cũng giúp cho người đến với đạo không nhỏ; Qua 47 khoá tu Phật thất, mỗi khoá đã dung nạp trên bảy ngàn người; phần lớn quần chúng Phật tử căn cơ thấp đã xem Tịnh Độ là cái phao cứu vớt tâm hồn của họ giữa cuộc sống thiếu niềm tin hiện nay!

Mùa Vu Lan vừa qua, khóa tu cho Thanh thiếu niên, mục đích giáo dục trẻ con biết hiếu kính mẹ cha, Thầy Thiện Thuận đã đến với các em qua chủ đề Bóng Mây, tuy bình dị, âm điệu trầm lắng, truyền cảm, thầy đưa các cháu đi từ nguyên nhân tưởng chừng tình cờ, vào sâu với duyên đạo; Thầy kể về những tánh hửng hờ của trẻ con đối với mẹ cha, để lúc nào đó sự việc xẩy ra ngoài ý muốn, các em lại ân hận suốt đời; Cũng có em hiếu thảo với mẹ giữa gia cảnh nghèo đói; Những tấm gương đó đã làm cho các em trong khoá tu, những ai xem qua Bóng Mây, đều không ngăn được những giòng lệ vô tình. Cô em gái tôi mở đĩa Bóng Mây, bắt hai cháu phải xem, chúng bảo: Con không thích xem các sư! mẹ cháu dụ dỗ, khi xem xong, đứa bé trai 8 tuổi chạy trốn vào toilet lau nước mắt, cháu mắc cở, dúi đầu vào lòng mẹ, hỏi: con trai khóc có xầu hổ không hở mẹ?mẹ đáp - chuyện đó bình thường thôi con ạ! - Mẹ ơi! vậy khi nào sinh nhật mẹ con sẽ mua cho mẹ củ khoai lang như đứa bé nhà nghèo xin khoai lang về cho mẹ nó mà ông sư đã giảng đó hở mẹ!
Những đứa bé trong xóm xúm nhau xem xong, đứa nào cũng sụt sùi, một người hỏi: Chúng mầy xem phim gì mà khóc hết cả vậy?
Thằng bé nhà tôi 15 tuổi, tính ngổ nghịch, xem xong dĩa Bóng Mây, tánh tình nó đối với mẹ cha thay đổi rõ rệt!

Bài giảng Bóng Mây không chỉ mang tính đạo đức tôn giáo mà còn giáo dục trẻ em ý thức việc hiếu thảo mẹ cha, chuyển hoá ý thức của các em trong đời sống gia đình. Sự thành công của Bóng Mây, không chỉ là sự thành công của giảng sư Thích Thiện Thuận mà là điềm đáng mừng cho những giảng sư trẻ hiện nay, khác với lối giảng cổ truyền thuần tuý thuật ngữ Phật giáo đến độ người nghe không nuốt nổi, quý thầy trẻ đã đem Phật Pháp vào lòng người thông qua tâm lý xã hội thành công đến không ngờ như thầy Chân Quang, thầy Thiện Thuận, thầy Viên Trí, thầy Phước Tiến, cô Như Thủy…không những thế, nơi phong cách, âm điệu của quý thầy cũng toát hiện nét chân thật, đạo đức, khiêm tốn, đã vớt vát được một số niềm tin của quần chúng bị đánh mất bởi vài vị mặc áo tu thiếu nhân cách.

Hiện nay, tuy xã hội Việt Nam có quá nhiều báo động về Đạo Đức; Nội bộ tu sĩ PGVN cũng bị phần lớn quần chúng lạnh lùng, mất niềm tin, nhưng không vì thế mà vắng bóng các bậc chân tu và những tu sĩ tài năng, đạo hạnh. Đây là hiện tượng: Cùng tắc biến, khi một hiện tượng xuống tận đáy bi thảm, báo hiệu sẽ có chiều hướng vực dậy, đi lên và hoán chuyển!

Tuy cán bộ nhà nước bê tha, nhưng đại bộ phận cố trao dồi kiến thức để có một nhân cách tốt hơn, báo hiệu một xã hội trong sáng hơn, vì ngu dốt luôn là tai hoạ nếu mất luôn cả đạo đức nhân thân;

Đạo đức Cách Mạng: Cần kiệm- Liêm chính- Chí công – Vô tư chưa đủ để giúp một cán bộ đối với dân bằng Tình người mà đó chỉ là bổn phận một cách máy móc. Lãnh đạo đối với nhân dân hay người dân đối với cán bộ, ngoài chấp hành luật pháp còn phải cần đến đạo đức nhân bản, trong đó tình người sẽ hoá giải những mắc mứu tưởng chừng khó khăn! Xã hội VN đang loạn vì thiếu bản chất Đạo đức như thế!

Cái thoáng hiện nay trong xã hội đã giúp các giảng sư tài năng lao vào lãnh vực giáo dục quần chúng; giữa vũng lầy bê tha của tu sĩ, đã trổi dậy nhiều điểm chuyên tu. Có những nơi không có trụ trì, Phật tử vẫn tự động giúp nhau tinh tấn như chùa Từ Đức, Khánh Hoà và chùa Liên Trì ở Daklak; Hình như cư sĩ hiện nay hướng về đạo đã thực sự chơn chánh hơn, tu hành nghiêm túc hơn. Một vài nơi, cư sĩ vẫn bị một số sư có quyền hành, gây khó khăn khi họ tự tu tập thể ở nhà riêng, vì họ không muốn đến chùa khi thấy một tu sĩ cầm điếu thuốc, uống lon bia và đi đứng thiếu nghiêm túc như số Phật tử ở Bình Đức Tiền Giang;

Điều lạ là cư sĩ làm ra tiền, tự nuôi sống bản thân mà không hề lạm dụng, bê tha, sa đoạ, còn biết dành dụm đồng tiền ít ỏi để bố thí; nhóm Thiện Nguyện khiếm thị Hốc Môn trên 60 vị sống bằng nghề lao động nhẹ, thu nhập rất ít, thế mà hàng tháng vẫn đóng góp để cứu trợ thiên tai hoặc giúp người hoạn nạn và sang băng dĩa giáo lý để truyền bá cho những ai muốn học Phật. Vợ chồng thương binh khiếm thị, anh Tài chị Trâm, mỗi tháng lãnh 30 ký gạo, nhưng vẫn dành 10 ký để giúp kẻ đói nghèo, và còn vô số Phật tử tâm đạo âm thầm thể hiện đạo đức nhân thân để chia xẻ với những hoàn cảnh thiếu may mắn; nhưng buồn thay, một số tu sĩ PG, dám từ bỏ cha mẹ, vợ con, tài sản… để xuất gia cầu đạo giải thoát mà vẫn chưa giải thoát được những cám dỗ tầm thường của vị giác, thính giác, khứu giác…vì thế hàng ngày đốt tiền qua khói thuốc và xử dụng đồng tiền thiếu cân nhắc khi mà chính mình không đổ mồ hôi để có những đồng tiền đó!

Các điểm chuyên tu giúp cho một số tu sĩ thoát khỏi những cám dỗ tầm thường và giúp cho tín đồ có nơi gửi gấm niềm tin; Các giảng sư trẻ là cầu nối để đưa quần chúng đến với đạo, không phải mục đích lôi kéo tín đồ tạo thành lực lượng phi pháp mà giúp cho xã hội có thêm những con dân biết đạo đức hầu vơi bớt gánh nặng cho xã hội và cho luật pháp, như vậy, đạo đức Phật giáo cũng là đạo đức xã hội, cần được yểm trợ và nhân rộng; Các giảng sư giúp cho quần chúng học đạo đức thì quần chúng có bổn phận giúp cho Phất giáo hoán cải những thành phần thiếu hoàn chỉnh trong giới tu sĩ, để biến xã hội thành một cỏi Tịnh Độ hiện thực.

Mỗi giảng sư là một bóng Mây cho quần chúng, cũng như mỗi người mẹ người cha là bóng mây cho con cái, quý thầy hãy vận dụng tối đa tài năng để giúp cho xã hội và Phật giáo hoàn hảo hơn; mỗi người, mỗi tông phái có mỗi nhiệm vụ và tiện ích riêng, không chướng ngại cho nhau, không đố kỵ nhau, vì tất cả đều là phương tiện giúp con người thăng hoa, đã là phương tiện thì không xem môn phái nào là cứu cánh, vì thế không chê giáo pháp nào là tà đạo. Chư tổ từng nói: Chánh nhơn hành tà Pháp, tà Pháp thị chánh pháp; tà nhơn hành chánh pháp, chánh pháp thị tà pháp. Chúng ta đang hướng về nẻo chánh để thăng hoa xã hội thì mọi phương tiện đều là chính đáng; ngoại trừ ai đó dùng Phật pháp để mưu lợi cá nhân, bè phái!

Tôi đã nhờ em Trâm trong nhóm Thiện nguyện khiếm thị sang cho anh Hưng 10 dĩa Bóng Mây theo yêu cầu như đã từng truyền bá các bài giảng của những giảng sư khác; tôi tin rằng cũng đang có nhiều người tiếp tay phổ biến những bài pháp có giá trị như thế, vì trong tất cả chúng ta, ai cũng có tâm nguyện đem lại lợi ích cho mọi người, mỗi người là một bóng mây cá thể, kết hợp thành một trời mây che mát và thanh tịnh hoá môi trường sống Việt Nam, để dân tộc ta sớm thoát khỏi cơn nhiệt nghiệt ngã của ảo giác đói khác và ham muốn vật dục, đưa tới khổ đau cho nhau như đã và đang xẩy ra trên quê hương nầy.

MINH MẪN
01/11/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét