Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

* DƯ LUẬN NGÀY KHAI MẠC




Như vậy, sau bao ngày chuẩn bị và trông đợi nét mới có thể có trong ngày Đại hội, cũng đã đến. Chả hiểu BTC Đại hội lần đầu tiên, cách đây trên 35 năm, chọn Đại hội vào mùa Thu-Đông là tình cờ hay có ý, để không khí tươi mát, không làm Đại biểu mệt mỏi, làm việc tỉnh táo hơn và mọi sinh hoạt thoải mái hơn, tuy nhiên, các cụ trưởng lão từ vùng nhiệt đới không quen cái lạnh của miền Bắc, cũng cảm thấy “khổ đế” co mình trong chiếc áo ấm dày cộm cứ như dân miền Bắc cực.

Trống, cờ, kèn, khánh, lộng phướng… inh ỏi, xen lẫn nhiều sắc màu khá vui mắt, một góc phố Quán Sứ, đoàn rước lễ kéo dài cả trăm thước, chiếm phân nửa con lộ hẹp, từng chiếc xe con, xe hai bánh phải từ tốn bò chậm chạp cứ như thành kính tiễn đưa ai đó đi ngược chiều với đoàn rước lễ.

***

Ban cung nghinh thỉnh HT Pháp chủ vào lễ đường giữa tiếng trống nhạc, tiếng vỗ tay ngập tràn hội trường. Hình thái cung đón như thế thật trang trọng đối với thế tục, nhưng, nếu toàn thể hàng ngàn Đại biểu im lặng, chấp tay thì, có lẽ sẽ trang trọng và linh thiêng hơn đối với một bậc trưởng thượng trong một tổ chức Tôn giáo như Đạo Phật. Đối với Phật giáo, càng đơn giản, càng thanh tịnh lại càng trang nghiêm và tôn kính.

Tăng Ni và đại chúng Làng Mai một khi tán thưởng, đồng tình, hoan hỷ bằng cách rung 2 tay như rung chuông, tuy động mà lại tịnh, phong thái rất Thiền vị, chúng ta nên học cách thể hiện tâm cảm như thế để có sự khác biệt với thế tục.

Sau khi Đức Pháp chủ nhận hoa tặng từ Đại biểu các quốc gia khác, ngài trở về hương thất thì chiếc ngai của ngài cũng thu dẹp luôn. Đáng ra, nên lưu lại chiếc ngai đó xem như ngài vẫn hiện diện cùng Đại hội, đồng thời tỏ ra tôn kính bậc Pháp chủ của chúng ta.

Những bài tham luận của các đơn vị đã được đưa vào tập Kỷ yếu, văn kiện Đại hội, các Đại biểu nên trình bày nội dung tổng quát, hoặc thảo luận một chủ đề thích hợp với hiện trạng của Phật giáo, có thế mới khỏi tạo sự nhàm chán và mất thời giờ một cách vô ích, vì thế, ta không ngạc nhiên khi một vài hình ảnh Đại biểu ngồi nhắm mắt đã bị đưa lên cộng đồng mạng.

Thời gian một ngày rưỡi, tức là 2 buổi dành cho lễ khai mạc và đọc tham luận.

Trong đó, từ 10.30g sáng 21/11, tham luận của các Ban Viện Trung ương, BTS các tỉnh thành phố kéo dài đến sáng hôm sau. Thời gian cho tham luận quá nhiều, có cần chăng một thời gian như thế, nghĩa là 2 ngày Đại hội thì hết một ngày, tức chiếm phân nửa thời gian quan trọng của Đại hội.

Nói về tham luận, hàng năm, các tỉnh, thành phố đều tổ chức những cuộc Hội thảo khoa học theo chủ đề, theo Ban ngành, nhưng đâu lại vào đó, các tham luận được xếp vào kho lưu trữ sau khi nghe Đại biểu trình bày nghe sướng tai rồi vỗ tay tán thưởng.

***

Về trật tự và an ninh trong Hội trường, khá chặt chẽ và nghiêm túc, nhờ thế tránh được sự lộn xộn mà các hội nghị, hội thảo đã gặp phải; nhân sự phục vụ cũng nhã nhặn lịch sự, quý Phật tử tỏ ra tôn kính chư Tôn đức, các Đại biểu. Và các Đại biểu hoan hỷ chấp hành theo quy định khi bước qua cửa Hội trường và vị trí trong Hội trường

Cách làm việc và điều hành Đại hội là do kết tinh những kinh nghiệm suốt 7 nhiệm kỳ qua, chủ tọa đoàn tỏ ra chuyên nghiệp. Tuy nhiên, xướng ngôn viên trong ngày khai mạc chưa được êm dịu và trôi chảy, có lẽ khả năng tự phát hơn là qua trường lớp đào tạo, nhưng dẫu sao vẫn tạo được nét đa dạng trong một tổ chức mang tính toàn quốc, to lớn như thế.

Những khen ngợi và phê phán không thể trình bày hết, nhất là những ý kiến vụn vặt không cần thiết. Dẫu sao, không tránh khỏi những khiếm khuyết trong bất cứ tổ chức nào, nhưng một tổ chức rộng rãi như thế tạo một điểm sáng trong ngày khai mạc cũng không phải dễ, nhất là mộttổ chức không có tính tổ chức như Phật giáo trải qua hàng ngàn năm chỉ chú tâm hướng nội.


MINH MẪN
22/11/2017
Vùng tệp đính kèm

ĐẠI HỘI CHÍNH THỨC














































ĐẠI HỘI CHÍNH THỨC


Sáng 21/ 11, chính thức khai mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ VIII năm 2017-2022.

Từ chùa Quán Sứ cách hội trường độ hơn 100m, các ban lễ nhạc gồm kèn Tây, trống, đội dâng hoa, ban dẫn lễ áo mão, cờ lộng, phang phướng, có nhóm hóa trang Thần hộ pháp… kéo dài từ trong Quán Sứ chạy đến vòng xoay, tiếp theo từ cổng Hội trường vào đến sảnh đường. Liên tưởng vào thời kỳ vua chúa xa xưa mỗi lần đi kinh lý, vi hành, hoặc lên Đàn Nam Giao tế đất trời. Trong sử liệu tả cảnh vua đi, hai bên rợ Hồ, nhang trầm, cờ lộng, tù và vang một góc trời. Có lẽ xưa kia không bằng ngày nay với màu sắc và tạp âm, cố tạo một cảnh trí uy nghiêm, nhưng, nếu với tinh thần Thiền môn, tính trầm lắng vẫn đủ thể hiện một uy lực vốn có toát hiện từ năng lượng miên mật của Giới-định-tuệ. Thế giới ngày nay là thế giới của âm thanh sắc tướng, có lẽ vì thế, Đạo cũng khó khác với Đời.

***

Chuẩn bị đón chư tôn giáo phẩm, đoàn văn nghệ trình diễn những nội dung “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”. Đồng thời chào đón Đại biểu các quốc gia, một số Đại biểu Phật giáo các nước và Việt kiều về tham dự Đại hội. Ban Thường trực HĐTS và BTS HĐCM cử hành lễ cầu nguyện tại chánh điện chùa Quán Sứ, sau đó tuần tự tiến về Hội trường do Ban kinh sư dẫn lễ.

Tham dự đại hội còn có Đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hiện diện trong và ngoài hội trường gần 3.000 người. Trong phòng Trung tâm Báo chí gần 100 chỗ ngồi và 20 máy laptop cũng không đủ chỗ cho phóng viên báo đài về tác nghiệp.

Sau khi an vị, BTC cung thỉnh Ban chứng minh, chủ tọa đoàn, Ban thư ký, Ban kiểm soát Đại hội. Tiếp đến là diễn văn khai mạc của HT chủ tịch kiêm trưởng ban BTC Đại hội. Đoàn Tăng Ni phật tử Thủ đô Hà Nội, Sài gòn, Tây Bắc và Tây nguyên dâng hoa chúc mừng. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng bào Phật tử các nước cũng tặng hoa Đức Pháp chủ. TT T. Đức Thiện, Tổng thư ký Giáo hội, báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2012-2017 và chương trình hoạt động nhiệm kỳ tới 2017-2022. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng phát biểu chúc mừng Đại hội.

***

Sau 15 phút nghỉ giải lao, 10g30, Ban Nội dung thông qua bản Hiến chương GH đã được tu chỉnh lần thứ VI. Tiếp theo là tham luận của các Ban, Viện Trung ương, BTS các tỉnh thành phố và các Đại biểu.

Đầu giờ chiều, các tham luận tiếp tục đến 17g kết thúc ngày làm việc thứ nhất.

Đại hội không những là kết thúc và khai mở một chu kỳ cho GHPGVN TW, không chỉ mang tính nội bộ mà còn ẩn chứa sự phô trương mức thành công suốt chặng đường gần nửa thế kỷ kể từ ngày thống nhất các hệ phái. Do vậy, chủ đề TRÍ TUỆ - KỶ CƯƠNG – HỘI NHẬP – PHÁT TRIỂN nói lên sự trưởng thành của một tổ chức. Ngày nay, không những lớn mạnh về tổ chức mà Tăng Ni trẻ còn được trang bị kiến thức Phật học và thế học để kế thừa trách nhiệm duy trì và phát triển của bậc tiền bối.

Hy vọng, ngoài trình độ kiến thức như thế, nếu Giáo hội chú tâm hơn nữa về nội hàm hành trì cho Tăng Ni song song với kiến thức thì Phật giáo Việt Nam, không những là một tổ chức vững mạnh mà còn là cái nôi cung ứng nhân tài có đủ Phước-Trí song hành cho dân tộc.

Đại hội thật hoành tráng, mong rằng nội chất cũng được hoành tráng như thế!

TRÍ TUỆ - KỶ CƯƠNG – HỘI NHẬP – PHÁT TRIỂN có là tiêu chí đúng hướng chăng sẽ được trả lời trong nhiệm kỳ mới của GHPGVN hiện nay.

MINH MẪN
21/11/2017