Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

* LỄ HỘI VU LAN và nguồn gốc



Năm nay, Vu Lan khởi sắc một cách khác thường. Từ ngày 14 âm lịch đến rằm, lượng số người đi lễ như trẩy hội. Một số con đường chính đều bị tắt nghẽn giao thông. Những chùa lớn như Vĩnh Nghiêm, Hoằng Pháp, khách thập phương dập dìu ngay cả về đêm. Không những tại Sài Gòn, cả Hà Nội, các tỉnh miền Trung và Cao nguyên đều như thế.

Những nét đặc biệt nổi trội trong mùa Vu Lan cho thấy như: -phóng sanh -cúng dường -bố thí - thí thực - chẩn tế - báo hiếu - cầu an cầu siêu... Những năm gần đây, ngoài một số chùa còn có các tư gia chẩn bần cho người nghèo, bố thí cho người khuyết tật. Một số cá nhân tuy không phải Phật tử, họ vẫn biết phóng sanh, biết làm từ thiện, đến thắp nhang cho mộ vô chủ, tài trợ học bổng, hỗ trợ gia cảnh nghèo và học sinh xuất sắc, thăm viếng bệnh nhân… Nét đẹp văn hóa như thế sẽ được nhân rộng để trở thành truyền thống văn hóa dân tộc chứ không riêng của Phật giáo.

Do đâu, có truyền thống Vu Lan, báo hiếu để rồi phát sanh nhiều hình thái cao thượng, nhân từ và tương thân như thế? Vu Lan không có trong kinh điển Nguyên Thủy. Cũng có giả thuyết cho rằng, câu chuyện Mục Kiền Liên là biến tấu từ kinh Uất Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên, gọi tắt là kinh Uất Đa La mẫu có viết trong mục "Chuyện ngạ quỷ" của bộ Tiểu bộ kinh (đính kèm bên dưới) chỉ thay tên nhân vật từ Uất Đa La (Uttara hay là Uttaramātu) thành Mục Kiền Liên và thay tên người giảng là một tỳ kheo thành lời giảng của đức Phật. Tuy nhiên, trong Tiểu Bộ kinh do Gs. Trần Phương Lan dịch thì Tất cả các chuyện này đã do Tôn giả Maha Moggallana (Đại Mục-kiền-liên) tường trình lên Đức Phật sau khi Tôn giả nhập định và nhờ thần lực đi lên cõi Thiên để gặp chư Thiên và hỏi chuyện. Về sau Đức Phật dùng các đề tài này để thuyết pháp.

Vào cuối thế kỷ thứ ba đầu thế kỷ thứ tư, ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ chữ Phạn, nhưng các học giả, sử gia thì xác định bản kinh nầy xuất hiện vào thế kỷ thứ 6. Văn bản gốc do Trúc Pháp Hộ dịch (hoặc được viết trong thời đại của ông) còn lưu lại đều không đề cập đến nhân thân của Tôn giả Mục Kiền Liên và câu chuyện của mẹ ông, mà chỉ trong các tác phẩm của người đời sau tại Trung Quốc, như Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn được xác định viết vào khoảng từ thế kỷ thứ V đến cuối thế kỷ thứ X, mới có kể về sự tích trên. Giải đảo huyền là dịch ý theo mục đích của Kinh Vu-lan-bồn. Thật ra, từ Giải đảo huyền được các đại sư Trung Quốc lấy ý từ câu: Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã trong Mạnh Tử, chương 3 Công Tôn Sửu Thượng, chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng ở cảnh giới Địa ngục.

Do truyện tích mang tính văn hóa và giáo dục, nên được phát triển sâu rộng trong các nước châu Á. Tại Việt Nam ta, năm 1309, Pháp Loa đã đứng ra tổ chức Đại lễ Vu Lan, thiết đàn chay Vu Lan cầu nguyện cho Trúc Lâm, và cầu nguyện Quốc thái dân an, âm siêu dương thái. Cũng vào năm 1320, Pháp Loa còn tổ chức một trai đàn chẩn tế nữa ở chùa Đại Ninh trong cung để cầu nguyện cho Thượng hoàng Anh Tông sống lâu thêm, và trong dịp đó cũng làm lễ quán đỉnh cho Thượng Hoàng.

Trong việc cứu tế âm dương lưỡng lợi, báo hiếu thiên trọng về khoa nghi đã trở thành một truyền thống nghi lễ, vừa mang tính triết lý, văn chương, nghệ thuật, tâm lý, tuy đi quá xa với truyền thống tâm linh nguyên thủy vào thời Phật tại thế, nhưng cũng đã giúp cho hậu thế tin vào nhân quả, phước lành báo đáp thâm ân dưỡng dục và tri ân bá tánh vạn dân trong mùa báo hiếu. Không những chẩn thí cho người dương mà còn chẩn tế cho kẻ âm, âm dương lưỡng lợi mà theo nhà Phật: - "phổ đồng cúng dường".

Theo các nhà nghiên cứu văn sử, thì bản Thập giới Cô hồn Quốc văn của Lê Thánh Tông, Văn tế Thập loại Cô hồn của Nguyễn Du sau này đều lấy cảm hứng ở đoạn văn thỉnh thập loại cô hồn trong Khoa Nghi Du Già. Mới biết, đời sống hiện thực Vu Lan Báo báo hiếu đã đi vào tâm thức người Việt thật sâu lắng, nó đã kết tinh thành văn chương vừa mang tính nghệ thuật thẩm mỹ định hướng cho một quan điểm sống hướng thiện để sống đẹp, hưởng quả tốt.

Theo sách Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí ghi lại:
“Năm Nhâm Dần, niên hiệu Hoằng Định thứ ba (1603), thượng tuần tháng bảy. Bấy giờ Đoan vương Nguyễn Hoàng ái mộ đạo Phật từ bi, khuyên việc thiện, trồng duyên lành, nhân gặp tiết Trung Nguyên ngày rằm tháng bảy ra chùa Thiên Mụ cúng Phật, niệm kinh giải oan cầu phúc; tế độ chúng sanh, giúp người cứu khổ công đức vẹn thành”.
Còn Đại Nam Thực lục chính biên, đệ nhất kỷ ghi lại: “Năm Nhâm Tuất, Gia Long nguyên niên (1802) vua lập đàn ở Thiên Mụ để tế, tế khắp các chiến sĩ chết trận”.
“Năm Quý Hợi, Gia Long thứ hai (1803), lính các vệ thần sách đi vận tải lương thực gặp bão, chết mất 500 người ở ngoài biển. Vua xem họ là chiến sĩ trận vong, cấp cho tiền tuất và lại sai đặt đàn ở chùa Thiên Mụ để tế”.

Thế thì khoa nghi chẩn tế là một trong những phương cách cầu siêu bạt độ, báo ân tiền hiền liệt vị khởi phát từ ý nghĩa Vu Lan. Qua một số triều đại, và gần nhất là triều Nguyễn cũng đã chú trọng đến việc lập đàn chẩn tế hướng vọng Vu Lan.

Tùy tập quán của mỗi dân tộc mà mùa Vu Lan thể hiện một cách khác nhau, riêng Việt Nam, càng ngày càng đa dạng mang tính nghệ thật, văn hóa và đa cảm. Tại Nhật thì Vu Lan gọi là Obon, các lễ vật được hỏa thiêu vào đêm thứ ba trong mùa lễ bắt đầu ngày rằm tháng 8 dương lịch. Các đội múa nhân gian cũng biểu diễn kết hợp với phóng đăng trên sông, họ tin rằng ánh sáng những ngọn nến sẽ hướng linh hồn đến nhân gian hưởng lộc hoặc tiển chư linh về lại cõi âm sau ba ngày hội tụ. Ở Hàn Quốc, ngoài nghi lễ chính, cài hoa, còn có mục rửa chân cho cha mẹ. Mã Lai cũng có ngày báo hiếu nhưng không đa dạng như Việt Nam.

Đặc biệt Vu Lan năm nay, chiều 28/8, Đại sứ Mỹ Ted Osius đưa mẹ cùng những người thân khác đến chùa Quán Sứ dự lễ Vu Lan cùng đọc kinh tiếng Việt với chư Tăng.
Truyện tích Vu Lan và chẩn tế khởi xuất từ kinh Tiểu Bộ nói về Quỷ sự Uttaramaatu Petavatthuva.N.Nanaa. Thời bấy giờ chỉ nói đến việc làm phước hồi hướng cho quỷ Uất Đa La, chưa có khoa nghi chẩn tế. Về sau, kết hợp văn hóa Trung Quốc mới trở thành đàn chẩn, nhiều màu sắc nghệ thuật, nhưng chú trọng nặng phần nghi tế quá,dễ rời xa tinh thần nguyên thủy tu tập của Phật giáo để rồi phát sanh lắm hình thức rườm rà mê tín như đốt vàng mã.

Vu Lan, mùa báo hiếu và cũng là mùa công ích do Phật giáo Bắc truyền khởi xuất sẽ trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, một nét đẹp do các cao Tăng thạc đức tiếp biến từ nguồn gốc kinh Nguyên thủy, hài hòa qua những cánh Hồng được Thiền sư Nhất Hạnh quy nạp, được ban rãi phẩm vật đến chúng sanh từ các chùa và mạnh thường quân. Rồi chương trình văn nghệ Vu Lan cũng được các anh chị nghệ sĩ, gia đình Phật tử thực hiện để thêm sắc màu đa dạng cho một mùa hiếu vọng về vạn loại.

Một điều còn thiếu sót nhân mùa Vu Lan, không những cần thiết mà còn quan trọng - đó là bảo vệ môi trường xanh, sạch và đẹp. Vệ sinh thành phố, thôn ấp, trồng cây xanh; thể hiện đức hiếu ngay trong gia đình đối với song đường còn tại thế và anh chị bà con thân thuộc, bạn bè có mối liên quan thường hằng; Phật giáo cần khởi xướng để mùa báo ân được trọn vẹn.

MINH MẪN
31/8/2015

Đính kèm phẩm Mẫu quỷ sự kinh Tiểu bộ để tham khảo
UẤT ÐA LA MẪU QUỈ SỰ
(UTTARAMAATU PETAVATTHUVA.N.NANAA)
"Một vị Tỳ kheo mà đã đi để nghỉ trưa". Ðây là Ngạ quỉ sự về mẹ của Uttara . Ðây là phần giải thích về ý nghĩa của nó.
Khi Hội kiết tập tam tạng lần thứ nhất đã được tổ chức tại chỗ nhập Niết bàn của Bậc Ðạo sư, Ðại Ðức Mahaa Kaccaayana đang ngụ cùng với mười hai vị Tỳ kheo trong một khu rừng nọ không cách xa thành Kosa.mbi . Lúc bấy giờ, một vị tư tế quan của vua Udena, là người trước kia đã trông coi những công việc của vị ấy trong thành phố ấy, đã chết. Bởi vậy đức vua cho gọi đứa con trai của ông ta đến, là một chàng thanh niên tên là Uttara, và bổ nhiệm cậu ta vào chức vụ quản đốc khi nói rằng, "Bây giờ ngươi phải trông coi những công việc mà trước kia cha của ngươi đã trông coi". "Thưa vâng", Cậu ta đáp lại. Vào một hôm nọ, cậu ta đi đến khu rừng, đem theo một số thợ mộc để kiếm một số gỗ về sửa sang thành phố. Trong khi ở tại đó, vị ấy đi đến chỗ ngụ của vị Trưởng lão đáng kính Mahaakacchaayana và trông thấy Trưởng lão đang ngồi một mình ở đó và đang mặc những chiếc y được làm bằng vải vụn từ đống rác. Ðầy lòng tịnh tín khi trông thấy riêng oai nghi này của Ngài, vị ấy đảnh lễ Trưởng lão, nói lời chào hỏi thân mật, và rồi ngồi xuống ở một bên. Rồi Trưởng lão thuyết pháp cho vị ấy. Khi đã nghe qua pháp, vị ấy có đầy lòng tịnh tín đối với Tam bảo và, khi đã được an trú trong tam qui, bèn mời Trưởng lão, khi nói rằng, "Bạch Ðại Ðức, xin Ngài hãy bi mẫn mà nhận lời mời của con đến Ngài và Chư Tăng để đến thọ thực trong ngày hôm sau".
Trưởng lão nhận lời bằng cách im lặng. Rồi vị ấy rời khỏi chỗ ấy, đi đến thành phố và báo tin cho những thiện tín khác biết, khi nói rằng, "Tôi đã mời Trưởng lão trong ngày hôm sau. Các bạn cũng nên đến nhà của tôi nơi mà những vật thí sẽ được cho ra". Vào lúc sáng sớm của ngày hôm sau, vị ấy sai sửa soạn vật thực loại cứng và loại mềm, sai công bố rằng đã đến giờ và rồi đi ra để đón tiếp Trưởng lão khi ngài đang đi đến với mười hai vị Tỳ kheo. Vị ấy đảnh lễ họ và mời họ vào nhà. Khi Trưởng lão và các vị Tỳ kheo đã ngồi trên những chỗ ngồi đã được soạn sẵn với những đồ trải đắc giá và thích hợp, vị ấy cúng dường đến các Ngài vật thơm, những bông hoa, hương trầm và đèn nến; và làm thoả mãn các Ngài bằng đồ ăn và thức uống thượng vị. Ðầy lòng tịnh tín và với hai tay chấp lại trong thái độ tôn kính, vị ấy lắng nghe lời tuỳ hỷ của các Ngài.
Khi Trưởng lão đang đi, sau khi sự phúc chúc cho bữa thọ thực đã được thực hiện, vị ấy cầm lấy bát Trưởng lão và, khi đi theo các Ngài, rời khỏi thành phố. Sau khi đã thỉnh Trưởng lão quay lui, vị ấy thỉnh cầu Trưởng lão rằng, "Bạch Ngài, Ngài nên viếng thăm nhà con thường xuyên", và rồi trở về sau khi biết được Trưởng lão đã nhận lời mời. Khi hầu hạ Trưởng lão như vậy, vị ấy được an trú trong giáo giới của Trưởng lão và chứng đắc quả thánh Tu đà hườn. Vị ấy sai dựng lên một phước xá, khiến cho tất cả quyến thuộc của vị ấy được tìm thấy đức tin trong giáo pháp. Tuy nhiên, mẹ của vị ấy, có tâm bị che mờ bởi lòng bỏn xẻn và hay chửi mắng vị ấy như vầy, "Cầu cho đồ ăn và thức uống này mà mày đã cho đến các vị Sa môn như vậy, trái nghịch với ước muốn của tao, sẽ biến thành máu nhơ cho ngươi trong kiếp sau!" Tuy nhiên bà ta, đã bỏ ra một cành thoa bằng lông đuôi của con chim công để dâng cúng nó trong ngày đại nhựt của tịnh xá ấy. Khi bà ta chết và tái sanh trong cõi Ngạ quỉ và do quả phước của vật thí bằng cái thoa từ lông đuôi của con chim công nên tóc của bà ta đen, mướt, xoắn ở đuôi tóc, mịn và dài. Khi nữ quỉ đi xuống dòng sông Hằng nghĩ rằng ta sẽ uống nước", thì dòng sông ấy biến thành máu. Trong năm mươi lăm năm nàng đi lang thang, bị đói và khát.
Rồi một hôm nọ nàng trông thấy Trưởng lão Ka.nkhaarevata đang ngồi trên bờ sông để nghỉ trưa. Nữ quỉ đi đến Trưởng lão trong khi che mình bằng mái tóc dài và xin Ngài một ít nước. Liên quan đến điều này, lời nói sau đây được nói đến, hai câu kệ cuối đã được lồng vào ở đây bởi những vị kiết tập Tam tạng:
1. "Con Nữ Ngạ quỉ trông xấu xí và ghê sợ ấy đi đến một vị Tỳ kheo mà đã đi nghĩ trưa và đang ngồi ở trên bờ sông hằng.
2. Tóc của nàng rất dài, xõa xuống đến đất. Ðược che phủ bởi tóc của nàng, nàng nói với vị Sa môn như vầy.
3. Trong năm mươi lăm năm từ khi tôi chết, tôi không biết là đã ăn hay đã uống nước như thế nào xin hãy cho tôi một ít nước, thưa Ngài tôi bị khô khát vì thiếu nước.
4. "Nước mát của sông hằng chảy xuống từ Hi mã lạp sơn - ngươi có thể lấy một ít ở đây mà uống. Tại sao lại xin nước ở nơi ta?"
5. "Thưa Ngài, nếu chính tôi lấy nước từ sông hằng thời nó sẽ biến thành máu dành cho tôi. Ðó là lý do khiến tôi xin nước".
6. "Ác nghiệp nào được làm bởi ngươi do thân, khẩu hoặc ý? Do kết quả của ác nghiệp nào khiến nước biến thành máu dành cho ngươi?"
7. "Thưa Ngài, con trai của tôi là Uttara, có đức tin và là một Thiện nam đã chống lại ý muốn của tôi, nó ban cho những vị Sa môn những y phục và những vật thực, những vật dụng và những chỗ ngụ.
8. Nhưng tôi, bị khuấy động bởi lòng bỏn sẻn, đã nguyền rủa nó như vầy, "Cầu cho những chiếc y và vật thực bố thí, những vật dụng và những chỗ ngụ mà mày ban đến cho những vị Sa môn, chống lại ý của tao.
9. Cầu cho điều này hãy biến thành máu dành cho ngươi trong kiếp sau, này Uttara!" chính do kết quả của nghiệp ấy khiến cho sông hằng trở thành máu dành cho tôi".
Rồi Ðại Ðức Revata đã cho một số nước đến Chư Tăng nhân danh nữ ngạ quỉ, đi khất thực và lấy vật thực mà vị ấy đã gom được đem dâng đến chư Tăng. Vị ấy lượm những miếng vải từ đống rác v.v... rửa sạch chúng rồi kết thành những tấm nệm và tấm thảm, và cho đến các vị Tỳ kheo. Và bằng cách này, nữ Ngạ quỉ ấy đạt đến sự vinh quang của chư Thiên. Nàng đi đến Trưởng lão và cho Trưởng lão thấy sự vinh quang của chư Thiên mà nàng đã đạt được. Trưởng lão giải thích vấn đề ấy với tứ chúng mà đã đến trước mặt Trưởng lão và rồi ban ra một thời pháp thoại. Dân chúng, đầy xúc động, nhờ đó được thoát khởi bợn nhơ của lòng ích kỷ và lấy làm hoan hỷ trong những thiện pháp như bố thí v.v...
Quỉ sự này nên được xem là đã được kết thúc trong bản sưu tập này tại hội kiết tập lần thứ hai.




Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

NGƯỜI BIẾT ƠN VÀ BIẾT ĐỀN ƠN

(KATAÑÑŪ KATAVEDĪ PUGGALA)
 

NGƯỜI BIẾT ƠN VÀ BIẾT ĐỀN ƠN 
(KATAÑÑŪ KATAVEDĪ PUGGALA)

Đức-Phật dạy rằng: 
Dveme bhikkhave, puggalā dullabhā lokasmiṃ. Katame dve?
Yo ca pubbakārī, yo ca kataññū katavedī.
Ime kho bhikkhave, dve puggalā dullabhā lokasmiṃ.()

- Này chư tỳ-khưu! Hai hạng người khó có trong đời này. Hai hạng người ấy là ai?

* Pubbakārī: Hạng người ban ơn trước,
* Kataññū katavedī: Hạng người biết ơn và biết đền ơn đến Người đã ban ơn trước cho mình.
- Này chư tỳ-khưu! Đó là hai hạng người khó có trong đời này.

* Mẹ Cha Với Con

Mỗi người chúng ta được hiện hữu trên đời này đều do nương nhờ công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, nên mẹ cha được gọi là pubbakārī là Người đã ban ơn cho các con trước. Ví như người đã cho con vay nợ trước.

Đối với người con phải có bổn phận biết ơn mẹ cha và biết trả ơn mẹ cha đã có công ơn sinh thành dưỡng dục, từ khi đầu thai vào lòng mẹ, khi sinh ra đời cho đến lúc trưởng thành, nên được gọi là kataññū katavedī là người con biết ơn mẹ cha và biết trả ơn mẹ cha. Ví như người trả nợ đã vay.

Vị Tỳ-Khưu Phụng Dưỡng Mẹ Cha Già

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthī. Khi ấy, vị tỳ-khưu chí hiếu biết lo phụng dưỡng mẹ cha một cách chu đáo. Hằng ngày, mỗi buổi sáng, vị tỳ-khưu đi khất thực cháo đem về dâng cho mẹ cha dùng buổi sáng.

Buổi trưa, vị tỳ-khưu mang bát vào trong kinh-thành Sāvatthi đi khất thực, đem vật thực về dâng mẹ cha dùng cho no đủ trước. Sau đó, vị tỳ-khưu lại đi khất thực một lần nữa, nếu có được vật thực thì Ngài mời mẹ cha dùng thêm. Khi mẹ cha no đủ, Ngài mới dùng phần vật thực còn lại.

Hằng ngày, vị tỳ-khưu ấy chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha đầy đủ, không để mẹ cha phải chịu cảnh đói khát.

Vị tỳ-khưu đi khất thực có được vật thực đem về dâng cho mẹ cha dùng no đủ trước, nếu còn thừa thì Ngài mới dùng phần vật thực còn lại ấy. Vì vậy, đời sống của Ngài có bữa no bữa đói,

cho nên thân thể của Ngài càng ngày càng gầy, vì thiếu vật thực.

Nếu có được tấm vải mới nào thì Ngài đem dâng tấm vải mới ấy đến mẹ cha mặc. Nếu mẹ cha xả bỏ tấm choàng cũ thì vị tỳ-khưu đem giặt sạch sẽ, rồi nhuộm màu lại vá vào tấm y cũ rách của Ngài, hoặc lượm các tấm vải mà người ta vất bỏ, đem về giặt sạch sẽ, nhuộm màu lại, rồi vá vào tấm y cũ rách của Ngài, cho nên tấm y của Ngài có nhiều miếng vá.

Hằng ngày, vị tỳ-khưu ấy chỉ biết lo chăm sóc phụng dưỡng mẹ cha cho được no ấm mà thôi. Về phần Ngài có thân hình gầy ốm, mặc bộ y cũ có nhiều miếng vá.

Nhìn thấy vị tỳ-khưu ấy gầy ốm xanh xao, mặc bộ y cũ có nhiều mảnh vá như vậy, nên các vị tỳ-khưu khác hỏi Ngài rằng:

- Này pháp-hữu! Trước kia pháp-hữu có thân thể khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, nhưng nay thân thể của pháp-hữu gầy ốm xanh xao như vậy, pháp hữu có mắc phải bệnh gì không?
Pháp-hữu không có y mặc hay sao, mặc bộ y quá cũ có nhiều miếng vá như vậy?

Nghe các vị tỳ-khưu khác hỏi như vậy, vị tỳ-khưu ấy trả lời rằng:

- Này quý pháp-hữu! Thật ra, tôi không bị mắc bệnh gì cả. Hằng ngày tôi có bổn phận phải lo chăm sóc, phụng dưỡng mẹ cha già của tôi cho được no ấm.
- Này quý pháp hữu! Tôi đi khất thực được phần vật thực, đem về dâng lên cho mẹ cha tôi dùng trước, khi mẹ cha tôi đã dùng no đủ, thì tôi mới dùng phần còn lại, nên có bữa no bữa đói.
Do đó, thân thể của tôi bị gầy ốm, xanh xao như thế này, vì thiếu vật thực, chứ không bị mắc bệnh gì cả.

Và nếu khi tôi có tấm vải mới nào thì tôi dâng tấm vải ấy đến mẹ cha tôi mặc. Nếu mẹ cha tôi xả bỏ tấm choàng cũ thì tôi lấy, hoặc tôi lượm tấm vải người ta bỏ, đem giặt sạch sẽ, nhuộm màu lại, rồi vá vào tấm y cũ rách của tôi, cho nên, tấm y của tôi có nhiều miếng vá như vậy.

Nghe vị tỳ-khưu thuật lại như vậy, các pháp- hữu bảo với vị tỳ-khưu ấy rằng:

- Này pháp-hữu! Những thí chủ có đức tin trong sạch làm phước-thiện bố-thí các món vật thực, vải may y, … cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, Đức-Thế-Tôn không cho phép tỳ-khưu đem những thứ vật thực, vải may y ấy phụng dưỡng người tại gia cư sĩ.

Như vậy, pháp-hữu đã làm việc không nên làm, thật đáng chê trách.

Nghe lời chê trách của pháp-hữu, vị tỳ-khưu ấy cảm thấy hổ thẹn.

Chư tỳ-khưu ấy đem việc này bạch lên Đức-Thế-Tôn rằng:

- Kính Bạch Đức-Thế-Tôn, những thí chủ có đức-tin trong sạch làm phước-thiện bố-thí cúng-dường vật thực, vải may y đến chư tỳ-khưu-Tăng, mà vị tỳ-khưu ấy đem phần của mình lo chăm sóc, phụng dưỡng hai người tại gia cư sĩ. Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn cho truyền gọi vị tỳ-khưu ấy đến bèn hỏi rằng:

- Này tỳ-khưu! Như-Lai nghe nói rằng: những thí chủ có đức-tin trong sạch làm phước-thiện bố-thí cúng-dường vật thực, vải may y đến chư tỳ-khưu-Tăng, con đã đem phần của con lo chăm sóc, phụng dưỡng hai người tại gia cư sĩ. Chuyện ấy có thậy hay không?

Vị tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chuyện ấy có thật như vậy. Bạch Ngài.

- Này tỳ-khưu! Con đem những vật thực, vải may y lo chăm sóc, phụng dưỡng hai người tại gia cư sĩ ấy. Vậy hai người ấy có liên quan với con như thế nào?

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con đem những vật thực, vải may y lo chăm sóc, phụng dưỡng hai người tại gia cư sĩ ấy, bởi vì hai người này chính là mẹ và cha của con. Bạch Ngài.

Để cho vị tỳ-khưu ấy phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ, nên Đức-Phật tán dương ca tụng rằng:

Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Lành thay! ba lần như vậy.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy tỳ-khưu ấy rằng:

- Này tỳ-khưu! Con đã làm bổn phận người con chí hiếu, biết ơn mẹ cha và biết trả ơn mẹ cha, biết chăm lo săn sóc, phụng dưỡng mẹ và cha già.

Con đã làm theo truyền thống dòng dõi của chư Đức-Bồ-tát tiền kiếp của Như-Lai, dù sinh làm người, dù sinh làm loài thú, loài chim đều có bổn phận biết chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha già.

Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Như-Lai đã từng chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha già mù đôi mắt trong thời quá khứ.

Trả Ơn Mẹ Cha Không Dễ
(Na Suppatikāraṃ)

Mỗi người được hiện hữu trên cõi đời do nhờ công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, cho nên, công ơn của mẹ cha thật là lớn lao vô lượng, vô biên mà bổn phận làm con khó mà đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha một cách xứng đáng được.

Đức-Phật dùng ví dụ rằng:

Người con đặt mẹ bên vai phải, đặt cha bên vai trái, cung phụng đầy đủ mọi thứ nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của mẹ cha, tắm rửa, xoa bóp, xức nước hoa, ăn uống ngủ nghỉ, thậm chí mẹ cha đi tiểu tiện ở trên vai của người con, suốt thời gian tuổi thọ 100 năm như vậy.

Dù người con có thật sự làm được như vậy, thì cũng chưa có thể gọi là người con chí hiếu trả công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha một cách xứng đáng, bởi vì mẹ cha có công ơn lớn lao vô lượng, vô biên, … đối với người con. Mẹ cha cho con sinh ra đời, nuôi nấng, dưỡng dục con nên người.

Vậy, người con có cách nào để trả công ơn mẹ cha một cách xứng đáng hay không?

Đức-Phật dạy 4 pháp với ý nghĩa:

* Người con nào biết mẹ cha là người không có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo; không tin nghiệp và quả của nghiệp,… người con ấy nên thuyết phục mẹ cha trở thành người có đức-tin đầy đủ (saddhāsampadā).

* Người con nào biết mẹ cha là người không có ngũ-giới,… trong sạch, người con ấy nên thuyết phục mẹ cha trở thành người có ngũ-giới trong sạch và đầy đủ trọn vẹn (sīlasampadā).

* Người con nào biết mẹ cha là người có tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải tiền bạc của mình,… người con ấy nên thuyết phục mẹ cha trở thành người có đại-thiện-tâm hoan-hỷ trong sự làm phước-thiện bố-thí, cúng-dường đến chư tỳ-khưu-tăng, v.v… người có sự bố-thí đầy đủ (cāgasampadā).

* Người con nào biết mẹ cha là người không có trí-tuệ sáng suốt,… người con ấy nên thuyết phục mẹ cha trở thành người có trí-tuệ sáng suốt, thấy rõ biết rõ thật-tánh của các pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ các sắc-pháp, danh-pháp tam-giới và siêu-tam-giới, người có trí-tuệ đầy đủ (paññāsampadā).

Ví như Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thuyết pháp tế độ mẫu thân trở thành bậc Thánh-Nhập-lưu. Cho nên, Ngài Đại-Trưởng-lão dạy rằng:
“Tôi đã trả ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ tôi rồi.”

Nếu người con nào có khả năng thuyết phục:

* mẹ cha là người không có đức-tin, trở thành người có đức-tin đầy đủ (saddhāsampadā).

* mẹ cha là người không có ngũ-giới,… trở thành người có ngũ-giới trong sạch và đầy đủ trọn vẹn.

* mẹ cha là người có tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải, tiền bạc của mình, trở thành người hoan-hỷ trong sự bố-thí đầy đủ (cāgasampadā).

* mẹ cha là người không có trí-tuệ, trở thành người có trí-tuệ sáng suốt, có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ thật-tánh của các sắc-pháp, danh-pháp đầy đủ (paññāsampadā).

Thì người con ấy mới được gọi là người con biết ơn mẹ cha và biết trả ơn mẹ cha của mình một cách xứng đáng.
Nếu trường hợp người con không có khả năng thuyết phục mẹ cha được thì thỉnh mời các vị Trưởng-lão đến thuyết giảng để cho mẹ cha trở thành người có đức tin, có giới trong sạch, biết bố thí, có trí-tuệ thì người con ấy cũng được gọi là người con biết ơn mẹ cha và biết trả ơn mẹ cha của mình một cách xứng đáng.
Thật vậy, dù người con cung phụng những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày đến mẹ cha thì cũng chỉ giúp đỡ về phần thân thể của mẹ cha được an-lạc trong kiếp hiện-tại mà thôi.

Nếu người con nào có khả năng thuyết phục mẹ cha trở thành người có đức-tin đầy đủ (saddhāsampadā), có ngũ-giới trong sạch và đầy đủ (sīlasampadā), có sự bố-thí đầy đủ (cāga-sampadā), có trí-tuệ đầy đủ (paññāsampadā) thì mẹ cha chắc chắn không chỉ hưởng sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại mà còn hưởng vô số kiếp vị-lai, nhất là làm nhân-duyên dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.
Cho nên, người con ấy được gọi là người con chí hiếu biết ơn mẹ cha (kataññū) và biết trả công ơn (katavedī) sinh thành dưỡng dục của mẹ cha một cách xứng đáng.

Trích nguồn sách : NGƯỜI BIẾT ƠN VÀ BIẾT ĐỀN ƠN (KATAÑÑŪ KATAVEDĪ PUGGALA)

Soạn-giả : Tỳ-khưu Hộ-Pháp
Dhammarakkhita Bhikkhu
(Aggamahāpaṇḍita)

Men chuyen

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Tu viện vàng trên núi độc nhất Thế Giới.



Việc xây dựng một tu viện bề thế trên những vách núi đá dốc
đứng là một kỳ công của người Miến Điện cổ xưa.

alt
Tu viện Phật giáo Taung Kalat ở Myanmar được coi là một trong những công trình tôn giáo được xây dựng ở nơi hiểm trở nhất thế giới.

.
alt
Tu viện này được xây dựng trên đỉnh núi Popa, một ngọn núi lửa đã tắt, từ nhiều thế kỷ trước.

.
alt
Tu viện tọa lạc ở độ cao 737m so với mặt đất. Muốn lên tới đây, du khách phải leo tổng cộng 777 bậc thang.
alt



Khi vượt qua thử thách này, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng toàn thể quang cảnh rộng lớn từ đỉnh núi. 

alt

alt

alt

alt

alt
alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt
http://kuriositas.com/

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

* LỄ BÁO ÂN

Mùa Thu, tháng bảy, thường gọi là mùa Vu Lan, mùa báo hiếu của những người con Phật thuộc Phật giáo Bắc truyền.
Từ ngày lễ cài hoa được du nhập vào Việt Nam, tuy được tiếp biến nét văn hóa nước ngoài, truyền thống báo hiếu của người Việt đã có thêm nét đẹp nghệ thuật trong lễ cài hoa. Nghi thức cài hoa hồng tại Việt Nam khởi xuất từ cuốn sách "Bông Hồng cài áo" của thầy Thích Nhất Hạnh vào tháng 8 năm 1962, được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc rất nổi tiếng và rất truyền cảm. Suốt nhiều thập kỷ nhạc phẩm được sử dụng trong dịp báo hiếu vào mùa Vu Lan trong Tháng Bảy mưa Ngâu. Đã có nhiều ca ca sĩ từng hát nhạc bản "Bông Hồng cài áo" như: Thái Thanh, Duy Khánh, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Miên Đức Thắng, Nguyễn Hưng, Cẩm Vân, Quang Linh, Bằng Kiều, Đan Trường, Mạnh Quỳnh...
Nguyên nhân, vào một dịp Thiền sư Thích Nhất Hạnh chứng kiến ngày lễ của mẹ về một tập tục đẹp mà thầy gặp ở Nhật Bản, thầy viết:
"Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm (năm đó). Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng...

Thay vì dùng hoa Cẩm Chướng như ở Nhật, thầy dùng hoa hồng để thích hợp với sở thích của người Việt. Từ đó, hoa hồng hai màu trắng đỏ, màu trắng biểu tượng mất mẹ mất cha và màu đỏ còn cha còn mẹ. Biểu tượng đó gợi nhớ ân sanh thành dưỡng dục của hai đấng cao sơn.

Lễ cài hoa chỉ là một phần của lễ báo hiếu. Báo hiếu xuất phát từ nguồn gốc của Phật giáo Bắc truyền với bản kinh ngắn -"Phật thuyết kinh Vu Lan Bồn" do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ sanscrit sang Hán vào đời Tây Tấn (750-801 sau công nguyên). Chữ Vu Lan phiên âm từ chữ Ullambana, nghĩa chữ Hán là giải đảo huyền, có nghĩa "cứu nạn treo ngược". Theo sự tích Thánh Tăng Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, qua sự hướng dẫn và giải thích của đức Thế Tôn. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) .
 
Kinh Thi có câu: “Phụ hề sinh ngã. Mẫu hề cúc ngã. Ai ai phụ mẫu, Sinh ngã cù lao. Dục báo thâm ân, hiếu thiên vãn cực”. (Cha sinh ra ta. Mẹ nuôi nấng ta. Thương Cha Mẹ lắm, vì sinh ta nhọc nhằn. Đến khi muốn báo đáp ân sâu, thì than ôi, trời cao không cùng!).
Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, có hai hạng người, ta nói là không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, một bên vai cõng Cha, làm như vậy suốt một trăm năm, cho đến khi Cha Mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỳ Kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cho Mẹ và Cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, Mẹ Cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ Kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn Mẹ và Cha...” (Kinh Tăng Chi I-75)
Phật dạy trong Kinh Nhẫn Nhục: “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tột điều ác không gì hơn bất  hiếu”.

Phật dạy: “Những gia đình nào, này các Tỳ Kheo, trong ấy các con cái kính lễ Mẹ Cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ Kheo, trong ấy các con cái kính lễ Mẹ Cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ Kheo, trong ấy các con cái kính lễ Mẹ Cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường”.

Phạm Thiên, này các Tỳ Kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Các đạo sư thời xưa, này các Tỳ Kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳ Kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ Kheo, là Mẹ Cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời” (Phật thuyết như vậy, Cat, 7 - 503)

Hiếu và báo hiếu rất quan trọng với người con Phật cũng như truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Trước khi có tập quán báo ân nhân mùa Vu Lan, người dân vẫn biết cung phụng hầu hạ cha mẹ lúc về già. Con cái có dịp phụng dưỡng để báo hiếu mẹ cha trong xã hội ta. Các nước tiên tiến, cha mẹ già phải sống cô độc, cô đơn trong viện dưỡng lão. Con có hiếu lắm, cũng chỉ đáo lai thăm viếng vào cuối tuần, nhưng đa phần bỏ mặc mẹ cha hẩm hiu với bốn vách tường giữa những lão ông lão bà đồng cảnh ngộ.
Thời gian qua, hình thức tri ân báo hiếu của người Phật tử chỉ thể hiện trong mùa Vu Lan, với sự chứng minh của chư Tăng-Ni, đọc bài ý nghĩa và ghi nhớ công lao cha mẹ, tặng món quà tượng trưng và quỳ trước mẹ cha, ôm hôn, rồi cài hoa. Tuy chỉ có thế, nhưng đủ tạo cảm động cho những ai có mặt. Năm nào cũng tái diễn như thế trở thành lối mòn nhàm chán, đưa đến biểu diễn hình thức hơn là tạo ý nghĩa thâm sâu thật sự của việc báo hiếu. Năm nay, với góp ý của một Phật tử, gia đình chị Nguyệt tại Nghệ An đã thực hiện một nghi cách báo hiếu thật sâu sắc và đậm nét thực tế tại gia. Người Phật tử khởi xướng có tên là Pháp Minh, đã thực hiện mỗi ngày khi phục dịch thân mẫu ngoài trăm tuổi, vệ sinh chăm sóc hàng ngày một cách nhiệt tình và thật lòng, không tỏ ra gớm ghiết ghê bẩn như hầu hết những ai chăm sóc người già; chẳng những thế, sau khi cụ bà được sạch sẽ, anh còn ôm hôn bà cụ, làm bà cảm động và nói: -"Con cực với mẹ quá, mẹ bẩn thỉu mà con phục vụ không ngại ngùng..." - có gì đâu mẹ, anh đáp- mẹ đâu có hôi dơ gì, cũng đâu cực bằng mẹ đã vì con chăm sóc con suốt thời kỳ thơ ấu. Con lo cho mẹ như thế chả thấm vào đâu". Bà cụ rơm rớm nước mắt, cười sung sướng càng làm nhăn nheo thêm những luống cày trên má.
Chị Nguyệt cùng chồng cũng tổ chức báo hiếu có sự tham dự của anh em bà con trong ngày 24/8 vừa qua. Cụ ông sau khi được vợ chồng chị Nguyệt chăm sóc tận tình, nói lời yêu thương và đọc lên những suy nghĩ về công ơn cha mẹ, vòng hoa quàng vào cổ. Ông cụ cũng cảm động và những ai chứng kiến đều phấn khởi, tình nguyện năm sau họ xin được đứng ra thực hiện. Một giỏ trái cây được gửi từ cao nguyên chúc mừng thân sinh của chị Nguyệt, ông cụ đã tiếp chuyện với Pháp Minh bằng tâm thái vui vẻ sung sướng và cảm động.
Theo anh Pháp Minh, ta phải thể hiện báo hiếu bằng hành động cụ thể chứ không phải trình diễn như những thủ tục bao năm qua mỗi lần Vu Lan về. Tại sao hàng ngày ta không thể hiện hiếu thảo mà phải đợi đến mùa Vu Lan? Ông cụ thân sinh của Pháp Minh cũng ngoài trăm tuổi vừa qua đời năm ngoái. Khi ông cụ còn tại tiền, tuy rất bận rộn việc nương rẫy, anh ta vẫn chăm sóc song thân một cách chu tất, nay còn mỗi cụ bà, anh còn tận tụy hơn để thể hiện đúng chức năng của người con Phật. Theo Pháp Minh, mỗi mùa Vu Lan, ta nên tổ chức tri ân, báo hiếu tại nhà với sự tham gia của con cháu, để cháu con noi gương. Đây là sáng kiến báo ân qua hình thức tổ chức tại gia, chúng ta cần nghiên cứu áp dụng để tăng thêm sự phong phú mùa báo hiếu của Phật giáo.

MINH MẪN

25/8/2015

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

THẾ NÀO GỌI LÀ NHÌN SÂU?


- (Trích từ tác phẩm: "Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu" - Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Hỏi: Kính thưa thầy, thế nào gọi là nhìn sâu? Có phải có công thức chăng? Xin Thầy dẫn chứng cho chúng con biết một vài phương cách nhìn sâu, ví dụ như đối với cơn giận, niềm đau và lòng thiếu kiên nhẫn. Sau khi đã thực tập nhận diện, ôm ấp và làm lắng dịu những tâm hành ấy, chúng con phải thực tập như thế nào với những bước kế tiếp?
Thầy: Nhìn sâu là động từ tôi thường sử dụng trong quá trình tu tập và giảng dạy. Chúng ta không phải chỉ thực tập nhìn sâu bằng mắt mà còn thực tập nhìn sâu bằng tai nữa. Sử dụng tai để lắng nghe, gọi là lắng nghe sâu. Nhìn sâu sẽ đưa tới cái thấy sâu, gọi là tuệ giác, tức là sự hiểu biết lớn; lắng nghe sâu sẽ giúp cho cái thấy của ta sâu hơn, phù hợp với thực tại. Chúng ta người nào cũng có hai con mắt và hai lỗ tai, nhưng nếu không có ánh sáng của chánh niệm soi chiếu vào thì không thể thực tập nhìn sâu và lắng nghe sâu được. Ví dụ, muốn nhìn sâu vào bản chất của hơi thở vào, ta không cần sử dụng đến nhãn căn và nhĩ căn, ánh sáng chánh niệm trong vùng ý thức (thức thứ sáu) của ta sẽ làm công việc ấy. Nhìn sâu nghĩa là có mặt đích thực và ý thức sâu sắc với đối tượng ấy, tâm ý ta không bị tán loạn, an trú vững vàng và trở thành một với đối tượng; trạng thái đó gọi là Định. Có khi ta sử dụng mắt, có khi ta sử dụng tai, có khi ta sử dụng tâm thức của ta để nhìn sâu. Thế nhưng Niệm và Định là hai nguồn năng lượng mà ta phải thường xuyên sử dụng để làm nền tảng cho sự thực tập nhìn sâu. Không có Niệm và Định, ta không thể có mặt lâu bền với đối tượng quán chiếu được.
Đôi khi ta cũng có thể vận dụng sự suy tư của ta. Tuy nhiên suy tư có hai loại: Tầm (vitarka) và Từ (vichara). Trong nhiều trường hợp, suy tư có thể dẫn đến sự lầm lạc, ảo giác và dễ bị đánh mất mình. Nhưng thỉnh thoảng, nếu ta biết điều phục những dòng suy tư của ta một cách khéo léo, thì suy tư có thể giúp ta thấy sâu và rõ hơn. Đức Thế Tôn dạy rất rõ về phép thực tập nhìn sâu. Ngài nói rằng ta phải tập nhìn để tiếp xúc cho được với bản chất Vô thường về đối tượng đang được quán chiếu. Chúng ta học giáo lý Vô thường không phải để đem ra bàn luận hoặc nói suông: “Cái này vô thường. Cái kia vô thường. Đời là Vô thường cho nên khổ...” mà phải thật sự tiếp xúc với bản chất Vô thường của mọi sự mọi vật. Chúng ta có thể sử dụng trí năng để nói rằng: ''Tôi biết bông hoa này Vô thường'', nhưng đó có thể chỉ là trên bề mặt ý thứ thôi. Chúng ta phải chạm cho được thực tại của Vô thường trong chiều sâu của nó để vượt thắng ý niệm về Vô thường. Ý niệm về Vô thường không phải là thực tại của Vô thường.
Nếu ta thật sự tiếp xúc được với bản chất của Vô thường, ta cũng đồng thời tiếp xúc được với bản chất của Vô ngã, Tương tức và Niết bàn. Vô thường, Vô ngã và Niết bàn là ba cánh cửa giải thoát - Tam Giải Thoát Môn; có khi gọi là Tam Pháp Ấn. Phần đông chúng ta đã có một ít kinh nghiệm qua sự học hỏi từ kinh sách về giáo lý Vô thường, Vô ngã và Niết bàn rồi tự cho là mình đã hiểu, đã nắm bắt được thực tại. Coi chừng! Có thể mình đang tự đánh lừa mình đấy. Khi đọc lại những lời kinh và quán chiếu lại, ta thấy rằng thực ra mình chưa hiểu, chưa thực nghiệm chút xíu gì về thực tại Vô thường cả.
Khi nhìn vào bông hoa này, ta có thể thấy ngay được bông hoa này là Vô thường. Ta chấp nhận sự Vô thường của bông hoa. Nhưng khi va chạm với đời sống thực tế, nhất là đối với bản thân ta, thì hình như cái thấy ấy không dính líu gì đến ta cả; lý do là vì ta chưa thật sự trực nhận, chưa thật sự sống một cách sâu sắc với thực tại của vô thường, ta chỉ thấy một cách hời hợt trên bề mặt của trí năng mà thôi. Nếu sống sâu sắc với thực tại của vô thường, ta sẽ tiếp xúc được với thực tại của vô ngã và của Tương tức - thế giới không sinh không diệt của mọi sự mọi vật. Nếu ta thật sự tiếp xúc được với bản chất không sinh không diệt của mọi sự mọi vật, thì tất cả các phiền não, sầu đau, sợ hãi sẽ tan biến hết. Chừng nào nỗi u sầu, sợ hãi, ghen tỵ và thèm khát còn có mặt, thì ta biết rằng ta chưa thật sự tiếp xúc sâu sắc với thực tại Vô thường, Vô ngã và Tương tức của mọi sự mọi vật.
Phép thở thứ mười bốn của kinh Quán Niệm Hơi Thở giúp ta nhìn sâu vào đối tượng của sự tham đắm, thèm khát của ta và nếu nhìn cho thật thấu đáo, ta sẽ giác ngộ rằng những thứ ấy không phải là đối tượng của chân hạnh phúc. Ta có cái ảo tưởng về hạnh phúc và ảo tưởng ấy thường đem lại cho ta rất nhiều khổ đau. Nếu thật sự hiểu được bản chất của đối tượng ấy không phải là đối tượng đích thực của ước muốn sâu kín của ta, ta sẽ buông bỏ và đạt tới tự do lớn. Những đối tượng mà ta đang chạy theo, đang tìm cầu có thể chỉ là sự thèm khát về danh, lợi, quyền hành và sắc dục. Nếu nhìn thật kỹ vào bản chất của năm dục ta sẽ thấy được tính chất tàn phá và nguy hại của chúng; nếu sa lầy vào chúng ta sẽ đau khổ cực kỳ. Năm dục là cạm bẫy. Nếu vì tri giác sai lầm, ta tiếp tục bám chặt vào cái ước muốn, bám sát vào sự thèm khát của ta, tin rằng những thứ này sẽ đem lại cho ta chân hạnh phúc thì ta sẽ khổ và sẽ làm cho những người thương của ta khổ theo. Hạnh phúc chân thật không thể có được nếu ta không thấy rõ được bản chất đích thực của đối tượng thèm khát, ước muốn của ta. Bản chất đích thực của thực tại chỉ có thể đạt được bằng sự thực tập nhìn sâu - quán chiếu.
Khi đức Thế Tôn dạy về giáo lý Vô thường, Vô ngã, Không, Tương tức, không sinh không diệt v.v… và gợi ý cho ta thấy bản chất của những giáo lý này không phải là những đối tượng của sự tìm cầu, không phải là những đối tượng của sự nắm bắt và bám víu, tức là Ngài đang giúp ta nhìn sâu. Nếu quý vị nhìn vào những đặc tính này của thực tại - Vô thường, Vô ngã, Không, Tương tức, không sinh không diệt - không phải như là những đối tượng của sự tìm cầu, thèm khát, nắm bắt để đàm luận, quý vị mới thật sự được tự do, giải thoát. Có khi vận dụng sự suy tư nhưng có khi quý vị chỉ cần ôm ấp đối tượng của sự quán chiếu. Có rất nhiều cách để thực tập nhìn sâu, nhưng mục đích của ta là để chứng nghiệm thực tại, thâm nhập vào sự sống và trở thành một với sự sống. Đây là điểm then chốt của sự thực tập nhìn sâu, gọi là thiền quán, tiếng Phạn là vipashyana. Muốn thực tập thành công, quý vị phải tinh tấn vun trồng năng lượng của Niệm và Định, vì hai nguồn năng lượng này sẽ giúp quý vị thể nhập sâu sắc vào lòng sự vật và đạt được tuệ giác Vô thường, Vô ngã và Tương tức, an trú được vào cảnh giới của Niết Bàn tịch tĩnh. Niết Bàn là sự vắng lặng của tất cả các khái niệm.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

GOOD MORNING VIET NAM 2015


Chợ                                   sớm Huỳnh Nam Đông - Thể loại: Phong                                   cảnh Một phụ nữ quang gánh đến chợ cá                                   buổi sớm ở biển Thọ Quang TP Đà Nẵng
 Bảng                                   lảng khói chiều giăng Nguyễn Lương                                   Sáng - Thể loại: Phong cảnh Không gian                                   đồng quê sau vụ gặt nồng lên mùi thơm                                   của rơm rạ và những làn khói như mây                                   bay khắp cánh đồng.
Quê                                   ngoại Thành Vương - Thể loại: Phong                                   cảnh Một cách dự trữ thức ăn cho trâu                                   bò của người dân quê tôi, Đức Trạch,                                   Bố Trạch, Quảng Bình.
Những                                   Hình Ảnh Đẹp Thiên Nhiên Của Quê Hương                                   Việt Nam
Những                                   Hình Ảnh Đẹp Thiên Nhiên Của Quê Hương                                   Việt Nam
Những                                   Hình Ảnh Đẹp Thiên Nhiên Của Quê Hương                                   Việt Nam
                                   S-Việt Nam Ngô Quang Huy - Thể loại:                                   Phong cảnh Con đường qua Loóng Luông                                   thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La uốn                                   lượn như hình hài Tổ quốc!
Những                                   Hình Ảnh Đẹp Thiên Nhiên Của Quê Hương                                   Việt Nam
Thác                                   Draynur xuân về Hoàng Mạnh Tuấn - Thể                                   loại: Phong cảnh Vẻ đẹp hùng vĩ, mượt                                   mà của dòng thác Draynur, Daklak.
Những                                   Hình Ảnh Đẹp Thiên Nhiên Của Quê Hương                                   Việt Nam
Thế                                   giới quanh ta
Những                                   Hình Ảnh Đẹp Thiên Nhiên Của Quê Hương                                   Việt Nam
Sáng                                   sớm ở thung lũng Lìm Mông Vương Liên                                   Dương - Thể loại: Khoảnh khắc cuộc                                   sống Ảnh chụp tại thung lũng Lìm Mông                                   dưới chân đèo Khau Phạ lúc sáng sớm.                                   Cây cầu tre trong ảnh giờ không còn                                   nữa, thay vào đó là một cây cầu bê                                   tông vững chãi.
Những Hình Ảnh Đẹp Thiên                                   Nhiên Của Quê Hương Việt Nam
Những                                   Hình Ảnh Đẹp Thiên Nhiên Của Quê Hương                                   Việt Nam
Những                                   Hình Ảnh Đẹp Thiên Nhiên Của Quê Hương                                   Việt Nam
Những                                   Hình Ảnh Đẹp Thiên Nhiên Của Quê Hương                                   Việt Nam
Những                                   Hình Ảnh Đẹp Thiên Nhiên Của Quê Hương                                   Việt Nam
Đẹp quá
 Quê tôi!!