Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009
BÁT NHÃ BÁO ĐỘNG. 2
20 giờ ngày 05/8/08, điền thọai từ Huế gọi vào cho biết, - Tu viện Bát Nhã gặp nhiều khó khăn; người đầu giây kể: Thầy Đức Nghi xúi công an trục xuất các giáo thọ làng Mai và không cho bất cứ ai không có hộ khẩu lưu trú theo chương trình tu học. Sau đó nửa giờ, một cuộc gọi từ Mỹ cũng cho biết tình trạng tương tự. Sáng ngày 06/8, một tin nhắn từ Bến Tre cũng báo tình hình Bát Nhã như thế.
Đâu là sự thật?
Thời gian Thiền sư T. Nhất Hạnh về Bát Nhã trước khi ra Hà Nội tham dự Vesak; thầy Đức Nghi đã tránh mặt.
Một nguồn tin nói rằng, thầy bị nhà nước gọi tới gọi lui làm việc cũng bởi Lá Thư Làng Mai số 31, thầy trách với ai đó rằng: sư ông ở bên Pháp nói cho sướng miệng để tụi tôi ở đây lãnh đủ! Do vì thế mà thầy lánh mặt thiền sư???
Một nguồn tin khác cho biết, thầy muốn sư cô Chân Không hổ trợ chi phí để thầy tiếp tục xây dựng thêm những cơ sở tại Lâm Đồng, nhưng Thiền sư không đồng ý, vì bấy nhiêu đủ rồi, tu không cần xây dựng nhiều, so với làng Mai thì tại Việt Nam cơ sở đó quá đồ sộ, làng Mai đổ vào hàng tỷ đồng xây dựng Bát Nhã rồi! vì thế thầy Đức Nghi bất mãn, gây khó khăn cho làng Mai. Trước đây cũng có người báo trước - thầy Đức Nghi cúng Bát Nhã cho làng Mai không phải là thiện chí mà là có dụng ý rút tiền lâu dài từ làng Mai…( Một số chùa ở Việt Nam cũng nghĩ rằng làng Mai giàu, nên nhiều nơi ngỏ ý xin giúp đỡ, thiền sư không chủ trương xây dựng, sự từ chối đó đã gây phẩn uất cho những người mong cầu mà không được)
Một nguồn tin khác, thầy Đức Nghi viện cớ Thiền sư về Việt Nam sinh hoạt mà không chịu hợp tác hoặc thông qua Giáo Hội trong nước và không chịu sự chi phối của nhà nước…
…………………..
Chưa biết đâu là sự thật, nhưng thật sự là giáo thọ Làng Mai bị công an Lâm Đồng không cho cư trú với lý do thầy Đức Nghi không chấp thuận và bảo lãnh; Các giáo thọ muốn gặp thầy Đức Nghi để hỏi sự tình thì thầy lánh mặt.
Chuyện rất lạ mà Làng Mai luôn gặp khó khăn và bị chống đối từ ngày có mặt tại Việt Nam, cái khó không phải do từ nhà nước mà phát xuất từ nội bộ Phật Giáo :
1/ Giáo Hội PGTN không tiếp
2/ GHPGVN đương nhiệm thiếu mặn mà
3/ Một số tu sĩ Huế chống đối
4/ Chùa Diệu Nghiêm đuổi các sư cô làng Mai ra khỏi chùa
5/ Các sư cô làng Mai xin cất tịnh thất phía ngoài Từ Hiếu cũng bị dang dở cả năm rồi mà chưa được cấp phép
6/ khi xử dụng Từ Hiếu làm tu viện theo giáo lý làng Mai, đã gãy bức xúc cho một số tăng sinh phải ra đi.
7/ Tông môn (huynh đệ) Từ Hiếu bất hoà với Thiền sư thể hiện qua Giổ Tổ tại Từ Hiếu năm 2007 khi đoàn làng Mai mở khoá tu tại đó.
8/ Thầy Huệ Vinh ở Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, chùa Quan Âm, cũng không vừa lòng khi tham gia cung đón đoàn làng Mai về hoằng hoá tại đó.
9/ Thầy Phước Trí tọa chủ chùa Pháp Vân cũng bất mãn ngấm ngầm vì một duyên cớ ít ai rõ.
10/ Rừng Phương Bối của Thiền sư do NGuyễn Đức Sơn trông nom, anh ta cũng đã tránh mặt và chống thiền sư khi ngài về , đến thăm nơi đó.
Dĩ nhiên còn một số khác âm thầm chống đối qua những bài như Nhận Định Giáo lý làng Mai, Một giòng sông…của Quách thị song Phu…
Những người chống đối không ra mặt như nguồn tin đã tung có chất nổ tại Đàn Nam Giao vào lúc tăng đoàn làng Mai đến đó.
Một số tu sĩ tuyên bố giáo lý làng Mai chỉ thích hợp với xã hội thực dụng phương Tây, một số khác cực đoan hơn, bảo làng Mai là tà giáo, lệch lạc theo tinh thần Kito giáo…
Một số tu sĩ miền Trung trách cứ Thiền sư tả khinh hữu trọng; GHTN lên án ngài tiếp tay cho chế độ, thế mà vẫn đích thân đến thăm viếng để rồi họ không tiếp, ngược lại đồng đạo đồng môn chưa hiểu nhau, ngài không mời họ đến để đả thông giao cảm. Vì mặc cảm tu sĩ trong nước nên không muốn hạ mình trước tu sĩ Việt kiều quốc tế, do thành kiến đó mà quý thầy trong nước đã giữ khoảng cách với làng Mai
Ngoài ra, ngay nội bộ làng Mai, một số thầy trẻ có những phong thái cao ngạo vi tế, hãnh diện là tu sĩ của đoàn Phật giáo quốc tế, nhìn Phật tử như những con chiên ngoan đạo có bổn phận cung dưỡng hơn là cận sự thân thuộc. Đại đàn chẩn tế tại Sóc Sơn, Làng Mai trơ trọi không được các sư miền Bắc hổ trợ, các anh chị Tiếp Hiện, tuy lớn tuổi như anh Sanh, anh Lộc… phải tự tay dựng rạp, dọn dẹp đẫm ướt mồ hôi trong khi một số thầy trẻ ngồi trên nhà sàn nhìn xuống, đàn hát nghêu ngao như người vô sự!
Một vài thầy thẳng thắng phê phán những người theo đoàn mà không đồng quan điểm với Làng Mai…tạo thêm thành kiến với họ
Dĩ nhiển những cái tốt của làng Mai không ai phủ nhận, nhưng những bất cập tiểu tiết đã tạo một ấn tượng khó phai đối với một số người gặp phải.
Về mặt chính quyền, những góp ý trung thực của thiền sư cũng tạo một ngờ vực khó chịu cho vài cơ quan nhà nước; Những góp ý do tầm nhìn xa trông rộng của nhà chiến lược có thể tạo cho một số người nghi ngại mang ý đồ chính trị.
Một cán bộ nhận xét: Trong nước có ông Trí Quảng, có ông Chân Quang, đi đâu là kéo bầu đoàn thằn phược để biểu dương lực lượng thì ông Làng Mai càng hơn thế nữa! Nhưng hai trường hợp khác nhau. Các vị trong nước kéo đệ tử theo để hổ trợ những nơi thính chúng rời rạc, còn làng Mai kéo hàng trăm tu sĩ theo để hổ trợ năng lượng thanh khiết từ trường mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Hộ Đàn, Khất sĩ gọi những vị ngồi chung với giảng sư gọi là Hộ pháp.
Một ngành trong nhà nước liên quan đến tôn giáo nói rằng: Các vị tiền trạm, ngoại giao của làng Mai tuy ăn nói mềm mỏng nhưng không dấu được tính kiêu kỳ của một tầm vóc bất khả xâm phạm. Vâng, tu sĩ làng Mai có thể không cao ngạo, nhưng phong cách tạo hiểu lầm không thể không có.
Không ai chối cải tinh thần dân tộc bàng bạc trong đời sống làng Mai, nhưng khó ai chấp nhận một lối sống thiếu hoà nhập của làng Mai đối với cộng đồng PGVN.
Ngày đầu tiên nghe tin thiền sư NHất Hạnh về quê nhà, toàn bộ những người con Phật và giới trí thức dành cho Ngài một cảm tình sâu sắc, nhưng một lần về, rồi 2 lần về, đến ba lần về trong ba năm liền, tình cảm đó mỗi ngày một giảm sút thậm chí sự xuất hiện của làng Mai trong dịp Vesak, không một tờ báo nào trong nước loan tin. Bề mặt nổi của làng Mai bị suy giảm trầm trọng, nhưng những đóng góp về văn hoá, xã hội của làng Mai lặng lẽ nhưng vô cùng to lớn. Hổ trợ cho hàng ngàn nhà trẻ vùng sâu vùng xa, cấp học bổng cho học sinh nghèo,trợ lương cho cô thầy giáo miền quê, xây trường, khoan giếng và nhiều việc công ích khác mà làng Mai không hề xưng danh. Bề mặt sinh hoạt cộng đồng trong nước thì tưởng chừng giảm sút uy tín, nhưng tại nghị trường như Mỹ Đình qua lễ Vesak cho thấy, Đại biểu, thính chúng đã nhiêt liệt chào đón thiền sư lửng thửng bước vào khán đài với chiếc nón lá trên tay, bằng tràng pháo tay vang dội!
Như vậy, chứng tỏ không phải ai cũng phủ nhận pháp môn của làng Mai, nhưng làng Mai không tranh thủ được tình cảm ban đầu để hiểu nhau, đến với nhau, cơ hội đó càng ngày càng vuột khỏi tầm tay.
Một ung nhọt mau lành cần mạnh tay giải phẩu, Thiền sư Nhất Hạnh can đảm nói thẳng nói thật vào những vấn đề nhạy cảm của chế độ, không tránh khỏi những khó chịu nơi họ. Một cán bộ nói: Chúng tôi tạo điều kiện cho thầy về mà thầy cứ nói và làm những chuyệnkhông thích hợp với xã hội ta! Đúng thế, khi nhà nước Việt Nam mời Làng Mai về tham dự Vesak, Trung Quốc áp lực nhà nước Việt Nam không được mời, nhưng Việt Nam đã chứng tỏ tính tự quyết của mình một cách can đảm, bởi lẽ, những gì thiền sư tuyên bố bênh vực cho Đức Đạt Lai Lạt Ma là quyền tự do của ngài trên mãnh đất tự do ngoài lãnh thổ Việt Nam, chứng tỏ nhà nước Việt Nam đã đứng về phía lẽ phải và tình dân tộc; Tính nói thẳng nói thật không chỉ riêng thiền sư Nhất Hạnh mà đó là bản chất của người con Phật giữ được tính trung thực,tôn trọng sự thật, đó là tinh thần Bi-Trí-Dũng; Lời thật hay mất lòng, vẫn có lợi hơn lời dua nịnh xuôi tai mà không giúp ích gì cho đất nước!
Cũng trong 10 điểm góp ý của thiền sư, một tu sĩ Phật Giáo nói: Mình tu thì lo việc đạo đức thôi, xen vào chính trị làm gì, mình không phải nhà lãnh đạo đất nước làm sao góp ý xen vào quốc sự. Đó cũng là cái lý nhưng là lý thụ động; Vạn Hạnh, Khuông Việt và nhiều thiền sư đã từng giúp quốc gia vượt qua khó khăn nội bộ, đối đầu trước áp lực ngoại xâm thì sao? phải chăng đó là hạnh vô úy của những Bồ Tát?
Thầy Huyền Diệu là một tu sĩ và là người Việt Nam, hà cớ đem lại hoà bình cho Nepal giữa hai thế lực ý hệ, phải chăng ngài xâm phạm chính trị hay là hạnh vị tha như Đức Phật từng giải hoà hai quốc gia đương thời???
Những than phiền của vài ban ngành trong nhà nước về làng Mai do hai bên chưa hiểu nhau; một bên vì nguyên tắc, một bên do hành xử tự tại vô cầu vô chấp, trực tâm, việc đó rồi cũng sẽ cảm thông, nhưng chuyện nội tình Phật giáo mà không gần nhau được, cứ xem rừng nào cọp nấy quả là bất hạnh cho Phật tử Việt Nam.
Cho dù giáo lý làng Mai không hoàn toàn thích hợp với các tông môn Việt nam, nhưng thời gian qua làng Mai cũng giúp khá nhiều tuổi trẻ cũng như một số quần chúng bị mất niềm tin và lạc phương hướng, họ cảm thấy an lạc giữa cuộc sống nhiều phiền trược;
Cho dù làng Mai còn va vấp lắm khiếm khuyết trong xã hội Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận uy tín của làng Mai qua sự hiện diện trong Vesak vừa qua; sự đi về của thiền sư Nhất Hạnh, cũng như chi nhánh của làng Mai sinh hoạt tại Việt Nam đã làm cho thế giới thấy tính dung hoà của chính sách nhà nước hiện tại;
Cho dù làng Mai gặp sự chống đối và nghi ngờ, nhưng làng Mai đã đổ vào Việt Nam khá nhiều Euro và Mỹ kim mà không có lợi nhuận
Cho dù thiền sư chưa hoà nhập được với cộng đồng PGVN nhưng những đóng góp văn hoá to lớn của Thiền sư đối với Phật giáo và đất nước được sử sách ghi nhận dưới dạng một danh tăng Việt Nam.
Cho dù chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm, nhưng chính sử không quên nhắc đến một tu sĩ Việt Nam đã đơn thân độc ảnh đứng giữa nghị trường quốc tế tranh đấu hoà bình cho Việt Nam.
Trở lại nội tình Bát Nhã, nếu đúng như lời kể, thầy Đức Nghi mượn tay công an trục xuất giáo thọ Làng Mai, thì đây là một việc làm ma mãnh không phải tư cách của một vị chân sư.
Nếu thầy Đức Nghi vì lá thư làng Mai 31 quấy rối, thì nhà nước vô lý khi xử sự như thế. Giả dụ đây là việc có thật, thì thật vô lý, ai làm nấy chịu, tại sao thiền sư viết mà thầy Đức Nghi chịu tội??? Chắc chắn nhà nước không làm chuyện trẻ con đến thế.vả lại thiền sư đã gặp và đề nghị trực tiếp với chủ tịch nước những góp ý trên,chứ không phải gợi ý sau lưng một cách mông lung qua báo chí. Có điều, những sai phạm khi CS thu hồi miền Bắc để tiến mạnh tiến nhanh lên Chủ nghĩa Xã hội, thiền sư lẽ ra không nên khưi lại.
Nếu quả thật thầy Đức Nghi muốn hiến Bát Nhã để làm tiền làng Mai thì thầy đã lầm to. Dẫu sao làng Mai sống hơn 40 năm trên đất nước thực dụng, vả lại chủ trương làng Mai là đào tạo giáo dục tâm linh chứ không chủ trương phát triển cơ sở vật chất, vì thế, số tiền làng Mai đổ vào Bát Nhã có một giới hạn hợp lý nhất định. Nếu làng Mai bỏ Bát Nhã thì thầy Đức Nghi làm gì những cơ sở bao la như thế? Bấy giờ Bát Nhã trở thành vô nghĩa và uy tín của thầy Đức Nghi đối với quần chúng Phật tử như thế nào???Một số nhà trẻ do thầy quản lý, tiền đâu cung ứng hàng tháng và bao chi phí duy trì cơ sở bỏ hoang???Tâm trạng của thầy Đức Nghi sẽ áy náy bất an khi một mình nằm lạnh lẽo giữa đồi hoang bát ngát mà trước đây hàng ngàn người đi về như trẩy hội, nâng uy tín của thầy lúc đó trong cộng đồng Phật giáo lên tầm cở tổ khai sơn tu viện. Và thầy sẽ cắn rứt lương tâm khi hàng ngàn người phải bỏ ra đi, không nơi tu học cho quần chúng. Thầy sẽ nghĩ rất nhiều khi Bát Nhã trở thành vùng hoang!!!
Anh em Tiếp Hiện muốn về vùng ngoại thành tìm khu đất rộng độ 20 mẫu để thiết lập đạo tràng mới, chuyện đó không dễ, về hành chánh, về chính danh, về địa giới, về bồi hoàn và hàng vạn cái khó khăn; nhưng cũng sẽ không khó nếu số đất như thế làm công ty xí nghiệp, mở supermarket hay casino…Dẫu sao Bát Nhã cũng đã danh chánh ngôn thuận; nhân danh làng Mai để xin phép mua đất và xây dựng một tu viện như thế quả là nằm mộng. Thầy Đức Nghi nghĩ như thế nên không nhân nhượng với làng Mai. Dĩ nhiên mỗi bên bảo lưu ý kiến riêng sẽ đưa nhau vào bí lộ. Với số tiền cho 20 mẫu đất, tại sao không mua lại Bát Nhã, thầy Đức Nghi sẽ có số tiền để xây dựng cơ sở khác mà làng Mai cũng đỡ vất vả ngược xuôi, quần chúng cũng đã quen không khí cao nguyên cho những ngày tu tập dài hạn?
Nếu vin cớ làng Mai không hợp tác với GHPGVN và không lệ thuộc nhà nước mà thầy Đức Nghi không cho làng Mai xử dụng Bát Nhã? Thật vô lý, việc nầy không nằm trong phạm vi trách nhiệm của thầy Đức Nghi; chuyện đó để Giáo Hội và nhà nước giải quyết.
Hẳn nhiên bên trong có những uẩn khúc nào đó, nhưng dù uẩn khúc thế nào, tình đồng đạo và vì tương lai Phật Giáo, cũng có thể ngồi lại với nhau để tìm mối gỡ. Một tu viện có hàng ngàn người tham dự như thế, làng Mai không có lợi mà lợi cho tâm linh quần chúng Phật tử và tạo thêm uy thế cho tổ khai sơn Thích Đức Nghi. Mỗi lần chi phí cho hàng ngàn người tu tập, làng Mai luôn hổ trợ kinh phí, vì lợi ích chung tại sao ta lại làm khó cho nhau? Nếu trong lợi chung có cái lợi riêng cho cá nhân theo nghĩa phàm tục, Bát Nhã sẽ thành một cơ sở thương mãi!
Nội bộ Bát Nhã ngày càng trầm trọng, Giáo Hội không thể giải quyết, nhà nước không thể xen vào, chỉ giữa làng Mai và thầy Đức Nghi mới biết đâu là lối thoát trong danh dự.
Một thầy trong làng Mai than: đi khắp thế giới đều xuôi thuận, nhưng về quê cha đất tổ, làng Mai luôn gặp những khó khăn…
Những khó khăn như thế là có thật, nhưng TẠI SAO????
Kitô giáo đấm ngực bảo: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!!!
Ở đây không hẳn mọi đàng do lỗi làng Mai, nhưng dù muốn hay không, làng Mai cũng chịu trách nhiệm một phần khó khăn đó.
Việt Nam tuy sống và làm việc theo pháp luật, kỳ thực nặng về tình cảm, nếp sống Âu Tây quá ư nguyên tắc, phải chăng vì thế mà làng Mai chưa hoà nhập với cộng đồng PGVN, thường gặp lắm gian nan!
Ở nước ngoài, mạnh ai lập riêng một giáo phái nấy, vì thế cộng đồng Việt Nam hải ngoại trên dưới ba triệu người, trong đó độ phân nữa PG mà đã có gần chục Giáo hội PG, mỗi người một ốc đảo sinh hoạt cá biệt, mỗi nhóm một GH tự do phát triển; VN tuy lỏng lẻo tổ chức, nhưng cộng đồng Phật giáo có mối liên hệ tình cảm truyền thống, tuy sơn môn pháp phái khác nhau, nhưng kỵ tổ giổ chạp đều đến với nhau, trai tăng đều mời nhau, lễ lộc đều giúp nhau; Làng Mai về sinh hoạt như một cá thể biệt lập, thiếu giao lưu, vì thế một khoảng cách ngày càng xa, khó tránh khỏi. Thái độ giao tiếp làm việc của cán bộ làng Mai theo tác phong công nghiệp, chưa quen tính khề khà “miếng trầu làm đầu câu chuyện” của các sư Việt Nam, tuy sự khác biệt rất nhỏ nhưng đánh mất tình cảm rất lớn.
Vấn đề Bát Nhã thuần tuý nội bộ Phật giáo hay có sự tác động của chính quyền địa phương để gây khó khăn???
Một tu sĩ nói: Phải chi lợi dụng chuyến về Việt Nam, làng Mai làm bữa cơm trai đạm mời chư tôn túc họp mặt hàn huyên, có lẽ sinh khí sẽ nhẹ nhàng hơn, tình đồng đạo thắm thiết hơn!
Thế thì nội tình Bát Nhã sẽ giải quyết trên bàn ăn hay trong tình Đạo? Đây là sự tế nhị và hiểu biết của những bậc trưởng tử Như Lai vì ngôi nhà chung của Đạo Phật Việt Nam.
MINH MẪN
06/8/08
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét