Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010
GIÚP NGƯỜI
GIÚP NGƯỜI,NGƯỜI KHÁC GIÚP TA
KHÔNG AI GIÚP LẠI THÌ TA VẪN LỜI
GIÚP NGƯỜI ĐỪNG THẤY CÓ TA
LỜI KIA SẼ LỚN BẰNG BA TRIỆU LẦN
GIÚP NGƯỜI NHƯ THỂ GIÚP TA
LỜI TUY KHÔNG THẤY NHƯNG MÀ VÔ BIÊN
AI ƠI NÊN CHỌN CÁCH GIÚP NÀO
CÁCH NÀO TIẾN CHẬM CÁCH NÀO MAU
ĐỂ THEO CHÂN PHẬT CHƯ BỒ TÁT
BA CÁCH GIÚP TREN CHỌN CÁCH NÀO
NGHỆ SĨ CAO THÁI
Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010
ĐẤT NƯỚC THANH BÌNH
Thiên hạ chộn rộn mấy hôm trước tết để có mùa Xuân ấm cúng chung vui đoàn tụ. Một năm tất bật để dồn vào ba ngày tết mà trên bàn thờ nhà nhà đầy đủ bánh mứt hoa trái; trẻ con được khoe áo mới; cội mai hãnh diện rải hoa quanh gốc, chồi non vội vả đơm nụ.
Tuy kinh tế có khó khăn trong năm qua, nhưng tết năm nay, Canh Dần vẫn nhộn nhịp tưng bừng. Từ Nam chí Bắc, phố thị đều là chợ hoa.Hoa năm nay được mùa, thế mà giá vẫn không rẻ lắm. Đường Nguyễn Huệ biến thành phố hoa quyến rũ du khách các vùng ngoại ô đổ dồn về thưởng ngoạn suốt tuần trưng bày.Khách ngoại kiều thích thú trước vẻ sáng tạo của những nghệ nhân đổ công trên từng loại bonsai tạo hình. Lúa và cây trái cũng hiện diện giữa thành phố ngàn hoa. Nét đặc biệt của tết cổ truyền năm nay là thế.
Một số tổ chức từ thiện của Phật giáo cũng đem đến từng phần quà cho những người kém may mắn, nếm được vị Xuân.Kẻ không nhà , ngủ hè phố cũng được quý thầy quý cô đến từng chỗ để lì xì, an ủi…Ba ngày tết lặng lẽ trôi qua, nhưng hương Xuân vẫn còn vương vấn trên các ngã đường đất nước.Người dân vẫn thích ra ngoại ô, về vùng quê tận hưởng khí hậu trong lành, du ngoạn để cảm nhận không gian yên bình của đất nước. Những cánh diều lượn gió tung bay trên đồng ruộng. Sông Mỹ Thuận dẫn về các tỉnh miền Tây Nam bộ, khách bộ hành dừng bước giữa cầu đề ngắm nhìn trời chiều, đang bị gió sông nâng tung từng lọn tóc làm dịu hơi nóng suốt ngày cô đặc, tạo cảnh nên thơ duyên dáng cho con cầu cong người vắt qua hai bờ. Những ngày Xuân như thế, người dân mới được thong dong thưởng ngoạn sự an bình của quê hương qua từng phố thị, thôn xóm. Đất nước ta vẫn đẹp và mộng mơ, đã bao phen chinh chiến trải dài theo chiến sử nói lên nét oai hùng của dân tộc. Những lúc ấy, Xuân vẫn về với truyền thống, người dân vẫn đón Tết trong hầm trú ẩn, vẫn nấu bánh giữa đạn bom, vẫn chúc nhau giữa xác người ngổn ngang; mẹ già vẫn gửi quà ra tiền tuyến, em gái hậu phương viết thư chuyển ra trận mạc. Những mái nhà xác xơ trống gió, vẫn có bông trái trên bàn thờ tổ tiên, khói nhang vờn quanh giữa không gian tĩnh lặng. Các vùng quê xa xôi của miền Tây Nam bộ, những căn chòi nằm dọc bờ sông, chỏng trơ khẳng khiu chân cột chống đở tấm sàng cây váng xấp xỉ mặt nước như cố gượng cho tấm thân rách nát đứng vững giữa phong ba; các cụ ông bên bàn tròn nhâm nhi cốc rượu trắng nói chuyện vụ mùa, thời sự; Các bà tụm năm tụm ba bên sòng bài, trẻ em lắc bầu cua cá cọp, thanh niên thiếu nữ dập dìu đường phố.Đình chùa miếu mạo dầy đặc khói nhang chen lẫn hơi người…
Dân tộc ta có bao phen thanh bình sau những cuộc chiến dai dẳng, ngoài thời Trần Lý non 4 thế kỷ an lành, phần lớn đất nước đều bị cày xới bởi đạn bom. Thân thể thanh niên đem ra làm tấm chắn cho làn tên mũi đạn, trẻ con phụ nữ nặng trĩu vành khăn sô. Chính vì thế, dân tộc tôi biết trân quý từng giờ phút bình yên tĩnh lặng, rất hiếu hòa giữa kiếp sống vô thường, rất hiền lành giữa nanh vuốt tham lam từ mọi phía.
Từ ngày thống nhất nước nhà, quê hương vắng tiếng đạn bom, thân thể mẹ không còn cấy vào những mãnh đạn bom cay nghiệt, người dân không còn sống phập phồng lo sợ nạn tai trong nháy mắt. Từ ngày chính sách cởi mở, người dân tự do lập nghiệp, bon chen hưởng thụ, phố thị phát triển, nhà nhà xây dựng, nhưng cũng không ít những mãnh đời bất hạnh, nạn nhân của tham nhũng còn lê lếch kêu oan từ địa phương đến trung ương vì trong nháy mắt, họ trở thành vô sản. Một bộ phận dân chúng vẫn chưa thực sự được sống an lành bởi bạo lực và tệ nạn xã hội. Trong xã hội nào cũng còn rơi rớt những bất cập như thế, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Qua những cuộc lễ hội tết nhất, cơn sóng người túa ra mọi phía chật nghẽn mọi ngả đường, an ninh vẫn được bảo đảm, đó là giai đoạn yên bình của cuộc sống, thể hiện một chút thanh bình trong những giờ phút thiêng liêng của dân tộc. Thanh bình không chỉ có nghĩa chấm dứt chiến tranh, vắng tiếng đạn bom, thanh bình còn bao hàm sự an lành trong cuộc sống cho dù kinh tế có khủng hoảng. Cuộc sống và sở hữu của người dân phải được bảo đảm, luật pháp phải được tôn trọng không chỉ về phía nhân dân mà ngay cả những người có quyền thế, địa vị trong xã hội. Trẻ con có quyền đến trường và vui chơi lành mạnh thì người lớn cũng có quyền hưởng thụ và sở hữu tài sản hợp pháp do mồ hôi nước mắt mình tạo ra. Bệnh nhân có quyền được chăm sóc mà không vì nghèo mà phải chịu rút ống Oxy khi cấp cứu. Giàu nghèo trong xã hội ta chưa quá mức chênh lệc như một số nước, nhưng tiếng nói oan ức của người dân vẫn còn vang vọng, chưa được ai lắng nghe.
Bao giờ người dân ta được hưởng trọn vẹn ý nghĩa của Thanh bình khi mà ta đang thể hiện chủ quyền trên đất nước chúng ta. Một bộ phận dân oan, một bộ phận tôn giáo vẫn đang là tiếng thở dài não nuột của một dân tộc đã từng chịu quá nhiều thương đau trong quá khứ. Đất nước ta, dân tộc ta phải được hưởng một thanh bình trọn vẹn trong tầm tay của chúng ta.Phát triển cơ sở vật chất, hệ thống giao thông chưa đủ chứng minh sự phát triển một đất nước, nếu dân trí và cơm áo không phát triển đồng bộ, quyền lợi người dân không được bảo đảm và mọi tự do trong luật pháp không được thực thi. Những điều nầy không nằm ngoài khả năng của dân tộc.
Hy vọng một đất nước thanh bình sẽ đến thực sự khi lòng dân được thanh bình bởi mãn nguyện những nhu cầu tối thiểu.
MINH MẪN
25/2/10
Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010
IM LẶNG TÔI Ý THỨC
Đang đi trên Linh Thứu
Chợt nhớ Đức Từ Bi
Năm xưa cũng nơi nầy
Sen nở từng bước đi
Bên nầy Xá Lợi Phất
Bên kia Đức A Nan
Sen búp từng cánh nở
Khi các vị ngang qua
Im lặng tôi ý thức
Từng bước chân khoan thai
Như bậc thầy thuở trước
Thân và Tâm không hai.
( Ca sĩ Cao Thái )
Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010
Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010
TRẺ KHÔNG NHÀ
Còn mấy hôm nữa là 30 tết; Mọi người tất bật, nhà nhà chộn rộn, quét dọn, sắm sửa. Từ Thành phố đến thôn quê, xe cộ nhộn nhịp như mắc cửi. Anh chị em nhà nó, mỗi đứa một nơi, nét mặt vẫn hồn nhiên vô tư cứ như lúc còn ở chung nhà với bố mẹ.
Từ lúc bố mẹ đi làm ăn xa, gửi chúng ở lại với gia đình người chú, một cơ ngơi khá đồ sộ, gia sản đó, có một phần của bố mẹ chúng đóng góp xây dựng.Hàng tháng, từ đất khách quê người, bố mẹ vẫn gửi tiền về nuôi bốn đứa chúng nó. Anh em nhà chú nhà bác vẫn thuận hòa vui vẽ, đầm ấm, những gia đình chung quanh nhìn thấy mà ngấm ngầm tỵ hiềm. Gia sản ngày một phát đạt, nhà chú nó cứ muốn tậu thêm nhiều đoàn xe chạy Bắc Nam, muốn có thểm cổ phần đầu tư địa ốc, muốn có nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Chú chúng nó giao thiệp rộng, quen biết nhiều, vì thế một số đại gia, quan chức đều dành một phần hợp tác kinh doanh cho ông ta.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc làm ăn khựng lại, thu nhập ít hơn, vốn hợp tác đầu tư cần thêm, để công ty thoát cơn khủng hoảng, một cổ phần trong công ty gợi ý chú chúng nó kêu gọi bố mẹ chúng rót thêm tiền với lý do phát triển cơ ngơi cho tương lai chúng nó. Bố mẹ chúng tuy sống xứ người, nhưng đâu phải nhà máy in bạc hay giám đốc ngân hàng. Hàng ngày bố đưa công nhân đi cắt cỏ thuê, mẹ chạy hàng cho các shop ở China Town. Tiền thuê nhà, tiền thuế má, bảo hiểm xã hội và đủ mọi thứ, phải ăn nhín nhịn thèm để có dư, gửi về nuôi con ở lại ăn học.Từ khi ông bà nội mất, bố và chú nó đùm bọc thương yêu nhau. Bố mẹ chúng nuôi lớn chú nó, cho chú nó có thêm con chữ, dựng vợ gả chồng cho đến lúc chú thím nó ăn nên làm ra. Cha mẹ chúng vượt biên, gửi lại bốn con; chú thím nghĩ tình ruột thịt, mang ơn ông anh, lại thêm nuôi chứa bốn đứa cháu như giam giữ bốn con tin, làm sao anh chị không gửi tiền về đều đặn nuôi nấng; vì vậy chú thím đối xử anh em nhà nó như khách quý trong nhà.Đám con nhà chú cũng trọng nể, thân thiết chúng như anh em ruột. Chú em ở quê nhà cứ tưởng bố mẹ chúng sung sướng tiền dư của để, lúc thì gợi ý xây thêm nhà cửa cho mỗi đứa, khi thì đề nghị giúp vốn trả nợ, mai đám giỗ ba, mốt xây mộ mẹ, mỗi lần nghe chú thím điện qua là bố mẹ chúng nhót ruột, chuẩn bị vểnh tai nghe kể lể xin xỏ… yêu cầu bị từ khước, chú thím nó đâm ra hận thù bất mãn. Bạn bè làm ăn đốc vào xúi ra; để làm áp lực với bố mẹ chúng, một hôm, chú nó dồn chúng ở chung một căn phòng trên lầu mà trước kia mỗi đứa một chỗ riêng, viện cớ kinh tế khó khăn, cần có phòng cho thuê hoặc phát triển thương vụ. Bắt đầu hạn chế tiêu xài điện nước, bắt chúng nó tự túc gạo cơm. Ngôi nhà bề thế nhất thị trấn, từng là đại gia đình đầm ấm hạnh phúc nhất, giờ đây đã có hai nhà bếp, hai lối sinh hoạt cách biệt. Chúng nó đi về, đều qua ngả thang lầu cập mé vách bên ngoài. Không khí trở nên im ắng khác thường. Mấy đứa con chú nó cũng lạnh nhạt với chúng. Chúng không được xuống nhà dưới để trò chuyện tâm sự với bầy em con nhà chú như trước.
- Tại sao vợ chồng mầy không dám tống khứ chúng đi; nó ỷ bố mẹ nó là Việt kiều, rót tiền về hàng tháng nên chúng bất cần chúng mầy, không thèm hạ mình năn nỉ xin xỏ…Những ông bà xóm giềng đâm vào thọc ra. Họ ghét loại Việt kiều keo kiệt, không hề biết giao hảo quà cáp với những người quanh nhà. Mỗi khi có người về thăm quê, bố mẹ chúng gửi một ít quà về cho chú thím nó, chòm xóm nghe được, bu lại tò mò thăm hỏi, tuyệt nhiên bao năm nay, họ thất vọng cái ông bà Việt kiều chỉ biết có con em họ mà không biết nghĩ đến tình làng nghĩa xóm, tối đèn tắt lửa đều nhờ vả lẫn nhau, mới qua Mỹ mấy năm mà đã ảnh hưởng tính thực dụng kiểu Mỹ, ai ăn nấy trả… Lời ra tiếng vào, chú thím nhà nó nghe cũng bùi tai, mỗi ngày một gay gắt với bốn đứa cháu.
Từ ngày chúng bị cách ly, bố mẹ không gửi tiền qua chú em mà trực tiếp đến bọn nhóc, càng tạo thêm phẩn uất nhà họ chú.
- Ông thấy không, nuôi ong tay áo, vợ chồng mình được lợi gì mà phải è cổ ra đùm bọc chúng nó; người ngoài còn biết lo cho mình, góp ý cho mình chuyện phải chuyện quấy, bố mẹ chúng nó cứ xem mình như nhà giữ trẻ, mỗi tháng thí vài đồng như thế là xong ư! mình đâu cần những đồng tiền lẻ như thế! bằng mọi giá, ông phải tẩn xuất chúng đi cho khuất mắt, bác Tư góp ý như thế là đúng. Bà vợ cứ lải nhải cằn nhằn làm chú nó càng thêm cương quyết.
*
* *
Một buổi sáng, đứa con cả của chú nó, không lớn hơn anh em chúng, mời chúng nó xuống sân, dõng dạc tuyên bố: Chúng mầy, dòng dỏi ăn cháo đá bát, phải cút ngay khỏi nhà tao.Bố mẹ tao không chứa chúng mầy, kỳ hạn một tuần, chúng tao không muốn thấy mặt chúng mầy nữa. Anh em chúng nó im lặng, không hiểu nguyên nhân nào mà chú thím thay đổi thái độ nhanh thế. Những thằng em con nhà chú, từng ngọt ngào thân thiện, được chúng nó giúp đỡ về kỷ thuật vi tính, học hỏi lịch sử và đạo đức dân tộc mà sách giáo khoa không đề cập hết, giờ đây đối xử với chúng nó như kẻ thù xa lạ.Hơn một tuần trôi qua, anh em chúng nó chưa biết phải đi đâu, bố mẹ chúng bảo cứ việc ở đó, thong thả giải quyết, vì mình không phải ăn nhờ ở bám.
Cơn mưa đầu mùa như trút cơn giận, vườn tược ngả đổ cây cối, bầu trời xám xịt như vừa quét một lớp sơn màu gam tối, anh em chúng ngồi dồn vào một góc, tránh cơn thịnh nộ của những đứa em con chú đang hùng hổ ném đồ của anh em chúng nó xuống sân, mắng chửi tục tĩu vào mặt chúng nó: - Mặt mo chúng mầy lì lợm, muốn chiếm gia sản nầy ư?không dễ đâu, bà con xóm làng không ai ưa chúng mầy thì làm sao bố mẹ tao chấp nhận chúng mầy…một thằng nhảy vào nắm tay lôi anh em chúng nó như muốn hành hung thách đố, đứa khác lại can ngăn, nhưng bọn chúng cũng tặng được một quả thu lôi vào mặt thằng em chúng nó. Chúng đập vỡ đồ đạt, nồi niêu soong chảo bẹp dúm, điện nước tắt nguồn, chúng mở toang cửa cho mưa tạt vào đầy phòng. Thế mà anh em chúng nó ngồi co ro không phản ứng, không buồn phiền như kẻ vô sự.
Một tuần trôi qua, chú thím nó không nghe sự phản ứng từ bên kia đại dương, không ai hậu thuẩn yểm trợ anh em bọn chúng, nhưng cũng chẳng biết phải xử lý thế nào trước thái độ an nhiên tọa thị của bọn trẻ lạ lùng như thế. Ông Tư lối xóm theo dỏi kỷ cuộc xô xát đơn phương không kết quả, bèn mời chú thím nó qua nhà bàn mưu tính kế.
- Dẫu cho bố mẹ chúng nó bỏ vào đây bạc tỷ, cũng là nhà của anh chị, tài sản của con cái anh chị, chúng nó phải ra đi tay không vì không có giấy tờ chứng minh sở hữu chủ bất động sản. Chúng ở càng lâu thì anh chị càng khó giải quyết, nếu nể tình ruột thịt không mạnh tay, hãy để bà con chúng tôi giúp đỡ, chi phí đó anh chị phải chịu, có đáng là bao so với tài sản của anh chị và sự phiền phức đang bủa vây gia đình anh chị, nếu ông bà không nghe tui thì hậu quả thế nào, đừng cầu cứu bọn tui.
Vừa mệt mỏi, vừa bị chòm xóm làm áp lực tâm lý, lỡ phóng lao phải theo lao. Chú thím chúng nó giao phó giải quyết nội bộ cho ông Tư. Một số bà con ở xa hay chuyện, tỏ ra bất mãn chú thím chúng nó, nhưng chú nó tự nhủ: bán bà con xa mua láng giềng gần.
*
* *
Gà vừa gáy canh tư, tiếng chó đầu xóm vang dậy, trời vẫn còn lất phất mưa bụi; dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn ngoài sân, anh em chúng nó nhìn xuống, thấy đông người lao nhao, tay dao tay gậy đang chờ lệnh tấn công.
*
* *
Nhà ông Sáu tuy chật hẹp, nhưng anh em chúng nó vẫn vui vẻ sống tạm. Bà Sáu nói với chồng, người ta bị hất hủi, cùng đồng bào ruột thịt sao mình không biết thương nhau. Nâng đỡ kẻ hoạn nạn là đạo lý của dân tộc, mình không vì bố mẹ chúng là Việt kiều mà vì chúng là lũ trẻ vô tội, ngoan hiền mà trẻ con ngày nay ít được như thế. Tiếng gõ cửa dồn dập, tuy chưa đến 8 giờ tối mà thị trấn lặng chìm vào bóng đêm, lâu lắm, nhà ông Sáu chưa bị ai làm phiền về đêm như thế. Bà Sáu rón rén mở cửa: Chào anh Tư, đi đâu mà đêm hôm thế nầy.? – Tôi báo cho anh chị biết, chứa chấp lũ trẻ nầy có nghĩa là bỉ mặt chúng tôi, nhất là chú thím nó. Ruột thịt chúng nó không chứa, anh chị phải biết lý do thế nào rồi, anh chị có dụng ý nào mà chứa chúng nó.Chúng nó cư trú không hợp pháp, anh chị biết chứ! Nếu xẩy ra chuyện bất trắc nào, anh chị chịu trách nhiệm trước pháp luật.Để chúng ở đây có ngày chúng cướp nhà anh chị. Chị Sáu đáp:– Nhưng đêm hôm mưa gió thế nầy, đuổi chúng nó đi đâu, phải cho chúng nó thời gian để tìm chỗ, giải quyết có tình có lý chứ sao lại khăng khăng như vậy?-Ông Tư cứng rắn bảo: -tôi báo cho anh chị biết, không quá ba ngày, chúng tôi không muốn thấy chúng nó ở trong thị trấn nầy.
*
* *
Anh em chúng nó đáp chuyến xe sớm về vùng kinh tế mới, người quen mà ngày xưa có lần bố mẹ đưa đến giới thiệu.Khu đất rộng thoáng, lúp xúp những cây khoai mì, những luống khoai lang vàng vọt lá giữa rừng hoang nắng hóc, thế mà anh em chúng cảm thấy sung sướng như uống được ngụm nước mát giữa trưa hè. Căn nhà tranh nằm giữa khu đất trống, xa xa là cánh rừng chưa khai phá. Tiếng chim và cây lá xào xạc gió như xua tan mọi biến cố vừa qua. Cảnh trí tĩnh lặng quá, anh em chúng nó đi lại, nói năng khẽ khàng như sợ làm giao động không gian. Chúng mót củi ngoài rừng về đun nồi khoai mì. Ông chủ nhà ra chợ, cách nhà hơn 2km mua ít đồ cần dùng về cúng giao thừa. Vợ và con ông mất hơn hai năm sau khi bị sốt rét rừng; anh em chúng nó về tạm cư cũng là lúc ông cảm nhận được sự ấm cúng của năm cùng tháng tận, ông vui lắm, nhiệt tình giúp đỡ nhưng nhà chẳng có gì đáng để đãi khách.Phố chợ nhộn nhịp đã mang sinh khí tết về sớm hơn; người người tay quà, tay bánh chuẩn bị sắc màu cho ba ngày Xuân. Riêng ông, cảm thấy tủi thân, đơn độc khi cầm nhánh hoa và bịch muối lạc lỏng giữa chợ đời bon chen khoe sắc; nhưng chắc chắn ông sẽ vui hơn khi dang tay giúp đỡ những mãnh đời cơ nhỡ như anh em chúng nó.
Trời bắt đầu tắt nắng, ông vừa về tới, con chó cỏ chạy ra ríu rít mừng. Anh em chúng nó dọn khoai lên tấm gỗ kê bốn cục gạch làm bàn, để trước sân nhà. Trên bàn Thiên bắt đầu vờn khói từ cây nhang bổi. Ông và anh em chúng ngồi nhìn bầu trời đen nhấp nháy sao. Chúng kể cho ông nghe sự cố vừa qua, ông chép miệng: sao ruột thịt đối xử với nhau tàn tệ thế, họ chưa đến nỗi đói nghèo mà!
*
* *
Chú thím và bầy em con chú làm tiệc ăn mừng, tạ ơn ông Tư, nhưng bà con lối xóm hiểu chuyện lại nhìn họ bằng cặp mắt lạnh lùng mất thiện cảm. Gặp mặt nhau họ thường lãng tránh, không vồn vả chào hỏi như xưa. Họ không giàu bằng chú thím nó nhưng họ kinh tởm sự giàu sang như thế. Thiên hạ bàn tán xôn xao về việc chiếm của đuổi ruột thịt. Ông Tư phân trần: Đó là chuyện nội bộ gia đình của ông bà ấy, chúng tôi chỉ giúp đỡ vì tình làng nghĩa xóm để ổn định địa phương đón Xuân được bình an thôi.
Nhạc Xuân rộn rã khắp nơi; gia đình đã thắp nhan trước bàn thờ tổ tiên, chú của chúng nó cảm thấy hổ thẹn khi đứng trước vong ảnh của ông bà nội bầy trẻ; ông vừa cắm cây nhang,lâm râm tạ tội: Bố mẹ hiểu cho con, không phải con muốn những đứa cháu của bố mẹ và anh em của con phải chia lìa cốt nhục, do bước đầu vụng tính vì tự ái, bị kẻ ngoài xúi dục. Con đâu nghĩ sự thể đưa đến hậu quả đoạn tình máu mủ như thế; gia tộc ta ngàn đời trên dưới một lòng, chưa bao giờ xâu xé nhau, giờ đây con không còn mặt mũi nào nhìn bà con, ngay cả người dưng cũng kinh tởm biếm nhẽ. Nơi cao thiêng, cha mẹ tha thứ cho con…
*
* *
Lời chúc Xuân đón giao thừa của lãnh đạo nhà nước vang vọng từ chiếc TV, lấn át cả tiếng khấn của ông ta. Gia Đình cứ ngỡ ông đang cáo tế Thổ địa về sự thành công vừa rồi để gom lại tài sản về một mối. Bây giờ ông ta mới cảm nhận được nỗi trơ trọi mất mát lớn hơn cái sợ mất mát về tài sản. Cơ ngơi mênh mông đã vắng tiếng cười. Xuân năm nay, gia đình không rộn ràng đông đảo như những năm qua. Bốn đứa cháu có được mùa Xuân hạnh phúc như xưa? Chả lẽ người dưng lại tốt bụng chứa chúng nó trong những giờ phút giao hòa của đất trời!!!
Bên ngoài, một con chim lẻ loi kêu sương giữa vòm trời đen tối, vừa bay qua.
MINH MẪN
06/01/10