Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009
ĐẠI TÒNG LÂM
Năm 1954, khi đợt sóng di cư vào Nam, Nhà Ngô đã dành những vùng đất mầu mỡ cho người công giáo như Cái Sắn, Rạch Giá, khu dinh điền miền cao, Phương Lâm, Gia Kiệm, Hố Nai…Vùng đất cát Long Thành, Bà Rịa làm ruộng cũng như vườn không đạt kết quả, vì thế bỏ trống. Hòa Thượng Thích Thiện Hoà đã đứng ra mua 200 mẫu để lập Tòng lâm tu viện theo dự hoạch, tên đầu tiên gọi là Đại Tòng Lâm.
Đất chạy dài vào chân núi Thị Vãi, cây sao cây dầu to hơn vòng ôm,bụi rậm che khuất tầm nhìn. Trong thời chiến, về đêm, đạn bom bắn nhau vô tội vạ, ngôi chánh điện vách dựng bằng tole lỗ chỗ dấu đạn, các bà cụ nhà trù và một hai vị thầy trẻ vẫn cố bám trụ; Hòa Thượng Thiện Hoà dựng bức tượng Quan Âm đứng trên đầu rồng nằm giữa vùng đất trống không xa lộ chính, mặt xây về hướng Đông. Đại Tòng Lâm thầm lặng trải qua trên 50 năm thử thách. Sau 1966 có vài vị về thiết lập am cốc, năm 1968 dân tị nạn chiến tranh tứ xứ về đây lập nghiệp, đất chùa bị mất một số, nhất là mặt tiền đường. Sau 1975, một số cơ sở lớn như tu viện Thiện Hoà do ni sư Như Như xây dựng; chuà cũng nhiều hơn. Khi HT Thiện Hòa viên tịch, thầy Huệ Thới kế thừa, tiếp đến là thầy Minh Thành, thầy Minh Phát, qua các đời, Đại Tòng Lâm cũng không thay đổi , ngoại trừ hình thành trường Phật học. Khi thầy Quảng Hiển tiếp quyền, đã xây ngôi chùa đồ sộ nằm ngay đồi cao nhìn thẳng từ cổng chính vào, cách đường nhựa gần một km, tên mới là Vạn Phật Đại Tòng Lâm. Sở dĩ có tên vạn Phật, thầy Q.H đã đúc đúng một vạn vị Phật gắn trên vách cao bao quanh chánh điện. Ngôi chùa trông bề thế giữa đất trời bao la!
Sáng 19/3/07, sư ông họp báo tại tòa soạn báo Giác Ngộ, trình bày về cuốn phim Đường Xưa Mây Trắng của Ngài do nhà Tỷ Phú Ấn Độ, B. Modi phát tâm thực hiện. Ông B.Modi là tiến sĩ, một trong ba nhà tỷ phú giàu nhất Ấn Độ, chủ tịch Maha Bodhi Society. Đây là ước vọng làm bộ phim cuộc đời đức Phật mà 18 năm qua không thể thực hiện đến khi ông đọc cuốn ĐXMT cuả sư ông, đặc biệt tiến sĩ tỷ phú Modi là người Bà La Môn giáo nhưng hâm mộ đức Phật. Ông qua VN và đã có mặt đúng lúc tại TP HCM trước khi sư ông tiếp tục du hoá theo chương trình hoạch định. Sau giờ ngọ thực, nghỉ ngơi giây lác, sư ông và thầy Pháp Ấn thẳng tiến về Bà Rịa.
Ngoài trời, khí hậu nóng bất thường , chiều đến, một cơn mưa khá lớn, cơn mưa sái mùa đầu Xuân mà người ta bảo là mưa nhân tạo để giảm bớt oi bức; các giếng đóng, ao hồ đã cạn nước. Đêm hôm đó, sư ông và Tăng chúng, Phật tử có mặt tại Đại Tòng Lâm rước vong từ hồ nhân tạo rộng gần một mẫu, tiếp nối phần đất phía ngoài gần đường và phần trong khu vực đại đường; lượng người tham dự trong đêm đã trên ngàn người. Sư ông và HT chủ sám trai đàn chẩn tế niêm hương khấn nguyện. Cuộc tiếp linh lập lờ trong ánh sáng huyền ảo từ những ngọn đèn bạch lạp, đoàn người nối đuôi kéo dài từ chùa ra hồ và rồi từ hồ về trai đàn, trật tự, đẹp và thơ mộng. Sáng 20, chư Tăng thân làng Mai từ TP mới đáp những chuyến Bus ra chùa. Tăng ni và Phật tử các nơi đổ dồn về Đại tòng Lâm như ngày hội chưa từng có; Khuôn viên chùa đã sử dụng trên 50 mẫu, xây trường Phật học, thư xá, phòng Tăng và đại điện, nơi đây thừa sức để xe đậu. Trên 300 trăm chiếc xe lớn, một trăm xe du lịch 4 chỗ, 7 chỗ đậu rải rác dưới các bóng râm, ngoài ra hàng ngàn chiếc xe hai bánh cũng được dồn vào một khu đất trống có rào dậu.
8 giờ 30 sáng 20/3/07, sư ông đăng lâm pháp tòa với một lượng Tăng chúng và nghi thức đón rước không đồ sộ như Vĩnh Nghiêm, nhưng cũng biểu hiện sự trang trọng tôn kính. Trên chánh điện, dưới nhà khách, các gốc cây, nhà phát hành kinh sách pháp khí đều đông nghẹt người, số người tham dự không thua kém tại Vĩnh Nghiêm.Tuy liên tục làm việc một tháng qua, sư ông vẫn không tỏ vẻ mỏi mệt.Vẫn nội dung giúp cho người sống biết truyền thông với người thân và trách nhiệm với xã hội, biết hướng tâm đến người đã khuất có công lao với đất nước, và sám hối chung để đất nước có từ trường thanh lương hầu dân tộc đi lên.
15 giờ chiều, bên tầng dưới chánh điện, các bàn vong, đàn chẩn tế đã thiết lập sẵn khá trang nghiêm; Hòa Thượng Chánh Kế, toạ chủ chùa Kỳ Viên Dàlạt, là chủ sám cùng ban kinh sư đăng đàn đồng tế. Sư ông cũng quan lâm niêm hương chứng minh.
Nhờ không gian thoáng rộng, gió biển từng đợt lùa vào, không khí nơi đây thật dễ chịu so với TP . Các đơn vị Gia Đình Phật Tử có mặt trước một hôm để giữ trật tự. Các tín đồ sùng mộ cũng qua đêm nơi các chái, võng, chánh điện, nhà tổ và bất cứ nơi nào có thể, cảnh tượng la liệt đầy hoan hỷ thật thú vị. Mọi người hả hê chứng kiến một sinh hoạt tôn giáo rầm rộ thoải mái dương lợi âm siêu. Vẫn còn nhiều đợt người đến trong khi một số theo xe về lại TP HCM. Tất cả có chung một niềm vui sinh hoạt an lạc trong cảnh quê hương được thái bình. Biểu hiện cuộc hành trình tâm linh và hội ngộ, Bồi đắp gốc rễ, khai thông suối nguồn của sư ông thành công đáng kể.
Nhưng, một điều oái oăm nào ai biết: khi sư ông ra ĐTL, thầy Quảng Hiển khóa cửa phòng, không cho người phụ việc, không nấu ăn cho đoàn, không cho sử dụng bàn ghế, gây nhiều khó khăn cho đoàn, sau khi chẩn tế, đáng ra thầy QH phải biết điều với ban kinh sư, tuy không bỏ công chẳng bỏ của, nhưng tiền bá tánh cúng dường vài chục triệu hôm đó, Q.H bỏ túi ngon ơ; mấy tháng trước cũng thế, GH Bà Rịa VT tổ chức giới đàn hàng trăm triệu, mọi chi phí do một tu sĩ lo liệu, kể cả cái máy phát điện đang xài hiện nay, cũng do thầy tu sĩ đó hiến cúng. Hôm nay nhà nước cúp điện, nếu không có máy phát điện đó, buổi pháp thoại và lễ chẩn tế sẽ ra sao. BRVT lại có một Thiện Tánh nữa sao???
MINH MẪN
20/3/07
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét