Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

VẪN LẠI CHUYỆN TREO CỜ


Cứ mỗi lần lễ lớn của nhà Phật, chuyện treo cờ luôn là vấn đề thường xẩy ra, không nơi nầy cũng lại nơi nọ.

Ngày 27/4, tin quần chúng cho biết, phường 3 quận Tân Bình đã gỡ cờ Phật giáo do quý ni chùa Hiển Quang treo, với lý do nhằm ngày khánh thành đoạn kênh Nhiêu Lộc, sau vài hôm địa phương mang văn bản đến nói chuyện với nhà chùa. Phó phòng nội vụ huyện cùng địa phương đến giải thích với nhà chùa. Quý ni đặt vấn đề xin treo lại sau ngày lễ khánh thành, ông chủ tịch UBND phường ba không cho, nhưng ông phó phòng nội vụ bảo chùa làm đơn sẽ duyệt. Chư ni tuân thủ chấp hành, mãi đến ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch, tức là ngày chính thức vào mùa lễ Đản sanh vẫn chưa có công văn trả lời, chư Ni hỏi thì họ bảo treo trước, công văn gửi sau.
Chuyện hành chánh mà cứ như chuyện mua bán ngoài chợ, chọn hàng trước rồi trả tiền sau. Quý Ni không đồng ý, làm việc phải có văn bản rõ ràng, vì thế chùa vẫn chưa chịu treo.
Đường Phạm văn Hai được Giáo Hội đánh giá là con đường đẹp nhất trong Thành phố, vì 5 năm qua màu cờ rực rỡ khắp phố mỗi khi Phật Đản trở về. Năm nay các chùa không ai dám công khai như những năm trước. Xử dụng nơi công cộng hẳn nhiên phải xin phép, nhưng đơn đi mà văn thư phúc đáp chưa trở lại. Chẳng lẽ xong mùa lễ văn thư mới đến tay nhà chùa? Những ngày Noel thì sao???
Ban Đại Diện Phật giáo quận Tân Bình im hơi lặng tiếng. Thành hội cũng coi như chuyện của thiên hạ. Tinh thần trách nhiệm và tinh thần đồng đội trong nội bộ Phật giáo hình như không cần thiết? Hào khí một thời bảo vệ màu cờ ngũ sắc cũng trở thành nhụt khí trong đời sống hiện nay.
Quần chúng Phật tử quận Tân Bình và khu vực Phường 2, phường 3 đang muốn biết thái độ Tăng Ni trước việc nầy trong tuần lễ trọng đại.
Có cần chăng vì những chuyện cỏn con chỉ cần một văn thư phúc đáp mà không thể làm, để quần chúng Phật giáo gia tăng thêm nhiều ngờ vực sự công chính liêm khiết hiện nay của chính quyền địa phương???

Chùa đã chấp hành luật pháp, khi mà cơ sở tôn giáo đã được cho phép xử dụng dấu tròn, có nghĩa giữa tôn giáo và chính quyền mang tính hành xử theo pháp lý chứ không còn cơ chế xin – cho tùy hứng của thời bao cấp. Thế thì việc chờ một văn thư phúc đáp hiện nay ngỡ chừng vẫn còn tồn tại mang tính Xin – Cho!!!
Địa phương đứng vào vị trí của quần chúng Phật tử trong mùa lễ nầy, sẽ nghĩ gì sự lề mề hiện nay của các cấp hành chánh?
MINH MẪN
29/4/2012

CHÙA KIM CHI - HẢI DƯƠNG


Trên website   CHUAPHUCLAM  vừa đưa tin một vụ chiếm dụng đất chùa không bồi thường theo đúng quy chế luật pháp.

Từ ngày đất có giá tính theo thị trường vàng, xã hội Việt Nam đã xẩy ra quá  nhiều đau thương – từ nội bộ gia tộc cho đến lừa đảo trong xã hội. Đạo đức xã hội, nề nếp gia phong đều bị đảo lộn mà đất nước ta xa xưa chưa từng có. Riêng vụ thu hồi đất, hàng ngày có hàng vạn người  trong toàn quốc xuống đường biểu tình, dâng thỉnh nguyện thư, đưa đơn khiếu nại trong những năm qua mà đâu lại vào đó, chưa vụ nào giải quyết thỏa đáng cho người dân đang trông chờ vào công minh của pháp luật..
Giờ đây, tại Thành phố Hải Dương, cách  Hà Nội hơn 40 km, một ngôi chùa cổ cũng bị chính quyền quy hoạch vào phần đất nhà chùa mà không chịu bồi thường đúng nguyên tắc. Sư thầy Thích Đàm Phương, được giáo hội bồ nhiệm trụ trì, chăm nom cơ sở thờ tự, hướng dẫn quần chúng Phật tử tu tập trong thời gian qua, đã cùng bà con địa phương phản kháng và yêu cầu đơn vị thi công do tập đoàn Nam Cường thực hiện, tạm đình chỉ để địa phuyo7ng giải quyết .
Qua sự kiện trên, bà con địa phương cho biết cái ao kế con mương thủy lợi thuộc đất chùa từ xa xưa, thế  mà chính quyền quy vào thuộc hệ thống thủy lợi một cách phi lý. Chẳng những thế, theo quy định luật pháp mà chùa Phúc Lâm dẫn chứng:
2. Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo:
- Điều 26: Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó.
- Điều 31: Việc di dời các công trình thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo do yêu cầu của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải được trao đổi trước với người đại diện của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo và thực hiện đền bù theo quy định của pháp luật.
Vậy chính quyền đã có sự thỏa thuận của nhà chùa, người đại diện của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo chưa? Và  đền bù theo quy định pháp luật chưa?
Cụ Lê Văn Quyền 74 tuổi, sinh sống tại khu phố 1 phường Thanh Bình thành phố Hải Dương bức xúc. Tôi sinh ra và lớn lên tại nơi đây - thôn Kim Chi xã Thanh Bình - Hải Dương. Ngay từ nhỏ tôi đã biết có cái áo này và ao này thuộc nhà chùa quản lý, phía bên ngoài ao là con mương thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho cả vùng này. Tôi khẳng định ao chùa Kim chi không thuộc hệ thống mương thuỷ lợi. Chúng tôi ủng hộ việc xây dựng khu đô thị, xây dựng đường Nguyễn Văn Linh nhưng đề nghị chính quyền bồi thường thoả đáng cho nhà chùa theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo bài báo:
Ngày 23/4/2012 UBND thành phố Hải Dương mới có thông báo số 193/TB-UBND về việc bồi thường, hỗ trợ chùa Kim Chi để giải phóng mặt bằng xây dựng đường Nguyễn Văn Linh trong khu đô thị mới phía Tây thành phố. Trong thông báo UBND thành phố Hải Dương không chấp nhận bồi thường thửa đất ao vì nhà chùa không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất và giao cho UBND phường Thanh Bình và Khu dân cư số 1 (khu Kim Chi) thành lập Ban quản lý xây dựng chùa Kim Chi để làm chủ đầu tư, có nhiệm vụ ký nhận tiền bồi thường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thực hiện tốt kế hoạch GPMB và tiếp nhận các khoản kinh phí khác (nếu có) để cải tạo xây dựng lại chùa Kim Chi (?!)

Chính quyền Hải Dương lại chơi trò pháp lý: vì không có giấy tờ chứng minh quyền xử dụng đất nên không bồi thường cho nhà chùa? Chính quyền Hải Dương ra đời  mới vài mươi năm, nhà chùa có mặt từ thời chúa Nguyễn, nói theo nhân gian – con cháu đòi  minh chứng nhân thân của ông bà cố nội mới được chia của! Pháp luật quy định rõ:
Điều 30. Lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Sau khi dự án đầu tư được xét duyệt hoặc chấp thuận thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc Tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm lập và trình phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP và Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Nghị định số 17/2006/NĐ-CP) và theo quy định sau đây:
1. Nội dung phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm:
a) Tên, địa chỉ của người bị thu hồi đất;
b) Diện tích, loại đất, vị trí, nguồn gốc của đất bị thu hồi; số lượng, khối lượng, tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản bị thiệt hại;
Thế thì tại sao lại giao tiền cho những người không có chức vụ trong chùa:

 giao cho UBND phường Thanh Bình và Khu dân cư số 1 (khu Kim Chi) thành lập Ban quản lý xây dựng chùa Kim Chi để làm chủ đầu tư, có nhiệm vụ ký nhận tiền bồi thường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thực hiện tốt kế hoạch GPMB và tiếp nhận các khoản kinh phí khác (nếu có) để cải tạo xây dựng lại chùa Kim Chi (?!)

Đây là một thái độ thiếu nghiêm túc và mờ ám. Ai cũng biết những đồng tiền giao vào những đối tượng không có trách nhiệm với tôn giáo thì làm sao việc xử dụng đồng tiền đó có trách nhiệm???
Chính quyền Hải Dương hãy nghiêm túc xét lại vấn đề đất chùa và việc bồi thường công minh hơn.
Ban Trị Sự Phật Giáo Hải Dương có biết  một cơ sở thuộc thẩm quyền của Giáo Hội đang gặp bất trắc mà sư thầy trụ trì còn non trẻ chưa biết cách ứng phó những tình huống trái luật pháp như thế? BTS cùng với chính quyền tìm lối giải quyết ổn thỏa, đừng vì cái ao 500m2 mà để rúng động  giới Phật tử trong và ngoài nước.

MINH MẪN  25/5/2012

LỄ PHẬT ĐẢN VỚI NHÓM KHIẾM THỊ

Tuy là khiếm thị, họ đã biết đến với Phật Pháp bằng tấm lòng chân thành và thuần tín. Sau khi hiểu giáo lý, biết luật nhân quả, họ hiểu rằng cái quả bất hạnh kiếp nầy do những nhân quá khứ đã gieo, để tạo nhân tốt cho tương lai, ngoài việc tu tập, họ phải vun bồi phước báu bằng cách nào đó, thế là anh chị em đồng thuận lập thành nhóm trên dưới 60 người, hàng tháng trích một phần đồng tiền khó nhọc để lập quỷ hỗ trợ cho những gia cảnh bất hạnh dù đó là người sáng mắt. Họ làm gia công bàn chải, đi bán vé số, ,nhân viên massage, đi dạy học…Tiền thu nhập trung bình mỗi ngày với sự lao động cật lực, cũng chỉ vừa một ký gạo, thế mà họ can đảm tích góp để giúp đỡ thiên tai hàng năm trên quê hương mình, chẳng những thế, đồng tiền vất vả đó cũng đã đến với những người bất hạnh trong thiên tai Nhật Bản vừa qua. Tuy là muối bỏ biển, nhưng tầm tay nhỏ bé với tấm lòng cao cả đó, gây xúc động không ít khi anh chị em Exryu tại Nhật khi nhận chuyển giao lại cho công tác từ thiện ở Sendai; anh chị em đắn đo trước đồng tiền trân quý đó nhưng đành phải nhận để nhóm Khiếm thị được vui.

Phật pháp đã chuyển hóa những con người bất hạnh đó, họ sống vui vẻ yêu đời hơn, tránh làm những nghề mà trước kia họ cho là liên hệ đến sinh mạng sanh vật. Họ biết trường trai, họ sang băng dĩa kinh sách của quý thầy để cho mọi người xem, thu âm bài giảng trên sách cho những thành viên khiếm thị nghe, họ an ủi tư vấn cho những người sáng mắt đang gặp khủng hoảng tinh thần. Họ cũng giúp nhiều người đến với Phật Pháp. Hàng năm, những lễ lớn như Vu Lan, Phật Đản họ đều tổ chức phát quà cho trẻ em, làm văn nghệ cúng dường Tam Bảo. Chính vì thế mà chư Tăng Ni đã đến với họ mỗi khi cần. Tuy là một tư gia, họ tổ chức lễ lộc không thua một ngôi chùa. Năm nay, Phật Đản tổ chức vào chiều ngày mồng 8 tháng tư âm lịch nhằm ngày 28/4 dương lịch, được quý thầy trong Ban Đại Diện Phật Giáo huyện Hốc Môn đến làm lễ, được sư cô Hương Nhũ đến chia xẻ, tâm sự và phát quà cho nhóm. Bác sĩ Trần Đòan và anh Trường trong ban quản trị chùa Hoa Nghiêm ở Virginia , TT T. Nhật Từ đã hỗ trợ. Thượng Tọa T. Thanh Phong nhân danh đài truyền hình An Viên cũng giúp đỡ và một vài thân hữu gần xa để lễ Phật Đản của nhóm được trang trọng hơn. Vài anh chị em nghệ sĩ từ nơi xa xôi đến giúp vui để bà con trong thôn xóm lao động được hưởng không khí vui tươi của mùa Đản sanh.
Phật Đản luôn là mùa an vui hạnh phúc của nhóm Khiếm Thị Thiện Nguyện, cũng là dịp để những vị Khiếm thị tài năng thể hiện giọng ca của mình. Nhóm tuy ít người, nhưng có người lắp ráp và cài đặt phần mềm vi tính, có người xử dụng nhạc cụ chuyên nghiệp, họ làm đủ ngành nghề trong xã hội mà người sáng từng làm. Có lẽ đây là nhóm gồm những người khuyết tật đứng ra giúp cho những người không khuyết tật trong cuộc sống khó khăn hiện nay.

Lễ Phật Đản năm 2556 thật vui nhộn, trời chiều lòng người nên không mưa mà những ngày vừa qua tầm tả khắp phố phường. Kết thúc buổi lễ bằng bún Huế - món ăn chay đặc sản miền Trung. Người sáng lẫn khiếm thị từng bừng, hoan hỷ. Quả thật, giữa cuộc sống khó khăn hiện nay, Phật Pháp đã giúp họ có cuộc sống an lạc và thánh thiện


MINH MẪN
28/4/2012I

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

PHẬT GIÁO ĐỒNG HÀNH CÙNG…


Ngày 30/11/2011 tại New Delhy diễn ra đại hội thành lập Liên Minh Phật Giáo Thế Giới được sự tham dự của 38 nước và 800 đại biểu Phật giáo. Riêng Phật Giáo Việt Nam, không những chấp nhận tham dự mà còn đóng một vai trò quan trọng trong tổ chức nầy.

Kể từ ngày thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam 1982, đây là lần đầu tiên chính thức tham gia một tổ chức mang tầm quốc tế. Sau 1975, khi chiến tranh lạnh chưa được giải thể, Liên sô còn dẫn đầu khối CS, một ý định thành lập lực lượng Phật giáo với danh nghĩa “Phật Giáo Á Châu Vì Hòa Bình” do Liên Sô khởi xướng. Theo yêu cầu từ Liên Sô, chọn một danh Tăng miền Nam Việt Nam, Hòa Thượng Thích Minh Châu được đề cử làm chủ tịch. Trên danh nghĩa Phật Giáo Á Châu, vì thế tầm vóc còn hạn chế; Mục đích làm điểm đối trọng với Vatican nằm trong khối Tư Bản. Ý định chưa được hoàn thành, tổ chức chưa hoạt động hữu hiệu thì Liên Sô đã bị giải thể, vì thế tổ chức “Phật Giáo Á Châu Vì Hòa Bình” giải tán trong âm thầm.

Năm 1950, vào ngày 25/5, tại Colombo. Srilanka, 27 quốc gia Âu-Á gồm Đại Thừa, Nguyên Thủy và Kim Cang Thừa, gặp nhau vì mục đích hoằng dương Phật pháp qua công ích xã hội và sách tấn tu tập. Đồng thời xác định và tôn vinh cờ năm màu do đại tá Henry Steel Olcott khai sáng làm giáo kỳ Phật giáo thế giới. Lúc bấy giờ, đoàn Phật Giáo Việt Nam do Hòa Thượng Thích Tố Liên dẫn đầu sang tham dự. Phật Giáo Việt Nam là một trong những thành viên, cũng từ đó, lá cờ ngũ sắc chính thức có mặt tại Việt Nam. Hơn 60 năm có mặt, Hội Phật giáo Liên Hữu vẫn hoạt động cho đến ngày nay. Riêng Phật giáo Việt Nam, sau 1975, tự động rút khỏi Hội Phật Giáo Liên Hữu Thế giới, co cụm trong quốc nội. Sau 1995, tình hình chính trị thế giới thay đổi sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Việt Nam có những giao lưu chừng mực với thế giới bên ngoài, Phật giáo Việt Nam cũng bắt đầu hoạt động khởi sắc.

Trong 10 năm gần đây, Phật giáo Việt Nam được phép mạnh dạn giao lưu với Phật giáo thế giới qua những cuộc tiếp đón thăm viếng, đăng cai Vesak và tham dự các đại lễ Phật giáo Quốc tế. Hàng trăm Tăng Ni sinh du học tại Ấn độ, Đài Loan, Trung quốc, Nhật, Hàn, Srilanka, Miến, Thái, Mỹ, Pháp…nói lên sự tiến bộ về nhận thức và cởi mở về tôn giáo của VIệt Nam.

Tuy nhiên, do tính tế nhị về chính trị, Phật Giáo Việt Nam cũng bị hạn chế một số hoạt động nhất định khi khởi xướng:” Phật Giáo đồng hành cùng dân tộc”. Qua hai ngàn năm lịch sử, thật sự Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc khi đối đầu với những thế lực phương Bắc mà cha ông ta, từ vua quan cho đến thứ dân đồng lòng như hội nghị Ziên Hồng. Lúc bấy giờ Phật giáo là tinh thần dân tộc, sinh lực của đất nước, thật sự là nguyên khí của quốc gia. Cha ông ta, qua hai thời đại Lý Trần đã nhận thức được tiềm năng của Phật giáo, tận dụng Phật giáo để bảo vệ và phát triển đất nước. “Hộ quốc an dân” là bổn phận của Phật giáo luôn phát huy hữu hiệu khi các thể chế biết trân trọng và tôn quý để Phật giáo tự do phát triển đúng tinh thần thanh quy Thiền môn. Những lúc Phật giáo bị can thiệp hay được yểm trợ quá mức cần thiết, nguồn năng lượng của Phật giáo bị biến dạng, không đủ khả năng đóng góp cho dân tộc, vì năng lượng tinh khiết không còn hiện diện. Tuy Phật giáo lúc bấy giờ phát triển mặt nổi, nhưng chỉ còn là loại bonsai làm kiểng cho thời đại.

Một thời gian dài hàng chục năm, PGVN bị bế quan tỏa cảng với sự sinh hoạt Phật Giáo Thế giới, một thiệt thòi lớn cho đất nước. Vốn dĩ Phật giáo là một tổ chức phi tổ chức, không nên nghi ngại về sự chỉ đạo nhất quán như Vatican. Nếu sớm hơn khi PGVN được hội nhập với sinh hoạt Phật giáo thế giới, sự cộng tồn sinh lực cùng thế giới đó, tiếng nói của PGVN trước hiện tình ngoại xâm lăm le, có lẽ tiếng nói đó nếu không nói là có trọng lượng thì ít ra cũng hỗ trợ cho dân tộc về sức mạnh đoàn kết tinh thần. Những thời đại xem thường Phật giáo, đẩy Phật giáo ra lề xã hội thì đất nước luôn lâm vào cảnh khốn loạn. Khi Nho giáo được phục hưng, lúc bấy giờ đất nước kề cận sự suy vi. Nhưng Phật giáo được yểm trợ về mặt nổi mà thiếu chất lượng tu tập thì Phật giáo cũng chẳng đóng góp được gì cho đất nước, vì các cơ sở Phật giáo đã biến thành khu du lịch tâm linh. Trong nước cũng như ngoài nước, cơ sở vật chất của Phật giáo Việt Nam phát triển quá mức nhu cầu, vì thế nội chứng đã vắng mặt. Một Bái Đính, một Bà Nà, Bãi But, một Đại Nam, một đại Phật núi lớn không vực dậy được nội lực tinh khiết của Đạo Phật Việt Nam. Hiện nay, chưa từng nghe đâu đó có những bậc chân tu chứng đắc như xưa kia mà chỉ nghe quảng bá những cơ sở vĩ đại ngốn hàng ngàn tỷ giữa người dân nghèo đói.

Trước vấn nạn tình hình thế giới về kinh tế, an ninh xã hội, chính trị nội bộ, an toàn thực phẩm, bệnh tật thế kỷ…đã đến hồi cần báo động; các quốc gia đơn phương không đủ khả năng ngăn chận các tệ nan suy thoái đạo đức đó. Các tôn giáo chưa đưa ra được phương án khả dĩ cứu nguy toàn cầu. Nạn nhân mãn đưa đến nghèo đói chưa ngăn chận được do những tôn giáo chống đối việc ngăn ngừa. Phật giáo do Lạt Ma Lobsang, trưởng Tăng đoàn Asoka Mission đã có sáng kiến khởi xướng mở Đại hội Global Buddhist Congregation để thành lập Liên Minh Phật Giáo Thế giới, mục đích ban đầu là chấn hưng Phật giáo tại nơi khai sáng đạo Phật và kế hoạch phát triển Phật giáo trên 40 quốc gia Phật giáo đang có mặt; Tổ chức Phật giáo quốc tế như thế không chỉ với mục đích khiêm tốn như vậy, dĩ nhiên khi ổn định sinh hoạt, Phật giáo toàn cầu phải có hướng phục vụ nhân loại theo tinh thần cứu tế độ sanh của Bồ Tát hạnh. Một tổ chức tôn giáo thế giới không đơn giản xuất hiện giữa lúc dầu sôi lửa bỏng hiện nay tràn ngập thế giới mà không có tính liên kết thời cuộc. Khi Mỹ bắt tay với Ấn Độ, một quốc gia đối trọng với Trung Cộng, lập thế gọng kềm để giảm nhiệt vùng Đông hải, không chỉ thuần túy quốc gia với quốc gia trên chính trường, vũ khí với vũ khí trên chiến trường, về mặt tâm lý và tín ngưỡng là nồng cốt cho những quốc gia châu Á. Nắm được tôn giáo cốt lỏi của các nước châu Á là nắm được sự thành công trên 50% về tâm lý chiến lược. Trên 8 thế kỷ, Phật giáo đã mất thế đứng tại quê hương mình, Phật giáo đã lưu vong và phồn thịnh nơi xứ người, giờ đây, trở lại quê hương để xây dựng tổ ấm là điều hợp lý. Các trưởng tử Như Lai đã ý thức trọng trách tiền đồ của ông cha, chung tay xây dựng Từ đường để làm điểm tựa cho một dân tộc đang cần sự cạnh tranh và phát triển với láng giềng. Đáng ra, Phật Giáo Trung Quốc nên có mặt một cách hân hoan để giảm nhẹ sự lúng túng thế chính trị hiện nay của Trung Cộng, cứ xem đó là việc riêng của tôn giáo; mặc cảm tự tôn đã bỏ lỡ một cơ hội và tự mình thụt lùi từ lãnh vực nầy đến lãnh vực khác một cách thảm hại giữa cộng đồng thế giới và thế đứng trong khu vực.

Việt Nam và Phật giáo Việt Nam đã nhanh nhạy xác định thế đứng của mình trong cộng đồng các quốc gia nói chung và các quốc gia Phật giáo nói riêng. Đây là lần đầu tiên PGVN chính thức tham gia một tổ chức Phật giáo liên minh quốc tế kể từ 1982 như đã từng tham gia Hội Phật giáo Liên hữu thế giới năm 1950. Giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có mối liên kết từ thời chiến tranh Nam Bắc, sau khi thống nhất hai miền, Ấn Độ và Việt Nam vẫn tiếp tục quan hệ ngoại giao và thương mại. Việt Ấn càng gần nhau hơn khi mà quyền lợi chung bị đe dọa bởi nước thứ ba, thế thì việc tôn giáo và tôn giáo cùng kết hợp làm sức mạnh hỗ trợ cho nhau cũng là việc tất yếu. Điều đáng nói là sáng kiến thành lập Liên Minh Phật giáo thế giới trong tình hình hiện nay là một diệu pháp; Việt Nam chấp nhận cho GHPGVN tham dự và đóng vai trò quan trọng trong tổ chức là một ý thức kịp thời. Việt Nam chỉ mượn tiếng nói của Phật giáo thế giới làm hậu thuẩn cũng chưa đủ, phải tạo điều kiện cho Phật Giáo Việt Nam có tầm vóc quốc tế mà không bị chi phối, không bị lệ thuộc, Phật giáo sẽ tự ý thức trách nhiệm để linh hoạt đóng góp vì quyền lợi dân tộc chứ không vì một kế sách của một thể chế, có như thế mới gọi là “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”.

Ước gì tất cả các tổ chức Phật giáo trên thế giới như Kim Cang Thừa của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Hiện Pháp Lạc Trú của Làng Mai, Nhật Liên Tông, Hoa Nghiêm Tông, Tịnh Độ Tông của Nhật Bản, kể cả một số pháp môn tâm linh của Ấn Độ …đều có mặt sinh hoạt tại Việt Nam, như Pháp Vương Gyalwang Druk, Nhiếp chính Vương Khamtrul Rinpoche đã từng có mặt tại Việt Nam những năm gần đây, tinh thần Phật giáo sẽ khởi sắc nhiều nội lực. Với những năng lượng từ ái đó sẽ chuyển hóa nghiệp lực của một dân tộc mà dân tộc Việt đã từng được triêm ân phước báu như thế trong quá khứ. Ngàn sắc hoa Phật giáo phủ kín đất nước như thế thì không những hương giải thoát tẩy nghiệp quần sanh mà còn là sắc tố ươm xanh cho chồi non dân tộc. Được vậy, vấn nạn “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” hay “đồng hành cùng chế độ” không còn là vấn đề được đặt ra.

MINH MẪN

10/12/2011

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

HIẾN CHƯƠNG VÀ DI CHÚC

HT Thích Thanh Tứ, Phó chủ Tịch HĐTSTW GHPGVN vừa viên tịch tại chùa Quán Sứ-Hà nội lúc 8 giờ 15’ ngày 26/11/2011 nhằm ngày 02/11/Tân Mão.Trong Tang lễ, có sự viếng tang của các cấp chính quyền, các cấp Giáo hội. Ban tổ chức Tang lễ đáng lẽ do chư Tôn đức Trung ương Giáo Hội đảm trách, nhưng vì lúc đó quý Hòa Thượng đang bận di dự Hội nghị Phật Giáo Thế Giới tại Ấn Độ, ở nhà thầy Minh Tiến đã lạm quyền tự lên danh sách ban tang lễ, cũng như quyết định mọi công việc, và tự đóng dấu của văn phòng TW giáo hội mà không hỏi ý kiến của Chư Tôn Đức . Quá đáng hơn trong những giờ phút chưa kịp ổn định của Ban lễ Tang để quyết định an phần cho cố Hòa Thượng Phó chủ tịch thường trực Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN, nguyên là đại biểu Quốc Hội khóa XI – XII, thầy Minh Tiến đã tự ý can thiệp vào việc an táng của Hòa Thượng, mặc dù trong sơn môn pháp phái thầy là người gần bé nhất. Trước khi Hòa thượng mất thầy Minh Tiến đã có văn bản xin đưa Hòa Thượng về an táng tại Sóc Sơn, nhưng sau đó lại xin chuyển về chùa Bái Đính. Thầy đã ngã giá, rồi gần như chỉ đạo cho anh Xuân Trường, chùa Bái Đính qua tin nhắn điện thoại di động như sau: “ Neu a k giai quyet dut điem viec thay ve chua Bai Đinh, thay ht sau nay thi viec an tang nhap thap o Bai Dinh se rat kho khan thuc hien. Vi ht ve do hang ngay phai cung gio, moi don cac su va nhieu viec khac ma cac thay la de tu phai to chuc va lam. Neu vi tang khac ve thi cac thay k the lam dc viec do. Vi vay a phai vao cuoc viec nay that khan truong” (Nếu anh không giải quyết dứt điểm việc thầy về chùa Bái Đính,thay Hòa Thượng sau này thì việc an táng nhập tháp ở Bái Đính sẽ rất khó khăn thực hiện. Vì Hòa Thượng về đó hàng ngày phải cúng giỗ, và mời đón các sư cũng như nhiều việc khác, mà các thầy là đệ tử phải tổ chức và làm. Nếu vị Tăng khác về thì các thầy không thể làm được việc đó. Vì vậy anh phải vào cuộc việc này thật khẩn trương) . Nhưng không được sự đồng ý anh Xuân Trường, nên thầy lại thay đổi di chúc làm ảnh hưởng đến thanh danh Hòa Thượng. Việc cố Hòa Thượng về Bái Đính cũng hợp tình, hợp lý, vì dù sao Ngài cũng đương kiêm trụ trì chùa Bái Đính, cũng như việc ngài về trụ trì là do sự thỉnh mời của Chủ Tịch Nước Trần Đức Lương. Và gần đây nhất anh Xuân Trường cũng được sự dặn dò, chỉ bảo của Hòa Thượng về công việc Phật sự, cũng như việc nhập tháp của Hòa Thượng tại chùa Bái Đính. Còn thầy Minh Tiến mặc dù là đệ tử của Hòa Thượng nhưng việc thầy muốn đưa Hòa Thượng về nhập tháp tại chùa Bái Đính không phải vì do lòng hiếu thảo của một đệ tử đối với sư phụ, mà chẳng qua thầy chỉ nhằm mục đích duy nhất là sẽ thừa kế trụ trì và thao túng chùa Bái Đính về sau. Việc về chùa Bái Đính không thành thầy đã âm mưu lại lập lên 1 di chúc mới nói rằng Hòa Thượng muốn được an táng tại Sóc Sơn.

Sau quyết định của Ban Tang lễ, thể theo tâm nguyện của môn đồ pháp quyến và sơn môn pháp phái và thân tộc hiếu quyến, nhục thân của cố Hòa Thượng được đưa về Nho Lâm, Hưng Yên, nơi Ngài đã xuất gia từ thủa hàn vi. Chuyện lễ Tang đã xong, nhưng cái Di chúc không minh bạch đó đã gây bức xúc không ít cho nội tình Tăng Ni Phật giáo Việt Nam.

Rồi trong thời gian Hòa Thượng lâm trọng bệnh thầy Minh Tiến lại có một tờ trình ( Chúc Thư) có ấn ký của cố Hòa Thượng gửi các cơ quan ban nghành mà các cấp lãnh đạo không hề hay biết. Một số vị cho biết nội dung tờ trình đề nghị cho thầy Thanh Quyết thừa kế chức Phó chủ Tịch Thường trực Hội đồng trị sự TW GHPGVN mà Hòa thượng đang đương nhiệm, đã gây xôn xao phẫn nộ không ít trong giới tu sĩ cũng như Phật tử trong và ngoài nước.

Nhân thân thầy Thanh Quyết, vốn dĩ là đệ tử của Hòa Thượng Thích Viên Thành chùa Hương, nhưng thầy trò đã từ nhau, do tính khôn khéo, thầy đã về Hà Nội, len lỏi vào Giáo hội thông qua thầy Minh Tiến ủy viên thư ký phó văn phòng I phía Bắc, từ bàn đạp đó, lần lượt thầy làm trụ trì hầu hết các danh lam thắng cảnh phía Bắc như chùa Yên Tử, chùa Phúc Khánh, chùa Non Sóc Sơn…ngoài ra còn là trưởng Ban Trị sự PG tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban Trị sự PG tỉnh Hà Nam, trưởng Ban Trị sự PG tỉnh Bắc Cạn, Phó Ban Phật Giáo Quốc Tế, Phó viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam, đương kiêm đại biều Quốc Hội hiện nay…

Trong Hiến Chương GHPGVN được tu chính qua đại hội kỳ V, chương V, Hội Đồng Trị Sự: Điều 16: Hội đồng Trị sự có nhiệm vụ suy cử Chủ tịch, các phó Chủ tịch và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội theo thành phần được quy định ở Điều 20.

Như vậy việc bổ nhiệm, suy cử, thay đổi nhân sự do Hội Đồng Trị Sự quyết định; Giả thử có là Di chúc của cố Hòa Thượng để lại, cũng chỉ là đề nghị tham khảo, không mang tính quyết định, nhưng chắc chắn một vị lãnh đạo Trung Ương Giáo Hội như thế không thể lập bản Di chúc sai nguyên tắc mà lại tự nhận mình là Phó Pháp Chủ. Một bản Di chúc chỉ có giá trị trong môn nhơn pháp phái mang tính nội bộ chứ không có giá trị về mặt pháp lý trong một hệ thống hành chánh mà Hiến chương Giáo hội đã quy định. Chính Hiến Chương dẫn đường cho mọi sinh hoạt của Giáo Hội, không thể một cá nhân trong và ngoài Giáo hội có thể đơn phương vượt nguyên tắc làm lũng đoạn gây xáo trộn cho một tôn giáo như Giáo Hội PGVN hiện nay.

Chuyện xôn xao và bức xúc là do sự quan tâm đến tiền đồ của Phật giáo, không muốn có một tiền lệ xấu về sau, nhưng sự thật trên nguyên tắc hành chánh và pháp lý của Hiến chương, thầy Thanh Quyết hay ai đó không thể dùng quyền lực hay tiền bạc có thể khuynh đảo nề nếp đạo đức Thiền môn và sinh hoạt của Phật giáo. Ví thử bản Di chúc có giá trị vượt nguyên tắc Hiến chương, thì Hòa Thượng Pháp chủ cũng có thể di chúc cho một chú Sa Di thế quyền Pháp chủ khi ngài viên tịch??? Chưa nói đến trong Hội Đồng trị sự còn bao nhiêu bậc cao Tăng thạc đức tại vị phải chịu quyền chỉ đạo của một Tăng sĩ trẻ chưa có công hạnh gì với Phật giáo ngoài việc quyền thế và mãi lực nhiều tiền như thầy Thanh Quyết! Một bậc chân tu, chỉ biết đóng góp cho Phật sự mà không cần phải chức quyền thế lực. Chỉ có tâm phàm tục cho dù là hình dáng nhà tu, hoặc kẻ lạm dụng Phật giáo mới manh tâm tham quyền cố vị gây xáo trộn cho nội tình Phật giáo như thế.

Nếu lấy việc ra đi của một chức sắc trong Giáo hội để dọn đường thăng tiến quyền lợi, đây là việc mua bán một xác chết thường tình??? Huống nữa một vị thượng thủ của Giáo Hội, còn biết bao môn nhơn Pháp quyến và chư tôn đức trong Giáo hội còn đó mà bị một tu sĩ không là trưởng tử, chẳng phải chủng tử , lạm quyền quyết định, phải chăng là việc làm của kẻ “hạ mục vô nhơn?” Trước hành trạng thiếu nghiêm túc mang tính khuynh loát, Giáo hội cần xét lại nhân thân của thầy Thanh Quyết về chức danh, vị thế trong Đạo cũng như ngoài đời để làm gương cho kẻ hậu học và củng cố niềm tin Tăng Bảo cho quần chúng Phật giáo hiện nay.

Một sự ra đi có hàng ngàn người than khóc, thì cũng từ sự ra đi đó bị lạm dụng đem lại bất ổn, xôn xao cho bao người trong Giáo Hội Phật Giáo. Hiến chương và Di chúc, đâu là lẽ phải của một vấn đề???

MINH MẪN

01/12/2011

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

CA SĨ HÙNG THANH VỚI ALBUM “GIẤC MƠ TỰ TẠI”

Trong phần giải thích, cũng là tâm sự với thính giả, Hùng Thanh nói: “Tôi đã ngộ lý vô thường”.Có lẽ vì vậy, Hùng Thanh đã cho ra đời album “Giấc mơ tự tại”.

Phần lớn các nghệ sĩ trong nhiều lãnh vực, sau thời gian – càng nổi danh càng gặp lắm trái ngang, chính vì thế, khi lớn tuổi, họ trở lại với niềm tin tôn giáo hoặc thế giới tâm linh với tâm hồn nhiều thương tích, được niềm tin phục hồi nghị lực, xóa tan các vết thương trần tục làm cho niềm u uẩn biến thành ánh sáng yêu đời trong niềm đạo. Nhưng Hùng Thanh, có lẽ chưa bị đau thương về công danh cũng như tình ái như đàn anh đàn chị kinh qua, mà theo Hùng Thanh, do nhìn thấy những mãnh đời bất hạnh chung quanh mà chàng ca sĩ đẹp trai trẻ trung đã ngộ ra “lý vô thường”.

Tuy là MC chính hiệu, việc cầm ca chỉ là nghề tay trái, không vì thế mà giọng ca thiếu chất mượt mà của “nhung” và hấp dẫn lôi cuốn của “ma túy”. Vì thế mà Hùng Thanh vẫn được quần chúng Phật tử dành nhiều ưu ái nhất. Sau những showbiz, Hùng Thanh đến với đạo qua nhiều chương trình văn nghệ quần chúng một cách hăng say và cống hiến. Chính vì chùa mà Hùng Thanh đã hạnh phúc mỗi khi đêm về: “Hạnh phúc nhất của tôi lúc này chính là được sống cận kề bên mẹ, được chăm sóc cho mẹ và được cùng mẹ công phu, niệm Phật khi đêm về, rồi cùng nguyện mang công đức này hồi hướng khắp muôn nơi…” Ôi, thật cao thượng và trong sáng, từ niềm hạnh phúc đó, bao nhiêu công hạnh đều hồi hướng khắp muôn nơi. Đúng là tâm hồn của một Phật tử. Cũng là một Phật tử, nên mọi việc phải thật lòng mới đưa đến một thành công trong cuộc sống thật: …Quan niệm của Hùng Thanh đối với không chỉ riêng nghệ thuật đó là sống thật, làm thật và nói thật thì những gì mình có được cũng sẽ là thật.”

Tâm nguyện của Hùng Thanh trong lãnh vực ca hát, cho ra đời những album Phật giào, Hùng Thanh đã thực hiện thành công qua album “Cám Ơn Cuộc Đời”, và tiếp theo là “Giấc Mơ Tự Tại” . Trong giới Phật tử, nhất là Phật tử chùa Hoằng Pháp, chẳng ai lạ Hùng Thanh. Tuy rất nhiều ca sĩ Phật tử có mặt trong các buổi ca nhạc Phật giáo, nhưng Hùng Thanh đã tạo một ấn tượng sâu sắc đối với cộng đồng Phật tử. Chẳng những thế, Hùng Thanh còn ấp ủ tâm nguyện thành lập đội văn nghệ gồm những vũ công, ca sĩ đều là người khuyết tật, để nâng họ lên, góp mặt với đời trong nghiệt cảnh bất hạnh đó.

Niềm vui của giới ca sĩ là tấm lòng quần chúng dành cho họ. Tuy Hùng Thanh không là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng thật sự Hùng Thanh đã thành công một cách chuyên nghiệp trong giới cầm ca.

Cổ nhạc cũng như tân nhạc, điện ảnh, rất nhiều nghệ sĩ đến với đạo. Nghệ sĩ Kim Cương, Bạch Tuyết…, ca sĩ Thùy Trang, Bích Phượng, Kiều Nhi, Phương Thúy, Chí Tâm, Trang Nhung, Nhuận Thường, Việt Trinh…và rồi Hùng Thanh. Họ đến với đạo bằng cả tấm lòng và trong đó không ít những người ăn trường trai, hành trì công phu thuần thục.

Với giọng ca nhiều âm lực và lắm triển vọng, Hùng Thanh đã biết chuyển hóa hướng về tâm linh, nơi đó, ánh sáng Phật pháp sẽ hòa nhập cùng ánh sáng tâm linh của người nghệ sĩ, nâng Hùng Thanh lên một cung bậc thượng thừa nghiệp vụ.

Có lẽ quá thừa nếu giới thiệu Hùng Thanh đến với độc giả Phật tử, nhưng sẽ thiếu nếu không nói đến Hùng Thanh là một Phật tử chứ không phải là một tín đồ theo nghĩa thông tục. Hùng Thanh đã trả lời cho cuộc phỏng vấn của Tạp chí “Thế giới sao”:

- Vâng, thật ý nghĩa và giá trị khi được hiểu về ý nghĩa của ca khúc và càng không thể phủ nhận một phong cách sống nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc rất riêng của Hùng Thanh khi khởi đầu con đường ca hát của mình bằng album nhạc Phật Giáo. Thông thường thì những anh chị em nghệ sĩ hoạt động thành công trong lĩnh vực nghệ thuật một thời gian thì sẽ quay lại đời sống tâm linh và chia sẻ với cộng đồng nhiều hơn vì nhận thấy được giá trị của cuộc sống là gì sau những thăng trầm vấp ngã nhưng Hùng Thanh thì ngược lại anh đi từ cái chân cái thiện bước ra đời thường? Do đâu mà có sự trái ngược này, phải chăng anh là một tín đồ?

Hùng Thanh trả lời:

Đạo Phật không có tín đồ và càng không tồn tại hai chữ mê tín, bởi vì Đức Phật chỉ ra cho chúng ta con đường để đi chứ không bắt ép phải đi theo con đường của Ngài. Sống theo giáo pháp của ngài ta sẽ được bình an tự tại không bon chen ganh đua và giáo pháp ấy chỉ gói gọn trong hai từ duy nhất đó là Nhân quả nên những ai sống biết nhân quả thì hiển nhiên người đó đã là một Phật tử

Một câu trả lời rất là Phật tử, chúc mừng Hùng Thanh đã biết chọn đời sống tâm linh để làm đẹp và phong phú hơn cho cuộc sống thông tục.

Chúng ta cùng nghe những ca khúc thâm trầm, đạo vị của Hùng Thanh qua album “ Giấc Mơ Tự Tại”

MINH MẪN

10/4/2012

THƯ XIN LỖI.


VTC NEWS vừa gửi thư nhận trách nhiệm vụ clip “ Đường Tông ….” Đến với cộng đồng Phật giáo.

Lá thư không đề ngày tháng nên độc giả chẳng biết sự phản tỉnh nầy cấp thời nhận lỗi ngay khi có phản ứng của quần chúng hay mãi đến khi “cứt trâu để lâu hóa bùn” mới xin lỗi cho có lệ.

Tuy nhiên, qua lời lẽ thống thiết, mặc dù có chút ít ăn học nhưng vẫn còn lòng non dạ trẻ nên không tránh khỏi sai sót: …”Ai trong chúng ta cũng mong muốn thể hiện cá tính, nét độc đáo của riêng mình; điều đó càng đúng với sinh viên, những người trẻ mang hoài bảo sáng tạo. Chính vì thế chúng tôi cùng nhau xây dựng nên clip với nội dung là hành trình tìm đến phương thuốc cứu giúp trần gian thoát khỏi tai ương của đại dịch HIV/AIDS . Khi bắt tay thực hiện clip, chúng tôi không hề có ý đụng chạm đến Phật giáo, coi thường Phật pháp, mà chúng tôi chỉ đơn giản muốn đề cập những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản bằng một hình thức mới lạ nhưng cũng rất đổi gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống của mỗi người như bốn nhân vật trên….”đó là những lời biện bạch chân thành từ đáy lòng; chẳng những thế, các em còn cảm thấy shock và rất buồn , suy sụp tinh thần trước những phản ứng gay gắt của quần chúng Phật tử. Đúng như thế, đứng trước một lực lượng quần chúng tôn giáo phản ứng về hành động xúc phạm tín ngưỡng của mình, ai không khỏi “sốt vó”.

Lời cuối cùng của thư xin lỗi ngắn gọn :…”không biết diễn tả thế nào tất cả độc giả có thể hiểu được tâm ý của nhóm chúng tôi, chỉ mong các vị cao Tăng, các Tăng ni, Phật tử và độc giả thông cảm cho sự bồng bột và thiếu suy nghĩ của nhóm. Đức Phật luôn từ bi hỷ xả. Chúng sanh người trần mắt thịt nên khó tránh khỏi sai lầm. Chúng tôi có lỗi và đã nhận thức sâu sắc lỗi lầm của mình. Mong sự rộng lượng tha thứ”

Không biết diễn tả thế nào tất cả độc giả hiểu được tâm ý của nhóm chúng tôi , Đúng là trẻ con, không biết cách diễn tả để mọi người hiểu thông cảm cho mình nhưng lại biết cách chọc giận thiên hạ! lại biết đem cái từ bi hỷ xả của đức Phật ra mà đở đạn vuốt ve! Qua văn bản , vừa nói lên sự chân thành nhận lỗi, vừa tồn tại một bản chất bướng bỉnh của tuổi trẻ ngông cuồng. Dẫu sao, vẫn là “ người trần mắt thịt” mong sự rộng lượng tha thứ của cộng đồng “ mắt thịt người trần”. Thế là “từ bi hỷ xả” cả làng; cũng có chút khôn ngoan đấy. Ai mà nở giận nữa, nhất là những người con Phật!

Clip đáng bị nguyềh rủa bao nhiêu thì lời tạ lỗi cũng đáng được tha thứ thông cảm bấy nhiêu. Một bài học suốt đời không những cho các em sinh viên mà còn cho những ai vì cái quyền uy, bản ngã dám xúc phạm đến đức tin của kẻ khác.

Dẫu sao vẫn là có tiếng nói chính thức xin lỗi của những người không chính thức nêu tên.

MINH MẪN

06/4/2012

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

THÔNG TƯ QUẢN LÝ THÙNG CÔNG ĐỨC

"Có thể ban hành cái gọi là 'thông tư quản lý tiền công đức' hay không?". Thật ngộ nghĩnh và buồn cười khi đọc tựa đề trên ở trang web Chùa Phúc Lâm online dotác giả Quần Anh viết.

Hình như trong xã hội Việt Nam hiện nay không ngày nào mà không có chuyện “chẳng giống ai” xẩy ra như là “chuyện hàng ngày ở huyện”. Trong vòng một tháng, vụ “Đường Tông được đức Phật trao thùng bao cao su” chưa im ắng thì lại có chuyện mới về cung cách quản lý của các cơ quan thẩmquyền và phi thẩm quyền đối với Phật giáo.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị Vụ Kế hoạch - Tài chính tham mưu cho Bộ, phối hợp cùng Bộ Tài chính sớm đưa ra thông tư về quản lý tiền giọt dầu, công đức, cung tiến trong các cơ sở tín ngưỡng, đền chùa, nơi thờ tự. Bộ VH-TT-DL sẽ cho ra đời một văn bản quy phạm pháp luật chỉ áp dụng riêng cho các cơ sở tín ngưỡng dân gian và các cơ sở thờ tự của Phật giáo…

Chuyện nghe như trong mơ hay chuyện vui đùa của bác Ba Phi miền Tây Nam bộ thuở xưa khi trà dư tửu hậu mỗi lúc con nước lên con nước xuống của vùng đồng bằng sông Cửu Long. 37 năm thống nhất đất nước mà chính sách vẫn chưa thống nhất để cho các ông trời con có quyền sinh sát, ai muốn làm gì thì làm. Tác giả viết bài trên đã phân tích cặn kẽ, chúng ta không cần phải nói thêm.

Lạ là Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL lại đòi quyền kiểm soát thùng công đức của chùa thật là lạ. Bộ Giáo thông vận tải tận thu thuế giao thông của dân nghe còn có lý mặc dù chưa ổn, nay ngành Du lịch văn hóa đòi quản lý thùng công đức của chùa mới là chuyện “1001 đêm của Aladin và cây đèn Thần”.

Kiểm soát vàng, kiểm soát Dolla, kiểm soát tiền bá tánh cúng dường rồi sẽ kiểm soát gì nữa??? Mà tại sao chỉ kiểm soát Phật giáo trong khi chính thức bảy tôn giáo hiện hành? Có lẽ các quan lớn không còn chỗ để tận thu nên nhòm ngó đến nhà chùa.

Giờ đây tiền công đức thầy trụ trì cũng không có quyền tự do quyết định, có nghĩa quý sư chỉ là ông từ giữ chùa. Chùa đình miếu mạo là do nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý? Âm điệu nầy nghe quen quen của thời bao cấp!!!

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, đó là bài hát trong quá khứ, hiện tại không cần phải chọn mà nhan nhản trên thông tin báo chí dồn dập những chuyện vui trái khoáy hàng ngày mà người dân không biết mình đang sống thực hay mộng!

Rồi đây, quần chúng sẽ không cúng chùa nữa, vì cúng để các sư tu bổ chùa chiền và tu tập chứ không phải cúng cho những cơ quan phi chức năng quản lý. Các sư tự động sẽ ra ngoài tim việc làm sinh sống, chùa bỏ hoang, thế là khỏi cần dẹp mà tôn giáo tự tiêu diệt. Lúc bấy giờ, chùa chỉ còn là nơi du lịch tâm linh, sẽ không là nơi tu tập tâm linh!?

Ai bảo xã hội ta không có tự do? Người dân muốn phạm pháp cứ phạm, có nhà nước xử lý. Ai muốn vi phạm giao thông cứ phạm, có tiền đóng phạt là được. Các cơ quan ban ngành muốn ra thông tư chỉ thị, quyết định…gì cứ ra theo sự thông minh đột xuất của mình, bất quá xin lỗi, kiểm điểm sửa sai là xong.

Ai muốn mặc đồ sư đi xin ăn mỗi ngày trên các phố, không cần xuất gia thọ giới, cứ mặc, chẳng ai làm gì nhau, tối về tha hồ ăn nhậu. Lũ trẻ vung vít trên mạng, tung hình bậy bạ xúc phạm kẻ khác cũng mặc, không ai khiển trách. Ngay cả sử dụng Đức Phật và Thánh Tăng nhà Đường để quảng cáo bao cao su, quần chúng và GH phản kháng, cũng mặc, không ai có trách nhiệm tháo xuống…

Thế mà bọn Tư bản cứ rêu rao Việt Nam không có tự do!!! Chính vì quá tự do mà ông Thứ trưởng bộ Văn Hóa Huỳnh Vĩnh Ái mới mặc áo qua khỏi đầu như thế, coi chư tôn đức và truyền thống Phật giáo chẳng ra gì, xem thường Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng về tôn giáo hiện hữu.

Hoan hô đỉnh cao trí tuệ Huỳnh Vĩnh Ái.

Minh Mẫn (1/4/2012)